TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 56
  • Hôm nay: 1057
  • Tháng: 7796
  • Tổng truy cập: 5141115
Chi tiết bài viết

Trung Quốc và kinh tế thị trường nửa vời

Trung Quốc đang trả một giá rất đắt, không phải vì những món tiền khổng lồ bỏ ra để chống chọi cho thị trường chứng khoán nước này khỏi sụp đổ. Cái giá phải trả là niềm tin, của cả giới đầu tư nước ngoài lẫn của người dân Trung Quốc.

Trung Quốc và kinh tế thị trường nửa vời

Khi tăng trưởng của Trung Quốc hcu7ng4 lại, tiêu dùng khó lòng

cất cánh như kỳ vọng. Reuters

Trước hết, nếu cần tóm gọn tình hình kinh tế Trung Quốc trong một đoạn ngắn, có thể nói một cách đơn giản hóa: Bấy lâu nay nước này phát triển rất mất cân đối, tăng trưởng GDP chủ yếu nhờ đầu tư chứ không phải chia đồng đều giữa đầu tư và tiêu dùng.

Trung Quốc trở thành công xưởng sản xuất hàng bán ra cho toàn thế giới nhưng đem về là gì, toàn là ngoại tệ thành một kho dự trữ khổng lồ. Đến khi kinh tế thế giới lâm vào khó khăn, sức mua giảm sút thì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ngay lập tức bị ảnh hưởng.

Thay vì kích cầu tiêu dùng, Nhà nước Trung Quốc lại kích cầu đầu tư, rót tiền cho các doanh nghiệp nhà nước và địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, như cầu đường, sân bay bến cảng và phát triển địa ốc, xây cả những thành phố mới. Nhưng vì sức mua của người dân kém nên nhà làm ra không ai ở, đường không ai đi, nhiều thành phố bỏ hoang trong khi nợ của địa phương và doanh nghiệp tăng lên mức độ chóng mặt.

Thổi phồng thị trường chứng khoán

Để giải quyết núi nợ này, Trung Quốc có hẳn một chủ trương thổi phồng thị trường chứng khoán, hi vọng thặng dư vốn của các công ty sẽ giúp họ tự giải quyết nợ nần nhờ vào tiền còn nằm trong dân. Họ nới lỏng việc vay nợ để chơi chứng khoán từ năm 2010, làm làn sóng người người, nhà nhà chơi chứng khoán bùng nổ.

Vay nợ để chơi chứng khoán tăng gấp bốn lần từ năm 2010 đến tháng 6-2014. Chính sách huy động “sức dân”, huy động “tiền nhàn rỗi trong dân” đã thành công vượt bậc!

Bong bóng bơm căng đến lúc phải xả xì trước khi nổ tung, nhưng chỉ vừa siết lại quy định vay nợ chơi chứng khoán, thị trường nước này đổ sụm không phanh, có lúc trong ba tuần mất đến 40%. Thế là Trung Quốc vứt bỏ hết mọi quy luật kinh tế thị trường để vực dậy chứng khoán. Đó là đầu dây mối nhợ cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của Trung Quốc.

Đến đây, ắt phải liệt kê các biện pháp phi thị trường của Trung Quốc là nguyên cơ gây mất niềm tin. Ngân hàng trung ương nước này bơm tiền cho một tập đoàn tài chính nhà nước để nơi này cho người dân vay tiền chơi chứng khoán, một hành động không ngân hàng trung ương nước nào làm. Các cổ đông lớn ở những công ty niêm yết bị cấm bán cổ phiếu.

Công ty niêm yết phải mua lại cổ phiếu của chính mình hay ban lãnh đạo công ty phải bỏ tiền ra mua để giữ giá cổ phiếu. Nhà nước lại tung các chiến dịch bắt bớ, điều tra các công ty chứng khoán, gây ra một tâm lý bất an khắp thị trường và khi cần ngưng giao dịch hàng ngàn công ty niêm yết.

Ai cũng biết vai trò của thị trường chứng khoán là điều phối nguồn vốn cho xã hội theo phương thức hiệu quả nhất - thị trường sẽ tạo điều kiện cho các công ty như Apple hay Google có vốn mở rộng quy mô, những công ty lừa đảo như kiểu Enron trước sau gì cũng bị lật tẩy.

Thế nhưng sự can thiệp của Trung Quốc làm thị trường mất đi vai trò này, không ai biết công ty nào đang làm ăn đàng hoàng, công ty nào đang có triển vọng, công ty nào sắp lụn bại vì nợ chồng chất.

Thế nên, dân Trung Quốc, đã lỡ bỏ những khoản tiền dành dụm lớn của họ vào canh bạc chứng khoán, sẽ chỉ còn biết trông chờ sự can thiệp tiếp tục của nhà nước để tiếp tục chơi - chứng khoán mà sụt thảm hại như từng sụt trong thời gian qua, uy tín của giới cầm quyền sẽ sụt giảm theo. Không lạ gì các nhà đầu tư nước ngoài không còn xem thị trường chứng khoán Trung Quốc là một nơi có tiềm năng đầu tư nữa.

Đặt trong một bối cảnh như thế, chúng ta mới hiểu được chính sách của Trung Quốc với nhân dân tệ. Thoạt tiên đó là sự thả lỏng đồng tiền cho tăng giảm theo cung cầu thị trường, một bước đi đáng hoan nghênh. Nhưng phản ứng của thị trường gây bất ngờ cho giới điều hành, họ không ngờ giá trị thật sự của nhân dân tệ bị định quá thấp, đồng tiền sụt giá liên tiếp.

Thế là với tỉ giá, Trung Quốc cũng áp dụng con đường thị trường nửa vời như với chứng khoán, họ tìm mọi cách để duy trì tỉ giá, bất kể cung cầu thực tế nữa.

Tuy nhiên, các phân tích cho rằng nền kinh tế của Trung Quốc sắp sụp đổ vì hai gọng kìm chứng khoán và tỉ giá là quá phóng đại. Quy mô thị trường chứng khoán của Trung Quốc còn nhỏ, chỉ chừng 1/3 GDP của nước này so với chừng 100% ở các nước phát triển; mặc dù có đến 90 triệu người dân đang tham gia giao dịch, tổng giá trị chỉ bằng chừng 15% tài sản tài chính của các hộ gia đình.

Chính vì thế nên lúc chứng khoán tăng phi mã, đã không xảy ra niềm hứng khởi mua sắm vì ảo tưởng giàu có trên giấy như ở một số thị trường khác.

Trung Quốc và kinh tế thị trường nửa vời

Nhiều thành phố của Trung Quốc bỏ hoang trong khi nợ của địa phương

và doanh nghiệp tăng chóng mặt. AFP

Con đường luẩn quẩn

Cái khó của Trung Quốc nằm ở chỗ mô hình phát triển dựa vào đầu tư và chi tiêu của chính phủ rõ ràng không bền vững, đầu tư mãi cũng hết chỗ để đầu tư. Thay bằng tiêu dùng của người dân thì cần thời gian - nếu tăng trưởng chững lại, tiêu dùng lại khó lòng cất cánh như kỳ vọng, nhất là Trung Quốc từng ép lương công nhân thấp để thu hút đầu tư.

Trước mắt, Trung Quốc vẫn phải tiếp tục con đường luẩn quẩn, đầu tư vào các cơ sở hạ tầng và địa ốc không biết dùng vào việc gì, các nhà máy vẫn phải sản xuất ra hàng hóa phục vụ cho những năm tháng nước này trở thành một công trường xây dựng khổng lồ, bằng không nhà máy sẽ vỡ nợ, công nhân thất nghiệp. Đó mới là mối lo sâu sắc hơn sự thăng trầm của giá cổ phiếu hay tỉ giá đồng tiền nước này.

Nói gì thì nói, nhiều nước trên thế giới đang hi vọng Trung Quốc vượt qua khó khăn này. Không phải họ có tình cảm gì với nước này - nền kinh tế Trung Quốc mà hắt hơi, nền kinh tế nước họ sổ mũi theo như Úc chẳng hạn. Nước này đào tài nguyên lên bán cho Trung Quốc; khi nhu cầu của Trung Quốc giảm sút, kinh tế Úc lao đao, đồng tiền mất giá nhanh hơn các đồng tiền khác. Mới tuần trước chứng khoán của hầu hết thế giới lao đao vì chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình Trung Quốc.

Dù sao, Trung Quốc đang cung cấp cho thế giới một bài học quan trọng: không thể kỳ vọng vào sự can thiệp mang tính hành chính để khuất phục quy luật thị trường - hoặc theo hẳn kinh tế thị trường hoặc thôi, không có con đường áp dụng những gì mình thấy phù hợp và dùng bàn tay chính phủ vào các trường hợp khác.

Tìm vật tế thần

Trong bối cảnh can thiệp vào thị trường chứng khoán cũng dở mà không can thiệp lại càng dở hơn, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng biện pháp đổ lỗi. Họ đổ sự bất ổn của thị trường chứng khoán cho giới đầu cơ mua bán khống, rồi các lực lượng thù địch nước ngoài, kể cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vì đã có chính sách tiền tệ không rõ ràng và mới nhất là phạt 197 người, trong đó có nhiều người vì đã “phát tán tin đồn” trên mạng về thị trường chứng khoán.

Điển hình là vụ phạt phóng viên Wang Xiaolu của tờ Caijing về tội gây ra bất ổn và hoang mang trên thị trường. Nhà báo này sau đó phải lên truyền hình, “thú tội” đã thu thập được thông tin về cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc qua những kênh riêng rồi thêm “nhận định chủ quan” của mình vào bản tin. “Trong giai đoạn nhạy cảm, lẽ ra tôi không nên viết bài đã gây ra tác động tiêu cực đến thế” - nhà báo này bày tỏ sự ăn năn trên Đài truyền hình CCTV vào đầu tuần này.

Nội dung bài báo của Wang Xiaolu đăng ngày 20-7 nói rằng Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đang cân nhắc có nên ngưng bơm tiền ra để ổn định thị trường. Ngay ngày hôm sau CSRC bác bỏ thông tin này và nói bài báo “vô trách nhiệm”.

Dĩ nhiên một bài báo và một nhà báo không thể nào làm cả một thị trường chao đảo được. Và đúng là một tháng sau đó thì chính CSRC phải cân nhắc chuyện can thiệp vào thị trường vì không nguồn lực nào đủ để cứ nâng đỡ giá cổ phiếu như thế.

Vì thế ngoài Wang, Đài CCTV còn phát thêm lời thú tội của bốn nhà quản lý thuộc Công ty chứng khoán CITIC và một viên chức của CSRC cho biết họ đã phạm tội giao dịch nội gián.

Thật ra, ở hướng ngược lại, báo chí các nước cũng đổ lỗi cho Trung Quốc đã gây ra cơn hoảng loạn chứng khoán trên khắp thế giới trong tuần trước và trước đó đổ cho Trung Quốc đang gây nên cuộc chiến tranh tiền tệ cũng võ đoán không kém.

Theo Tuoitre

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness