TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 14
  • Hôm nay: 709
  • Tháng: 9411
  • Tổng truy cập: 5154676
Chi tiết bài viết

Trường ngoài công lập ngổn ngang bất cập

Ngày 14-4-2017, tại TPHCM Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị các trường đại học (ĐH) ngoài công lập (NCL) toàn quốc để “mổ xẻ” những vấn đề tồn tại cũng như cam kết đưa ra những giải pháp quyết liệt để giúp các trường phát triển.

So với hội nghị đầu tiên được tổ chức năm 2008, các trường NCL có nhiều khởi sắc song những vấn đề nóng như cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học, chuyển đổi sang tư thục, lợi nhuận hay phi lợi nhuận… vẫn chưa thể giải quyết.

Ông Lê Công Cơ, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Duy Tân, kiến nghị phải làm rõ vấn đề phi lợi nhuận

Hơn 46% số trường không biết nghiên cứu khoa học

Khối trường NCL hiện có 60 trường (chiếm 25,5%) trong tổng số 235 trường ĐH của cả nước (không tính các trường ĐH thuộc khối Quốc phòng, An ninh), với hơn 232.000 sinh viên, chiếm tỷ lệ 13,16% so với tổng số sinh viên cả nước. Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ đặt ra đến năm 2020 tỷ lệ sinh viên NCL chiếm khoảng 40% so với cả nước.

Về chất lượng giảng viên, cả nước có 20.500 giảng viên, trong đó 71% là giảng viên cơ hữu, còn lại là thỉnh giảng. Dù có nhiều chính sách đãi ngộ nhưng các trường NCL vẫn gặp nhiều khó khăn trong thu hút giảng viên có trình độ cao để giảng dạy, đa phần là giảng viên cơ hữu có học hàm là giảng viên đã nghỉ hưu ở các trường khác.

Về cơ sở vật chất, các trường vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thuê mướn. Trong số 55 trường báo cáo, có đến 200 cơ sở đào tạo, bình quân mỗi trường có 3,6 cơ sở đào tạo. Đều này cho thấy cơ sở đào tạo của các trường rất phân tán, quy mô nhỏ, ảnh hưởng đến quá trình đào tạo. Trường có diện tích thuê mướn nhiều nhất là Trường ĐH Phan Châu Trinh; 12 trường thuê mướn 100% cơ sở vật chất (chiếm 27,3% các trường có báo cáo). Đáng chú ý là 5 trường đã thành lập trên 20 năm nhưng 100% cơ sở phải đi thuê. Chỉ có 16 trường mới thành lập khoảng 10 năm có cơ sở vật chất và đất đai. Mặc dù đáp ứng về thư viện nhưng khảo sát cũng cho thấy chất lượng thư viện yếu về cả số lượng lẫn chất lượng tài liệu.

Báo cáo từ các trường cũng cho thấy, nguồn thu của các trường có đến 90% là từ học phí (năm 2008 con số này gần 99%). Các khoản thu khác từ nghiên cứu khoa học (NCKH), chuyển giao công nghệ hầu như không có.

Về tình hình NCKH của các trường NCL tuy có điểm sáng nhưng vẫn là vấn đề đáng báo động khi có gần 50% các trường không có NCKH. 51/56 khảo sát cho biết họ chưa từng được thực hiện đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, 26 trường chưa từng được tài trợ hay đầu tư thực hiện đề tài NCKH cấp trường, 34 trường không có báo cáo NCKH trong nước. 

Tháo gỡ từ chính sách

Theo PGS-TS Phạm Thị Huyền, trưởng nhóm khảo sát các trường NCL, bên cạnh những điểm sáng thì vẫn còn một số những vấn đề “tụt hậu”. Những hạn chế, bất cập một phần là do các yếu tố như cơ chế chính sách chưa phù hợp, chậm đổi mới và yếu tố nội tại bên trong các trường.

Ông Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Duy Tân đề nghị, Bộ GD-ĐT phải làm rõ vấn đề phi lợi nhuận để các trường có cơ sở pháp lý chuyển đổi. Còn như hiện nay, vấn đề phi lợi nhuận chưa được làm sáng tỏ nên khi chuyển đổi rất phức tạp, điều này dẫn đến một số trường mâu thuẫn nội bộ kéo dài. Một khi làm rõ vấn đề phi lợi nhuận thì các công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân tài trợ cho trường phải được miễn thuế. Cùng quan điểm này, đại diện Trường ĐH Phú Xuân đặt câu hỏi, Nghị quyết 05 năm 2005 đã nói đến vấn đề phi lợi nhuận nhưng đến bây giờ Bộ GD-ĐT vẫn chưa đưa ra được văn bản chính thức nào để nói rõ phi lợi nhuận. Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Hải Phòng dẫn Quyết định 122 của Chính phủ yêu cầu các trường phải chuyển đổi sang tư thục nhưng đến nay gần 10 năm vẫn chưa thực hiện được, đồng thời đề xuất nên xem lại Quyết định 122 có vấn đề gì hay không để giải quyết cho các trường chuyển đổi.

GS-TS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội khẳng định: Chúng ta không thể chần chừ mà phải giải quyết ngay những bất cập để giúp các trường NCL phát triển. Đồng thời phải bổ sung, sửa đổi ngay những quy định, văn bản pháp luật, kể cả Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học để sát hơn với nhu cầu phát triển thực tế của các trường.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Những kết quả đóng góp của các trường NCL cho hệ thống giáo dục ĐH là rất đáng trân trọng. Đây là minh chứng cho chủ trương xã hội hóa đúng đắn của Nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đánh giá một cách nghiêm túc hơn. Hệ thống văn bản pháp lý còn thiếu, chưa tạo an tâm cho các nhà đầu tư, và đây chính là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó, bản thân các trường cũng chưa thực hiện đúng cam kết thành lập trường, các trường chỉ lo đào tạo mà chưa chú trọng NCKH. Cơ sở vật chất, giảng viên chưa đảm bảo chất lượng”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ sửa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học cũng như rà soát chỉnh sửa các văn bản quy định đi kèm. Bộ cũng sẽ làm rõ vấn đề phi lợi nhuận, kèm theo đó những chính sách phù hợp và tăng cường kiểm soát chất lượng. Bộ sẽ đưa ra những quy định nhằm tạo điều kiện cho các trường NCL được hưởng các chính sách tương tự các trường công lập như học bổng cho sinh viên, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

THANH HÙNG

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness