TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 9
  • Hôm nay: 643
  • Tháng: 8482
  • Tổng truy cập: 5153746
Chi tiết bài viết

Nạn kháng kháng sinh: kịch bản diệt vong!

Cuốn Kẻ tử thù lớn nhất: Cuộc chiến của chúng ta chống lại những vi khuẩn giết người của Michael T. Osterholm và Mark Olshaker.

Kháng sinh, cùng với các biện pháp y tế căn bản khác, đã có tác động lớn tới chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của con người hiện đại. Thiên hạ chẳng hề cường điệu khi xem các thuốc penicillin và sulfa là thần dược. Nhưng...

Kháng sinh và kháng kháng sinh

Kháng sinh đã tồn tại hàng triệu năm. Từ khi hình thành khoảng 4 triệu năm trước, hang Lechuguilla ở New Mexico không bị con người hay thú vật động đến, mãi cho tới khi nó được khám phá vào năm 1986. Khi phân tích các vi khuẩn tìm thấy trên vách của hang Lechuguilla, các nhà khoa học xác định nhiều loại không chỉ kháng được các kháng sinh tự nhiên như penicillin mà cả các kháng sinh tổng hợp mà mãi tới nửa sau của thế kỷ 20 mới có trên trái đất. Chuyên gia về bệnh Brad Spellberg nhận xét rằng các kết quả này cho thấy sự kháng kháng sinh đã tồn tại phổ biến trong tự nhiên.

Từ khởi thủy, vi khuẩn đã tranh đua với nhau để giành chất dinh dưỡng và chốn nương thân. Dưới áp lực tiến hóa này, các đột biến có lợi diễn ra ở các loài “may mắn” và thành công, và tạo ra các hóa chất - kháng sinh - để kiềm chế các loài vi khuẩn khác, đồng thời không gây hại cho chính sự sinh tồn của mình. Kháng sinh là một tài nguyên thiên nhiên - hay có lẽ đúng hơn, là một hiện tượng thiên nhiên - mà có thể được trân quý hoặc phung phí như bất cứ món quà nào của thiên nhiên, như các nguồn nước sạch và đầy đủ, và không khí sạch.
Kháng kháng sinh cũng là hiện tượng tự nhiên. Vi khuẩn biến đổi theo hướng chống cự với kháng sinh để tồn tại. Đáng chú ý là sự biến đổi đó ngày càng đe dọa sự tồn tại của con người. Mỗi năm trôi qua, chúng ta lại mất đi một phần “hỏa lực” kháng sinh của mình. Chúng ta có thể quay lại thời trung cổ khi nhiều chứng nhiễm trùng hiện nay được coi là bình thường nhưng lúc đó có thể gây bệnh nặng, đôi khi gây tử vong do không có thuốc kháng sinh hữu hiệu.

Tạp chí Kháng Kháng khuẩn (AMR) xác định rằng nếu không được ngăn chặn, trong 35 năm tới nạn kháng kháng sinh có thể giết chết 300 triệu người trên thế giới và khiến sản lượng kinh tế toàn cầu bị thiệt hại 100.000 tỉ đô la Mỹ. Thực vậy, nếu xu hướng hiện nay không bị thay đổi, nạn kháng kháng sinh có thể trở thành nguyên nhân gây tử vong lớn nhất thế giới, hơn cả bệnh tim hay ung thư.

Hiện nay, theo Cơ quan Phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC), mỗi năm ở Mỹ có ít nhất 2 triệu người bị nhiễm các vi khuẩn kháng kháng sinh và ít nhất 23.000 người chết trực tiếp do nhiễm trùng như vậy. Mỗi năm ở Mỹ nhiều người chết vì MRSA (vi khuẩn tụ cầu vàng kháng methicillin, thường bị nhiễm ở bệnh viện) hơn chết vì bệnh AIDS.

Nếu ta không thể ngăn cản bước tiến của nạn kháng kháng sinh này, kỷ nguyên hậu kháng sinh sẽ ra sao? Nếu không có kháng sinh công hiệu để chống nhiễm trùng, bất cứ ca mổ nào cũng là mối nguy tự thân. Mổ tim hở, cấy ghép nội tạng, hay thay khớp hông sẽ khó thực hiện, và sẽ không còn thụ tinh trong ống nghiệm. Sinh mổ sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Hóa trị liệu ung thư sẽ có một bước lùi đáng kể. Chăm sóc trẻ sơ sinh và chăm sóc hồi sức thường lệ cũng vậy. Chẳng ai chịu tới bệnh viện trừ phi bất khả kháng vì ở bệnh viện trên không dưới đất đều có đủ loại vi trùng...

Tại sao thuốc kháng sinh lan tràn?

Tuy phần lớn mọi người hiểu rằng tình trạng kháng kháng sinh ngày càng tăng một phần do thuốc kháng sinh được kê toa quá nhiều, nhưng họ nghĩ rằng chính họ, chứ không phải vi khuẩn, “lờn” kháng sinh.

Ở nhiều nước, thuốc kháng sinh được bán không cần toa bác sĩ, giống như aspirin và thuốc xịt mũi. Tuy ngành y tế muốn ngừng việc dùng kháng sinh không toa, nhưng làm sao có thể bảo người bệnh ở các nước đang phát triển phải đi khám bệnh trước khi mua thuốc, khi chỉ có một vài bác sĩ cho hàng ngàn dân, và cho dù họ tìm được bác sĩ, liệu họ có trả nổi tiền khám?

Chẳng còn bao lâu nữa chúng ta có thể lâm vào tình cảnh có bệnh nhân trong các khoa hồi sức, hay bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu mà ta không có kháng sinh để điều trị.

Tom Frieden, Cơ quan Phòng chống dịch bệnh của Mỹ.

Tuy vậy, toàn bộ lượng kháng sinh sử dụng ở người trên thế giới chỉ bằng một phần nhỏ so với tổng mức sử dụng. Mỹ, Canada và châu Âu dùng khoảng 30% kháng sinh cho con người; phần còn lại dùng cho động vật nuôi lấy thịt hoặc thú nuôi để làm bạn.

Con người nuôi rất nhiều động vật làm thực phẩm và dùng kháng sinh để ngăn chặn những bệnh nhiễm trùng phát sinh ở gia súc, gia cầm hoặc dùng kháng sinh để tăng trọng. Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã yêu cầu ngành nông nghiệp tự nguyện dần dần chấm dứt dùng kháng sinh để kích thích tăng trọng. Liên hiệp châu Âu (EU) đã cấm cách dùng này năm 1969, dù họ vẫn dùng kháng sinh để phòng ngừa, kiểm soát và điều trị bệnh nhiễm trùng. AMR phát hiện ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy việc dùng kháng sinh để kích thích tăng trọng có thể chỉ mang lại lợi ích rất ít cho nông dân ở các vùng có thu nhập cao, tăng thêm chưa tới 5%.

Nhóm nghiên cứu AMR điểm 280 bài nghiên cứu về việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi; trong đó 72% phát hiện có bằng chứng về mối liên hệ giữa việc dùng kháng sinh ở động vật và sự kháng kháng sinh ở người; chỉ có 5% không phát hiện mối liên hệ nào giữa việc dùng kháng sinh ở động vật và các bệnh nhiễm trùng ở người.

Một số nước như Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan đã hạn chế việc sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp và lập các hệ thống theo dõi toàn diện để xác định mức độ kháng kháng sinh ở người và các vi khuẩn gây bệnh ở động vật. Ở các nước này, kháng sinh dùng cho động vật phải được bác sĩ thú y có chứng nhận kê toa. Và với các tác nhân kháng khuẩn mạnh nhất, phải có xác nhận rằng không có phương án hợp lý nào khác thay thế cho việc sử dụng chúng.

“Vũ khí cuối cùng” đã bị vô hiệu

Phần lớn các nước khác đã không áp dụng các tập quán tiến bộ như vậy. Một ví dụ đáng sợ của vấn nạn hiện nay có thể thấy ở Trung Quốc, với việc sử dụng colistin, một loại kháng sinh đối đế để chống những vi khuẩn không phản ứng với thứ gì khác. Colistin được cô lập ở Nhật năm 1949, rồi được chế tạo trong thập niên 1950, nhưng không được dùng cho con người trừ phi hết sức cần thiết vì có thể làm suy thận. Ở Trung Quốc người ta không dùng nó cho người mà dùng trong nông nghiệp - hàng ngàn tấn mỗi năm. Tương tự, ở Việt Nam nó chỉ được phép dùng ở động vật, nhưng bác sĩ lấy thuốc colistin từ bác sĩ thú y để cấp cho người bệnh.

Colistin cũng được dùng cho người ở phần lớn những nước còn lại trên thế giới, trong đó có Ấn Độ. Khi những loại kháng sinh khác đã bị “lờn” thì colistin gần như là tác nhân duy nhất vẫn công hiệu - là “vũ khí cuối cùng” để chống lại những chứng nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh. Đầu năm 2015, theo tường thuật của Bloomberg, các bác sĩ điều trị hai trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng máu ở Bệnh viện Tưởng niệm vua Edward ở Pune, Ấn Độ, phát hiện rằng các vi khuẩn đó đã kháng colistin. Một trong hai bé đã chết. Umesh Vaidya, trưởng khoa chăm sóc hồi sức trẻ sơ sinh của bệnh viện này, nói: “Nếu chúng tôi mất colistin, chúng tôi chẳng còn gì”. Một số bệnh viện ở Ấn Độ hiện đã phát hiện rằng 10% tới 15% các chủng vi khuẩn mà họ xét nghiệm đã kháng colistin.

Nhiều doanh nghiệp nuôi gà lớn nhất ở Ấn Độ, có cả những nơi cung cấp thịt cho McDonald’s và KFC, dùng một trong nhiều hỗn hợp kháng sinh kết hợp colistin với những kháng sinh quan trọng như ciprofloxacin (Cipro), levofloxacin, neomycin và doxycycline. Theo một bài báo của Pearson và Ganesh Nagarajan, “Các cuộc phỏng vấn với nông dân cho thấy rằng những loại thuốc này, được phép sử dụng thú y ở Ấn Độ, đôi khi được xem là vitamin và chất bổ sung thức ăn, và được dùng để phòng bệnh - một tập quán có liên hệ tới sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng kháng sinh”.

Timothy Walsh, Giáo sư vi sinh học y khoa tại Đại học Cardiff ở Wales, bình luận, “sự kết hợp colistin và ciprofloxacin là sự ngu xuẩn ở mức độ không tưởng nổi”.

Gần đây, vi khuẩn E. coli kháng colistin đã lộ diện ở Mỹ, trong nước tiểu của một phụ nữ 49 tuổi ở Pennsylvania. Tom Frieden của CDC nói, qua đó có thể thấy rằng chẳng còn bao lâu nữa chúng ta có thể lâm vào tình cảnh có bệnh nhân trong các khoa hồi sức, hay bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu mà ta không có kháng sinh để điều trị.

Những điều này có ý nghĩa gì? Kết cuộc rất có thể là những bệnh nhiễm trùng không thể chữa trị được đi thẳng vào nguồn cung thực phẩm thế giới. Nếu vậy, đây sẽ là kịch bản diệt vong đúng nghĩa.

(Lược dịch từ cuốn Deadliest Enemy: Our War Against Killer Germs (Kẻ tử thù lớn nhất: Cuộc chiến của chúng ta chống lại những vi khuẩn giết người) của Michael T. Osterholm và Mark Olshaker).

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness