TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 12
  • Hôm nay: 1052
  • Tháng: 11501
  • Tổng truy cập: 5144820
Chi tiết bài viết

Trong cái gọi là trật tự thế giới mới

Nếu có vấn đề nào đáng chú ý trên sân khấu thế giới thời gian tới thì đó chắc chắn là cuộc giằng co giữa Pax Americana (hòa bình kiểu Mỹ) và Pax Sinica (hòa bình kiểu Trung Quốc), hai khái niệm “hòa bình” đối chọi giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều đáng chú ý là nó diễn ra tại châu Á - Thái Bình Dương. Tại sao?

Khi trật tự thế giới mới được thiết lập tại châu Á

Trung Đông ngày càng trở thành địa điểm ít hấp dẫn đối với những chuyến “du lịch chính trị” của người Mỹ. Xét về lợi thế địa chính trị, châu Á - Thái Bình Dương hiển nhiên trội hẳn Trung Đông. Thế kỷ XXI là thế kỷ của châu Á. Đây là khu vực tập trung nguồn động lực kinh tế tiềm năng và mạnh mẽ nhất thế giới.

Như dẫn giải của Arvind Subramanian thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới Peterson, ¾ nước nghèo khu vực không sống bằng nguồn dầu hỏa đã có tỉ lệ tăng trưởng thu nhập đầu người nhanh hơn Mỹ trong giai đoạn 2000-2007.

Thị trường các nước mới nổi châu Á tăng trưởng nhanh hơn Mỹ 3 điểm phần trăm, và điều đó có nghĩa họ sẽ chiếm 2/3 tổng xuất lượng thế giới vào trước năm 2030. Cần biết thêm, kinh tế Anh cần đến 32 năm, từ 1830 đến 1862, mới có thể tăng gấp đôi kích cỡ. Mỹ cần 17 năm để có thể chứng kiến GDP tăng gấp đôi.

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ cần không đến một thập niên. Sự bùng nổ đô thị hóa là một dấu chỉ chứng minh cho sự tăng trưởng kinh tế châu Á. Đến năm 2030, hơn ½ dân số châu Á sẽ sống ở đô thị, với tốc độ và sự phình rộng nhiều hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới cộng lại.

Sự phát triển kinh tế châu Á còn kéo theo sự chuyển dịch ngược từ Đông sang Tây – khi nói đến nguồn vốn FDI từ các nước giàu. Mậu dịch giữa các nước châu Á - Thái Bình Dương cũng tăng mạnh. Trong một số trường hợp, mậu dịch song phương cho thấy biên độ giãn nở của quan hệ thương mại châu Á với các đối tác.

Israel là nguồn cung cấp vũ khí lớn thứ ba của Ấn Độ; trong khi Saudi Arabia vừa là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất đồng thời là nhà nhập khẩu gạo basmati lớn nhất của Ấn… Chẳng có gì có thể giúp thấy rõ sự nối kết châu Á bằng sự hình thành mạng lưới giao thông (đường bộ lẫn hỏa xa) cũng như mạng ống dẫn dầu.

Đằng sau cái gọi là xây dựng một trật tự thế giới mới thực chất là cuộc tranh giành quyền lực giữa Washington và Bắc Kinh.

Tài nguyên là một trong những điểm mạnh nữa của châu Á - Thái Bình Dương. Dù môi trường bị tàn phá thô bạo nhưng “rừng vàng, biển bạc” với châu Á vẫn còn ít nhiều đúng với thực tế hằng có của nó. Còn nữa, đó là dầu.

Một đánh giá của Trung Quốc cho biết trữ lượng dầu châu Á - Thái Bình Dương có thể lên đến 213 tỉ thùng; so với 264,5 tỉ thùng của Saudi Arabia theo một đánh giá trữ lượng dầu nước này vào cuối năm 2010; chưa kể châu Á còn có 20 ngàn tỉ m3 khí – hơn gấp 5 lần so với trữ lượng khí đốt Bắc Mỹ…

“Trật tự” được định hình từ “anh” nào?

Với một thị trường tiềm lực chưa khai thác hết, vị trí địa lý thuận lợi cho giao dịch quốc tế, nguồn nhân lực dồi dào, và với nguồn tài nguyên còn chưa bị vét cạn như châu Phi, Mỹ sao có thể bỏ lỏng châu Á - Thái Bình Dương? Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản vì châu Á - Thái Bình Dương mang lại nhiều cơ hội kinh tế, Mỹ hẳn đã không trở lại châu Á theo cách như họ đang cho thấy.

Tìm kiếm cơ hội đích thực là bản chất của người Mỹ nhưng tham vọng đương đầu thách thức mới thật sự là “bản chất của bản chất” trong lịch sử văn hóa chính trị nước Mỹ.

Khi Tổng thống Barack Obama nói rằng nước Mỹ là “một cường quốc Thái Bình Dương”, rằng thế kỷ XXI là “thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”, và rằng mình là “tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên” thì thông điệp này hiển nhiên ngụ ý về một vấn đề đối ngoại mang tính chính sách chiến lược.

Mỹ không giấu giếm mục tiêu đối đầu trực diện với Trung Quốc. Phải nói là Trung Quốc đã chưa nhìn nhận đúng đường lối cũng như sức mạnh, kỹ năng lẫn kinh nghiệm đối ngoại của Mỹ.

Với gánh nặng di sản 10 năm cuộc chiến chống khủng bố mà Tổng thống George W. Bush để lại, với mớ hỗn độn tài chính từ sự bê bối Wall Street…, cường quốc Mỹ trên bề mặt chẳng khác nào một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thoi thóp chờ chết! Sự suy yếu của Mỹ là cơ hội bằng vàng cho một tham vọng thay thế vai trò đầu tàu lãnh đạo thế giới đối với Trung Quốc. Nơi đầu tiên cần “điền vào chỗ trống” đương nhiên là sân nhà châu Á.

Bài học từ đế quốc Anh

Ngày 22-6-1897, khoảng 400 triệu người khắp thế giới, tương đương ¼ dân số hành tinh, được phép nghỉ làm việc. Đó là dịp kỷ niệm lần thứ 60 ngày Nữ hoàng Anh Victoria lên ngôi.

Lễ kỷ niệm được tổ chức hoành tráng như một trong những sự kiện nổi bật của lịch sử thế giới nói chung và lịch sử đế quốc Anh nói riêng, kéo dài liên tục 5 ngày, trên đất liền và cả ngoài đại dương, với cao điểm là chương trình tuần hành và Lễ Tạ ơn ngày 22-6. Có 11 thủ hiến trấn thủ các thuộc địa Anh tề tựu, cùng các hoàng thân, công tước, đại sứ, ngoại giao đoàn từ khắp thế giới.

“Pax Americana” (Hòa bình kiểu Mỹ) là tăng cường sức mạnh quân sự.

Lễ duyệt binh gồm 50.000 lính đã có mặt, kỵ binh nhẹ từ Canada, kỵ binh từ New South Wales, bộ binh từ Naples, quân đoàn lạc đà từ Bikaner (Ấn Độ), lính Gurkha từ Nepal… Chứng kiến sự kiện (khi mới 8 tuổi), sử gia lừng danh Arnold Toynbee sau này thuật rằng chương trình lễ kỷ niệm hùng tráng đến mức dường như mặt trời “đứng bất động giữa thiên đàng”.

Đó là thời điểm cực thịnh của đế chế Anh, khi họ kiểm soát khoảng ¼ diện tích đất liền trên trái đất cùng với ¼ dân số thế giới. Hệ thống thuộc địa, lãnh thổ, căn cứ quân sự, hải cảng được quản lý từ London đã mở rộng khắp toàn cầu.

Đế quốc Anh được bảo vệ bởi Hải quân Hoàng gia, lực lượng hải quân lớn nhất lịch sử, được kết nối bởi 170.000 hải lý cáp đại dương và khoảng 1.065.385km cáp chôn và cáp trên không. Các con tàu Anh được trang bị thiết bị liên lạc toàn cầu đầu tiên, qua đường điện tín.

Vô số tuyến hỏa xa và kênh rạch (đặc biệt kênh đào Suez) càng củng cố thêm mức độ kết nối của hệ thống đế chế. Đặc biệt hơn cả, đế quốc Anh còn thiết lập thị trường toàn cầu đầu tiên trong lịch sử. Cái gọi là “quyền lực mềm” (sử dụng ảnh hưởng bằng công cụ văn hóa) phổ biến ngày nay cũng đã được người Anh biết dùng.

Vậy tại sao đế quốc Anh tàn lụi? Vào giai đoạn cực thịnh của đế chế (1845-1870), kinh tế Anh chiếm hơn 30% GDP toàn cầu. Lượng tiêu thụ năng lượng Anh gấp 5 lần Mỹ và 155 lần so với Nga. Anh chiếm đến 1/5 mậu dịch thương mại và 2/5 mậu dịch sản xuất. Tuy nhiên, đến cuối thập niên 1870, Mỹ đã bắt đầu tương đương Anh ở hầu hết các chỉ số sản xuất công nghiệp và đến đầu 1880 thì Mỹ đã qua mặt Anh.

Đến Thế chiến thứ nhất, kinh tế Mỹ đã có giá trị gấp đôi Anh. Dù là quốc gia tiên phong trong cuộc Cách mạng Công nghiệp, Anh lại thiếu tầm nhìn. Năm 1907, Anh tung ra lượng xe đạp gấp bốn lần so với Mỹ nhưng Mỹ chế tạo nhiều xe hơi hơn Anh gấp 12 lần.

Trong khi Mỹ tiến ngày một nhanh hơn bằng dây chuyền lắp ráp, ngành sản xuất Anh vẫn cho ra lò sản phẩm trong những nhà máy lạc hậu. Quan trọng hơn hết, trong khi Mỹ bắt đầu tiến đến mô hình dân chủ, Anh vẫn bám víu vào hệ thống độc tài quân chủ.

“Pax Sinica” (Hòa bình kiểu Trung Quốc) là đầu tư cho sức mạnh quân sự.

Câu chuyện nước Anh và sự đổ vỡ “trật tự thế giới” mà họ xây dựng có thể dẫn đến sự liên tưởng và so sánh giữa “Pax Americana” và “Pax Sinica” trong trật tự thế giới mới ngày nay. Nó cho thấy dường như Trung Quốc chưa học được từ bài học suy tàn của đế quốc Anh. Kinh tế vẫn nằm dưới sự áp đặt của mô hình quản lý nhà nước; công nghiệp sản xuất lạc hậu và lệ thuộc vào gia công cho các hãng nước ngoài; giáo dục vẫn được chính trị hóa hơn là khai sáng…

Để thiết lập nên một trật tự khu vực hoặc thế giới mà mình đứng đầu, điều căn bản là phải xây dựng được một “trật tự” cho chính quốc gia mình bằng những giá trị không chỉ từ những đặc tính truyền thống dân tộc mà còn từ những giá trị phổ quát của nhân loại.

Richard N. Haass viết trên chuyên san đối ngoại Foreign Affairs (số tháng 1 và 2-2017) rằng, thế giới ngày nay cần được nâng cấp hệ điều hành lên phiên bản “World Order 2.0” trong đó không chỉ bao gồm quyền lợi của các quốc gia có chủ quyền mà còn là nghĩa vụ giữa các quốc gia với nhau. Dù thế nào, bản chất “trật tự thế giới mới” vẫn chỉ là cuộc chiến tranh giành địa chính trị giữa cường quốc Mỹ - Trung và họ đều có cách diễn giải riêng.

Vấn đề là những nước nhỏ đứng đâu và chọn vị trí nào trong “trật tự” này và nước nhỏ có cách diễn giải nào trước những định nghĩa về “trật tự” của các nước lớn để cuối cùng có thể bảo vệ được quyền lợi quốc gia mình cho dân tộc mình.

Cao Trí

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness