TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 80
  • Hôm nay: 1023
  • Tháng: 7762
  • Tổng truy cập: 5141081
Chi tiết bài viết

Trí tuệ nhân tạo len lỏi vào cuộc sống

Ở Việt Nam, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được ứng dụng trong các lĩnh vực, như y tế, tài chính-ngân hàng, giáo dục, giao thông và trong tương lai sẽ còn nhiều lĩnh vực khác nữa.

Các bệnh viện ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Phú Thọ, đã ứng dụng các thiết bị, hệ thống sử dụng công nghệ AI để tối ưu hóa hoạt động cung như công tác khám và điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Thái Khang

Dựa trên việc ứng dụng AI trong các ngành, lĩnh vực ở Việt Nam hiện nay, các chuyên gia dự báo công nghệ ngày sẽ nhanh chóng len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống trong thời gian tới. AI không chỉ được ứng dụng tại các công ty lớn mà còn được sử dụng tại các cửa hàng nhỏ, các siêu thị, toà nhà, các gia đình.

Ứng dụng đa dạng

Nhận xét về những ứng dụng của AI, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT, cho biết công nghệ AI đang được ứng dụng khá rộng rãi. Nó hỗ trợ việc chẩn đoán y khoa thông qua phát hiện các biến chứng dựa trên dữ liệu từ bệnh nhân, xác định sớm bệnh; tự động hóa khâu giao hàng, kiểm soát giao thông, camera giám sát trong ngành giao thông; giúp cá nhân hóa quá trình thiết kế, sản xuất, dự đoán nhu cầu khách hàng, quản trị hàng tồn trong ngành bán lẻ và tiêu dùng. Ngoài ra, công nghệ này còn được triển khai trong các ngành công nghệ ô tô, truyền thông (cá nhân hóa quá trình tạo nội dung, tiếp thị và quảng cáo).

Trong lĩnh vực y tế, từ tháng 2-2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã ứng dụng AI vào việc điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện này sử dụng hệ thống phần mềm IBM Watson for Oncology do tập đoàn IBM (Mỹ) phát triển từ nền tảng AI nhằm giúp bác sỹ trong việc đưa ra các phác đồ điều trị ung thư dựa trên cơ sở dữ liệu số gồm hàng triệu bệnh án và tài liệu y khoa trên thế giới. Theo bác sĩ Trần Xuân Vĩnh, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Ung bướu – Hóa trị liệu của bệnh viện, IBM Watson for Oncology đã hỗ trợ được 13 bệnh ung thư phổ biến, trong đó có ung thư vú, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư bàng quang, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư gan và ung thư tuyến giáp. “Với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, IBM Watson for Oncology đưa ra nhiều phác đồ điều trị khác nhau và có hỗ trợ sự so sánh các phác đồ dựa vào những tài liệu, nghiên cứu y khoa được kiểm chứng bởi các chuyên gia hàng đầu về ung thư trên thế giới. Bác sĩ có thể dựa vào đó để lựa chọn được phác đồ phù hợp nhất cho từng bệnh nhân cụ thể”, ông Vĩnh nói.

Không chỉ trong lĩnh vực y tế, công nghệ AI cũng đã được ứng dụng tại các ngành ngân hàng ở Việt Nam.

TPBank là một trong những ngân hàng đầu tiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ khách hàng. Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết, việc ứng dụng AI và dữ liệu lớn nằm trong chiến lược phát triển ngân hàng số của ngân hàng này và cũng là xu hướng chung trên thế giới. TPBank đã sử dụng trợ lý ảo có tên gọi là T'Aio trên Facebook Fanpage từ cuối năm 2017 nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng. Khi nhận được câu hỏi từ khách hàng, T'Aio sẽ phân tích các câu trả lời có sẵn trong hệ thống dữ liệu để phản hồi khách hàng và nếu dữ liệu có sẵn không đủ thì T'Aio sẽ kết nối với tư vấn viên. T'Aio có thể đáp ứng các câu hỏi liên quan đến tài khoản thanh toán, tiết kiệm, sản phẩm vay, sản phẩm thẻ, eBank, LiveBank cũng như hướng dẫn khách hàng thực hiện một số chức năng như báo khóa thẻ, mở thẻ, mở tài khoản, đăng ký khoản vay… T'Aio có khả năng phản hồi trên 1,5 triệu khách hàng của TPBank tương tác cùng một thời điểm.

AI đang giúp làm thay đổi bộ mặt của ngành giáo dục và giảm tải công việc của giáo viên. Công nghệ AI có thể làm thay giáo viên những việc như điểm danh, chấm bài, soạn bài mới bằng cách tự động tìm các nguồn thông tin, các giáo án phù hợp với học sinh và chương trình học.

AI cũng được ứng dụng trong việc dạy ngoại ngữ. Ông Nguyễn Mạnh Hào, Tổng giám đốc Hệ thống Anh ngữ Quốc tế AMES - đơn vị đang áp dụng AI vào các khóa học tiếng Anh, cho hay dữ liệu lớn mà AMES xây dựng sẽ đưa ra giáo trình riêng để củng cố kiến thức và kỹ năng chưa hoàn thiện của học viên, giúp cho chương trình học được cá nhân hoá với mức độ sâu và chi tiết. Trong khi công nghệ nhận dạng giọng nói nhập vai một trợ lý giúp người học phát âm chuẩn. Học viên có khả năng nói lên câu trả lời của mình và hệ thống tích hợp công nghệ AI sẽ đánh giá, chấm điểm khả năng phát âm của học viên thông qua công nghệ nhận dạng giọng nói. Giải pháp AI của AMES giúp quá trình học, sử dụng và ghi nhớ từ mới được thực hiện ngay trên nền tảng đơn giản quen thuộc dễ sử dụng như Facebook Messenger.

AI cũng được sử dụng để hỗ trợ phần chuyển ngữ tại các cuộc họp, hội nghị với sự tham gia của các khách mời đến từ nhiều quốc gia. Ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, cho biết tại một cuộc họp lớn, trong khi diễn giả nói ngôn ngữ của mình thì hệ thống AI tự động chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng khác nhau cho người theo dõi hiểu với độ trễ chỉ khoảng vài giây.

Công nghệ AI cũng đang mang lại sự hỗ trợ đắc lực cho nhiều doanh nghiệp trong ngành bán lẻ, thương mại điện tử tại Việt Nam. Nhằm tăng cường tiếp cận với khách hàng mục tiêu, các doanh nghiệp như Tiki, Adayroi, FPT Shop, Thế giới di động, Lotte đã lựa chọn giải pháp dự đoán hành vi khách hàng do doanh nghiệp khởi nghiệp về AI là Insider cung cấp. Insider là một nền tảng tiếp thị dựa trên công nghệ AI và máy học
(machine learning) cung cấp giải pháp tối ưu chuyển đổi và tương tác trên desktop web, mobile web, app và e-mail thông qua một nền tảng, giúp cho công việc của các nhà tiếp thị điện tử trở nên dễ dàng hơn. Thuật toán dự đoán mà Insider áp dụng sẽ phân tích dữ liệu của khách hàng để nhận diện nhóm khách hàng chỉ mua hàng khi có khuyến mại, nhóm có khả năng mua hàng cao, vòng đời mua hàng…

Các cửa hàng, siêu thị cũng có thể sử dụng hệ thống camera tích hợp công nghệ AI để quan sát khách ra vào, phân tích hành vi, dấu hiệu bất thường… Camera có thể thu thập hình ảnh, phân tích và đưa ra các nhận định nhằm phục vụ cả mục đích an ninh lẫn kinh doanh của siêu thị đó. Các chuyên gia tính toán một hệ thống 100 camera ở một siêu thị lớn có thể quan sát được khoảng 1.000 khách ra vào.

Công nghệ AI không chỉ được áp dụng tại các thành phố lớn mà còn tại các tỉnh ở Việt Nam. Tại cuộc hội thảo chuyên đề “Tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững” mới đây, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết tỉnh thuộc vùng Cao nguyên này sẽ hợp tác với Viện Công nghệ Kyushu (Nhật Bản) ứng dụng công nghệ AI trong nông nghiệp vào năm 2019. Ông cho hay các doanh nghiệp tại Lâm Đồng đã ứng dụng các trang thiết bị công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như: camera theo dõi sinh trưởng cây trồng; bộ điều khiển trung tâm theo dõi và điều khiển toàn bộ các thông số của khu vực nhà kính; bộ cảm biến ngoài trời dùng để theo dõi điều kiện thời tiết bên ngoài nhà kính, gửi tín hiệu thu thập các thông số về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, lượng mưa…

Con người trước sức ép của công nghệ

Nhiều người lao động trong các ngành đang lo lắng rằng họ sẽ bị thay thế hoàn toàn bởi các thiết bị, công nghệ hiện đại, trong đó có AI và robot được phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trên thực tế, các ứng dụng của công nghệ đang gây sức ép lên không ít người lao động, nhưng một số chuyên gia công nghệ cho rằng máy móc vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn con người trong một số công đoạn làm việc. Chẳng hạn, chatbot dù ngày càng thông minh hơn nhưng có những câu hỏi hoặc tình huống nó vẫn trả lời sai (có thể do thiếu dữ liệu), ảnh hưởng tới uy tín doanh nghiệp, giảm niềm tin đối người tiêu dùng.

Tại Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2018 (VOMF) diễn ra vào tháng 8 vừa qua tại TPHCM, ông Trần Xuân Hải, Tổng Giám đốc công ty Missionizer (huấn luyện thiết kế doanh nghiệp), nói có những khâu máy móc chưa thay thế được con người nhưng có thể làm tốt trong một số khâu. Ông gợi ý đối với những khâu trong quy trình kinh doanh mà con người thường hay bị sai như nhập dữ liệu vào mẫu khai hóa đơn, doanh nghiệp nên chuyển qua tự động hóa vì điều này sẽ giúp hệ thống giảm thiểu sai sót.

Ông Lê Thiết Bảo, Giám đốc phát triển hệ thống đa kênh của nhà bán lẻ Nguyễn Kim, kể ra một số những ích lợi của công nghệ, thiết bị hiện đại, trong đó có chatbot. Ông nói rằng nếu áp dụng chatbot sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm chi phí so với khi dùng nhân viên trả lời cho khách hàng theo kiểu thủ công. Còn ông Joe Ruelle, Giám đốc phát triển kinh doanh Google Cloud khu vực Đông Nam Á, cho rằng một số doanh nghiệp trong nước đã đăng ký sử dụng Google Cloud để ứng dụng công nghệ mới hỗ trợ con người như công nghệ xử lý giọng nói, biến giọng nói thành văn bản với ngôn ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Việt (Speech-to-Text). Ứng dụng này đang được sử dụng trong các lĩnh vực bán hàng, tiếp thị, tổng hợp dữ liệu.

Ông Lê Anh Vũ, Giám đốc Trung tâm Giá trị gia tăng CMC Telecom, chia sẻ ngoài chatbot, CMC Telecom còn phát triển dịch vụ tổng đài trả lời tự động (Voice Analytics, với kịch bản và dữ liệu chuẩn bị sẵn). Với công nghệ này, doanh nghiệp sẽ triển khai hoạt động chăm sóc khách hàng tốt hơn, góp phần tăng cường năng lực của hệ thống chăm sóc khách hàng. Dịch vụ tổng đài trả lời tự động sau khi sử dụng khoảng sáu tháng (thu thập thêm dữ liệu) có thể đạt 80% khả năng trả lời của con người. Ông cho rằng những doanh nghiệp phải có năng lực tài chính mạnh (Google hoặc Facebook) mới có thể cung cấp các chatbot sử dụng công nghệ AI, còn doanh nghiệp trong nước chủ yếu đang dùng các chatbot được lập trình sẵn kịch bản trả lời khách hàng và sẽ được huấn luyện thêm trong quá trình tương tác.

Vị đại diện Google Cloud chia sẻ, để có thể hoàn thiện máy móc như công cụ chuyển đổi giọng nói, người dùng (doanh nghiệp) có thể huấn luyện, thu thập dữ liệu nhằm giúp công cụ Speech-to-Text có thể hiểu được những từ phức tạp như tiếng lóng, tiếng địa phương. Ông Bảo cho rằng, chính người dùng sẽ giúp cho máy móc trở nên thông minh hơn. Đối với việc ứng dụng chatbot, nếu doanh nghiệp có thể nghĩ ra nhiều tình huống tra cứu của khách hàng với các từ ngữ khác nhau sẽ giúp cho chatbot trả lời nhanh hơn và doanh nghiệp có thể chăm sóc nhiều nhóm khách hàng theo mong muốn.

Trong khuôn khổ VOMF 2018, bà Nguyễn Phương Thảo đến từ Nielsen Việt Nam cho rằng nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đang khai thác thành công, ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như AI, dữ liệu lớn (big data)… Đại diện CMC Telecom cho biết, các giải pháp công nghệ có thể được triển khai cho doanh nghiệp sử dụng trong thời gian cụ thể tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng dịch vụ và quy mô triển khai của doanh nghiệp. Ví dụ, ứng dụng chatbot đã giúp nhà bán lẻ Nguyễn Kim phản hồi nhanh theo kịch bản, phân luồng chăm sóc khách hàng, giải quyết khiếu nại, đặt chỗ hay đặt trước sản phẩm và dịch vụ. Ngoài ra, thông qua chatbot doanh nghiệp có thể gửi thông tin khuyến mãi được xác định nội dung thích hợp cho từng đối tượng khách hàng.

Tính đến nay, những chatbot đang được sử dụng tại Việt Nam chưa có đầy đủ các tính năng mà các thương hiệu nổi tiếng hoặc các nhà bán lẻ ở nước ngoài đã triển khai. Nhiều chatbot của doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm trực tuyến (đặt đơn hàng luôn khi chat - nói chuyện với khách hàng online).

Hiện tại, những khách hàng thuê dịch vụ chatbot phát triển trên nền tảng Facebook Messenger đã có thể nhận đơn hàng ngay khi thực hiện chat với khách hàng. Nhưng tới công đoạn thanh toán thì chatbot vẫn chưa có khả năng thanh toán trực tuyến (ngay khi đang chat). Hiện tại, mới chỉ có Facebook có thể áp dụng tính năng thanh toán trực tuyến trên Messenger. Điều này càng củng cố ý kiến của các chuyên gia rằng công nghệ chưa thể thay thế hoàn toàn con người và sự phát triển của công nghệ, thiết bị hiện đại cũng đang giúp tạo ra việc làm cho người lao động.

Theo TheSaiGonTimes

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness