TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 29
  • Hôm nay: 810
  • Tháng: 9512
  • Tổng truy cập: 5154777
Chi tiết bài viết

Quyết định giám đốc thẩm Số 14/2009/KDTM-GĐT

Quyết định giám đốc thẩm

Số 14/2009/KDTM-GĐT

Ngày 18-12-2009

Về vụ án tranh chấp

hợp đồng quyền sử dụng đất.

 

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

 

Ngày 18 tháng 12 năm 2009, Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa tại trụ sở để xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh doanh thương mại “tranh chấp hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Vạn Niên; có trụ sở tại số 166, Nguyễn Thái Học, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An;

Đại diện theo pháp luật của công ty là ông Chu Đức Long, chức vụ: Tổng giám đốc; ủy quyền cho bà Phạm Thu Hằng là Luật sư Văn phòng  Luật sư Tôn Nữ Thu Hà và Cộng sự làm đại diện.

- Bị đơn: Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất (viết tắt là công ty CIRI); có trụ sở tại số 508, đường Trường Chinh, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội;

 Đại diện theo pháp luật của Công ty là ông Phạm Thành Công, chức vụ Giám đốc; ủy quyền cho bà Lê Thúy Hạnh chức vụ Phó Giám Đốc Công ty làm đại diện.

NHẬN THẤY

 

Theo đơn khởi kiện đề ngày 20/11/2007 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn trình bày:

Ngày 12/10/2005, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra Quyết định số 6890/QĐ-UB phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đợt 5 ô đất D13 khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy tổ chức vào ngày 29/9/2005, trong đó có khu đất xây dựng nhà chung cư cao tầng với diện tích 7.236m2; tổng số tiền phải nộp là 65.124.000.000 đồng; đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế - Đầu tư sản xuất (viết tắt là Công ty CIRY).

Ngày 10/11/2006, Công ty CIRI (bên A) đã ký “Hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất ” số 458/HĐCNQSDĐ với Công ty Cổ phần xây dựng và dịch vụ thương mại Vạn Niên (bên B – viết tắt là Công ty Vạn Niên), theo đó:

- Công ty CIRI cam kết chuyển nhượng cho công ty Vạn Niên lô C, ô D13, diện tích 7,236m2 với số tiền là 89.002.800.000 đồng;

- Trong thời hạn không quá 10 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày ký hợp đồng này được ký kết, Công ty Vạn Niên phải chuyển 65.124.000.000 đồng vào kho bạc Nhà nước quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội để công ty CIRI   hoàn tất các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày công ty CIRI được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hai bên sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có xác nhận của phòng công chứng;

- Trong trường hợp công ty CIRI không thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản đã quy định trong hợp đồng này, ngoài việc phải trả lại cho công ty Vạn Niên khoản tiền mà công ty Vạn Niên đã thanh toán cho công ty CIRI và các cơ quan nhà nước có liên quan, công ty CIRI sẽ phải chịu phạt vi phạm thỏa thuận bằng 10% giá trị của Hợp đồng căn cứ vào mức giá do hai bên thỏa thuận chuyển nhượng tại hợp đồng này.

Ngày 4/12/2006 Công ty Vạn Niên đã chuyển cho Ban quản lý dự án - Ủy ban nhân dâ quận Cầu Giấy (qua tài khoản kho bạc quận Cầu Giấy) số tiền 65.124.000 đồng, để Công ty CIRI có đủ điều kiện xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với lô đất mà hai bên đã cam kết chuyển nhượng. Từ ngày nộp đủ tiền sử dụng đất theo đúng giá đất đã phê duyệt (ngày 04/12/2006), công ty CIRI đã không khẩn trương tiến hành các thủ tục để được bàn giao đất, trong khi Công ty CIRI có đầy đủ điều kiện để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc làm chậm trễ này của Công ty CIRI đã vi phạm vào điểm 4.2.2 khoản 2 Điều 4 của “Hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất”: “Trong thời hạn tối đa không quá 05 ngày kể từ ngày bên A nhận được thông báo về việc VPLS (Văn phòng luật sư) đã thực hiện chuyển khoản số tiền được quy định tại Điều 4.2.1 của Hợp đồng này vào kho bạc Nhà nước quận Cầu Giấy, Bên A có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục còn lại để thực hiện việc xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…”, ảnh hưởng rất lớn đền quyền và lợi ích hợp pháp của công ty Vạn Niên. Do vậy, ngày 20/11/2007, Công ty Vạn Niên có đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận  Đống Đa, thành phố Hà Nội, yêu cầu buộc Công ty CIRI phải thực hiện đúng tiến độ thực hiện cam kết theo quy định tại “Hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất” số 485/HĐCNQSDĐ ngày 11/10/2006.

Bị đơn là Công ty CIRI trình bày:

Công ty CIRI thừa nhận có ký kết Hợp đồng cam kết chuyển nhượngquyền sử dụng đất số 485/HĐCNQSDĐ ngày 11/10/2006 với Công ty Vạn Niên và Công ty Vạn Niên đã chuyển cho Ban quản lý dự án Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy 65.124.000.000 đồng để Công ty CIRI có đủ điều kiện xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với lô đất C/D13. Công ty CIRI đã nhận được Quyết định số 3206/QĐ-UBND ngày 15/8/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về thu hồi 7.220,9m2 đất tại lô C/D13 khu đô thị mới Cầu Giấy, giao cho công ty CIRI để xây dựng nhà ở chung cư và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty. Căn cứ vào Hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 485/HĐCNQSDĐ ngày 11/10/2006

Căn cứ vào Hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 485/HĐCNQSDĐ ngày 11/10/2006, thì sau khi công ty CIRI nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với lô đất nói trên, Công ty CIRI mới thực hiện các bước tiếp theo của hợp đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm Công ty Vạn Niên khời kiện Công ty CIRI, Công ty CIRI vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sở dụng đất (Tại Công văn 149/CIRI ngày 11/8/2009 của Công ty CIRI gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kèm theo bản photo (không có công chứng), Công văn số 444/STNMT- ĐKTK ngày 17/9/2008 của Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hà Nội thể hiện công ty CIRI nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 18/02/2008). Vì vậy, Công ty CIRI chưa vi phạm “Hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất” số 485/HĐCNQSDĐ ngày 11/10/2006. Việc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm trễ là lý do khách quan, không do lỗi của Công ty CIRI, Công ty Vạn Niên đã có nhiều đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng gây khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm ảnh hưởng đến uy tín của Công ty CIRI. Trước khi khởi kiện, Công ty Vạn Niên còn tự ý xây dựng trên lô đất C/D13 của Công ty CIRI. Vì vậy, Công ty CIRI đề nghị Công ty Vạn Niên phải phá dỡ công trình xây dựng nêu trên và rút đơn khời kiện để hai công ty đàm phán thương lượng việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, vì đén nay Công ty CIRI đã nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 03/2008/KDTM-ST ngày 13 và ngày 18/3/2008, Tòa án nhân dân quận Đống Đa đã quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Công ty Vạn Niên đối với Công ty CIRI.

2. Buộc Công ty CIRI thực hiện đúng Hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 485/HĐCNQSDĐ ngày 10/11/2006. Giao cho Công ty Vạn Niên diện tích 7.220,9 m2 đất tại ô đất C/D13 khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Vạn Niên.

3. Công ty Vạn Niên có trách nhiệm thanh toán cho Công ty CIRI số tiền chưa thanh toán theo hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 485/HĐCNQSDĐ ngày 10/11/2006.

4. Công ty Vạn Niên được sử dụng diện tích 7.220,9 m2 đất tại ô đất C/D13 khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội và hoàn tất thủ tục theo quy định của pháp luật.

5. Về án phí: Công ty CIRI phải nộp 218.353.850 đồng án phí kinh doanh thương mạii.

Ngày 27/3/2008, Công ty CIRI có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 10/2008/QĐ-PT ngày 19/5/2008, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 10/2008/QĐ-PT quyết định:

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty Vạn Niên và Công ty CIRI.

2. Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 03/2008/KDTM-ST ngày 18/3/2008 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

Sau khi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định đình chỉ vụ án, Công ty CIRI có nhiều đơn khiếu nại và xuất trình bệnh án của bà Lê Thúy Hạnh, là người đại diện hợp pháp của Công ty CIRI, có nội dung la bà Hạnh nhập viện vào ngày 19/5/2008 (la ngày Tòa án mở phien tòa phúc thẩm) với chuẩn đoán bị “hội chứng tiền đình”, ra viện ngày 24/5/2008.

Ngày 18/8/2008, Văn phòng Chính phủ có công văn số 5407/VPCP-KNTC chuyển đơn khiếu nại của Công ty CIRI đến Tòa án nhân dân tối cao đề nghị xem xét lại vụ án.

Tại Quyết định số 13/2008/KDTM-KN-KT ngày 29/12/2008, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh, thương mại số 10/2008/QĐ-PT ngày 19/5/2008 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; đề nghị Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án nêu trên của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Ngày 04/02/2009, Công ty Vạn Niên có đơn khiếu nại quyết định kháng nghị nêu trên của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 10/2009/KDTM-GĐT Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, quyết định hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại số 10/2008/QĐPT ngày 19/05/2008 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Ngày 16/6/2009, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Quyết định số 18/QĐ-KNGĐT-V12 kháng nghị Quyết định Giám đốc thẩm nêu trên của Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao, đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng Quyết định giám đốc thẩm số 10/2009/KDTM-GĐT ngày 22/4/2009 của Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao, giữ nguyên Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh, thương mại số 10/2008/QĐ-PT ngày 19/5/2008 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, với nhận định tóm tắt như sau:

Quyết định giám đốc thẩm số 10/2009/KDTM-GĐT ngày 22/4/2009 của Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao là  không có căn cứ, vì:

1. Đối tượng xem xét quyết định giám đốc thẩm số 10/2009/KDTM-GĐT ngày 22/04/2009 của Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao là quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại số 10/2008/QĐ-PT ngày 19/05/2008 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Quyết định giám đốc thẩm cho rằng Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm là không đúng nhưng không chỉ ra được những sai phạm, không viện dẫn được điều luật mà Tòa án cấp phúc thẩm vi phạm. Công ty CIRI đã biết được thời gian mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm vào hồi 8h30 ngày 19/05/2008 theo quyết định hoãn phiên tòa số 96/2008/QĐ-PT của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, nhưng khi mở lại phiên tòa để xét xử phúc thẩm, nhưng khi mở lại phiên tòa để xét xử vào ngày 19/5/2008, thì bà Lê Thúy Hạnh – đại diện cho bị đơn vẫn vắng mặt. Vì vậy, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án là thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

2. Tại quyết định giám đốc thẩm, trong phần nhận định có nội dung không liên quan đến Quyết định phúc thẩm số 10/2008/QĐ-T ngày 19/5/2008 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, mà liên quan đến bản án sơ thẩm, trong khi đó bản án sơ thẩm số 03/2008/KDTM-ST ngày 13,18/03/2008 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa không bị kháng nghị để hủy quyết định phúc thẩm số 10/2008/QĐ-PT ngày 19/05/2008 là không đúng quy định pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 

XÉT THẤY

 

Ngày 10/04/2008, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý vụ án theo trình tự phúc thẩm.

Ngày 28/04/2008, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội có Giấy triệu tập số 165 triệu tập đại diện công ty CIRI đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để tham gia giải quyết vụ án vào ngày 07/05/2008.

Ngày 05/05/2008, Công ty CIRI có Công văn số 103/CV xin hoãn buổi làm việc đến ngày 25/05/2008 do bà Lê Thúy Hạnh - Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó giám đốc Công ty là người đại diện Công ty tham gia tố tụng giải quyết vụ án đi công tác không kịp về, nhưng ngày 07/05/2008, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vẫn ra quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 13/05/2008.

Ngày 12/05/2008, Công ty CIRI tiếp tục có đơn xin hoãn phiên toàn vì lý do bà Lê Thúy Hạnh –là người được giám đốc công ty ủy quyền tham gia giải quyết vụ án đang đi công tác, chưa kịp về để tham gia phiên tòa ngày 13/05/2008. Ngày 13/5/2008, do bà Lê Thúy Hạnh- đại diện công ty vắng mặt, nên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định hoãn phiên tòa số 96/2008/QĐ-PT ngày 13/05/2008 và ấn định ngày xét xử tiếp theo là vào ngày 19/5/2008 (chỉ sau 6 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa và vẫn trong thời gian mà phía bị đơn xin hoãn).

Ngày 17/05/2008, bà Hạnh có đơn xin hoãn phiên toàn với lý do mặc dù bà đã cố gắng thu xếp công việc để về sớm kịp dự phiên toàn ngày 19/05/2008 nhưng vì lý do sức khỏe không thể có mặt tại phiên tòa.

Ngày 19/05/2008, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh,thương mại số 10/2008/QĐ-PT vì bà Lê Thúy Hạnh đại diện công ty CIRI vắng mặt.

Như vậy, ngay từ khi nhận được giấy triệu tập lần đầu tiên của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu công ty CIRI đến tham gia giải quyết vụ án vào ngày 07/05/2008, bà Lê Thúy Hạnh là người đại điện của Công ty CIRI (người kháng cáo) đã có đơn yêu cầu đề nghị được chuyển ngày làm việc vào ngày 23/05/2008 với lý do đi công tác xa không kịp về. Nhưng ngày 07/05/2008, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vẫn quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 13/05/2008. Sau đó, công ty CIRI đã hai lần nữa có đơn xin hoãn phiên tòa đến ngày 23/05/2008, nhưng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vẫn quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời gian đương sự xin hoãn, trong khi thời gian xét xử phúc thẩm còn dài (khoản 1 Điều 258 Bộ luật tố tụng dân sự thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, đối với vụ án có tính chất phức tập thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm có thể kéo dài thêm nhưng không quá 01 tháng; khoản 2 Điều 258 Bộ luật tố tụng dân sự quy định trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử; Tòa án phải mở phiên toàn phúc thẩm; khoản 1 Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự quy định thời hạn hoãn phiên tòa không quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa) và chưa có căn cứ nói rằng đương sự cố ý trây ỳ, hoặc gây khó khăn  cho việc xét xử của Tòa án.

Trên thực tế, sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, Công ty CIRI đã có đơn khiếu nại và xuất trình bệnh án của bà Lê Thúy Hạnh, là người đại diện hợp pháp của công ty CIRI, có nội dung bà Hạnh nhập viện vào ngày 19/05/2008 (là ngày Tòa án mở phiên tòa phúc thẩm) với chẩn đoán bị “hội chứng tiền đình”, ra viện ngày 24/05/2008. Như vậy, việc bà Hạnh trình bày xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe là có căn cứ, trong khi thời hạn xét xử phúc thẩm vẫn còn nhiều, bà Hạnh chỉ yêu cầu xin hoãn phiên tòa đến ngày 23/05/2008. Tòa án cấp phúc thẩm đã không xác minh để xem xét các điều kiện xin hoãn của công ty CIRI, cũng không có văn bản thể hiện là không chấp nhận yêu cầu chuyển ngày xét xử của công ty CIRI, nhưng vẫn đưa vụ án ra xét xử là không đúng pháp luật, để từ đó, ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm làm mất quyền kháng cáo của công ty CIRI.

Mặt khác, tại Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 10/2008/QĐ-PT, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định: đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty Vạn Niên và Công ty CIRI là không đúng. Vì, “Hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất” số 458 ngày 11/10/2006 giữa công ty CIRI và Công ty Vạn Niên không phải là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mà chỉ là giao dịch dân sự có điều kiện, nhưng có nội dung trái pháp luật đã vi phạm Điều 62 Luật đất đai quy định về điều kiện để đất tham gia thị trường bất động sản, điểm e khoản 2 Điều 7 Luật kinh doanh bất động sản quy định về điều kiện đối với bất động sản đưa vào kinh doanh, điểm a khoản 8 Điều 2 Nghị định số 17/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ quy định về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê và Điều 5 Quyết định số 3206/Q Đ-UBND ngày 15/8/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thu hồi 7.220,9m2 đất tại lô C/D13 khu đô thị mới Cầu Giấy, giao cho công ty CIRI để xây dựng nhà ở chung cư (căn cứ vào các quy định nêu trên thì công ty CIRI không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất đã được UBND thành phố Hà Nội giao để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư khi chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng theo dự án được xét duyệt hoặc theo dự án thành phần của dự án đầu tư đã được xét duyệt), xâm phạm đến lợi ích của Nhà nươc nên vô hiệu ngay từ khi giao kết. Tòa án các cấp phải xem xét giải quyết đối với hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự thì mới đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Vì vậy, Quyết định giám đốc thẩm của Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo quy định của pháp luật là có căn cứ.

Vì lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 1 Điều 297 Bộ luật tố tụng dân sự;

 

QUYẾT ĐỊNH

 

- Không chấp nhận Kháng nghị số 18/QĐ-KNG ĐT-V12 ngày 16/6/2009 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với Quyết định giám đốc thẩm số 10/2009/KDTM-GĐT ngày 22/4/2009 của Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao về vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Thương Mại Vạn Niên và Công ty cổ phần Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất (viết tắt là công ty CIRI);

- Giữ nguyên Quyết định giám đốc thẩm số 10/2009/KDTM-GĐT ngày 22/4/2009 của Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao.

Lý do không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao:

Quyết định giám đốc thẩm của Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao hủy quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội có căn cứ.

  

 

Quyết định giám đốc thẩm

Số 41/2007/DS-GĐT

Ngày 14-12-2007

Về vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản

 

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

 

Ngày 14-12-2007, tại trụ sở  Tòa án nhân dân tối cao  đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “tranh chấp về thừa kế tài sản” giữa:

Nguyên đơn: Bà Tất Há Nữ, sinh năm 1959; trú tại: Số nhà 229 Nguyễn Tiểu La, phường 8, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.

Bị đơn: Bà Khương Nguyệt Hoa, sinh năm 1954; trú tại: Số nhà 135/11 Hà Tôn Quyền, phường 4, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Tất Thu Nữ, sinh năm 1953; trú tại: Nhà số 254/258 Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

2. Bà Tất Nữ, hiện cư trú tại Đài Loan.

3. Bà Tất Ngân, sinh năm 1962; trú tại: Số nhà 98 Huỳnh Mẫn Đạt, phường 2, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. (Tạm trú tại: số nhà 145/36 B khu 6, phường An Lạc, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

4. Anh Diệp Văn Minh, sinh năm 1968.

5. Anh Diệp Văn Hùng, sinh năm 1972.

6. Anh Diệp Tô Hà, sinh năm 1974.

7. Chị Diệp Thị Chi, sinh năm 1971.

8. Chị Lâm Huệ Bình, sinh năm 1976

9. Chị Lâm Huệ Liên, sinh năm 1978.

10.Chị Lâm Huệ Trinh, sinh năm 1981.

11. Chị Lâm Huệ Châu, sinh năm 1983.

(Anh Minh, anh Hà, anh Hùng, chị Nhi, chị Bình, chị Liên, chị Trinh, chị Châu là con chung của bà Diệp Tô Muội và ông Lâm Tô Hà đều trú tại: Số nhà 958/2 Lò Gốm, phường 8, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh.

12. Anh Tất Diệu Đường, sinh năm 1976.

13. Chị Tất Lệ Mạnh, sinh năm 1978.

14. Chị Tất Lệ Hằng, sinh năm 1979.

15. Chị Tất Lệ Thuyền, sinh năm 1980.

( Anh Đường, chị Mạnh, chị Hằng và chị Thuyền là con chung của bà Khương Hoa và ông Tất Kim Thành đều trú tại: Nhà số 135/11 Hà Tôn Quyền, phường 4, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh.

16. Bà Lý Thị Ngọc Lang, sinh năm 1953; tạm trú tại: Nhà số 409/38 Nguyễn Trãi, phường 7, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. (Nơi ĐKNKTT: Nhà số 115 Nguyễn Trãi, phường 2, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

 

NHẬN THẤY

 

Tại đơn khởi kiện ngày 28-3-2001 và trong quá trình tố tụng, nguyên đơn bà Tất Há Nữ trình bày:

Cha mẹ bà là cụ Tất Noãn (chết ngày 17/6/1980 và cụ Diệp Tú Anh (chết ngày 16/4/1997 đều không có di chúc, có 8 người con chung gồm:

- Bà Diệp Tô, chết ngày 8/10/2000, không có chồng con.

- Bà Diệp Tô Muội, chết ngày 21/2/1986, có chồng là ông Lâm Tô Hà và 08 người con là: Diệp Văn Minh, Diệp Nhi Chi, Diệp Văn Hùng, Diệp Tô Hà, Lâm Huệ Bình, Lâm Huệ Liên, Lâm Huệ Trinh, Lâm Huệ Châu.

- Bà Tất Nữ, sinh năm 1948 (trú tại Đài Loan;

- Ông Tất Kim Thành, chết ngày 15/12/1984, có vợ là bà Khương Nguyệt Hoa, có 5 người con là: Tất Diệu Đường, Tất Lệ Mạnh, Tất Lệ Thuyền, Tất Lệ Hằng, Tất Diệu Cơ (chết.

- Bà Tất Thu Nữ;

- Ông Tất Châu Chảy, chết ngày 29/6/1988, không có vợ con;

- Bà Tất Há Nữ, sinh năm 1959;

- Bà Tất Ngân, sinh năm 1962;

Tài sản do cha mẹ bà để lại là ngôi nhà và quyền sử dụng đất tại số 98 Huỳnh Mẫn Đạt, phường 2, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi cụ Tú Anh chết, bà Khương Nguyệt Hoa quản lý và đã dùng thủ đoạn giam dối, lập hồ sơ giả, bán lại căn nhà trên cho bà Lý Thị Ngọc Lang, khi bà Hoa bán nhà cho bà Lang, bà và các chị em bà không biết. Bà yêu cầu Tòa án buộc bà Hoa chia tiền bán nhà cho bà và các em của bà, mỗi người một phần (tương đương với kỷ phần thừa kế) mà bà và các chị em được hưởng từ di sản của cha mẹ để lại. Số tiền bán căn nhà trên mà bà Hoa thu được là 138 lượng vàng SJC.

Bị đơn bà Dương Nguyệt Hoa trình bày: Cụ Anh ở tại ngôi nhà trên cùng với bà Tô Diệp, bà và các con bà. Năm 1989, cụ Tú Anh cùng với một số người con của cụ Tô Diệp, Tất Nữ, Tất Ngân và Tất Há Nữ xin hợp thức căn nhà , đứng tên cụ Tú Anh. Sau khi hợp thức nhà, cụ Tú Anh là giấy bán nhà cho bà với giá 1.500.000 đồng với điều kiện bà phải lo chăm sóc cụ khi còn sống và lo mai táng cho cụ Tú Anh khi cụ chết, đồng thời lo nuôi và mai táng cho bà Diệp Tô khi bà Tô chết. Mọi thủ tục hoàn tất theo quy định. Khi cụ Tú Anh bán nhà cho bà đã có sự đồng ý của bà Diệp Tô, Bà Tất Nữ, bà Tất Ngân thể hiện tại tờ “Tờ ưng thuận” ngày 29/8/1989 và sự đồng ý của bà Tất Há Nữ tại “Tờ cam kết” ngày 6/11/1989. Việc làm văn tự nhượng và thụ nhượng ngày 18/8/1989 có xác nhận của UBND phường 2, quận 5. Sau đó, tại Quyết định số 1101/GP-UB ngày 05/12/1989 UBND quận 5 cấp giấy phép mua bán, chuyển dịch nhà cửa cho bà. Bà đã đóng thuế trước bạ sang tay theo đúng quy định của pháp luật. Việc mua bán nhà của bà là hợp pháp. Năm 2000 sau khi bà Diệp Tô chết, bà cần tiền để chữa chạy chữa cho một người con tên là Tất Diệu  Cơ bị ưng thư máu nên đã bán căn nhà trên cho bà Lý Thị Ngọc Lang với giá 80.000.000 đồng và việc mua bán nhà với bà Lang đã hoàn tất thủ tục nên không đồng ý yêu cầu chia thừa kế của bà Tất Há Nữ và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ( BL 61,62,165).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

Bà Tất Ngân và bà Tất Thu Nữ cũng có lời khai thông nhất với nguyên đơn về quan hệ huyết thống và nguồn gốc nhà 98 Huỳnh Mẫn Đạt là do cha mẹ để lại. Bà Tất Ngân, Tất Thu Nữ xin được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.

Ông Lâm Tô Hà (chồng bà Diệp Tô Muội) cùng 8 người con xin được hưởng thừa kế phần bà Muội theo quy định pháp luật.

Các anh chị Tất Diệu Đường, Tất Lệ Mạnh, Tất Lệ Thuyền và Tất Lệ Hằng (con của ông Thành, bà Hoa) thống nhất với lời khai của bà Hoa về nguồn gốc ngôi nhà và việc cụ Tú Anh đã bán nhà cho bà Hoa.

Bà Lý Thị Ngọc Lang (người mua căn nhà 98 Huỳnh Mẫn Đạt) trình bày:

Bà mua ngôi nhà của bà Hoa với giá 120 lượng vàng, mọi thủ tục đã hoàn tất. Việc bà mua căn nhà số 98 Huỳnh Mẫn Đạt, phường 2, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh của bà Hoa là đúng quy định của Nhà nước. Nay anh, chị em bên chồng của bà Hoa tranh chấp, bà đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà.

Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay đổi chỉ xin chia thừa kế giá trị ½ căn nhà mà bà Hoa đã bán thuộc phần tài sản của cụ Tất Noãn.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 13/2006/DS-ST ngày 09/01/2006, Tòa án nhân dân thành phố thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

Chấp nhận yêu cầu của bà Tất Há Nữ, Tất Thu Nữ, Tất Ngân, ông Lâm Tôn Hà đại diện các con bà Diệp Tô Muội.

Xác định ½  số vàng  bán nhà Huỳnh Mẫn Đạt, phường 2, quận 5, là di sản của ông Tất Noãn để lại. Sau khi trừ tiền sửa chữa nhà tương đương 2,79 lượng vàng SJC còn 57,921 lượng vàng SJC được chia như sau: Bà Tất Há Nữ, Tất Thu Nữ, Tất Ngân, Tất Nữ và các con bà Diệp Tô Muội được hưởng mỗi kỷ phần thừa kế là 8,274 lượng vàng SJC.

Buộc bà Khương Nguyệt Hoa phải giao số vàng cho mỗi kỷ phần thừa kế như trên ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật tại cơ quan thi hành án dân sự thành phố thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Tất Há Nữ được nhận quản lý phần thừa kế của bà Tất Nữ. Khi bà Tất Nữ có yêu cầu thì giao lại. Kỷ phần thừa kế của các con ông Thành là 8,274 lượng vàng SJC bà Hoa quản lý. Kỷ phần thừa kế của bà Diệp Tú Anh bà Hoa được sở hữu là 8,274 lượng vàng SJC.

Bác yêu cầu của bà Khương Nguyệt Hoa đòi sở hữu toàn bộ số vàng bán nhà 98 Huỳnh Mẫn Đạt, phường 2, quận 5, thành phố thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, điều kiện thi hành án và tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 16/01/2006 bà Khương Nguyệt Hoa kháng cáo, với  lý do căn nhà 98 Huỳnh Mẫn Đạt bà mua của cụ Tú Anh từ năm 1989. Các thủ tục hành chính về căn nhà trên đã được cấp có thẩm quyền chứng nhận, bà đã đóng thuế trước bạ, chứng minh căn nhà trên là tài sản riêng của bà, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định giá trị tài sản của cụ Noãn ½ căn nhà để chia thừa kế là không đúng.

Tại bản án phúc thẩm số 247/2006/DSPT ngày 27-6-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố thành phố Hồ Chí Minh quyết định: Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ngày 15/9/2006 và ngày 07/10/2006, bà Khuyên Nguyệt Hoa có hóa đơn khiếu nại, đề nghị xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, với lý do:

1- Việc bà mua nhà của cụ Diệp Tú Anh hoàn toàn ngay thằng, từ khi bà mua năm 1989 cho đến thời gian dài sau này không ai tranh chấp.

2- Nếu còn người được hưởng thừa kế thì cụ Diệp Tú Anh mới là người phải trả cho các đồng thừa kế này chứ không phải là bà.

Tại Quyết định số 161/2007/KN-DS, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 13/2006/DSSTnga 09/01/2006 của Tòa án nhân dân thành phố thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với nhận định:

Nguồn gốc căn nhà số 98 Huỳnh Mẫn Đạt, phường 2, quận 5, thành phố thành phố Hồ Chí Minh là của vợ chồng cụ Tất Noãn và cụ Diệp Tú Anh. Vợ chồng cụ Tất Noãn, cụ Diệp Tú Anh có 8 người con chung là bà Diệp Tô (chết năm 2000, không có chồng, con), bà Diệp Tô Muội (chết năm 1986), bà Tất Nữ, ông Tất Kim Thành (chết năm 1984, có vợ là bà Khương Nguyệt Hoa và 5 người con), bà Tất Thu Nữ, ông Tất Châu Chảy (chết năm 1989, không có con), bà Tất Há Nữ và bà Tất Ngân.

Năm 1980 cụ Noãn chết, không để lại di chúc. Sau khi cụ Noãn chết, cụ Tú Anh và vợ chồng bà Khương Nguyệt Hoa (bà Hoa là con dâu cụ Tú Anh) quản lý, sử dụng nhà.

Ngày 16-8-1989 bà Tất Nữ, bà Tất Ngân, bà Diệp Tô “Tờ ưng thuận” có nội dung đồng ý để cụ Tú Anh bán căn nhà nêu trên: ngày 18-8-1989 bà Tất Há Nữ lập “Tờ cam kết” cùng có nội dung chấp thuận cho cụ Tú Anh bán căn nhà để lấy tiền dưỡng già (trên hai văn bản có chữ ký của bà Tất Nữ, bà Tất Ngân, bà Diệp Tô, bà Tất Há Nữ và có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường). Ngày 18-8-1989 cụ Tú Anh lập (Văn tự chuyển nhượng và thụ nhượng nhà” để chuyển nhượng căn nhà trên cho bà Khương Nguyệt Hoa với giá 1.500.000 đồng (văn tự này có chữ ký của bà Tú Anh, bà Hoa và có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường); việc chuyển nhượng đã được Ủy ban nhân dân quận 5, thành phố thành phố Hồ Chí Minh cho phép chuyển nhượng tại “Giấy phép mua, bán chuyển dịch nhà cửa” số 1101/GP-UB ngày 05-12-1989 và bà Hoa đã làm thủ tục sang tên trước bạ vào ngày 21-12-1989.

Như vậy, căn cứ xác định, trong số 7 người con của cụ Noãn (trừ ông Tất Châu Chảy chết, không có vợ con) thì 5 người gồm bà Tấ Nữ, bà Tất Ngân, bà Diệp Tô, bà Tất Há Nữ và những người thừa kế của ông Tất Kim Thành đã đồng ý bằng văn bản để cụ Tú Anh bán nhà từ năm 1989, bà Hoa (người mua nhà) đã làm các thủ tục theo quy định của Nhà nước và đến năm 2000 (việc bà Hoa đã chuyển nhượng căn nhà cho bà Lang là hợp pháp và theo đúng quy định của pháp luật); trong suốt thời gian đó, những người con của cụ Noãn không phản đối, mà đến tháng 3 năm 2001 bà Tất Há Nữ mới khởi kiện. Ngoài ra, khi thỏa thuận mua bán nhà, tại “Tờ cam kết” ngày 18-8-1989 bà Hoa đã cam kết sau này mẹ tôi (cụ Tú Anh) bán đứt căn nhà số 98  Huỳnh Mẫn Đạt cho tôi thì bổn phận tôi phải nuôi mẹ tôi và cho mẹ tôi ở lại đến khi nào mẹ tôi mãn phần. Và trong thực tế, bà Hoa đã thực hiện cam kết nêu trên (vẫn để cụ Tú Anh trong căn nhà này và bà Hoa vẫn chăm sóc cụ Tú Anh khi cụ Tú Anh còn sống, lo mai táng cho cụ Tú Anh khi cụ chết, sau khi cụ Tú Anh chết được hơn 3 năm, bà Hoa mới sang nhượng căn nhà cho bà Lang). Như vậy, bà Hoa đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của bà đối với cụ Tú Anh.

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng bà Hoa không thực hiện cam kết theo ngày 18-8-1989, đồng thời đánh giá không đúng sự tự nguyện của các bà Tất Nữ, Tất Ngân, Diệp Tô, Tất Há Nữ để xác định không có việc cụ Tú Anh bán nhà cho bà Hoa; từ đó chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn, chia thừa kế phần tài sản của cụ Tất Noãn và buộc bà Hoa thanh toán bằng tiền cho các thừa kế là không đúng. Trong trường hợp này, vì việc mua bán nhà đã xảy ra trên 10 năm, người mua đã bán lại cho người thứ ba, lẽ ra phải bác yêu cầu chia thừa kế của các bà Tất Nữ, Tất Ngân, Diệp Tô và Tất Há Nữ mới đúng (vì các bà này đã ký tên ở văn bản đồng ý cho cụ Tú Anh bán nhà ); riêng đối với bà Tất Thu Nữ và các thừa kế của bà Diệp Tô Muội thì phải xác minh để làm rõ; nếu bà Tất Thu Nữ và các con bà Muội biết việc cụ Tú Anh bán nhà nhưng không có ý kiến phản đối thì phải xác định là đã đồng ý để cụ Tú Anh bán nhà, nếu bà Thu Nữ và các con bà Muội không biết việc cụ Tú Anh bán nhà thì phải xác định cụ Tú Anh có nghĩa vụ thanh toán kỷ phần mà bà Thu Nữ và bà Muội được hưởng đối với di sản của cụ Tất Noãn cho bà Thu Nữ và các thừa kế của bà Muội (do cụ Tú Anh đã chết, việc thanh toán kỷ phần này chỉ được thực hiện khi cụ Tú Anh còn để lại di sản khác).

Mặt khác, việc mua bán giữa nhà bà Hoa và bà Lang đã hoàn tất thủ tục, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm  đưa bà Lý Thị Ngọc Lang tham gia tố tụng là đúng, nhưng không có quyết định giải quyết về hợp đồng mua bán nhà giữa bà Hoa với bà Lang là không giải quyết triệt để vụ án.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận Kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

 

XÉT THẤY

 

Căn cứ các tài liệu có tại hồ sơ vụ án thì: Nguồn gốc căn nhà 98 Huỳnh Mẫn Đạt, phường 2, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh hiện bà Lý Thị Ngọc Lang quản lý, sử dụng là của vợ chồng cụ Tất Noãn và cụ Diệp Tú Anh. Vợ chồng cụ Tất Noãn, cụ Diệp Tú Anh có 8 người con chung là bà Diệp Tô (chết năm 2000, không có chồng, con), bà Diệp Tô Muội (chết năm 1986), bà Tất Nữ, ông Kim Tất Thành (chết năm 1984, có vợ là bà Khương Nguyệt Hoa và 5 người con), và Tất Thu Nữ, ông Tất Châu Bảy (chết năm 1989, không có con), bà Há Tất Nữ và bà Tất Ngân.

Năm 1980 cụ Noãn chết, không để lại di chúc. Sau khi cụ Noãn chết, cụ Tú Anh, bà Diệp Tô và vợ chồng bà Khương Nguyệt Hoa cùng các con của vợ chồng bà Hoa quản lý, sử dụng nhà, còn những người con khác của cụ Tú Anh có nhà riêng ở chỗ khác.

Ngày 16-8-1989 bà Tất Nữ, bà Tất Ngân, bà Diệp Tô lập “Tờ ưng thuận” có nội dung đồng ý để cụ Tú Anh bán căn nhà nêu trên; ngày 06-11-1989 bà Há Tất Nữ lập “Tờ cam kết” cùng có nội dung chấp thuận cho cụ Tú Anh bán căn nhà để lấy tiền dưỡng già (hai văn bản trên có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường).

Tại tờ ưng thuận ngày 24-8-1989, ngày 29-8-1989 bà Diệp Tô, bà Tất Ngân, bà Tất Nữ và bà Tất Há Nữ đồng ý để cụ Tú Anh đứng tên làm thủ tục hợp thức căn nhà trên và tại giấy phép số 892/GP-UB ngày 07-10-1989 UBND quận 5, thành phố Hồ Chí Minh đã công nhận cụ Tú Anh là chủ sở hữu căn nhà 98 Huỳnh Mẫn Đạt, phường 2, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 18-8-1989 cụ Tú Anh lập “Văn tự nhượng và thụ nhượng nhà” có nội dung chuyển nhượng căn nhà trên cho bà Khương Nguyệt Hoa với giá 1.500.000 đồng (có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường cùng ngày); Tại giấy phép số 1101/GP-UB ngày 5-12-1989 bà Hoa đã làm thủ tục kê khai, nộp thuế trước bạ và đứng tên sở hữu căn nhà.

Như vậy, có căn cứ xác định trong số 7 người con của cụ Noãn (trừ ông Tất Châu Bảy chết, không có vợ con) thì 5 người con khác là bà Tất Nữ, bà Tất Ngân, bà Diệp Tô, bà Tất Há Nữ và những người thừa kế của ông Tất Kim Thành đã đồng ý bằng văn bản để cụ Tú Anh bán nhà từ năm 1989, bà Hoa (người mua nhà) đã làm các thủ tục theo quy định của Nhà nước và đến năm 2000 bà Hoa đã chuyển nhượng căn nhà trên cho bà Lý Thị Ngọc Lang (việc bà Hoa sang nhượng căn nhà cho bà Lang là hợp pháp và theo đúng quy định của pháp luật).

Việc bà Hoa làm thủ tục đứng tên sở hữu căn nhà, sau đó sang nhượng căn nhà cho bà Lang thì cụ Tú Anh khi còn sống và những người con của cụ Noãn, cụ Tú Anh không phản đối, tranh chấp mà mãi đến tháng 3- 2001 (sau khi cụ Tú Anh chết khoảng hơn 4 năm) thì bà Tất Há Nữ mới khởi kiện.

Đồng thời có đủ căn cứ xác định bằng việc đồng ý để cụ Tú Anh hợp thức căn nhà đứng tên cụ Tú Anh thì bà Tất Há Nữ, bà Tát Ngân, Bà Tất Nữ, bà Diệp Tô và nhữn người thừa kế của ông Tất Kim Thành đã tự nguyện nhường kỷ phần mà họ được hưởng thừa kế từ tài sản của cụ Noãn cho cụ Tú Anh, nên cụ Tú Anh có quyền định đoạt phần tài sản của cụ (bao gồm cả phần mà cụ được hưởng thừa kế tài sản của cụ Noãn) và kỷ phần thừa kế của 5 người nêu trên.

Việc cụ Tú Anh sang nhượng căn nhà 98 Huỳnh Mẫn Đạt cho bà Hoa, sau đó bà Hoa sang nhượng cho bà Lang đúng quy định của pháp luật (hoàn tất về thủ tục) và phù hợp với thực tế. Trong trường hợp này nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tranh chấp, khiếu nại về các hợp đồng sang nhượng căn nhà mà chỉ yêu cầu chia thừa kế tài sản  của cụ Noãn là ½ số tiền mà bà Hoa đã bán căn nhà cho bà Lang. Do đó, trong trường hợp này lẽ ra phải bác yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới đúng.

Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng không có việc cụ Tú Anh sang nhượng nhà cho bà Hoa, không có việc bà Hoa trả tiền mua nhà, còn Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng bà Hoa không thực hiện cam kết ngày 18-8-1989 và cả Tòa sơ thẩm và phúc thẩm đánh giá không đúng về sự tự nguyện của các bà Tất Nữ, Tất Ngân, Diệp Tô, Tất Há Nữ và các người thừa kế của ông Tất Kim Thành để xác định không có việc cụ Tú Anh bán nhà cho bà Hoa; từ đó chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, chia thừa kế phần tài sản của cụ Noãn và buộc bà Hoa thanh toán bằng tiền cho các thừa kế là không đúng.

Riêng đối với bà Tất Thu Nữ và những người thừa kế của bà Diệp Tô Muội thì Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ họ có biết hay không việc cụ Tú Anh bán nhà cho bà Hoa và có ý kiến của họ khi cụ Tú Anh bán nhà. Trong trường hợp có đủ căn cứ xác định bà Tất Thu Nữ và những người thừa kế của bà Diệp Tô Muội biết cụ Tú Anh bán nhà; trong trường họ không biết hoặc biết và ngay sau đó phản đối, khiếu nại việc cụ Tú Anh bán nhà thì phải xác định cụ Tú Anh mới là người có nghĩa vụ thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế di sản của cụ Noãn cho bà Tất Thu Nữ và những người thừa kế của bà Muội, còn bà Hoa không phải chịu trách nhiệm này (do cụ Tú Anh đã chết nên nghĩa vụ thanh toán trong trường hợp này được giải quyết từ di sản của cụ Tú Anh nếu cụ Tú Anh còn để lại di sản, nếu cụ Tú Anh không còn di sản thì phải đình chỉ việc giải quyết yêu cầu của bà Tất Thu Nữ và những người thừa kế của bà Muội).

Do đó, cần chấp nhận Kháng nghị số 161/2007/KN-DS ngày 10-8-2007 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hủy một phần bản án dân sự phúc thẩm và bản án dân sự sơ thẩm để thu thập thêm chứng cứ về những nội dung nêu trên và giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên; Căn cứ vào khoản 3 Điều 297, khoản 1,2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.

 

QUYẾT ĐỊNH

 

1. Hủy một phần bản án dân sự phúc thẩm số 247/2006/DSPT ngày 27-6-2006 của Tòa  phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và hủy bản án dân sự số 13/2006/DS-ST ngày 09-01-2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản giữa nguyên đơn là bà Tất Há Nữ với bị đơn là bà Khương Nguyệt Hoa.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

           Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chia tài sản thừa kế là không đúng.

 

 

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness