TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 68
  • Hôm nay: 792
  • Tháng: 7531
  • Tổng truy cập: 5140850
Chi tiết bài viết

Trung Quốc và Giấc mộng Trung Hoa (Kỳ 2)

Theo PGS-TS Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Chiến lược và Khoa học Công an, độc chiếm Biển Đông là thiết tha cháy bỏng của nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc từ trước đến nay và đang được hiện thực hóa bằng các hành động cụ thể trong giai đoạn hiện tại.

“Trong lịch sử Trung Quốc, biển luôn được coi là lá chắn an ninh, vì lúc đó, mối đe dọa đối với Vương triều phong kiến Trung Quốc chủ yếu vẫn là các dân tộc du mục đến từ phía Bắc. Tuy nhiên, cục diện này đến thời kỳ cận đại thì bị phá vỡ. Sau Chiến tranh Nha Phiến, mối đe dọa của dân tộc Trung Quốc không chỉ đến từ lục địa, mà còn đến từ biển”. 

Trung Quốc và Giấc mộng Trung Hoa (Kỳ 2) - ảnh 1
Trung Quốc muốn xây dựng 1 cường quốc biển vững mạnh (Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam)

Đây là nhận định của các học giả Trung Quốc trong một bài viết đăng trên tạp chí “Thế giới đương đại” (Trung Quốc) số 12/2013.

Tiếp đó bài viết cũng nhắc lại trong lịch sử, Trung Quốc từng bị các nước đế quốc xâm chiếm hơn 470 lần từ biển và gọi lịch sử 100 năm bị xâm lược này là “bài học đau đớn” phải ghi nhớ vĩnh viễn. 

Bởi vậy, muốn bảo vệ Trung Quốc trước các mối nguy trên biển như: bảo vệ chủ quyền lãnh hải và quyền lợi biển, chống khủng bố, cướp biển… Trung Quốc nhất thiết phải xây dựng cường quốc biển vững mạnh, bài viết kết luận.

Đây cũng chính là nguyên do Trung Quốc đầu tư mạnh về hải quân trong những năm gần đây. Trong lịch sử nhân loại, các cường quốc trên thế giới muốn trở thành siêu cường thì phải khống chế được các vùng biển. Hiện nay chỉ có Mỹ mới kiểm soát được các vùng biển ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Biển Đông chính là chìa khóa vàng để Trung Quốc mở cánh cửa thực hiện giấc mộng bành trướng của mình.

Biển Đông- vùng biển chiến lược

Biển Đông là 1 vùng biển có tính chiến lược đối với sự phục hưng của Trung Quốc. Từ Biển Đông, Trung Quốc sẽ kiểm soát được các vùng biển khác, phát triển trở thành cường quốc biển. Độc chiếm Biển Đông là giai đoạn đầu tiên trong chiến lược dài hạn của Trung Quốc để bành trướng và thống trị thế giới.

Về mặt tiềm năng kinh tế, Biển Đông là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thuỷ sản), khoáng sản (dầu khí), du lịch và là khu vực đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái biển. Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. 

Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 7 tỷ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 - 20 năm tới. 

Trung Quốc và Giấc mộng Trung Hoa (Kỳ 2) - ảnh 2
 
Biển Đông- vùng biển chiến lược (ảnh: Wikipedia)

Về mặt vị trí địa lý, Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hong Kong.

Trung Quốc gọi chiến lược đi ra biển là chiến lược 2 chuỗi ngọc trai. Chuỗi thứ nhất bao gồm vùng Biển Đông, chuỗi thứ hai vòng qua vùng Tây Thái Bình Dương (phía quần đảo Guam). Khống chế được 2 chuỗi này, Trung Quốc đã là một cường quốc thực sự rất mạnh về biển, ông Trần Việt Thái, chuyên gia về Trung Quốc, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.

Bên cạnh đó, PGS, TS Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Chiến lược và Khoa học Công an nhận định, khống chế được Biển Đông nghĩa là Trung Quốc sẽ khống chế được cả 10 nước ASEAN, đẩy sự ảnh hưởng Mỹ ra khỏi khu vực phía Tây Thái Bình Dương. 

Tiếp đó Trung Quốc sẽ khống chế cả khu vực Thái Bình Dương, vòng xuống phía Nam Ấn Độ Dương để mặc cả với Ấn Độ, tiến tới Nam Á và vươn tới vùng dầu mỏ quan trọng nhất của thế giới ở Trung Đông- Bắc Phi. Trung Quốc đã sớm có ý đồ gạt Mỹ ra khỏi vị trí siêu cường thế giới và sẽ thống lĩnh thế giới trước năm 2049, Tướng Cương cho biết.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, độc chiếm Biển Đông là thiết tha cháy bỏng của nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc từ trước đến nay. Giấc mộng Trung Hoa được đặt nền móng từ trước và đang được hiện thực hóa bằng các hành động cụ thể trong giai đoạn hiện tại.

Dùng kế sách mị dân để hiện thực hóa tham vọng trên biển

Trong cuốn sách “Trầm tư trước Thái Bình Dương” của 2 học giả quân sự Trung Quốc là Tào Bảo Kiện và Quách Phú Văn do Nhà xuất bản Đại học quốc phòng Trung Quốc xuất bản năm 1989, đã ghi rõ Trung Quốc bị tất cả các nước láng giềng có chung biên giới biển “cướp đoạt” hàng triệu km2 biển đảo của Trung Quốc. 

Theo cuốn sách nói trên, người Trung Quốc quan niệm như sau.

Ở Bắc Hoàng Hải: Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên cùng chung thềm lục địa. Khi chia ranh giới vùng biển Bắc Hoàng Hải, mặc dù hai nước đã thỏa thuận nguyên tắc chia theo đường trung tuyến, nhưng Triều Tiên đang đòi chia tới nửa đường phân tuyến để chiếm phần biển hơn Trung Quốc chí ít 3.000 km2 biển.

Ở Nam Hoàng Hải và Bắc Đông Hải: Trung Quốc và Hàn Quốc cùng có chung thềm lục địa. Theo nguyên tắc kéo dài vị trí tự nhiên của sông Hoàng Hà đổ ra biển, Trung Quốc cho rằng đáng lẽ Trung Quốc được chia phần lãnh hải nhiều hơn, nhưng Hàn Quốc kiên quyết đòi chia theo đường trung tuyến nên đã “chiếm của Trung Quốc” 180.000 km­2 biển.

Ở Đông Hải: Trung Quốc cho rằng Nhật Bản “nói bừa” là cùng thềm lục địa để “chiếm” của Trung Quốc dãy đảo Điếu Ngư (Senkaku) và 210.000 km2 lãnh hải. Tháng 1/1974, Nhật Bản ký với Hàn Quốc “Hiệp định khai thác chung thềm lục địa”, Trung Quốc cho rằng Nhật lại chiếm thêm một phần lớn thềm lục địa của Trung Quốc.

Ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải)

Philippines: Trung Quốc “tố” Philippines “bá chiếm” hầu hết vùng biển quần đảo Nam Sa (Trường Sa), ngoài ra còn lấy danh nghĩa vùng đặc quyền kinh tế chiếm luôn cả vùng biển từ đảo Hoàng Nham tới phần biển phía Đông Đài Loan “đáng lẽ” thuộc về Trung Quốc. Trung Quốc vu rằng Tổng cộng Philippines đã “phi pháp đưa” vào bản đồ của họ 420.000 km2 biển của Trung Quốc.

Malaysia: Năm 1979 tuyên bố phạm vi thềm lục địa, đưa đảo Anba và một phần Nam hải (Biển Đông) vào bản đồ của họ,Trung Quốc cũng nói Malaysia đã “phi pháp”  chiếm của Trung Quốc 240.000 km2 biển.

Brunei: kéo dài thềm lục địa của họ tới đáy sâu Nam hải (Biển Đông), lấn vào đường biên giới truyền thống (đường “lưỡi bò”) của Trung Quốc khoảng 3.000 km2.

Indonesia: vạch khu vực lãnh hải của họ vào sâu đường biên giới truyền thống (đường “lưỡi bò”) của Trung Quốc khoảng 40.000 – 50.000 km2.

Mỹ: Trung Quốc “tố” chiếm đảo Hoàng Nham của Trung Quốc ở phía Bắc Philippines, lập trường bắn cho hải quân Mỹ ở đó.

Còn với Việt Nam: Trung Quốc vu cáo rằng Việt Nam không những phi pháp chiếm đóng hơn 20 đảo của Trung Quốc ở Nam Sa (Trường Sa) và hơn 400.000 km2 vùng biển phụ cận mà còn đưa ra yêu cầu “hoang đường”  đòi chủ quyền toàn bộ đối với quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Nam Sa (Trường Sa) của Trung Quốc.

Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng, người từng có thời gian dài sống và làm việc tại Trung Quốc và Đài Loan, từng tham gia phái đoàn Việt Nam đàm phán với Trung Quốc, ngày 23/6/2014 đã nhận xét trên trang nghiencuuquocte.net: “Hỡi ôi! Đọc những dòng tài liệu trên của Nhà xuất bản Đại học Quốc phòng Trung Quốc có lẽ đứa trẻ chăn trâu ở bất kỳ nước Châu Á nào (trừ Trung Quốc) cũng phải phì cười về giọng lưỡi “miệng nam mô, bụng bồ dao găm” của các học giả quân đội Trung Quốc”.  

Ông Phùng nói thêm: “Tuy nhiên, với chính sách tuyên truyền nhồi sọ, kích động tư tưởng Đại Hán, không ít người dân Trung Quốc đã cả tin vào những luận điệu mị dân đó, họ tin rằng chính phủ Trung Quốc quá hiền lành, hữu nghị đến nỗi bị tất cả các nước láng giềng kể cả nước Brunei nhỏ xíu cũng “cướp đoạt” biển của Trung Quốc”.

Còn về phần mình, Thiếu tướng Lê Văn Cương lại chia sẻ: “Chúng ta tin rằng 1,3 tỷ người Trung Quốc cũng nhân hậu hào hiếu như người Việt Nam. Xâm chiếm vùng biển Việt Nam cũng không có lợi gì cho người Trung Quốc. Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm cho 1,3 tỷ người này có thể biết rõ được sự thật”./.

Theo Phương Chi/VOV.VN

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness