TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 15
  • Hôm nay: 2090
  • Tháng: 12368
  • Tổng truy cập: 5157633
Chi tiết bài viết

THỦ TỤC XÉT LẠI BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT

THỦ TỤC XÉT LẠI BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH

ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT

TS. Trần Anh Tuấn

Khoa Pháp luật dân sự - Đại học Luật Hà Nội

 

 

1. Về cơ sở của thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì cần phải được thi hành để thực thi công lý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng lại không đúng với bản chất sự việc hoặc pháp luật nếu được đem ra thi hành sẽ gây tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Do vậy, trong những trường hợp này cần phải có những thủ tục đặc biệt để xét lại bản án, quyết định.

Theo nguyên tắc hai cấp xét xử, thì một vụ việc dân sự chỉ được giải quyết qua hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Nếu coi việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được tiến hành như một cấp xét xử thứ ba sẽ dẫn tới hai hệ quả là sự quá tải của bộ máy tư pháp và sự chậm chễ trong việc thực thi công lý. Do vậy, cần có sự hài hoà giữa việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và bảo đảm tính ổn định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Theo nguyên lý này, việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật chỉ nên được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt, khi mà bản án, quyết định không đúng với bản chất sự việc hoặc có những vi phạm, sai lầm nghiêm trọng về pháp luật.

Dựa trên tính chất của các căn cứ xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhà lập pháp Việt Nam đã phân hoá các căn cứ này thành hai loại, trên cơ sở đó thiết lập hai thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật tương ứng là thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm. Theo đó, giám đốc thẩm là việc xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có sai lầm của Toà án khi nhận định về những tình tiết, sự kiện của vụ án hoặc có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án, còn tái thẩm dân sự là việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị do phát hiện những tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Toà án, các đương sự không biết được khi giải quyết vụ việc dân sự.

Sự khác biệt căn bản về cơ sở của việc xét lại phán quyết đã có hiệu lực pháp luật là nguồn gốc dẫn tới sự khác biệt trong các quy định của pháp luật về thời hạn kháng nghị, quyền hạn của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011 (LSĐBS) đã thiết lập thêm một thủ tục đặc biệt nhằm cho phép Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao (HĐTPTANDTC) có thể xét lại chính quyết định của mình. Về căn bản thì thủ tục đặc biệt này vẫn dựa trên các căn cứ xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đã được phân tích ở trên với một số đặc thù về chủ thể có quyền yêu cầu xét lại, thủ tục thẩm định căn cứ xét lại, tỷ lệ thành viên biểu quyết tán thành và quyền hạn của HĐTPTANDTC.

2. Về bản án, quyết định có thể bị xét lại

Về nguyên tắc thì đối tượng của kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ bao gồm những bản án, quyết định dân sự của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Trong đó, đối tượng của kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là những bản án, quyết định dân sự bị phát hiện có sai lầm, vi phạm pháp luật trong việc giải quyết, còn đối tượng kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là những bản án, quyết định được cho là không đúng với thực tế khách quan do mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà trước đó Toà án và các đương sự không thể biết được khi giải quyết vụ việc dân sự. Theo quy định của BLTTDS, các bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật có thể trở thành đối tượng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, bao gồm, bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị; quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm; quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm, trừ quyết định của HĐTPTANDTC .

Theo pháp luật của một số nước trên thế giới, bản án của Toà phá án hoặc Toà án tối cao sẽ không bị xét lại theo thủ tục phá án hoặc thủ tục giám đốc thẩm với quan niệm việc xét xử không phải là vô cùng mà phải có điểm dừng và Toà phá án là cơ quan xét xử cao nhất và cuối cùng của một quốc gia1. Ở Việt Nam, theo quy định của BLTTDS thì quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Với góc nhìn đề cao quyền tiếp cận công lý của công dân (LSĐBS) đã ghi nhận những ngoại lệ về thủ tục xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao2.

3. Về căn cứ xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

Về học lý, sự khác biệt về tính chất của các căn cứ kháng nghị là cơ sở chủ yếu cho việc thiết lập hai thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật tương ứng là thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm. Thông thường, những sai lầm, vi phạm pháp luật của Toà án có nguồn gốc từ chính sự nhận thức, đánh giá không đúng về sự việc hoặc về pháp luật do sự ngộ nhận hoặc thiếu cẩn trọng của thẩm phán, hội thẩm nhân dân đối với chứng cứ, tài liệu của vụ việc hoặc đối với các quy định của pháp luật về nội dung, về tố tụng dân sự. Ngoài ra, sai lầm về sự việc của Toà án có thể do yếu tố ngoại cảnh tác động (đương sự hoặc Toà án không thể biết được) như thiếu những tình tiết, sự kiện cần thiết hoặc các tình tiết, sự kiện mà Toà án dựa vào đó để giải quyết vụ việc đã bị giả mạo,

được kết luận không đúng3. LSĐBS hiện nay vẫn giữ nguyên các quy định về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong BLTTDS trước đây. Theo đó, các quy định về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được xây dựng trên cơ sở phân hoá các căn cứ kháng nghị thành hai loại như trên.

Theo quy định tại Điều 310 a BLTTDS được sửa đổi, bổ sung thì quyết định của HĐTPTANDTC chỉ được chính Hội đồng này xét lại nếu có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà HĐTPTANDTC,  đương sự không biết được khi ra quyết định đó (Khoản 52

Điều 1 LSĐBS). Tuy nhiên, LSĐBS cũng không quy định cụ thể như thế nào là trường hợp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định.

Xét về phương diện lý luận, mặc dù LSĐBS không có quy định cụ thể nhưng để thủ tục đặc biệt không phá vỡ nguyên tắc hai cấp xét xử và giám đốc thẩm, tái thẩm không trở thành một cấp xét xử thứ ba thì hai căn cứ nêu trên cần được hiểu là việc vi phạm pháp luật hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới phải dẫn tới hậu quả xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước và cần phải khắc phục sai lầm để khôi phục lại những quyền, lợi ích hợp pháp của những chủ thể này. Theo suy lý này thì việc « vi phạm pháp luật nghiêm trọng » dẫn tới hậu quả trên thông thường là vi phạm pháp luật nội dung về dân

1 Điều 621, 622 Bộ luật tố tụng dân sự mới của Pháp.

2 Điều 52 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS về bổ sung thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội

đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

3 Trần Anh Tuấn, Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb Giáo Dục Việt Nam, tr. 252.

sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là « vi phạm pháp luật nghiêm trọng » là điều kiện để HĐTPTANDTC xét lại quyết định của mình có bao hàm cả trường hợp vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng dân sự hay không ? Thiết nghĩ, đây là một vấn đề cần được nghiên cứu và hướng dẫn cụ thể nhằm tạo cơ sở cho việc áp dụng trên thực tế.

4. Về chủ thể và thời hạn đề xuất việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

Để tránh nguy cơ thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có thể trở thành cấp xét xử thứ ba, nhà lập pháp Việt Nam đã thiết kế một lưới lọc, theo đó việc xét lại chỉ có để được thực hiện trên cơ sở kháng nghị của chủ thể có thẩm quyền được pháp luật quy định. Theo luật thực định thì những chủ thể này bao gồm, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (Điều 285 và Điều 307 BLTTDS). Bên cạnh đó, việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ được thực hiện trong thời hạn luật định.

Về học lý, việc xây dựng các quy định về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm phải đáp ứng được hai yêu cầu là tạo điều kiện cho đương sự có thể bảo vệ quyền, lợi ích của mình và bảo đảm tính ổn định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Do vậy, quy định về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là sự kết hợp một cách hài hoà hai yếu tố này trên cơ sở xác định hợp lý mốc tính thời hạn kháng nghị và độ dài của thời gian mà người có thẩm quyền có thể thực hiện việc kháng nghị4.

Theo quy định tại Điều 288 BLTTDS thì người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm chỉ được tiến hành việc kháng nghị trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật. Điều 308 BLTTDS quy định thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là một năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được pháp luật quy định.

Như vậy, BLTTDS không chấp nhận những biệt lệ về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong khi thời hạn kháng nghị luật định là tương đối hạn hẹp. Do vậy, các quy định của BLTTDS chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về bảo đảm quyền tiếp cận công lý của công dân. Điểm bất hợp lý này đã được khắc phục một phần bởi khoản 49 Điều 1

LSĐBS, theo đó thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm có thể được kéo dài thêm hai năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị nếu thoả mãn các điều kiện nhất định do pháp luật quy định:

- Thứ nhất, đương sự đã có đơn đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc

thẩm trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật và sau khi hết thời hạn kháng nghị (ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật) đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm;

- Thứ hai, bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 283 BLTTDS, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó” (Điều 288 sửa đổi).

Như vậy, việc LSĐBS có bổ sung quy định về việc kéo dài thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm thêm hai năm nếu thoả mãn các điều kiện nhất định do pháp luật quy định đã

4 Trần Anh Tuấn, Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb Giáo dục, tr. 255, 256.

bảo đảm hơn quyền tiếp cận công lý của công dân. Tuy nhiên, Điều 288 BLTTDS được sửa đổi không có giải thích rõ như thế nào là trường hợp « bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 283 Bộ luật này ». Ngoài ra, việc « xâm phạm lợi ích của Nhà nước » có cần phải tuân thủ điều kiện « xâm phạm nghiêm trọng » hay không cũng là vấn đề cần được giải thích rõ hơn để bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

Theo LSĐBS thì việc xem xét lại quyết định của HĐTPTANDTC  theo thủ tục đặc biệt được dựa trên yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao chứ không phải dựa trên kháng nghị của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC. Việc sử dụng các thuật ngữ có « yêu cầu, kiến nghị, đề nghị » như trên mà không sử dụng thuật ngữ « kháng nghị » cũng đặt ra vấn đề là việc « yêu cầu, kiến nghị, đề nghị » xem xét lại quyết định của HĐTPTANDTC có phải tuân thủ quy định về thời hạn kháng nghị hay không ?

LSĐBS hiện nay không có quy định nào giới hạn thời gian mà các chủ thể có quyền « yêu cầu, kiến nghị, đề nghị » xem xét lại quyết định của HĐTPTANDTC có thể thực hiện quyền này. Do không có một quy định dẫn chiếu cho nên có thể suy đoán các quy định về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm sẽ không được áp dụng cho các « yêu cầu, kiến nghị, đề nghị » xem xét lại quyết định của HĐTPTANDTC. Theo góc nhìn này thì thời hạn để các chủ thể có quyền có thể thực hiện việc « yêu cầu, kiến nghị, đề nghị » xem xét lại quyết định của HĐTPTANDTC  dường như là vô hạn. Do vậy, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất thì cần có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn về thời gian các chủ nói trên có thể thực hiện quyền « yêu cầu, kiến nghị, đề nghị » xem xét lại quyết định của HĐTPTANDTC.

5. Về việc phát hiện và xác định căn cứ xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

Giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự không phải là một cấp xét xử thứ ba mà chỉ là những thủ tục tố tụng đặc biệt. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng dân sự vẫn bảo đảm quyền tố tụng của đương sự bằng việc ghi nhận đương sự có quyền phát hiện vi phạm pháp luật, tình tiết mới và có quyền đề nghị, thông báo bằng văn bản với những người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự biết để những chủ thể này xem xét và quyết định việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (Điều 284, Điều 306

BLTTDS).

Để bảo đảm tính ổn định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Điều 1 khoản 47 LSĐBS đã sửa đổi Điều 284 BLTTDS theo hướng bổ sung một quy định nhằm hạn chế thời gian mà đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có thẩm quyền kháng nghị về việc xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo đó, trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Các quy định của BLTTDS trước đây về việc phát hiện kháng nghị giám đốc thẩm được xây dựng trên quan niệm việc phát hiện vi phạm pháp luật là quyền của đương sự, cho nên khi phát hiện vi phạm pháp luật thì đương sự chỉ cần thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm mà không cần phải làm đơn khiếu nại và nộp các chứng cứ, tài liệu kèm theo5. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn giám đốc thẩm dân sự tại Việt Nam, nhằm khắc phục tình trạng đề nghị kháng nghị tràn lan, thiếu căn cứ và để thuận lợi hơn cho việc xem xét để quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, Điều 1 khoản

47 LSĐBS đã bổ sung Điều 284a về đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngoài ra, người đề nghị phải gửi kèm theo đơn bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ.

BLTTDS trước đây không có quy định về cơ chế ràng buộc trách nhiệm, minh bạch hoá việc xét đơn khiếu nại nhằm tránh sự lạm quyền của người có thẩm quyền kháng nghị. Do vậy, quyền đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của đương sự có thể sẽ không được bảo đảm thực hiện trên thực tế. Điều 1 khoản 48 LSĐBS đã khắc phục hạn chế này bằng quy định bổ sung tại Điều 284b BLTTDS về thủ tục nhận và xem xét đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo đó, Toà án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị do đương sự nộp trực tiếp tại Toà án, Viện kiểm sát hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Ngày gửi đơn được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Toà án, Viện kiểm sát hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi. Toà án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị phải cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự. Người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có trách nhiệm phân công cán bộ tiến hành nghiên cứu đơn, hồ sơ vụ án, báo cáo người có quyền kháng nghị xem xét, quyết định. Trường hợp không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản cho đương sự biết.

LSĐBS hiện nay không có quy định nào dẫn chiếu việc áp dụng các quy định trên

đối với thủ tục tái thẩm dân sự. Do vậy, các quy định về đơn khiếu nại, thủ tục xét đơn khiếu nại tái thẩm cũng rất cần được hướng dẫn cụ thể để bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất. Ngoài ra, thời hạn kháng nghị tái thẩm không được tính từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, do vậy để bảo đảm quyền tiếp cận công lý của công dân nên có quy định bổ sung theo hướng thời hạn một năm để đương sự thực hiện quyền khiếu nại sẽ không được áp dụng cho thủ tục tái thẩm dân sự.

6. Về thẩm quyền xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự đều là thủ tục đặc biệt của tố tụng dân sự, được tiến hành trên cơ sở của kháng nghị của người có thẩm quyền nhằm kiểm tra lại tính đúng đắn của các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Do vậy, trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam thẩm quyền giám đốc thẩm và tái thẩm dân sự có sự đồng nhất. Theo quy định tại Điều 291 và Điều 310 BLTTDS thì thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị thuộc về HĐTPTANDTC, các Toà chuyên trách của TANDTC và Uỷ ban thẩm phán Toà án cấp tỉnh.

Theo pháp luật tố tụng dân sự của nhiều nước trên thế giới thì phán quyết của Toà

phá án là phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, LSĐBS hiện nay đã phát triển pháp luật theo hướng ghi nhận thẩm quyền của HĐTPTANDTC đối với phán quyết của chính mình theo thủ tục đặc biệt (Khoản 52 Điều 1). Việc xây dựng quy định này trong pháp luật tố tụng dân sự cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng việc xét xử cần có điểm dừng6, do vậy cần cân nhắc thận trọng7. Quan điểm thứ hai đi theo hướng ghi

5 Báo cáo số 20/BC-TANDTC ngày 1/9/2010 tổng kết năm năm thi hành BLTTDS, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS, tr. 187.

6 Chính phủ cho rằng, Dự thảo LSĐBS không khắc phục được tình trạng xét xử không có điểm dừng, một vụ việc có thể được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm nhiều lần (Báo cáo số 21/BC-TANDTC ngày 1/9/2010, tr. 201). nhận thẩm quyền của HĐTPTANDTC  trong việc xét lại các quyết định đã có hiệu lực pháp luật của chính mình theo một thủ tục tố tụng đặc biệt. Quan điểm thứ hai này xuất phát từ thực tiễn công tác giám đốc thẩm của TANDTC và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự nên cần có cơ chế mở8.

Việc nghiên cứu bổ sung thủ tục tố tụng đặc biệt để xét lại quyết định của HĐTPTANDTC trong BLTTDS sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc khắc phục những sai lầm nghiêm trọng trong chính những quyết định của HĐTPTANDTC. Song để tránh nguy cơ thủ tục đặc biệt sẽ phá vỡ nguyên tắc hai cấp xét xử và giám đốc thẩm có thể trở thành một cấp xét xử thứ ba, LSĐBS đã thiết lập những lưới lọc để thủ tục này chỉ được mở trong những trường hợp rất đặc biệt và tuân theo một trình tự rất nghiêm ngặt.

7. Về thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

- Đối với thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thông thường:

Sau khi nhận được kháng nghị của chủ thể đặc biệt được pháp luật quy định, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định bị kháng nghị chuyển hồ sơ vụ án cho mình nghiên cứu chuẩn bị xét xử. Theo quy định tại Điều

294 và Điều 310 BLTTDS  thì Chánh án Toà án phân công một Thẩm phán làm bản

thuyết trình về vụ án tại phiên toà. Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Toà án, nội dung của kháng nghị. Bản thuyết trình được gửi cho các thành viên hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm trước ngày mở phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được tiến hành chủ yếu dựa vào hồ sơ vụ việc nên những người tham gia tố tụng cũng không buộc phải tham gia phiên tòa. Tòa án chỉ triệu tập những người tham gia tố tụng và những người khác liên quan khi xét thấy cần thiết cho việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Các thành viên của hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm thảo luận và ra quyết định về vụ án.

- Đối với thủ tục xét lại quyết định của HĐTPTANDTC:

LSĐBS hiện nay đã thiết lập những lưới lọc đặc biệt nhằm hạn chế nguy cơ thủ tục này có thể trở thành một cấp xét xử thứ ba. Theo đó, việc mở thủ tục xét lại quyết định của HĐTPTANDTC cần phải có yêu cầu, kiến nghị, đề nghị của những chủ thể đặc biệt được pháp luật quy định và phải được sự chấp thuận của HĐTPTANDTC về việc mở thủ tục xét lại.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 310 a BLTTDS được sửa đổi, bổ sung thì khi có căn cứ xác định quyết định của HĐTPTANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà HĐTPTANDTC,  đương sự không biết được khi ra quyết định đó thì HĐTPTANDTC xem xét lại nếu có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Như vậy, theo LSĐBS thì việc xem xét lại quyết định của HĐTPTANDTC theo thủ tục đặc biệt được dựa trên yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao chứ không phải dựa trên kháng nghị của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC.

7 Báo cáo số 21/BC-TANDTC ngày 1/9/2010, Bản tổng hợp ý kiến bộ, ngành về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS, tr. 201.

8 Báo cáo số 21/BC-TANDTC ngày 1/9/2010, Bản tổng hợp ý kiến bộ, ngành về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số

điều của BLTTDS, tr. 201

Về phương diện học lý, sự chấp thuận của HĐTPTANDTC về việc mở thủ tục xét lại phán quyết của chính mình được xem như là một điều kiện để HĐTPTANDTC có thể tiến hành các thủ tục tiếp theo nhằm xem xét về nội dung vụ việc. Xét về bản chất thì ở phiên họp này (phiên họp thứ nhất) HĐTPTANDTC chỉ thực hiện việc kiểm tra xem có đủ căn cứ để xét lại vụ việc hay không. Khoản 2, 3 Điều 310 a BLTTDS được sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng khi có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao về việc phát hiện vi phạm, tình tiết mới thì Chánh án Toà án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo HĐTPTANDTC cao xem xét yêu cầu, kiến nghị, đề nghị đó. Tuy nhiên, Điều 310a BLTTDS được sửa đổi, bổ sung dường như đã không đề cập đến thời hạn của việc quyết định chấp thuận hay không chấp thuận việc mở thủ tục xét lại. Do vậy, có lẽ cần có một hướng dẫn cụ thể hơn về thời hạn kiểm tra căn cứ của việc xét lại mà HĐTPTANDTC có thể thực hiện kể từ ngày nhận được « yêu cầu, kiến nghị, đề nghị » của những chủ thể đặc biệt được pháp luật quy định.

Theo quy định tại Điều 310a BLTTDS thì trường hợp nhất trí với yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao thì HĐTPTANDTC  ra quyết định giao Chánh án Toà án nhân dân tối cao tổ chức nghiên cứu hồ sơ vụ án. Chánh án Toà án nhân dân tối cao có trách nhiệm tổ chức việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, báo cáo HĐTPTANDTC xem xét lại quyết định của HĐTPTANDTC trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày nhận được  yêu cầu  của  Ủy ban  thường  vụ Quốc  hội  hoặc  kể từ ngày  có quyết  định  của HĐTPTANDTC  giao Chánh  án TANDTC  tổ chức nghiên  cứu hồ sơ vụ án, báo cáo HĐTPTANDTC xem xét, quyết định( Điều 310b BLTTDS được sửa đổi).

Xét về bản chất thì ở thủ tục này HĐTPTANDTC không chỉ còn dừng lại ở việc

kiểm tra căn cứ của việc xét lại phán quyết của mình nữa mà đã tiến sâu hơn vào địa hạt của việc xem xét lại nội dung vụ việc sau khi đã chấp thuận việc mở thủ tục xét lại. Phiên họp của HĐTPTANDTC phải có sự tham dự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Sau khi nghe Chánh án Toà án nhân dân tối cao báo cáo, nghe ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan được mời tham dự, HĐTPTANDTC  ra quyết định hủy quyết định của HĐTPTANDTC;  hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định.

Thông thường, quyết định của HĐTPTANDTC  theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm phải được quá nửa tổng số thành viên của HĐTPTANDTC biểu quyết tán thành. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ thủ tục đặc biệt sẽ phá vỡ nguyên tắc hai cấp xét xử và việc xét lại quyết định có thể trở thành một cấp xét xử thứ ba, nhà lập pháp Việt Nam đã có những quy định nghiêm ngặt hơn về việc biểu quyết của HĐTPTANDTC  khi xét lại quyết định của chính mình. Theo đó, khi HĐTPTANDTC xét lại quyết định của mình thì quyết định này của HĐTPTANDTC phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên của HĐTPTANDTC biểu quyết tán thành.

8. Về quyền hạn của Hội đồng xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

Về cơ bản LSĐBS vẫn giữ lại các quy định về quyền hạn của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm tại Điều 297 và Điều 309 BLTTDS. Tuy nhiên, Điều 299 BLTTDS chỉ quy định Hội đồng giám đốc thẩm có quyền huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm lại hoặc phúc thẩm lại mà không đề cập tới quyền huỷ một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Sự thiếu sót này của BLTTDS đã được

LSĐBS khắc phục. Theo quy định tại khoản 3 Điều 297 và Điều 299 BLTTDS đã được sửa đổi bởi Điều 1 khoản 50 và 51 LSĐBS thì Hội đồng giám đốc thẩm có quyền huỷ một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc phúc thẩm lại. Ngoài ra, LSĐBS cũng không có quy định về quyền của Hội đồng tái thẩm trong việc huỷ một phần bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại. Xét theo logic, trong những vụ án có nhiều quan hệ pháp luật thì khả năng Hội đồng tái thẩm cần huỷ một phần bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy, một hướng dẫn cụ thể về vấn đề này là cần thiết.

Ngoài ra, các quy định tại khoản 3 Điều 310b BLTTDS được sửa đổi, bổ sung về

quyền hạn của HĐTPTANDTC theo thủ tục đặc biệt đã tỏ ra khá mềm dẻo khi ghi nhận quyền của HĐTPTANDTC trong việc huỷ  quyết định của mình, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và quyết định về nội dung vụ án hoặc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Toà án nhân dân tối cao, xác định trách nhiệm bồi hoàn giá trị tài sản hoặc giao hồ sơ vụ án cho Toà án cấp dưới giải quyết. Tuy nhiên, các quy định tại Điều

310b nói trên dường như mới chỉ định ra các quyền hạn căn bản mà HĐTPTANDTC có

thể thực hiện. Do vậy, việc có những chỉ dẫn cụ thể làm khuôn mẫu cho việc áp dụng và thực hiện các quyền này sẽ bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất trên thực tế.

Trên đây là một số suy nghĩ về các quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS về thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi của bạn đọc để vấn đề này có thể được làm sáng rõ hơn.

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness