TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 73
  • Hôm nay: 350
  • Tháng: 7089
  • Tổng truy cập: 5140408
Chi tiết bài viết

Tòa án tối cao tiếp tục đề xuất 18 án lệ

Cổng thông tin điện tử Tòa án tối cao vừa đăng tải dự thảo 18 án lệ và 18 bản án, quyết định được Hội đồng thẩm phán lựa chọn làm nguồn phát triển thành án lệ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia góp ý... 

Thông tin về án lệ trên cổng thông tin điện tử của Tòa án tối cao,

mời người dân đóng góp ý kiến. Ảnh chụp màn hình.

Trong số 18 dự thảo án lệ vừa công bố có 1 án hành chính (khiếu kiện quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất); 5 án hình sự (lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giết người, vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cướp giật tài sản); và 12 án kinh tế dân sự (liên quan đến tranh chấp hợp đồng tín dụng, tranh chấp đất đai, quyền thừa kế...).

Trước đó, ngày 6-4-2016, Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao đã thông qua 6 bản án lệ và yêu cầu các tòa án trên toàn quốc có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng trong xét xử kể từ ngày 1-6.

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Theo Nghị quyết số 03 (2015) của Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao và Quyết định số 220 (2016) của Chánh án Tòa án tối cao về việc công bố án lệ, thì khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau.

Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của tòa án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của tòa án; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của tòa án.

Thẩm phán, hội thẩm không áp dụng án lệ chỉ khi: (i) có sự thay đổi của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp; (ii) Do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp.

Nội dung sáu án lệ đã công bố

1. Án lệ số 01/2016/AL (nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 04/2014/HS-GĐT ngày 16-4-2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao về vụ án “Giết người” đối với bị cáo Đồng Xuân Phương, sinh năm 1975, Thành phố Hải Phòng).

Khái quát nội dung:

Trong vụ án có đồng phạm, nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người chủ mưu là chỉ thuê người khác gây thương tích cho người bị hại mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ (người chủ mưu chỉ yêu cầu gây thương tích ở chân, tay của người bị hại mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể có khả năng dẫn đến chết người); người thực hành cũng đã thực hiện theo đúng yêu cầu của người chủ mưu; việc nạn nhân bị chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người chủ mưu thì người chủ mưu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”.

2. Án lệ số 02/2016/AL (nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 27/2010/DS-GĐT ngày 8-7-2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản” tại tỉnh Sóc Trăng giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thảnh với bị đơn là ông Nguyễn Văn Tám).

Khái quát nội dung:

Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người ở trong nước đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ mình, khi giải quyết tranh chấp thì tòa án phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất cho người đứng tên hộ.

Trường hợp không xác định được chính xác công sức của người đó thì cần xác định người thực chất trả tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ có công sức ngang nhau để chia phần giá trị chênh lệch tăng thêm so với tiền gốc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ban đầu.

3. Án lệ số 03/2016/AL (nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 208/2013/DS-GĐT ngày 3-5-2013 của Tòa dân sự TAND tối cao về vụ án “Ly hôn” tại Hà Nội giữa nguyên đơn là chị Đỗ Thị Hồng với bị đơn là anh Phạm Gia Nam).

Khái quát nội dung:

Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất.

4. Án lệ số 04/2016/AL (nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 04/2010/QĐ-HĐTP ngày 3-3-2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” tại Thành phố Hà Nội giữa nguyên đơn là bà Kiều Thị Tý, ông Chu Văn Tiến với bị đơn là ông Lê Văn Ngự).

Khái quát nội dung:

Trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người còn lại không ký tên trong hợp đồng; nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì thì phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất.

5. Án lệ số 05/2016/AL (nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 39/2014/DS-GĐT ngày 9-10-2014 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” tại TP.HCM giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thưởng, bà Nguyễn Thị Xuân với bị đơn là ông Nguyễn Chí Trải, chị Nguyễn Thị Thúy Phượng, bà Nguyễn Thị Bích Đào).

Khái quát nội dung:

Trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế, có đương sự thuộc diện được hưởng một phần di sản thừa kế và có công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế nhưng không đồng ý việc chia thừa kế (vì cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế), không có yêu cầu cụ thể về việc xem xét công sức đóng góp của họ vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế;

Nếu tòa án quyết định việc chia thừa kế cho các thừa kế thì phải xem xét về công sức đóng góp của họ vì yêu cầu không chia thừa kế đối với di sản thừa kế lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức.

6. Án lệ số 06/2016/AL (nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 100/2013/GĐT-DS ngày 12-8-2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về vụ án “Tranh chấp thừa kế” tại Hà Nội, giữa nguyên đơn là ông Vũ Đình Hưng với bị đơn là bà Vũ Thị Tiến (tức Hiền), bà Vũ Thị Hậu.

Khái quát nội dung:

Trong vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, nếu tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp, thu thập chứng cứ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những người đó thì tòa án vẫn giải quyết yêu cầu của nguyên đơn; nếu xác định được di sản thừa kế, diện hàng thừa kế và người để lại di sản thừa kế không có di chúc thì giải quyết việc chia thừa kế cho nguyên đơn theo quy định của pháp luật; phần tài sản thừa kế của những người vắng mặt, không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho những thừa kế vắng mặt.

Theo Thesaigontimes

 

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness