TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 85
  • Hôm nay: 281
  • Tháng: 7020
  • Tổng truy cập: 5140339
Chi tiết bài viết

Úc và ASEAN giữa ba đào Thái Bình Dương

Thật nhanh chóng, nước Úc không còn đơn độc lẻ loi ở châu Úc nữa mà gắn chặt một cách “sống chết” với ASEAN.

Úc và ASEAN giữa ba đào Thái Bình Dương
Tàu huấn luyện MV Sycamore (bên trái) của Hải quân Úc do liên doanh Damen - Sông Cấm đóng.

Có một dạo nước Úc là một cái gì ngoại cuộc đối với ASEAN. Tổng thư ký ASEAN giai đoạn 1998-2002 Rodolfo Severino từng nói về ý định Úc muốn gia nhập ASEAN: “Quý vị không phải là nước Đông Nam Á. Tiêu chuẩn để là một thành viên ASEAN, quý vị phải thuộc về một khu vực gọi là Đông Nam Á”.

50 năm ASEAN và Úc

Hôm 3-8-2017, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop đã sớm mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN bằng một bài diễn văn đọc tại Bangkok. Bà nhắc lại câu chuyện 50 năm trước của ASEAN cùng thái độ của Úc ngay từ thời đó.

Đầu tiên là “xuất xứ” của ASEAN. Có rất nhiều định nghĩa về ASEAN; mỗi định nghĩa phản ánh góc nhìn của từng nước.

Câu chuyện về khởi đầu của ASEAN mà Bộ trưởng Bishop thuật lại phản ánh góc nhìn của nước Úc, một đất nước mà vào năm 1967 có dân số mới chỉ khoảng 11,5 triệu người (điều tra dân số ngày 30-6-1966), và bây giờ là 24,1 triệu dân (điều tra dân số ngày 30-6-2016).

Bà Bishop nói: “50 năm trước tại Bangkok này, Thái Lan đã đóng vai trò đầu tàu trong việc giúp giải quyết một cuộc xung đột khu vực, một sự đối đầu lớn.

Bộ trưởng ngoại giao Indonesia và phó thủ tướng Malaysia gặp bộ trưởng ngoại giao Thái Thanat Khoman (ông qua đời ngày 3-3-2016). Và họ đưa ra một phương án quản lý các căng thẳng khu vực đã dẫn đến xung đột.

Ý tưởng này là một hiệp hội của các quốc gia Đông Nam Á, một cộng đồng khu vực các quốc gia cùng chia sẻ địa lý và lịch sử, và mong muốn nhìn thấy một khu vực Đông Nam Á thống nhất hơn và do đó có ảnh hưởng.

Như ngoại trưởng Thanat đã nói lúc đó: ‘Các quốc gia ở Đông Nam Á là những nước nho nhỏ... Nếu có thể học hỏi và tìm cách hợp tác với nhau, cuối cùng sẽ có thể định hình và thực hiện chính sách tích cực và hợp tác mà không bị chèn ép hoặc nghiền nát bởi trọng lượng và áp lực của các nước lớn hơn'”.

Nếu hiểu rằng Úc cách đây 50 năm và ngay cả bây giờ, về mặt dân số, vẫn chỉ là một nước nhỏ, sẽ càng hiểu góc nhìn của nước Úc về ASEAN.

Bộ trưởng Bishop kể tiếp: “Khi Tuyên bố Bangkok được ký kết vào ngày 8-8-1967 tại cung điện Saranrom, trụ sở cũ của Bộ Ngoại giao Thái Lan, Úc đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của ASEAN.

Bộ trưởng ngoại giao Úc Paul Hasluck đã hoan nghênh việc thành lập ASEAN ngay ngày hôm sau, lưu ý rằng nước Úc có những mối quan hệ gần gũi và thân thiện với tất cả các thành viên ASEAN và ủng hộ các mục tiêu của ASEAN. Bảy năm sau, Úc là đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN”.

Cách “ôn chuyện hàn vi” của bà Bishop phản ánh rất rõ cái nhìn của một nước “be bé” về các nước cũng “be bé” khác, cũng như cầu gắn kết để sinh tồn.

Từ góc nhìn về kích thước quốc gia đó, sẽ hiểu những gì mà bà Bishop liệt kê trong ý nghĩa sâu của chúng: “Các liên kết chính thức và không chính thức của chúng ta đã phát triển sâu sắc hơn bao giờ hết. Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Úc - New Zealand có hiệu lực vào tháng 1-2010 - nay vẫn là hiệp định thương mại tự do toàn diện nhất của ASEAN”.

Sự gắn kết đó không chỉ là một hiệp định thương mại tự do. Bà Bishop liệt kê tiếp: “Úc và ASEAN công nhận mối quan hệ vững chắc và lâu dài của chúng ta bằng việc tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2014, và đồng ý tổ chức các hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo giữa hai bên mỗi hai năm một lần, lần đầu tiên là năm ngoái”.

Rất nhiều nước đã công bố kiểu quan hệ “đối tác chiến lược” này, nhưng có lẽ hiếm có mối quan hệ nào thực đúng với tên gọi đó như Úc - ASEAN khi vấn đề không chỉ là phát triển kinh tế mà còn là để sinh tồn.

Bà Bishop phân tích: “50 năm sau, quan hệ đối tác của chúng tôi với ASEAN đã trở thành yếu tố quyết định trong chính sách đối ngoại của chúng tôi.

Quan hệ tốt đẹp của Úc với ASEAN dựa trên sự đánh giá rõ ràng về các lợi ích và giá trị chung của chúng ta. Úc và ASEAN đều là những bên được thừa hưởng những lợi ích rõ ràng của một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế vốn đã củng cố sự tăng trưởng và thịnh vượng của chúng ta...

ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của chúng tôi. Các nền kinh tế của ASEAN và Úc bổ sung cho nhau và đã đóng góp cho sự thịnh vượng của các dân tộc”.

Bài diễn văn mừng ASEAN 50 tuổi của Ngoại trưởng Úc Bishop không chỉ toàn “hoa hồng”. Bà cũng thẳng thắn nói lên mong muốn của nước Úc: “Thưa quý vị, sau 50 năm, vai trò trung tâm và thiết yếu của ASEAN đã được công nhận và tôn trọng bởi các cường quốc trên thế giới.

Trong giai đoạn của cơ hội và thách thức này, chúng ta cần tăng cường vai trò và vị thế của ASEAN để thúc đẩy hòa bình, tự do và thịnh vượng trong khu vực và hơn thế nữa.

Sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng làm việc với ASEAN của các quốc gia cùng tâm huyết trong việc hỗ trợ và bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Khi ASEAN nói với một tiếng nói, sức mạnh và ảnh hưởng của ASEAN sẽ không bao giờ bị đánh giá thấp”.

Những giá trị chung

Thế nào là các “giá trị chung”? Một thí dụ trong diễn văn của bà Bishop: “Có lẽ yếu tố quan trọng nhất ràng buộc Úc và ASEAN chính là các mối quan hệ cá nhân rộng lớn của chúng ta, được thúc đẩy thông qua giáo dục, các cộng đồng kiều dân và người bản địa.

Gần 1 triệu người Úc, trong dân số 24 triệu người, tuyên bố họ có tổ tiên từ ASEAN. Các đấng tổ tiên ấy hẳn sẽ hài lòng với những tiến bộ chúng tôi đã làm được trong khuôn khổ những gì họ đã thiết lập, và ở chiều sâu của mối quan hệ giữa Đông Nam Á và nước Úc”.

Nhận xét của bà Bishop rất chính xác, bằng cớ là các cộng đồng nhập cư gốc ASEAN đã hội nhập rất tốt và ít khi khiến nhà chức trách sở tại phải đau đầu.

Ý kiến “các nền kinh tế của ASEAN và Úc bổ sung cho nhau” cũng không hề là một sáo ngữ ngoại giao. Có thể nêu một ví dụ qua tin tức từ các báo Úc hạ tuần tháng 6 vừa rồi:

“Hôm 26-6, tàu huấn luyện MV Sycamore, do Việt Nam đóng theo đơn đặt hàng của Úc, đã chính thức cập cảng Sydney. Tàu huấn luyện MV Sycamore là sản phẩm của liên doanh đóng tàu Damen - Sông Cấm (Nhà máy Z189) của Việt Nam.

Chiếc tàu này được đóng ngày 21-5-2015 theo đơn đặt hàng của Hải quân Hoàng gia Úc (RAN). Giá bỏ thầu phải chăng và (phía Việt Nam) có thể đáp ứng tốt về tiến độ cũng như thời hạn hoàn thành hợp đồng' - đại diện của RAN giải thích tại sao lại chọn Nhà máy Damen - Sông Cấm”.

Đây không phải là hợp đồng đầu tiên của Hải quân Hoàng gia Úc với Nhà máy đóng tàu Damen - Sông Cấm. Ngày 21-3-2017, hợp đồng đóng một tàu cứu hộ MV Stoker cũng đã được ký kết tại Nhà máy Damen - Sông Cấm.

Trước đó nữa là hợp đồng đóng tàu thoát hiểm MV Besant cho RAN. Hai tàu MV Besant đã được bàn giao vào các năm 2015 và 2016, được bố trí tại căn cứ tàu ngầm HMAS Stirling ở bang Western Australia.

Việc một hãng đóng tàu Việt Nam (liên doanh với Hãng Damen của Hà Lan) đóng tàu cho RAN chính là ví dụ cụ thể của điều mà bà Bishop nhấn mạnh trong diễn văn mừng 50 năm thành lập ASEAN:

Chúng ta cộng tác trong hợp tác hàng hải, chống khủng bố, an ninh mạng, kiểm soát nhập cảnh và biên giới, chống buôn lậu, chấp pháp, giáo dục và xử lý thiên tai”.

Cơ hội chung, thách thức chung

Mỗi nước lớn đều có những chính sách hợp tác riêng, thường thì dưới dạng viện trợ hoặc cấp ODA cho hạ tầng cơ sở, hoặc hợp tác khoa học kỹ thuật hay đôi khi tài trợ cho quốc phòng. Nước Úc, từ vị thế và tầm vóc của mình, có những ưu tiên riêng trong hợp tác - hỗ trợ phát triển.

Một trong những ưu tiên của Úc là “trao đổi sự đổi mới sáng tạo” với một số nước ASEAN. Ngoại trưởng Bishop nói:

Tôi đã thiết lập chương trình “Trao đổi để đổi mới” trong Bộ Ngoại giao và thương mại như một vườn ươm cách tư duy mới, các kỹ thuật và cách tiếp cận mới về việc hỗ trợ phát triển hải ngoại...

Chương trình đó đang hỗ trợ sự di chuyển các sản phẩm cùng con người nhanh hơn, rẻ hơn và dễ dàng hơn trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Cách tiếp cận “chỉ một trạm dừng” để kiểm soát biên giới, xuất nhập cảnh, thuế quan đã dẫn đến việc giảm 50% thời gian cho hành khách qua lại biên giới Việt Nam - Lào. Sẽ rất hay nếu như cách tiếp cận này cũng được áp dụng giữa Thái Lan và Lào, cùng với việc mở cửa các “trạm dừng một chặng” ở biên giới hai nước này.

Tương tự ở Việt Nam, chương trình viện trợ của chúng tôi đang giúp phát triển các cách tiếp cận sáng tạo để thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch và sản xuất tôm bền vững hơn”.

Chia sẻ các sáng kiến, Úc và ASEAN cũng chia sẻ nhiều thách thức chung.

Khu vực chúng ta đối diện các thách thức - bà Bishop nói - Chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển đổi quyền lực mang ý nghĩa lịch sử ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông là một thách thức đối với ổn định khu vực.

Việc đeo đuổi các lợi ích quốc gia đang đánh đố các quy tắc và luật lệ vốn đã từng phục vụ khu vực chúng ta trong một thời gian dài, đồng thời là cơ sở cho sự an toàn và thịnh vượng của chúng ta.

Bắc Triều Tiên tiếp tục thách thức Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bằng các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa. Nhất thiết phải bảo vệ trật tự dựa trên các quy tắc trong khu vực ấy.

Chúng ta cần các quy trình kiên định rõ ràng để xử lý các mâu thuẫn và duy trì các tiêu chuẩn được áp dụng đồng đều cho tất cả các nước, cả lớn lẫn nhỏ”.

Sự “chuyển đổi quyền lực” mà bà Bishop nói đến đang là vấn đề “nhức đầu nhức óc” với Úc: “Nước Úc đang lưu tâm đến bản chất sâu sắc của những thay đổi mà chúng ta đang trải qua”.

Trước đó, hôm 30-7, một cuộc họp cấp tiểu vùng bàn về chống khủng bố xuyên biên giới giữa Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei, Úc và New Zealand đã được tổ chức tại Indonesia.

Đây là sự cộng tác mới sau vụ tấn công và chiếm giữ thị trấn Marawi của Philippines bởi nhóm khủng bố Maute vốn nhận là đã quy phục tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tờ Tempo của Indonesia ngày 29-7 nhận xét:

“Nước Úc đang thực hiện một vai trò bí mật hàng đầu chống lại chủ nghĩa khủng bố tại Philippines, điều tra các vụ tấn công bằng bom, chia sẻ thông tin tình báo và tổ chức các cuộc họp cấp cao để thống nhất khu vực trong việc chống lại IS trong vùng.

Trong 12 tháng qua, cảnh sát liên bang Úc đã tiến hành 15 khóa huấn luyện chống khủng bố cho các cán bộ bản địa mọi thứ từ xác định lý lịch điện tử đến thu thập thông tin tình báo, an ninh trên mạng, điều tra...

Cảnh sát Úc cũng đã giúp đỡ việc theo dõi các nghi phạm Hồi giáo có vũ trang trong khu vực”. Úc đang gắn kết “bằng xương bằng thịt” với ASEAN, khác với những nước chỉ “kính nhi viễn chi”, chọn gửi ít vũ khí tặng Philippines hơn là trực tiếp can dự như Úc - dại gì dây vào IS để mang thêm họa!

Theo tuoitre

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness