TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 13
  • Hôm nay: 295
  • Tháng: 5778
  • Tổng truy cập: 5151042
Chi tiết bài viết

Dự án của Sun Group sẽ ảnh hưởng đến quần đảo Cát Bà như thế nào?

Với nhiều bổ sung các hạng mục sân golf, cáp treo, vườn thú Safari, cùng quy mô du lịch giải trí lớn, theo các chuyên gia, cần có tính toán và điều chỉnh lại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Cát Bà do tập đoàn Sun Group thực hiện, bởi những nguy cơ tác động xấu khó lường tại đây.

Như đã thông tin, theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Cát Bà do Sun Group thực hiện sẽ gồm nhiều hạng mục, với quy mô lớn như: 5 ga cáp treo với tổng độ dài 21km (theo Sun Group, đây là tuyến cáp treo dài nhất thế giới, dự kiến hoàn thành trong 18 tháng tính từ đầu tháng 5 này; trong đó đoạn tuyến cáp treo 3 dây Cát Hải - Phù Long có công suất 5.500 khách/giờ); Ở các xã đảo Cát Bà, Cái Giá, Khe Sâu, Phù Long, Xuân Đám, v.v… sẽ xây dựng các sân golf, resort, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà ở hỗn hợp, nhà lô, chung cư, cầu đi bộ ngang núi,…

Đây là những nội dung quy hoạch đã được ban thường vụ Thành ủy thành phố Hải Phòng thông qua tại thông báo số 104-TB/TU ngày 5.4.2017.

Quy hoạch của Sun Group tham vọng: tổng số lượng khách đến năm 2020 đạt khoảng 5 – 6 triệu lượt khách/năm; và tổng số lượng khách đến năm 2030 khoảng 8 - 10 triệu lượt khách/năm. 
Theo Quy hoạch này, các phân khu quy hoạch phát triển du lịch chi tiết gồm: 
01. Điểm đi Cát Hải
02. Điểm đến Phù Long
03. Điểm đến và khu vực phát triển mới phía Bắc – Gia Luận 
04. Khu vực phát triển định hướng xanh
05. Khu vực phát triển mới Xuân Đám – di chỉ Cát Đồn.
06. Trung tâm giải trí và du lịch thị trấn Cát Bà.

Phân vùng quần đảo Cát Bà theo Quy hoạch tổng thể du lịch Cát Bà do Sun Group thực hiện. Ảnh:TL

Trong đó, theo Sun Group, các khu vực 02, 03, 05, 06 nằm trong các Khu cho phép phát triển mức độ trung bình và cao.

Khu vực 04 – khu vực phát triển định hướng xanh (vị trí Vườn quốc gia Cát Bà và các khu bảo tồn sinh thái rừng và biển).

Theo quy hoạch này, tại Vườn quốc gia Cát Bà sẽ xây nhà ga cáp treo kết nối toàn tuyến tổng thể tới 5 xã đảo, làng ẩm thực, sân golf, vườn thú Safari,… Hang Quả Vàng - điểm nằm ngay trong Khu bảo tồn nghiêm ngặt dành riêng cho Voọc đầu trắng Cát Bà, cũng sẽ được đầu tư khai thác du lịch.

Cũng theo tìm hiểu, khi so với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Cát Bà tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt tại quyết định 2732/QĐ-UBND ngày 5.12.2014, Quy hoạch của Sun Group đã có nhiều đề xuất bổ sung.

Cụ thể, bổ sung 02 sân golf tại Trung tâm Vườn Quốc Gia và khu Khe Sâu Hải Sơn. Bổ sung chức năng Vườn thú Safari vào khu vực Trung tâm Vườn quốc gia Cát Bà.

Thêm các hạng mục công viên ngoạn cảnh và khu tâm linh sẽ được xây dựng tại các điểm cao 177 và 120 gồm tàu hỏa leo núi Funicular, vườn hoa trên núi, tượng Phật.

Làm các khu lấn biển tại vịnh Cát Bà, Cát Đồn, bến Gia Luận để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn, ẩm thực,…

Điều chỉnh tuyến cáp treo nội khu Vườn quốc gia Cát Bà theo hướng kết nối toàn tuyến tổng thể Cát Hải – Phù Long – Vườn Quốc Gia – Cát Đồn – Cát Bà.

Quy hoạch Vườn quốc gia Cát Bà theo Quy hoạch do Sun Group thực hiện. Ành: TL

Về quy hoạch của Sun Group, đặc biệt là quy hoạch trong khu Dự trữ sinh quyển Cát Bà, GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và sinh quyển (MAB) Việt Nam cho rằng: quy hoạch tổng thể du lịch của Sun Group tại Cát Bà hiện đang tạo ra nhiều lo lắng không chỉ trong nước mà còn quốc tế.

Hiện MAB Việt Nam đang làm công văn đề nghị UBND thành phố Hải Phòng cung cấp thông tin dự án, và lý giải việc đầu tư ở Cát Bà thông qua dự án của Sun Group có đáp ứng 7 tiêu chí của UNESCO không (gồm đảm bảo đa dạng cảnh quan, các hệ sinh thái kể cả khu vực phát triển của con người; giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao; phát triển theo hướng bền vững ở cấp độ vùng; phân vùng thích hợp để thực hiện 3 chức năng của khu dự trữ sinh quyển thông qua vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp; quản lý với sự tham gia của nhiều bên gồm cả cộng đồng dân cư và khối tư nhân; quản lý và bảo tồn theo nguyên tắc của UNESCO)

Theo GS Hoàng Trí, làm cáp treo phát triển du lịch ở các Vườn quốc gia sẽ gây ảnh hưởng lớn tới bảo tồn đa dạng sinh học. GS. Hoàng Trí lý giải, đa dạng sinh học là sự phong phú về loài, gen và hệ sinh thái. Một nơi có càng nhiều loài, nhiều giống, nhiều hệ sinh thái khác nhau thì đa dạng sinh học càng cao, thường có ở các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn.

Trong tự nhiên, để tồn lại, mỗi loài đều sử dụng các loài khác làm thức ăn và chính nó lại là nguồn thức ăn cho sinh vật khác, làm thành các chuỗi và lưới thức ăn, đó là cơ sở duy trì đa dạng sinh học.

Sự tồn tại của loài người phụ thuộc vào đa dạng sinh học thông qua việc khai thác chúng làm nguồn thực phẩm, duy trì khí oxy để thở do cây xanh cung cấp, nguồn nước ngầm cho sinh hoạt nông, công nghiệp, giảm nhẹ thiên tai bão lụt, là nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc họa, làm giàu tính nhân văn cho con người. Tất cả điều đó được gọi là dịch vụ hệ sinh thái. Đó là dịch vụ do thiên nhiên mang lại, con người chỉ việc sử dụng rồi quên đi nghĩa vụ của mình, đôi khi còn tàn phá thêm gây tai họa cho mình mà không biết.

Vì vậy, theo GS. Hoàng Trí, xây dựng hệ thống cáp treo đi kèm các dịch vụ nhà hàng, khách sạn chỉ là những công cụ để phát triển du lịch. Sự xây dựng này đã vô tình hoặc cố tình tạo ra sự ngăn cách, chia cắt nơi sống, nơi ở của nhiều loài sinh vật. Ví dụ các loài sâu bọ, ếch nhái, chim thú: tập tính kiếm ăn, săn mồi bị thay đổi, hoạt động sinh dục, sinh sản bị cản trở, tiếng ồn khi xây dựng, khi vận hành, sự có mặt của con người tạo ra những áp lực tâm, sinh lý đối với các loài động vật.

“Loài Voọc Cát Bà chỉ nhìn thấy bóng người là chúng phải trốn chạy, các loài chim biển ở Cù Lao Chàm phải bay đi thật xa khỏi những khối bê tông, dây cáp kim loại vô cảm, và điều gì đến sẽ đến. Không còn nơi sống, nơi kiếm ăn, nơi gặp gỡ đực cái sinh sản, một số loài sẽ bị tuyệt chủng kéo theo các chuỗi và lưới thức ăn bị sụp đổ. Đến một ngày không còn đa dạng sinh học, hậu quả con người gánh chịu là không thể tưởng tượng được”, GS. Hoàng Trí nói.

cáp treo cát bà

Hệ thống cáp treo tại Cát Bà dài 21 km, theo Sun Group là nếu hoàn thành sẽ lập kỷ lục mới dài nhất thế giới,

dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019 - ảnh: TL

Tại hội thảo về Cát Bà – Hạ Long gần đây do IUCN tổ chức vào đầu tháng 5.2017, ông Neahga Leonard, giám đốc Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà, cho rằng: nếu được lên kế hoạch và quản lý hợp lý, việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và khuyến khích du lịch có thể là một lực lượng mạnh mẽ bảo vệ môi trường, tài nguyên và sinh kế người dân địa phương. Theo đó, quy hoạch cần được thực hiện cẩn thận, với sự tham vấn, tham gia sớm của các bên liên quan, bao gồm các chuyên gia về bảo tồn, về phát triển bền vững và sinh kế, các chuyên gia về xây dựng, phát triển và đầu tư.

Theo ông Neahga Leonard, mục tiêu cao nhất của bảo tồn chính là vì con người. Bởi vậy, công tác bảo tồn không thể hiểu là chỉ bảo tồn động vật, thực vật, mà nó cần được xem xét trong tổng thể các yếu tố gồm: phát triển, sinh kế, du lịch, các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị. Và để bảo tồn kết quả, chúng ta cần quyết liệt thay đổi mối quan hệ giữa con người với môi trường, và cách chúng ta tiếp cận trong phát triển.

Theo đó, với Quy hoạch Cát Bà của Sun Group, ông Neahga Leonard đã đưa ra nhiều đề xuất, cụ thể: phía Đông của đảo (đảo Cát Bà) từ Tùng Gấu đến Áng Kê cần được giữ nguyên như hiện nay.

Bên trong vùng phát triển (vùng được phép thực hiện hoạt động du lịch trong phạm vi Vườn quốc gia) cần được giữ tối đa, có nghĩa là không có sân golf, không có công viên động vật hoang dã (Safari) với các loài động vật không có nguồn gốc ở đảo Cát Bà.

Khu phát triển chính, nghỉ dưỡng, sân golf, trung tâm mua sắm, biệt thự... nên ở phía tây đảo Cát Bà, bên ngoài vườn quốc gia Cát Bà, bên ngoài vùng lõi và vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển Cát Bà.

Cần đánh giá lại các ga cáp treo, ưu tiên ở phía tây đảo và không đi vào Vườn quốc gia Cát Bà.

Giám sát và bảo vệ chặt chẽ khu bảo tồn của Vườn quốc gia, Khu dự trữ sinh quyển (đặc biệt là vùng lõi), và Khu bảo tồn biển.

Các hoạt động sinh kế của người dân địa phương cần được tôn trọng, bao gồm đền bù thỏa đáng và không có sự di dời cưỡng bức.

Giới hạn số lượng khách du lịch mỗi năm.

Lê Quỳnh - Theo Người Đô Thị


Bản Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Cát Bà do Sun Group thực hiện đã được phê duyệt? Người Đô Thị đã liên hệ với UBND thành phố Hải Phòng, tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Còn theo Tuổi Trẻ, ông Đặng Minh Trường, Phó chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn Sun Group cho biết: “đồ án quy hoạch Cát Bà là dự án lớn bao gồm nhiều cấu phần, nên các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải thẩm định, xin ý kiến của các hội đoàn liên quan và đảm bảo đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Thời điểm này Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí Cát Bà đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục”.

Trong diễn tiến liên quan, ngày 14.5 vừa qua, tại xã Đồng Bài, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng và Tập đoàn Sun Group đã khởi công giai đoạn 1 Quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cát Bà. Theo Sun Group, một số hạng mục như nhà ga, sân đỗ, bãi đỗ xe,… tại đảo Cát Hải đã khởi công theo Giấy phép xây dựng số 01/GPXD ngày 11.5.2017 và Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch Bảo vệ môi trường số 07/GXN- STNMT ngày 24.4.2017 do thành phố Hải Phòng cấp và sẽ tiếp tục được triển khai trong giai đoạn này, tiến tới việc hiện thực hóa ý tưởng đưa Cát Bà trở thành hòn đảo du lịch sinh thái đầu tiên ở Việt Nam không có khói xe.

Trả lời Người Đô Thị chiều ngày 15.5.2017, đại diện Sun Group cho biết, việc phát triển ga cáp treo Cát Hải và các điểm đến Phù Long, Vườn quốc gia Cát Bà, Cát Đồn; trung tâm giải trí giai đoạn 1 Cái Giá; khu nghỉ dưỡng, sân golf và suối nước nóng Xuân Đám trong giai đoạn 1 (như thông tin tại buổi Thành ủy Hải Phòng thông qua Quy hoạch của Sun Group vào đầu tháng 4.2017 - PV) là chưa làm, do các hạng mục này chỉ đang nằm trong quy hoạch.

Được biết, tổng vốn đầu tư Dự án xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí Cát Bà do Sun Group đầu tư là khoảng 3 tỉ USD.


Dự án nào phải “đánh giá tác động môi trường”?

Cần phân biệt hai thủ tục pháp lý luật định đối với các dự án liên quan đến môi trường: “Thực hiện đánh giá tác động môi trường và “Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường”.

Điều 18 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 12 Nghị định 18/2015/NĐ-CP “Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường” quy định cụ thể danh mục các loại dự án bắt buộc phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Theo đó:

Dự án có sử dụng đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển; dự án có sử dụng đất của khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp quốc gia; Dự án làm mất rừng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa (…)  phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Trong hồ sơ xin cấp phép xây dựng của những dự án loại này bắt buộc phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt thì mới có cơ sở xem xét cấp phép.

Mặt khác, theo Điều 29 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 18 Nghị định 18/2015/NĐ-CP đã dẫn trên: chỉ những dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường thì mới thuộc trường hợp “đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường”.

Tóm lại, Dự án có sử dụng đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên (…) thì bắt buộc phải thực hiện theo quy định “đánh giá tác động môi trường” chứ không phải theo quy định “đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường”.  

Khởi công một dự án có sử dụng đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên (…) bằng văn bản “đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường” là không đúng quy định của pháp luật, hay nói cách khác là thực hiện trái phép.

ThS-LS. Nguyễn Thị Tâm

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness