TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 63
  • Hôm nay: 216
  • Tháng: 6955
  • Tổng truy cập: 5140274
Chi tiết bài viết

Tư tưởng Tập Cận Bình

Tập Cận Bình đang củng cố quyền lực. Làm thế nào một người lại gắn chặt với vận mệnh Trung Quốc?

Image result for Tư tưởng Tập Cận Bình

Sống trong hang

Không có nhiều lãnh đạo trong Thế kỷ 21 từng sống trong hang, từng làm nông dân rồi đi lên đỉnh cao quyền lực như ông Tập Cận Bình.

Năm thập niên trước, trong cuộc hỗn loạn của cuộc Cách mạng Văn hóa tại Bắc Kinh, cậu thiếu niên khi đó 15 tuổi đã tới bắt đầu cuộc sống nông thôn vất vả, giữa một vùng núi đồi của Trung Quốc.

Nơi ông Tập làm ruộng từng là một trại lính của những người Cộng sản trong thời nội chiến. Diên An tự coi mình là “vùng thánh địa của cuộc cách mạng Trung Quốc”.

Nay, việc Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục đảm nhiệm nhiệm kỳ hai trong vị trí nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ được xác nhận tại Đại hội Đảng Cộng sản. Ông đang dẫn dắt một siêu cường đang lên, đầy tự tin, nhưng cũng là một quốc gia có chính sách khắt khe trong việc nói về lãnh tụ của mình.

Ngôi làng nông thôn Trung Quốc nơi ông Tập lớn lên nay trở thành một địa điểm hành hương của những người tin yêu Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Năm 1968, Mao Trạch Đông quyết định rằng hàng triệu thanh niên trẻ trung cần phải được đưa từ các thành thị về vùng nông thôn để trải nghiệm cuộc sống vất vả của người nông dân.

Ông Tập nói rằng ông đã học, và rằng các ‎ý tưởng, các phẩm chất định hình ông ngày nay đã đến từ thời gian đầu đời, khi ông còn sống trong hang.

“Tôi mãi mãi là đứa con của vùng đất,” ông Tập thường thích nói vậy. “Tôi đã để trái tim mình ở Lương Gia Hà. Lương Gia Hà đã tạo ra con người tôi.”

“Khi tới đó ở tuổi 15, tôi hồi hộp, lo lắng. Khi rời đi, lúc đã 22 tuổi, các mục tiêu cuộc đời tôi đã rõ nét, và tôi đầy tự tin.”

Hồi đó, mọi người đều đọc Mao tuyển, cuốn sách nhỏ ghi chép các câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Mao. Nay, các ý tưởng của Chủ tịch Tập được đăng trên những tấm pano quảng cáo khổng lồ màu đỏ, và có một bảo tàng vinh danh ông nữa.

Nó ca tụng những điều tốt đẹp mà ông đã làm cho những người dân làng, nhưng mọi dấu vết về tính cách thực sự đã bị xóa bỏ đi, khiến cho câu chuyện trở nên thần thánh tới mức khó tìm ra ngọn nguồn sự thật.

Sau năm năm đầu nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã xây dựng nên sự sùng bái cá nhân, với hình ảnh ông được khắc họa như con người vì nhân dân.

Ông từng đi thăm các ngôi nhà trong ngõ nhỏ, cúi người đi qua các dây phơi quần áo, từng nói với giới học sinh sinh viên rằng cuộc sống giống như chiếc áo sơ mi với những khuy cài mà ta cần phải cài những chiếc đầu tiên cho đúng, nếu không thì mọi thứ sau đó sẽ đều sai cả.

Ông từng xếp hàng ở một quầy hàng bán bánh bao để mua, tự trả tiền cho bữa ăn trưa.

Nhưng phần đời trong những năm tuổi trẻ, khi ông phải xa gia đình, phải sống ở trong một hang động mới chính là phần tạo nên sự huyền thoại về ông.

Chàng thanh niên Tập tính đến thời điểm chuyển đến ở trong hang đã sống hai cuộc đời. Thuở thiếu thời, cha của cậu bé Tập là một anh hùng trong cuộc cách mạng cộng sản và cậu được hưởng những ưu đãi của một “thái tử đỏ”.

Một tài liệu ngoại giao của Hoa Kỳ hồi năm 2009 mà Wikileaks công bố, được soạn dựa trên một bình luận ngắn của người bạn thân của ông Tập, nói rằng 10 năm đầu đời của ông Tập là những năm quan trọng nhất, là thời gian khiến ông nhận thức được vị thế ‘thái tử đỏ’ của mình, và là thời gian ông lớn lên trong khu nhà đặc biệt, riêng biệt ở Bắc Kinh.

Nhưng tất cả những thứ đó đã tan tành trong vòng xoáy, khi Chủ tịch Mao ngày càng trở nên hoang tưởng và ham báo thù giáng những đòn trừng phạt lên giới tinh hoa trong Đảng hồi thập niên 1960.

Cha của ông Tập bị thanh trừng đầu tiên, bị bỏ tù, và gia đình ông bị sỉ nhục.

Một trong những người chị của ông Tập qua đời, mà có lẽ là đã tự vẫn. Khi ông Tập 13 tuổi, việc học hành chính thức của ông kết thúc bởi các lớp học trên toàn Bắc Kinh bị gián đoạn để học sinh, sinh viên còn có thời gian đi lên án, đánh đập và thậm chí giết chết các thầy giáo của mình.

Không có cha mẹ, bạn bè nào bảo vệ mình khỏi đám Hồng vệ binh hung hãn trên các đường phố thời Cách mạng Văn hóa, cậu thiếu niên Tập Cận Bình đã sống cuộc đời thứ hai của mình tại Bắc Kinh, né tránh được những lời dọa giết hay bắt nhốt.

Sau này, ông kể lại với phóng viên về một lần đối đầu khi đó.

“Lúc ấy tôi 14 tuổi. Hồng vệ binh hỏi, ‘Mày tự nghĩ là tội ác của mày nghiêm trọng tới đâu?’

“Tôi nói, ‘Các anh tự đánh giá được. Có đủ để xử tử tôi không?’

“’Chúng tao có thể xử tử mày hàng trăm lần,’ họ đáp.

“Với tôi thì việc bị xử tử hàng trăm lần hay một lần cũng chả có gì khác nhau.”

Nhiều người trong thế hệ ông Tập đồng ‎ý rằng khi việc học bị gián đoạn và họ phải học cách để sinh tồn, thì cảm xúc của họ đã được phát triển tới mức cứng rắn, và họ trở nên độc lập trong suy nghĩ.

Ông Tập sau này nói ông có khả năng lắng nghe quan điểm của người khác mà không nhất thiết phải cúi mình trước họ.

“Tôi phải học cách đón nhận việc người khác chỉ ra sai lầm của mình, nhưng không bị ảnh hưởng gì nhiều về việc đó.”

Cuộc sống ở thôn quê thời thập niên 1960 rất khó khăn. Không có điện, không có máy móc cơ giới. Cậu thiếu niên Tập Cận Bình đã phải học cách đưa phân gia súc đi, học cách đắp đập, sửa đường sá.

Cậu đã ở chung trên cái giường xếp bằng gạch đầy rận trong hang với ba người khác.

Vào ban đêm, cậu phải đọc sách trong ánh đèn dầu. Cậu là người đọc ngấu nghiến mọi thứ và nghiện thuốc lá.

Cậu không có khiếu hài hước, theo lời một người sống cùng thời đó. Cậu không chơi bài, không giao du với đám thanh niên, cũng không tìm bạn gái.

Đến năm 18 tuổi, chàng thanh niên Tập Cận Bình đã sẵn sàng dấn bước vào sự nghiệp chính trị.

Anh gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản, và ở tuổi 21, bất chấp nhiều lần bị gạt ra do lí lịch có cha ngồi tù, anh đã vào được Đảng Cộng sản.

Thăng tiến

Khác với những người khác, ‘muốn bù đắp thời gian đã mất bằng những thú vui’, Tập cực kỳ tham vọng và quyết tâm. Sau Cách mạng Văn hóa, ông “chọn cách tồn tại bằng việc trở thành đỏ hơn cả đỏ”.

Khi Tập 25 tuổi, người cha được phục hồi sự nghiệp chính trị, được điều đi lãnh đạo Quảng Đông, một tỉnh rộng lớn ở ngay sát Hong Kong, nơi sau này trở thành ngôi nhà quyền lực của sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc.

Ông Tập Trọng Huân thúc đẩy sự nghiệp chính trị của con trai thông qua mạng lưới bảo trợ của mình, và Tập Cận Bình đã nhanh chóng học được cách xây dựng mạng lưới riêng.

Tập Cận Bình mang trong mình những vết thương về thời gian đầu đời và nỗi cô đơn khi sống trong hang. Bạn bè nói sự dè dặt kín đáo đã góp phần dẫn đến sự thất bại trong cuộc hôn nhân của ông với người vợ đầu, con gái một nhà ngoại giao cao cấp.

Nhưng chính tính cách này đã góp phần tạo nên sự thành công trong sự nghiệp chính trị của ông. Cho tới khi lên tới vị trí đỉnh cao, thành tích của ông là đã thăng tiến một cách kín đáo.

Lần duy nhất ông khiến người ta để ý tới là khi ông kết hôn với người vợ hiện nay, một ca sỹ có tiếng.

Trong nhiều năm, công chúng có câu chuyện tiếu lâm thế này: “Tập Cận Bình là ai? Ông ấy là chồng của Bành Lệ Viện.”

Một phóng viên làm việc cho truyền thông nhà nước Trung Quốc có nhiệm vụ đưa tin về Tập Cận Bình hồi ông còn là một lãnh đạo cấp tỉnh nói với tôi rằng ông Tập “lúc nào cũng buồn tẻ và dễ bị quên lãng. Ông ấy không muốn để lại bất kỳ tiếng xấu nào.”

Từng chứng kiến việc cha mình trở thành nạn nhân của Mao Trạch Đông do dám lớn tiếng chỉ trích, ông Tập đã rất thận trọng và tránh gây thù chuốc oán. Ngay cả khi đã ở độ tuổi 40, 50 và đã trở thành một lãnh đạo rất cao cấp trong Đảng, ông cũng luôn kín đáo, không bao giờ phô trương.

Khi ông trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi 2012, Tập Cận Bình là một lựa chọn có tính thỏa hiệp.

Không mấy ai ở trong và ngoài Trung Quốc đoán được là điều gì sẽ diễn ra – năm năm đầy những chấn động và hoang mang chính trị.

2012: Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo của Đảng Cộng sản

Chiếc lồng nhốt hổ

Vào ngày 11/6/2015, một người đàn ông tóc bạc đứng trước vành móng ngựa ở miền bắcTrung Quốc, bị tấn công bởi những người từng phải chấp hành mệnh lệnh của mình.

Trong nhiều năm, đó từng là người đàn ông bị nhiều người khiếp sợ nhất Trung Quốc, người nắm trong tay cảnh sát, các lực lượng bán vũ trang, nhà tù và các hoạt động tình báo.

Thế nhưng trong một năm rưỡi biến mất khỏi đời sống xã hội và tái xuất hiện trước tòa, người đàn ông 72 tuổi này đã mất đi mái tóc đen bóng bảy, trông rất suy sụp.

Nay ông trở thành mục tiêu của hệ thống an ninh mà bản thân ông ta đã xây dựng nên. Và ông biết chống cự chỉ vô ích.

“Tôi chấp nhận bản án. Tôi sẽ không kháng cáo. Tôi thừa nhận những tội lội mình đã phạm phải và về những tổn thất tôi gây ra cho Đảng.”

Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông đã cam kết với nhân dân là sẽ tiến hành chiến dịch chống tham nhũng triệt để, đả hổ diệt ruồi.

Và đây là một trong những con hổ lớn nhất. Chu Vĩnh Khang là quan chức cao cấp nhất của Đảng từng phải ra hầu tòa về tội tham nhũng trong lịch sử tồn tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tiếp đến là một con hổ nữa, Bạc Hy Lai. Ông và ông Chu bị cáo buộc cùng âm mưu “phá hoại sự đoàn kết của Đảng”.

Phiên tòa xử ông Chu diễn ra trong thời điểm ông Tập ở giữa nhiệm kỳ đầu. Chiến dịch chống tham nhũng của ông gây sốc và đã diễn ra suôn sẻ với các phiên tòa xử quan chức cao cấp.

Để tăng thêm hình ảnh về một nền văn hóa chính trị có kỷ cương và liêm chính, ông Tập tránh các bữa tiệc xa hoa và đôi khi đi lại trên chiếc xe tải cùng các đồng nghiệp thay vì dùng tới những đoàn xe limousine.

Kể từ khi phe cộng sản chiến đấu giành được quyền lực, họ đã tự gọi mình là “quân tiên phong của nhân dân”, là giới tinh hoa lên nắm quyền nhằm “phục vụ nhân dân”.

Nếu như không có thứ này, Đảng Cộng sản không có cơ sở để có tính chính danh.

Trong thời gian năm năm qua, thông điệp rõ ràng của ông Tập là: “Đừng vào Đảng nếu như qu‎í vị muốn kiếm tiền.” Nhưng vấn đề của ông đã và đang nằm ở chỗ đó chính là lí do khiến một phần trong số gần 90 triệu đảng viên vào Đảng.

Phong bì chứa tiền chỗ này, một cái gật đầu chỗ kia, chuyện cần có người đỡ đầu là cách mà nền chính trị của Đảng Cộng sản thường hoạt động. Dọn dẹp điều này đồng nghĩa với việc xóa bỏ không chỉ các cá nhân mà còn cả toàn bộ các mạng lưới quan hệ, và cả một nền văn hóa.

“Ông cầm quyền như thể Sao Bắc Đẩu,” ông Tập nói, dẫn lời Khổng Tử. “Vì sao luôn giữ vị trí của mình, và được triệu triệu các ngôi sao khác thần phục.”

Ông ra chỉ thị về số lượng các món ăn bao nhiêu là vừa phải cho các bữa tiệc của giới quan chức, và thậm chí ra các chỉ thị cụ thể cho từng cấp quan chức trong bộ máy.

Ông Tập trở về cái hang ông ở khi xưa, để khoác vai những người nông dân bình dị và tạo ra sự tương phản giữa câu chuyện cuộc đời ông với đời sống của một nhân vật tham nhũng thuộc tầng lớp tinh hoa.

Nhưng ông Tập, nay ở tuổi 64, luôn thuộc về tầng lớp tinh hoa.

Trong những năm ông còn chưa nắm quyền, một số người thân của ông đã khét tiếng là giàu có, tuy không có bằng chứng nào cho thấy ông tìm cách thu lợi cho gia đình.

Theo lời kể của một người bạn ông, được ghi lại trong điện tín ngoại giao của Mỹ mà Wikileaks tiết lộ, thì, “ông Tập biết rõ Trung Quốc mắc tình trạng tham nhũng nặng đến đâu, và bị thất bại ra sao trong cuộc bủa vây toàn diện thương mại hóa xã hội Trung Quốc, với những ‘nô bộc’ của dân thì giàu có, quan chức thì tham nhũng, sự mất mát các giá trị, sự tử tế, tự trọng, và các ‘suy đồi đạo đức’ như tệ nạn ma túy, mại dâm.”

Chu Vĩnh Khang từng là một đảng viên Cộng sản trong suốt nửa thế kỷ. Khi ông Tập bắt đầu chập chững bước vào cuộc sống của giới tinh hoa đỏ tại Bắc Kinh, thì gia đình ông Chu đang sống cuộc sống nông dân vất vả, phải đi câu lươn để kiếm thêm thu nhập. Người con trai cả đã làm vẻ vang cả nhà khi đi học đại học và trở thành một kỹ sư dầu khí.

Ông Chu đã vươn lên dẫn dắt công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc, và sau đó dẫn dắt một tỉnh với 80 triệu dân. Ông thăng tiến trong sự nghiệp với việc có chân trong cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng Cộng sản và kiểm soát hệ thống an ninh. Những thứ đó tạo thành một mạng lưới bảo trợ vô cùng hùng mạnh.

Tính đến khi ông Chu xuất hiện trước tòa, ông Tập đã xé toang mạng lưới đó – các điều tra viên của ông thẩm vấn từng người một, từ nhân viên văn phòng cho tới các tài xế, các đầu bếp.

Chỉ vài tháng trước khi ông Chu ra tòa, một trong những ‘bạn nối khố’ của ông đã bị xử tử hình về tội điều hành hoạt động mafia chuyên dọa dẫm và giết người. Nhưng Đảng Cộng sản hiếm khi xử tử người của mình. Ông Chu bị án tù chung thân.

Tại làng quê Tây Tiền Đầu của ông, có nhiều người cùng mang họ Chu.

Vào hôm tôi tới đó thăm, một người đang câu cá móc mồi vào lưỡi câu trong ánh nắng chiều và nói: “Đây là nền chính trị được ăn cả ngã về không. Chu Vĩnh Khang đã rất nỗ lực để đi lên. Ông ấy đã có những đóng góp to lớn cho Đảng. Ông Tập Cận Bình chỉ kiếm cớ để trói các cáo buộc vào ông ấy.”

Được ăn cả, ngã về không là một trò chơi nguy hiểm. Ông Chu không phải chỉ có tham nhũng – ông thuộc về một phe phái cạnh tranh quyền lực với ông Tập. Nay thì ai cũng rõ rằng trong kỷ nguyên ông Tập, nếu ai thua là người đó sẽ trắng tay.

Khi tầng lớp tinh hoa bị rạn nứt thì đó chính là mối đe dọa đối với chế độ độc tài.

Trong thời kỳ tiền Cộng sản, các triều đại phong kiến Trung Quốc thường trừng phạt những kẻ thất bại trong cuộc tranh giành phe phái nơi triều đình

Bằng cách nhốt hàng trăm con hổ quyền lực nằm ở các vị trí cao cấp trong Đảng và quân đội, ông Tập đã xé nát cái quy tắc vốn đã duy trì được thứ hòa bình mong manh trong giới tinh hoa đỏ sau cái chết của Chủ tịch Mao. Bất cứ ai trong số họ cũng có thể là người được đặc quyền phát biểu trước Đại lễ đường nhân dân nhưng chỉ ngay phút sau đã bị lôi vào tù.

Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc cảnh báo về những vụ mất tích đột ngột. Vào tháng 1/2017, một tỷ phú 45 tuổi có những mối quan hệ với các danh gia vọng tộc đã biến mất khỏi căn hộ sang trọng ở Hong Kong của mình, bị điệu đi bởi một số người đàn ông không rõ danh tính.

Không ai nhìn thấy Tiêu Kiến Hoa kể từ đó, nhưng người ta tin rằng ông này đang bị giam giữ trong Trung Hoa lục địa – một lời cảnh báo cho những người khác rằng tiền tài, quan hệ và tấm hộ chiếu Canada không đủ để bảo vệ mình khỏi cánh tay vươn rất dài của ông Tập.

Sáu tháng sau đó, đã xảy ra cuộc thanh trừng của một chính trị gia mà nhà tỷ phú này biết rất rõ, một người được nhiều người cho rằng sẽ trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu trong cuộc thay đổi nhân sự sắp diễn ra trong kỳ Đại hội Đảng.

Hối lộ, lạm quyền, đổi tiền lấy tình, tiết lộ bí mật của Đảng – nội dung các cáo buộc được đưa ra đối với Tôn Chính Tài đã quen thuộc. Nhưng năm năm sau sự cầm quyền của ông Tập thì nó giúp củng cố ấn tượng rằng vấn nạn tham nhũng trong Đảng Cộng sản là mang tính hệ thống, kéo dài.

Ở phía bên kia của thế giới, một tỷ phú giàu có khác, người cũng có nhiều mối quan hệ cao cấp, cũng đã nói lên chính xác điều đó.

Trong những tháng gần đây, ngồi an toàn trong căn hộ sang trọng ở Manhattan, Quách Văn Quý đã thực hiện các chương trình phát sóng đều đặn trên YouTube, cáo buộc rằng người đứng đầu cuộc chiến chống tham nhũng Vương Kỳ Sơn – cánh tay phải của ông Tập – chính là một kẻ tham nhũng.

Người duy nhất mà ông Quách cẩn thận không công kích là ông Tập.

Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc trên, và bản thân ông Quách nay trở thành mục tiêu của nhiều vụ kiện. Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc cảm thấy tin tưởng vào câu chuyện của ông về mối liên hệ giữa chính trị và giới kinh doanh.

Một số cáo buộc của ông quá đà, nhưng bức tranh ông nêu ra là một trong những băng hoại đạo đức thường gặp.

Tất cả các điều tra các hành vi tham nhũng cấp cao trong năm năm qua đã được tiến hành bí mật. Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn là một tổ chức hoạt động không rõ ràng: tuy cam kết làm sạch những sai trái, nhưng ông Tập lại không cho phép toàn bộ sự thật được nêu công khai trước tòa hay bất kỳ nơi nào khác mà người dân có thể biết.

Một lần nữa, Đảng đã phát hiện ra rằng quyền lực đi kèm với tham nhũng, và quyền lực tuyệt đối thì càng tham nhũng tuyệt đối. Nhưng ông Tập quyết tâm rằng chỉ mình ông sẽ chỉ huy việc ra tay với các đồng chí, nhốt hổ vào lồng.

Kiểm soát

Sóng gió nổ ra khi truyền thông xã hội phát hiện sự giống nhau trong bức hình chụp ông Tập Cận Bình đi bên cạnh Tổng thống Mỹ Barack Obama với hình ảnh gấu Winnie và hổ Tigger trong câu chuyện thiếu nhi kinh điển.

Từ đó, hoạt động kiểm soát internet tại Trung Quốc đã có cuộc chiến về gấu.

Với ông Tập cũng như với Đảng Cộng sản, thì việc bị chế nhạo là điều gây cảm giác nguy hiểm.

Hồi tháng 4 năm nay, một người đàn ông đã bị tù hai năm về tội “cãi lộn và gây chuyện” liên quan tới một nội dung trên mạng nhắc tới Bánh bao hấp Tập, một tên gọi ví von nhằm chỉ nhà lãnh đạo Trung Quốc sau khi ông có buổi ăn trưa nổi tiếng tại cửa hàng bán bánh bao.

Điện thoại nay cũng là công cụ kiểm duyệt.

Trung Quốc có hơn 750 triệu người dùng internet, nhiều hơn con số gộp lại ở cả Hoa Kỳ và châu Âu. Ông Tập muốn Trung Quốc trở thành một siêu cường trên không gian mạng trong lĩnh vực sáng chế và thương mại, nhưng không phải bằng cách chấp nhận hy sinh bớt kỷ cương chính trị.

Ông Tập đã ra hai cuộc chiến, một để kiểm soát các đồng chí của mình trong Đảng, và một để nhằm kiểm soát internet.

Trong bài diễn văn gần đây, ông cảnh báo rằng internet chớ trở thành “con dao hai lưỡi”, cho phép “năng lượng tiêu cực ẩn kín” gây tổn hại tới việc quản trị tốt nhà nước và sự bình ổn xã hội.

Ông đã củng cố mạnh mẽ cái được gọi là Vạn lý Tường lửa của Trung Quốc, sự kết hợp của luật pháp với công nghệ và được hỗ trợ bởi các chuyên gia và tình nguyện viên kiểm duyệt, khiến Đảng kiểm soát được không gian mạng ở Trung Quốc.

An ninh mạng nay nằm trong tâm điểm các nội dung ông Tập định nghĩa về an ninh quốc gia. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các trang truyền thông xã hội buộc phải kiểm duyệt người dùng, trong khi người dùng được khuyến khích kiểm duyệt lẫn nhau. Mọi người không được phép ẩn danh khi lên mạng và những người dám vượt qua lằn ranh đỏ thì bị bỏ tù.

Nó gợi nhớ thời Mao, khi Đảng muốn công dân dò la lẫn nhau, và lưu giữ các hồ sơ chi tiết để khống chế, gây tâm lý sợ hãi.

Nhưng mạng lưới giám sát của ông Tập có lẽ đã mạnh hơn. Trung Quốc không thực sự bảo vệ quyền riêng tư, và mỗi điện thoại di động bây giờ đều có thể có khả năng là một thiết bị nghe lén và kiểm duyệt.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn ưu tiên kiểm soát thông tin nhạy cảm. Cho đến thời ông Tập thì l‎ý thuyết căn bản mà nhiều người cộng sản nêu ra trong thời kỳ cải tổ là một nền kinh tế hiện đại phức tạp và năng động sẽ cần được phân quyền nhiều hơn trong vấn đề ra quyết định, và điều này cuối cùng có nghĩa là có tự do hơn về Internet.

Ông Tập thì có tầm nhìn khác – tầm nhìn về một Trung Quốc thịnh vượng, đoàn kết và hùng mạnh dưới sự dẫn dắt của một đảng đầy tính kỷ luật. Bất kỳ khi nào có những ‎ý tưởng được đưa ra thì ông lại nỗ lực chiếm lại quyền kiểm soát.

Khi ông đi thăm trụ sở của đài truyền hình quốc gia tại Bắc Kinh, một màn hình khổng lồ đằng sau ông đã bật lên thông điệp "tuyệt đối trung thành" và "tên họ của chúng tôi là Đảng".

Tại các khu học xá, vai trò lãnh đạo của Đảng đang được "tăng cường" và các sách giáo khoa thì tìm cách tẩy bỏ ảnh hưởng của phương Tây. Các công ty tư nhân háo hức thông báo về các chi bộ Đảng Cộng sản trong công ty, thậm chí khu vui chơi Disney Thượng Hải nhiệt thành khoe rằng "một số ý tưởng thực sự xuất sắc đến từ Đảng bộ".

Tình trạng trấn áp trên không gian mạng thậm chí còn khốc liệt hơn.

Ông Tập nhậm chức vào năm 2012, một năm sau khi internet đóng vai trò then chốt trong việc nổ ra làn sóng mùa xuân Ả-rập.

Ông Tập quyết không để xảy ra tình trạng biểu tình rộng khắp ở Trung Quốc, bởi lo sợ lịch sử sẽ lặp lại sự kiện đàn áp Thiên An Môn hồi 1989, khi Đảng đưa quân đội vào nghiền nát phong trào đòi dân chủ của giới học sinh,sinh viên.

Ngay cả khi đi du lịch ra nước ngoài, nhiều công dân Trung Quốc vẫn đứng sau Vạn l‎ý Tường lửa, vì họ dùng dịch vụ của các nhà cung cấp tuân thủ trách nhiệm kiểm duyệt cho Đảng.

Cho đến nay, tường lửa đã có những vết nứt nhỏ, với những người quyết tâm truy cập vào các nguồn thông tin thay thế có thể làm vậy thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) để né tránh sự kiểm soát của Trung Quốc.

Trên truyền thông xã hội phương Tây, họ có thể đọc được cái nhìn rất khác về Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ hai, ông Tập muốn khống chế hoàn toàn các VPN có khả năng cho phép “năng lượng xấu” tấn công các hoạt động kiểm soát của ông.

Dựa vào dữ liệu điện thoại di động và công nghệ nhận dạng khuôn mặt, tất cả đều được tăng cường bởi sự đầu tư lớn vào trí thông minh nhân tạo và quản lý dữ liệu quy mô lớn, ông Tập hy vọng sẽ chỉ huy một hệ thống an ninh nội bộ mà những vị tiền bối của ông trong thời cách mạng cũng như trong thời phong kiến không thể tưởng tượng ra nổi.

Cuộc đấu tranh để kiểm soát không dừng lại ở phạm vi biên giới nước mình.

Chỉ hai tuần hai lần trước Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 diễn ra tại Bắc Kinh, một tổ chức nghiên cứu ở phía bên kia địa cầu đã trở thành mục tiêu tấn công trên mạng, có vẻ như bắt nguồn từ Thượng Hải. Vài tuần trước, một công ty luật bị cuộc tấn công tương tự.

Mối liên hệ giữa hai vụ này chính là Quách Văn Quý, nhà tài phiệt nổi tiếng đứng đằng sau những buổi phát sóng trên YouTube chống lại điều mà ông nói là sự tham lam, mưu mô và tàn bạo của một số người bạn cũ của ông.

Công ty luật bị tấn công, Clark Hill, đã nộp đơn xin tị nạn của ông Quách lên giới chức ở Mỹ. Và tổ chức nghiên cứu bị tấn công, Viện Hudson, là nơi đã tổ chức buổi nói chuyện trước công chúng đầu tiên của ông Quách ở Hoa Kỳ. Sự kiện đã bị hủy bỏ, và Viện này thừa nhận rằng họ đã phải đối mặt với áp lực từ Đại sứ quán Trung Quốc. Tuy nhiên, họ nói lí do khiến phải hủy buổi nói chuyện là do vấn đề hậu cần chứ không phải chính trị.

"Việc cho rằng chúng tôi bị chính phủ Trung Quốc hăm dọa là điều sai lầm."

Tuy nhiên, nhiều người bị hăm dọa. Năm 2014, Thủ tướng Úc Tony Abbott nói với ông Tập Cận Bình rằng “có bạn từ nơi xa đến chính là một tin vui”. Nhưng chỉ một ngày trước đó, ông đã nói riêng với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng chính sách đối với Trung Quốc của Úc được đưa ra do "sự sợ hãi và lòng tham".

Cả sự sợ hãi lẫn lòng tham đều là những động lực mạnh mẽ trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy, và ông Tập đã mạnh dạn khai thác chúng, toàn cầu hóa một chiến lược kiểm soát bằng cây gậy và củ cà rốt vốn đã tỏ ra rất hiệu quả ở trong nước.

Để kiểm soát toàn bộ không gian mạng ở Trung Quốc, ông Tập đã có hành động chống lại cả thế giới.

Lương tâm

"Tự do, công lý và tình yêu, đây là những giá trị cốt lõi dẫn dắt chúng ta hành động."

Bị cáo trong phiên xử này không phải là một con hổ tàn bạo của Đảng Cộng sản mà là một luật sư ôn hòa.

Những lời kết tội ông nghe có vẻ gần với các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi đã được Tập Cận Bình hậu thuẫn, nhưng ông chuẩn bị phải vào tù vì đã dũng cảm thực thi các giá trị đó khi không có sự chấp thuậncủa Đảng.

Hứa Chí Vĩnh, 40 tuổi, bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà nghiên cứu nhưng lại quay sang đại diện cho những người thua cuộc trong phép màu kinh tế của Trung Quốc, bao gồm công nhân di cư và người vô gia cư.

Ngay khi ông Tập lên nắm quyền, vị luật sư này đã giúp thành lập Phong trào Tân Dân nhằm mục đích đoàn kết mọi người "thông qua bản sắc công dân chung".

Ông bị cáo buộc đã tụ tập đám đông gây rối loạn trật tự công cộng.

Trong lời nói cuối cùng trước tòa, ông chỉ ra rằng Hiến pháp Trung Quốc hứa trao cho các công dân quyền tự do ngôn luận.

"Bằng cách cố gắng đàn áp Phong trào Tân Dân, qu‎í vị đang cản trở Trung Quốc trên con đường trở thành một nền dân chủ hợp hiến thông qua quá trình thay đổi ôn hòa."

Vị thẩm phán cắt ngang lời ông, nói tuyên bố của ông là "không liên quan đến vụ án". Mặc dù đấu tranh vì các nguyên nhân gần nhất với trái tim của ông Tập Cận Bình – đấu tranh vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nghèo – nhưng Hứa Chí Vĩnh đã phải ngồi tù trong thời gian ông Tập có nhiệm kỳ đầu tiên.

Bản án của ông được tuyên vào ngày 26/1/2014.

Chỉ vài tuần trước đó, nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã thực hiện chuyến đi ngắn từ khu liên hiệp cao tầng có tường cao ở trung tâm Bắc Kinh tới lăng Chủ tịch Mao ở Quảng trường Thiên An Môn.

Ở đó ông đã cùng tham gia các nhân vật cấp cao của Đảng cúi chào ba lần trước quan tài thủy tinh đặt thi hài Mao Trạch Đông, tỏ ý tôn trọng trong dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Mao.

Có vẻ như việc các chính sách của Mao gây ra đến nạn đói và cái chết của hơn 30 triệu người Trung Quốc, hoặc chuyện gia đình ông Tập từng bị bức hại trong cả chục năm mất mát của Cách mạng Văn hoá không phải là chuyện đáng bận tâm.

Dưới thời ông Tập Cận Bình thì những thực tế lịch sử khó nghe, hay việc sỉ nhục các anh hùng cách mạng và những người tử vì đạo nay trở thành thứ tội danh có thể cần phải trừng phạt, được gọi là "chủ nghĩa hư vô lịch sử".

Lăng của Mao ở Quảng trường Thiên An Môn đối diện với cánh cổng ngoài của Tử Cấm Thành, nơi là Mao từng ăn mừng chiến thắng của cuộc cách mạng Cộng sản hồi 1949 với tuyên bố: "Người Trung Quốc đã đứng lên." Chân dung của ông vẫn nhìn xuống quảng trường.

Là con trai của một trong những đồng chí cách mạng của Mao, ông Tập đặt mình vào đường dây kế vị trực tiếp.

Ông đã hứa với công chúng rằng Trung Quốc sẽ trở nên thịnh vượng, hùng mạnh. Ông tin rằng sự thống nhất và kỷ luật dưới sự lãnh đạo của một đảng là rất quan trọng để đạt được điều đó.

Việc sớm được giáo dục về vị thế tinh hoa của mình rồi tiếp đến là những nỗi kinh hoàng trong thời Cách mạng Văn hoá đã dạy cho ông Tập nỗi sợ công dân bị chính trị hóa.

Một điều quan trọng khác nữa đối với ông Tập là sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản trong khối Xô viết. Theo đánh giá của ông thì Moscow đã mất đi ý thức về mục đích cần theo đuổi khi từ bỏ lịch sử cách mạng.

Trong một bài phát biểu trước các đồng chí của mình trong Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay sau khi nhậm chức, ông Tập cảnh báo: "Trước đây Đảng Cộng sản Liên Xô có nhiều thành viên hơn chúng ta, nhưng không ai đủ mạnh mẽ để đứng lên chống lại."

Sự phản kháng của ông Tập đối với sức mạnh quyến rũ của các giá trị tự do trở nên quyết liệt.

Ông Tập dẫn lời Tô Đông Pha, một nhà thơ nổi danh, nói: "Tình hình nguy hiểm nhất đối với một quốc gia là dường như tất cả mọi thứ có vẻ tốt, nhưng thật ra đang có nguy hiểm tàng ẩn. Nếu chỉ ngồi xem, tình hình sẽ tồi tệ đến mức không thể vãn hồi trở lại. "

"Nếu nhân dân không thể duy trì các giá trị đạo đức đã được hình thành và phát triển trên đất của chúng ta, mà thay vào đó chỉ như những con vẹt ngoan ngoãn và mù quáng về các giá trị đạo đức phương Tây, thì cần phải đặt câu hỏi một cách thành thật rằng liệu có phải chúng ta đang đánh mất đi phẩm giá độc lập của một quốc gia và con người hay không," ông Tập nói.

Một quốc gia với những công dân tích cực, với ông Tập lại chính là cơn ác mộng. Người Ki-tô hữu, người Hồi giáo, các nhà hoạt động, các blogger, phóng viên, các nhà hoạt động nữ quyền và các luật sư đã bị bỏ tù.

Trong một số trường hợp, họ còn bị cho xuất hiện trên trong các cuộc thú tội trên truyền hình, công khai từ bỏ niềm tin của họ và lặp lại đường lối của Đảng rằng họ đã tự biến mình thành những quân cờ của các thế lực kẻ thù của Trung Quốc ở phương Tây. Coi một số dạng bày tỏ quan điểm là một hình thức đe dọa tới an ninh quốc gia – đó chính là nội dung trọng tâm trong cuộc chơi chính trị của ông Tập.

Cũng giống như Hứa Chí Vĩnh, luật sư đấu tranh cho nhân quyền luôn trong trạng thái sắp bị bắt, Đảng đã lưu hành một văn kiện nội bộ, được gọi là "bảy điều không được nói", theo đó cấm việc thảo luận về các giá trị phổ quát, tự do báo chí, quyền công dân và việc có tòa án độc lập.

"Giày không nhất thiết phải giống hệt nhau mà chỉ cần hợp với người mặc," ông Tập nói trước các cử tọa.

"Gene văn hoá truyền thống Trung Quốc được ăn sâu bắt rễ trong tâm lý của người Trung Quốc hiện đại."

Ông muốn các công dân xác định gắn bó với "quê hương, quốc gia / dân tộc Trung Quốc, văn hoá Trung Quốc, và con đường xã hội chủ nghĩa Trung Quốc". Ông gọi đây là "bốn đặc tính " và đã gói ghém chúng trong hai khẩu hiệu quan trọng - sự hưng thịnh phục hồi của quốc gia Trung Quốc và giấc mơ Trung Quốc.

Từ biểu ngữ treo trên các con đường, các nhà ga, đến các tài liệu truyền hình, hình động trực tuyến và ứng dụng trên thiết bị di động, các khẩu hiệu này xuất hiện khắp mọi nơi.

Trong nhiều thế kỷ, các hoàng đế Trung Hoa đã nỗ lực cân bằng các nguyên tắc quyền lực cứng và mềm - họ gọi đó là sức mạnh và đức hạnh - thực thi quyền lực tuyệt đối, đồng thời có bổn phận phải chăm sóc các chủ thể mà họ cai quản.

Để ăn mừng lịch sử cộng sản Trung Quốc, ông Tập đã cẩn thận cân bằng giữa việc tỏ lòng kính trọng Chủ tịch Mao với sự tôn trọng dành cho nhà cải cách kinh tế Đặng Tiểu Bình.

Ông Tập nói về chủ nghĩa Marx và nói về các thị trường. Nhưng bản chất của khẩu hiệu "Giấc mơ Trung Quốc" của ông là rõ ràng - "giấc mơ của một quốc gia hùng mạnh".

Những giấc mơ khác nhau - như cách nhìn của luật sư Hứa Chí Vĩnh - là rất nguy hiểm.

Nhà hoạt động xã hội này đã được thả ra vào tháng 7 sau khi hoàn thành bản án 4 năm. Kể từ đó, không ai có thể liên lạc được với ông Hứa. 

Thử thách

"Không thể giả đò coi đây chỉ là một nước lớn. Đây chính là nước lớn nhất trong lịch sử thế giới."

Cố lãnh đạo Singapore, ông Lý Quang Diệu đã nói như vậy về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trở thành nhà lãnh đạo vào năm 2012, ông Tập để mắt tới những gì Trung Quốc sẽ nhận được.

Vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản - 2021 - Trung Quốc sẽ trở nên "thịnh vượng vừa phải". Vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản lên nắm quyền - năm 2049, đó sẽ là một quốc gia "phát triển đầy đủ, giàu có và hùng mạnh".

Nền kinh tế Trung Quốc có thể sớm lớn hơn kinh tế Mỹ 40% nếu tính dựa trên "sức mua tương đương". Đến năm 2049, nó có thể lớn gấp ba lần.

Bốn thập niên qua đã là một cuộc hành trình phi thường không chỉ dành cho Trung Quốc mà còn cho người dẫn dắt đất nước.

Ông Tập mới chỉ là một thiếu niên đọc sách trong hang bằng ánh sáng hắt lên từ chiếc đèn dầu khi một vị tổng thống Hoa Kỳ gặp Chủ tịch Mao năm 1972.

Khi cánh cửa đi về phương Tây mở ra một thập niên sau đó, một số thái tử đỏ cùng thế hệ với ông Tập đã chớp cơ hội để ra đi.

Nhưng ông Tập đã đặt ra một hướng đi khác, và theo nội dung một điện tín do Wikileaks tiết lộ thì ông biết ông sẽ "chẳng phải là gì đặc biệt" nếu đi ra bên ngoài.

Ông Tập tự tin trong những lần gặp gỡ với người nước ngoài. Ông từng nhận xét về những người giảng giải cho Trung Quốc vấn đề nhân quyền: "Có những người nước ngoài tẻ nhạt, ăn no rồi chả biết làm gì ngoài việc chỉ trích chúng tôi.”

"Thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng; thứ hai, Trung Quốc không xuất khẩu đói nghèo; thứ ba, Trung Quốc không đến và gây đau đầu cho ai. Còn gì nữa để nói?"

Trung Quốc mà ông Tập được thừa hưởng đã sẵn sàng tỏ thái độ quyết đoán hơn, và ông đã làm điều đó.

Từ việc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông có tranh chấp cho tới việc thiết lập các ngân hàng đa phương mới và lên kế hoạch xây dựng Vành đai và Con đường, ông đã bỏ qua câu châm ngôn cổ rằng Trung Quốc nên ‘ngọa hổ tàng long’ chờ thời.

Ông Tập cũng khai thác tối đa việc Tổng thống Donald Trump rút khỏi một hiệp định thương mại lớn và thỏa thuận về chống thay đổi khí hậu ở Paris để tự thể hiện mình là một chính khách của thời đại và tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.

"Một cơn lốc hấp dẫn" – đó là cách mà series phim tài liệu truyền hình gần đây dùng để mô tả chính sách đối ngoại, đánh dấu năm năm đầu tiên nắm quyền, và được đưa song song với loạt chương trình về chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập.

Nhưng nếu ông Tập muốn đạt được các mục tiêu dài hạn của mình, thách thức thực sự vẫn còn phía trước.

Sức mạnh bề mặt đang giúp che giấu những vấn đề kinh tế trầm trọng.

Mức tăng trưởng chung của Trung Quốc đang chững lại trong lúc nợ nần thì đang tăng.

Nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng thời gian đang cạn dần cho việc tiến hành những cải cách nhằm xử lý các vấn đề của Trung Quốc mà không tạo ra một cuộc khủng hoảng. Và phía sau mặt tiền của bức tường lửa về sự thống nhất ý thức hệ là những ý tưởng khác nhau, đa chiều về tương lai của Trung Quốc.

Nhưng Đảng Cộng sản đã vượt qua được nhiều cuộc khủng hoảng trong cuộc đời ông Tập, từ nạn đói khủng khiếp trong thời Mao Trạch Đông cho tới Cách mạng Văn hoá, hay cuộc đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ năm 1989.

Nước Trung Quốc của ông Tập cho đến nay luôn gắn sự thịnh vượng với tình trạng đàn áp. Nếu ông tiếp tục nhốt hổ vào lồng, thanh lọc các đồng chí và đàn áp những tiếng nói đối lập, thì những câu hỏi mang tính sống còn có lẽ sẽ dành cho những người khác.

Kể từ thời Chủ tịch Mao, đến nay, một lần nữa Giấc mơ Trung Hoa lại được đặt nặng nề lên vai một con người.

Theo BBC

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness