TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 49
  • Hôm nay: 899
  • Tháng: 7638
  • Tổng truy cập: 5140957
Chi tiết bài viết

Tìm giải pháp giảm suy kiệt nguồn nước ở Tây Nguyên (Tiếp theo và hết)(★)

Bài 2: Phải coi nước là tài nguyên quý hiếm

Người dân ở xã Ia Dơk, huyện Ðức Cơ (Gia Lai) lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho cây hồ tiêu. Ảnh: LÊ NAM

Ðể chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên, các cơ quan chức năng cần khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm; nghiên cứu giải pháp phù hợp nhằm tái tạo nguồn nước. Và hơn hết là thay đổi tư duy, cần phải coi nước là một tài nguyên quý hiếm.

Tây Nguyên mỗi năm thiếu hàng tỷ m3 nước

Tây Nguyên là nơi khởi nguồn của nhiều hệ thống sông, suối lớn chảy xuống đồng bằng ven biển khu vực Nam Trung Bộ, Ðông Nam Bộ và Cam-pu-chia. Tổng lượng mưa trung bình ở các tỉnh Tây Nguyên khoảng hơn 81 tỷ m3 nước/năm, trong đó cung cấp cho dòng chảy mặt 50,2 tỷ m3/năm, cho dòng chảy ngầm khoảng 6,6 tỷ m3/năm. Do đặc thù địa hình, các sông, suối khu vực Tây Nguyên có độ dốc lớn, dạng bậc, nhiều thác ghềnh, cho nên trong hơn 20 năm qua, vùng đất này đã trở thành “đại công trường” xây dựng các dự án thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chỉ tính đến năm 2012, trên các hệ thống sông chính đã có tới 287 dự án thủy điện, với tổng công suất gần 7.000 MW. Bình quân mỗi MW điện sản xuất được tại khu vực này đã làm ảnh hưởng đến 4,08 hộ dân, trong đó phải di dời 0,94 hộ và chiếm dụng khoảng 10,53 ha đất các loại. Ngoài ra phải sử dụng hơn 10.371 ha đất để bố trí tái định cư, định canh cho người dân trong vùng dự án.

Việc phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện trên hệ thống các sông ở Tây Nguyên là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước mặt tự nhiên bị chia cắt, phân mảnh và giảm sút. Ngoài ra, quá trình mở rộng diện tích cây công nghiệp cần nhiều nước tưới như cà-phê, cao-su, hồ tiêu… cũng dẫn đến tình trạng chặt phá rừng diễn ra nghiêm trọng trong những năm vừa qua. Vào mùa khô 2015 - 2016, Tây Nguyên phải hứng chịu đợt khô hạn lịch sử trong vòng hơn 20 năm qua. Hệ thống sông, suối, hồ chứa... cạn kiệt, do không có rừng giữ nước, cho nên mực nước ngầm giảm sâu đến mức khó có thể khai thác phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chưa kể tưới cho cây nông nghiệp, công nghiệp. Ðã có hơn 160 nghìn ha cây trồng bị thiệt hại và hàng nghìn héc-ta cà-phê, hồ tiêu... mất trắng.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, toàn vùng Tây Nguyên đang thiếu khoảng 5 tỷ m3 nước/năm và đến năm 2030 sẽ thiếu 5,5 tỷ m3 nước/năm. Ngoài sự phân bố lượng nước không đồng đều giữa mùa mưa và mùa khô, khả năng trữ nước kém của loại đất vùng Tây Nguyên cộng với việc mỗi năm hàng chục nghìn héc-ta rừng Tây Nguyên bị mất đi, đã khiến nguồn nước ngày càng bị đe dọa.

Ngoài ra, một điều đáng nói nữa ở đây do tập quán canh tác, người dân trồng cà-phê, tiêu… có thói quen tưới lãng phí nước. Bởi theo quan điểm của người dân, các cây công nghiệp là cây cần nhiều nước và phải tưới sao cho thật “đẫm” mới thấy yên tâm. Trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn nước mặt cũng như nước ngầm suy giảm nghiêm trọng đã dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, năng suất cây trồng lại giảm. Thêm vào đó, giá hồ tiêu, cà-phê giảm sút khiến người trồng thua lỗ.

Nhằm khắc phục tình trạng sử dụng nguồn nước một cách lãng phí, các địa phương cần ưu tiên đầu tư, sớm tu bổ những công trình hồ chứa vừa và lớn để giải quyết cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt. Ðồng thời hỗ trợ các dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, nhất là đối với rừng đầu nguồn các lưu vực sông để bảo đảm nguồn sinh thủy, chống bồi lắng lòng hồ; hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, nâng cao hệ số sử dụng công trình, đáp ứng nguồn nước cho sản xuất. Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chuyển giao công nghệ tưới tiết kiệm (nhất là tưới cho cây cà-phê) cho doanh nghiệp, người dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Trương Phước Anh cho biết, tỉnh đang tăng cường công tác quản lý nguồn nước, nhất là nguồn nước mặt, nước ngầm, theo quy định và theo Luật Tài nguyên nước; ban hành các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm trong lĩnh vực tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các loại cây trồng, trong đó có cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, để bảo vệ nguồn nước và phục vụ sản xuất đạt hiệu quả.

Ứng xử với tài nguyên quý hiếm

Ðể tái tạo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch xây dựng những công trình thủy lợi lớn, nhất là các hồ chứa; tận dụng các nguồn nước để xây dựng các hồ trữ nước, kết nối hồ… nhằm bảo đảm tưới ổn định và có nguồn nước để chống hạn khi hạn hán xảy ra tại Tây Nguyên. Cụ thể, toàn vùng Tây Nguyên cần nâng cấp, sửa chữa 726 công trình thủy lợi phục vụ tưới cho 97.987 ha lúa, 125.799 ha cà-phê, còn lại là hoa màu và cây khác; xây dựng mới 1.442 công trình và cụm công trình gồm 1.029 hồ chứa, 278 đập dâng, 86 trạm bơm, 49 cụm công trình phục vụ tưới 293.264 ha đất canh tác. Ngoài ra, công tác dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước trong công trình thủy lợi cấp nước cho nông nghiệp và dân sinh phải được đặc biệt chú trọng.

Theo đánh giá của Quyền Viện trưởng Viện Khoa học - Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên Trương Hồng thì hiện nay, cùng với việc tích cực nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên, các cơ quan chức năng cũng đang thực hiện các biện pháp ứng phó mà trước hết là các biện pháp chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Ðiển hình, để đối phó biến đổi khí hậu, hiện nay, ngành nông nghiệp đang tích cực áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đưa mô hình tưới tiết kiệm nước vào phục vụ sản xuất; đồng thời tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp quy hoạch tổng thể vùng sản xuất, cùng những giải pháp nhằm phát triển bền vững cho nền nông nghiệp. Ðặc biệt, đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng, siết chặt quản lý rừng, đầu tư trồng rừng cũng như các dự án trồng cây xanh, các biện pháp quản lý hệ thống thủy lợi, chủ động nguồn nước chống hạn và thoát lũ...

Trong sản xuất nông nghiệp, để thích ứng với tình trạng nguồn nước tưới ngày càng cạn kiệt, cần chủ động xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp, xây dựng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường hệ thống tưới tiêu và các biện pháp chống chịu với ngoại cảnh khắc nghiệt; sử dụng các giống kháng, chịu hạn, giống ra hoa nhiều lần (đối với cây điều); bố trí thời vụ thích hợp để tránh hạn, né lũ. Ðối với cây cà-phê, cần quan tâm sử dụng bộ giống chín muộn để không những tăng năng suất, chất lượng mà còn giảm áp lực tưới nước, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và giảm chi phí đầu vào. Với cây hồ tiêu, cần khuyến cáo trồng trên cây choái sống để góp phần hạn chế phá rừng; tăng tính bền vững trong quá trình sản xuất; áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm và bón phân qua hệ thống tưới để giảm chi phí đầu tư, đồng thời cũng góp phần sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngoài ra, tùy theo đặc thù và điều kiện kinh tế, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm trên các loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Trương Phước Anh, tính đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích lắp đặt tưới tiết kiệm trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 9.000 ha, chiếm 5,2% tổng diện tích 175 nghìn ha cây trồng.

Nguyên nhân là do trên thực tế, việc lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm mới chỉ được ghi nhận hiệu quả cho việc tiết kiệm nước và công vận hành, còn các ưu điểm khác như: tiết kiệm phân bón, tiết kiệm thuốc bảo vệ thực vật, gia tăng năng suất, gia tăng chất lượng nông sản… thì chưa được các đơn vị nghiên cứu và người dân quan tâm đánh giá cụ thể. Ðiều này dẫn đến tính ưu việt của công nghệ tưới tiết kiệm nói chung chưa nổi bật so với công nghệ tưới truyền thống.

Mặt khác, nguy cơ của việc thiếu nước và cần phải tiết kiệm nước chưa được người dân quan tâm do thói quen tập quán canh tác trước đây, vẫn còn tư tưởng chờ vào nguồn nước thủy lợi, nguồn nước tự nhiên. Nhà nước cần đầu tư nguồn kinh phí thỏa đáng và mang tính chiến lược cho nghiên cứu khoa học công nghệ nông nghiệp thông qua các chương trình, dự án trong việc chọn tạo giống kháng, chịu hạn, giống kháng, chống chịu sâu bệnh; xây dựng các phần mềm quản lý canh tác, dự tính, dự báo sâu bệnh, thiên tai, nghiên cứu về các giải pháp canh tác tổng hợp cho từng loại cây trồng, trên từng vùng sinh thái theo hướng thích ứng cao với biến đổi khí hậu. Trước mắt, ưu tiên tập trung nghiên cứu canh tác cà-phê, hồ tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu.

NGỌC HÒA và LÝ TẠO - Theo NhanDan

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness