TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 59
  • Hôm nay: 975
  • Tháng: 7714
  • Tổng truy cập: 5141033
Chi tiết bài viết

TP.HCM: Ai “bảo kê” để doanh nghiệp cho thuê đất vàng trục lợi?

Ngày 1/6, Công ty TNHH Thành Bưởi vẫn tổ chức đưa, đón khách bình thường tại số 419 Lê Hồng Phong.

TP.HCM: Ai “bảo kê” để doanh nghiệp cho thuê đất vàng trục lợi?

Ngoài khu đất mà Thành Bưởi thuê làm bến xe, bên trong khuôn viên Công ty CP Giày Sài Gòn

cũng được Thành Bưởi sử dụng để đỗ xe khi chờ xuất bến.

Được Nhà nước cho thuê hơn 10.000m2 đất vàng tại quận 10 với giá bèo, khi Công ty CP Giày Sài Gòn “chết yểu”, đã cho doanh nghiệp khác thuê lại trái phép để trục lợi hàng tỷ đồng, nhưng vẫn chây ì nghĩa vụ với Nhà nước. Sai phạm này được phát hiện từ lâu nhưng chưa được xử lý.

Cho thuê trái phép để trục lợi

Công ty CP Giày Sài Gòn là doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa, tiền thân là Công ty Giày Ba Ta thuộc Bộ Công nghiệp. Sau cổ phần hóa, Công ty CP Giày Sài Gòn được sử dụng hơn 10.000m2 đất tại 419 Lê Hồng Phong, quận 10, TP HCM theo hợp đồng thuê của Nhà nước (kế thừa từ Công ty Giày Ba Ta), trả tiền hàng năm, để làm văn phòng, nhà xưởng sản xuất giày dép, túi xách. Giá thuê đất hàng năm Công ty CP Giày Sài Gòn phải trả cho Nhà nước chỉ 100.000 đồng/m2/năm. Điểm đáng chú ý, giá thuê siêu rẻ cho khu đất vàng này được áp dụng từ năm 2007 và giữ nguyên suốt 10 năm qua.

Sau cổ phần hóa, công ty làm ăn thua lỗ, hết năm 2015, Công ty CP Giày Sài Gòn chỉ còn hơn 650 người lao động. Đến cuối năm 2016, Công ty CP Giày Sài Gòn chỉ còn 16 nhân viên. Công ty đã ngừng hoạt động các ngành nghề truyền thống, cho công nhân nghỉ việc. Đến cuối năm 2016, Công ty CP Giày Sài Gòn vẫn nợ hơn 16 tỷ đồng tiền trợ cấp thôi việc cho cán bộ, công nhân viên.

Với hình thức thuê đất trả tiền Nhà nước hàng năm như trên, theo quy định của pháp luật, Công ty CP Giày Sài Gòn không được cho thuê lại hoặc sử dụng đất sai mục đích. Nhưng Công ty CP Giày Sài Gòn bất chấp quy định, để Công ty TNHH Thành Bưởi sử dụng trái phép 4.500m2 đất của Nhà nước kinh doanh vận tải và thu lợi bất chính hơn 400 triệu đồng/tháng (chỉ tính theo Hợp đồng trả cho Công ty CP Giày Sài Gòn). Nghiêm trọng hơn, trong khi đang sử dụng đất sai mục đích, thu lợi bất chính, nhưng tính đến 31/12/2016, Công ty CP Giày Sài Gòn vẫn nợ tiền thuê đất của Nhà nước gần 13 tỷ đồng. Đáng lưu ý, việc Công ty CP Giày Sài Gòn lại cho Công ty TNHH Thành Bưởi thuê lại (dưới hình thức liên danh) để làm bến xe, gây mất trật tự, ATGT, khiến người dân bức xúc.

Trước các hành vi sai phạm nghiêm trọng trên, UBND quận 10 đã kiểm tra, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính với Công ty CP Giày Sài Gòn, buộc công ty này nộp lại số tiền thu lợi bất chính, đề nghị UBND TP HCM thu hồi đất của Công ty CP Giày Sài Gòn, xóa sổ bến xe Thành Bưởi. Theo UBND quận 10, nhu cầu xây dựng trường học cho các cháu trên địa bàn đang rất bức bách, Nhà nước cần thu hồi lại đất của Công ty CP Giày Sài Gòn để làm trường học.

Vì sao chưa xử lý?

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dư Duy Quang, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, trên cơ sở đó kết quả kiểm tra của quận 10, ngày 4/11/2016 UBND TP đã có Văn bản 6301 giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên ngành tiến hành thanh tra việc quản lý sử dụng đất của Công ty CP Giày Sài Gòn.

Theo ông Quang, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập đoàn thanh tra để kiểm tra đơn vị này. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm, ngày 27/2 đoàn thanh tra đã có Văn bản 104 yêu cầu Công ty CP Giày Sài Gòn phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm và khẩn trương đưa đất vào sử dụng đúng mục đích. Trường hợp công ty tiếp tục vi phạm sẽ bị xem xét thu hồi theo quy định. Ngày 20/5, UBND TP đã có Văn bản 3051 thống nhất kết luận thanh tra.

Đồng thời, UBND TP chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm yêu cầu Công ty CP Giày Sài Gòn sử dụng đúng mục đích đã được xác định, chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Sở sẽ phải theo dõi thường xuyên cập nhật việc chấp hành pháp luật đất đai của công ty này. Trong trường hợp công ty này tiếp tục vi phạm Luật Đất đai, UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét không thực hiện gia hạn sử dụng đất và thu hồi.

“Trong tuần này, đoàn thanh tra sẽ tiến hành kiểm tra việc Công ty CP Giày Sài Gòn đã chấm dứt hành vi vi phạm hay chưa để trên cơ sở đó xử phạt. Và nếu tiếp tục không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, sẽ thu hồi”, ông Quang khẳng định.

Theo khảo sát của PV đến ngày 1/6, Công ty TNHH Thành Bưởi vẫn tổ chức đưa, đón khách bình thường tại số 419 Lê Hồng Phong, không có dấu hiệu thực hiện chỉ đạo theo kết luận của thanh tra.

Theo luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM), đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần ngăn chặn ngay. Nếu các hành vi này không được cơ quan chức năng xử lý nghiêm, đất đai của Nhà nước không được thu hồi, thì nguồn lực thực tế của Nhà nước, xã hội thất thoát rất lớn.

“Trong trường hợp này, Công ty CP Giày Sài Gòn đã sai phạm nhiều năm là tại sao? Liệu có lợi ích gì của những cán bộ Nhà nước trong vấn đề quản lý tài nguyên đất của Nhà nước hay không? Và rõ ràng cơ quan quản lý là Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phải có một phần trách nhiệm. Đây là sai phạm có tính dây chuyền. Công ty CP Giày Sài Gòn không chỉ nộp phạt là xong mà phải chấm dứt hành vi sai phạm. Song song đó, phải tiến tới việc thu hồi đất theo đúng quy định. Ngoài ra, cũng phải tính toán những thiệt hại của Nhà nước trước những sai phạm này”, luật sư Ly Tao khẳng định.

Trong buổi gặp gỡ các trí thức của TP.HCM mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện cơ cấu sử dụng đất của TP.HCM chưa hợp lý, nếu chuyển đổi 1/3 đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, dịch vụ thì GDP tăng thêm 2,73 lần. Từ vụ việc này cho thấy, chỉ cần cơ quan chức năng của TP.HCM làm hết trách nhiệm, quản lý hiệu quả đất đai, kiên quyết thu hồi đất sai phạm để khai thác quỹ đất hiệu quả, thì GDP thành phố còn tăng thêm nhiều lần.

Theo Giao Thông

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness