TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 13
  • Hôm nay: 887
  • Tháng: 5249
  • Tổng truy cập: 5150514
Chi tiết bài viết

Xoay xở trong vòng ngân sách hẹp

TPHCM đang cần nguồn vốn lớn để thực hiện những dự án cấp nước cấp bách. Ảnh: MAI LƯƠNG

Tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại địa phương giảm từ 23% xuống còn 18% trong giai đoạn 2017-2020 sẽ khiến ngân sách TPHCM thiếu hụt mỗi năm hàng chục ngàn tỉ đồng. TPHCM sẽ xoay xở thế nào để vừa hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao tăng cao, vừa huy động đủ nguồn để chi cho đầu tư phát triển địa phương, đặt biệt là những dự án trọng điểm, cấp bách?

Theo nội dung Nghị quyết về dự toán phân bổ ngân sách của thành phố năm 2017 được HĐND TPHCM thông qua cuối tuần qua, tổng thu ngân sách địa phương của thành phố năm 2017 là 347.882 tỉ đồng, tăng 15,79% so với dự toán năm 2016, gồm các khoản thu nội địa 226.482 tỉ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 109.000 tỉ đồng và thu từ dầu thô 12.400 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng chi ngân sách thành phố năm 2017 là 70.646 tỉ đồng, với một số khoản chi chủ yếu: chi cho đầu tư phát triển 25.164 tỉ đồng, chi thường xuyên 34.200 tỉ đồng, chi trả lãi vay 1.511 tỉ đồng, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính 11,4 tỉ đồng, chi dự phòng ngân sách 2.400 tỉ đồng, chi từ nguồn bổ sung theo mục tiêu của ngân sách trung ương 7.377 tỉ đồng.

Ưu tiên bảy chương trình đột phá

Trao đổi với TBKTSG bên lề kỳ họp HĐND thành phố vừa qua, bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, chia sẻ: ngay cả khi tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương duy trì ở mức 23% trong vài năm gần đây thì phần vốn dành chi cho đầu tư phát triển đã thiếu hụt. Một khi tỷ lệ điều tiết giảm còn 18% thì sự thiếu hụt càng tăng.

Theo bà Thắng, tính toán sơ bộ việc tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giảm từ 23% xuống còn 18% trong giai đoạn 2017-2020 sẽ làm cho ngân sách thành phố hụt khoảng 50.000 tỉ đồng, tức mỗi năm hụt khoảng 10.000 tỉ đồng. Các dự án theo bảy chương trình đột phá được thành phố lên kế hoạch thực hiện cho giai đoạn năm năm 2016-2020 lên đến 364.180 tỉ đồng nhưng khả năng ngân sách cân đối được chỉ khoảng 150.000 tỉ đồng, số còn thiếu tới hơn 200.000 tỉ đồng.

“Dù khó khăn đến đâu, thành phố vẫn cố gắng xoay xở bằng nhiều nguồn khác nhau để không ảnh hưởng đến các dự án đã lên kế hoạch triển khai, đặc biệt là các dự án thuộc bảy chương trình đột phá của thành phố”, bà Phan Thị Thắng nói.

Thành phố sẽ tuân thủ các nguyên tắc dự toán cho năm 2017 theo đó, thứ tự ưu tiên sẽ là: đảm bảo chi hoạt động thường xuyên theo đúng chính sách, bố trí chi trả nợ lãi các khoản vay đến hạn, trích dự phòng ngân sách và bổ sung quỹ dự trữ tài chính theo quy định, chi đầu tư phát triển.

Đi sâu vào những khó khăn cho cán cân thu, chi ngân sách thành phố trong năm 2017, trong phần giải trình tại kỳ họp HĐND thành phố, bà Phan Thị Thắng cho rằng áp lực thu ngân sách lớn nhất của thành phố chính là thu nội địa. Trung ương giao thành phố thu 226.482 tỉ đồng, tăng tới gần 28% so với dự toán năm 2016 trong khi trung bình tỷ lệ tăng thu nội địa của thành phố qua từng năm chỉ khoảng 12,13%. Còn về chi, tất cả các khoản chi được lên kế hoạch trên cơ sở tiết kiệm nhưng cũng có lĩnh vực tăng chi chứ không cắt giảm, đặc biệt các khoản chi dành cho y tế, giáo dục, chi đảm bảo an sinh xã hội (đều ngang bằng hoặc cao hơn năm 2016).

Đại biểu HĐND thành phố Phan Nguyễn Như Khuê nhận định thách thức thu ngân sách thành phố từ năm 2017 sẽ rất lớn. Nếu chia đều cho các ngày trong năm thì mỗi ngày thành phố phải thu ngân sách gần 1.000 tỉ đồng mới mong thu đạt kế hoạch được giao.

Ông Khuê cho rằng ngoài những giải pháp “giật gấu vá vai” trước mắt, chính quyền thành phố cần có những giải pháp dài hơi, mang tính gối đầu để nuôi dưỡng nguồn thu ổn định. Trong trường hợp cần thiết thành phố nên xem xét tiết kiệm chi thường xuyên để tăng tỷ trọng cho phần chi đầu tư phát triển, chọn lọc những dự án cấp thiết để đưa ra lộ trình thực hiện nhằm cân đối đủ vốn cho cả dự án cấp bách trước mắt và những công trình mang tính dài hạn.

Hiện nay, ngành nào cũng có nhu cầu rất lớn về vốn để triển khai nhanh các công trình dân sinh.

Chẳng hạn riêng với ngành cấp nước sạch, đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) nhẩm tính đầu năm 2017, đơn vị này cần ngay nguồn ngân sách để thực hiện ba dự án cấp nước cấp bách gồm dự án đường ống cấp nước D1.500 dài 11 ki lô mét có tổng vốn 920 tỉ đồng (dẫn nước từ Nhà máy Tân Hiệp về quốc lộ 1A); dự án ống nước Âu Cơ dài 11 ki lô mét có vốn 800 tỉ đồng; dự án đường ống nước theo trục đường Nguyễn Văn Quỳ - Nguyễn Văn Linh dài 5,5 ki lô mét, vốn 270 tỉ đồng.

Đó là chưa kể đến 55 dự án đầu tư công nhóm B được thành phố lên kế hoạch triển khai trong năm 2017 có tổng vốn hơn 20.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách thành phố phải chi trên 16.800 tỉ đồng. Hoặc có những công trình hạ tầng đô thị dù quan trọng nhưng do căng kéo ngân sách buộc chính quyền thành phố phải xem xét đến việc tăng huy động nguồn vốn xã hội hóa.

Trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, lãnh đạo UBND thành phố cũng cam kết trong nhiệm kỳ này phải hoàn thành bốn công trình gồm nhà hát giao hưởng, trung tâm ca nhạc nhẹ, sân khấu tuồng và nhà biểu diễn xiếc. Đây đều là những công trình đòi hòi vốn đầu tư không nhỏ.

Không để cái khó bó cái khôn!

Theo giải trình của bà Phan Thị Thắng, giải pháp cần làm ngay để vượt qua áp lực thu, chi ngân sách là các ngành thuế, hải quan bắt tay nhau tổ chức kiểm tra, thanh tra thuế để thu đúng, thu đủ.

Thành phố cũng sẽ rà soát các khoản phí, lệ phí, đề xuất trung ương giao quyền cho thành phố tự chủ các khoản thu từ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, xử lý nước thải, khai thác các nguồn thu từ quảng cáo (như quảng cáo trên xe buýt), thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn (phần thu này Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc để lại cho thành phố), rà soát các quỹ nhà đất để tạo nguồn thu từ chuyển nhượng và đấu giá quỹ nhà đất dôi dư, rà soát các quyết định giao đất và hợp đồng thuê đất để định giá lại, rà soát các quỹ nhà tái định cư để bán những nhà đang thừa.

Để bù đắp khoản thiếu hụt 200.000 tỉ đồng dành cho bảy chương trình đột phá, thành phố sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tạm ứng nguồn vốn nhàn rỗi kho bạc bổ sung cho chi đầu tư phát triển, xúc tiến để được giải ngân các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới, tập trung các nguồn vốn vay ODA.

Thành phố sẽ tuân thủ các nguyên tắc dự toán cho năm 2017 theo đó, thứ tự ưu tiên sẽ là: đảm bảo chi hoạt động thường xuyên theo đúng chính sách, bố trí chi trả nợ lãi các khoản vay đến hạn, trích dự phòng ngân sách và bổ sung quỹ dự trữ tài chính theo quy định, chi đầu tư phát triển. Trong trường hợp nguồn cân đối ngân sách cho chi đầu tư phát triển không đáp ứng được nhu cầu thực tế, thành phố sẽ huy động vốn từ nhiều nguồn theo quy định của pháp luật để bổ sung.

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness