TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 22
  • Hôm nay: 986
  • Tháng: 6469
  • Tổng truy cập: 5151733
Chi tiết bài viết

Thời sự và suy ngẫm, số 97

 Hình ảnh của Thời sự và suy ngẫm, số 97

Thế giới chưa từng một ngày yên bình. Các lò lửa chiến tranh (cục bộ), các điểm nóng trên thế giới tiếp tục nóng, các diễn biến kinh tế - xã hội - môi trường ở nhiều nơi làm rắc rối thêm tình hình vốn đã biến động… Tuy nhiên, dòng chính của tình hình vẫn là hợp tác, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đưa kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển ổn định.

Triều Tiên là một lệ chứng - Trung Đông lại là một lệ chứng khác. Và Ucraina, tuy tình hình miền Đông có khá hơn, Nga - Đức - Pháp - Ucraina có thương thảo để gỡ rối tình hình, nó vẫn là một điểm nóng, ảnh hưởng trước hết đến Ucraina, Nga và cả châu Âu…

Sát sườn với ta là tình hình Trung Quốc, tình hình biển Đông. Mặc dù nói là đã ngừng việc bồi đắp đảo ở Trường Sa, quan sát từ vệ tinh của thế giới cho thấy họ vẫn đang xúc tiến, không dừng quân sự hóa. Các nước, trong đó có Việt Nam, bày tỏ sự lo ngại sâu sắc, đòi Trung Quốc tôn trọng những cam kết không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Việt Nam tôn trọng, quý trọng các quan hệ với nước lớn Trung Hoa láng giềng, ra sức phấn đấu cho hòa bình - hữu nghị - hợp tác. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang Bắc Kinh dự lễ duyệt binh của Trung Quốc Kỷ niệm 70 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít (trong khi Mỹ, Nhật không dự). Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa rời Triển lãm hội nghị quốc tế Nam Ninh của Trung Quốc đến Bắc Kinh. Ở đây, Phó thủ tướng đã tiếp kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trước đó là Phó thủ tướng Trương Cao Lệ) trao đổi về các mối quan hệ kinh tế, chính trị với Trung Quốc, nhấn mạnh những vấn đề quan trọng, cấp thiết giữa hai nước. Hai bên dường như thống nhất ý kiến với nhau về các mối quan hệ, quan tâm đó - vấn đề chỉ còn là thực hiện ra sao.

Cả thế giới cùng đang hướng về Trung Quốc, theo dõi thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ của họ. Rất nhiều chuyên gia quốc tế nổi tiếng thế giới đưa ra những nhận định khác nhau. Có người cho rằng kinh tế Trung Quốc đang vướng phải nhiều hệ lụy từ nhiều năm, nay vỡ ra (nợ hơn 250% GDP, chứng khoán tụt dốc, đồng nhân dân tệ phá giá, chỉ tiêu kinh tế sụt giảm), và đang đi đến chỗ trì trệ. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc thì cho rằng do kinh tế toàn cầu sụt giảm, ảnh hưởng đến Trung Quốc, Trung Quốc đang có sự điều chỉnh cần thiết chứ không có gì đáng bi quan. Chưa biết ai đúng; nhưng diễn biến của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này mà lâm bệnh thì kinh tế thế giới, trong đó có kinh tế Việt Nam mình, không sổ mũi cũng hắt hơi… Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ xem. Mỗi năm, Việt Nam xuất sang Trung Quốc hơn 20 tỉ USD hàng hóa (chủ yếu là nông sản, trái cây), nhưng phải nhập siêu từ Trung Quốc gần 40 tỉ (trong đó đáng kể là những nguyên vật liệu cho công nghiệp dệt may, da giày… và các ngành khác). Sự phụ thuộc kinh tế đó gần như khó tránh. Trong tương lai, bằng nhiều cách, chúng ta sẽ thoát ra, nhưng không phải dễ dàng. Cho nên quan hệ kinh tế Trung - Việt là một trong những điểm đáng chú ý trong toàn bộ các mối quan hệ. Chúng ta đang ký và sẽ ký các hiệp định thương mại tự do với nhiều nước, trong đó có EU, Mỹ (TTP)…, các hiệp định này sẽ dần giúp ta thoát ra khỏi các ràng buộc khó tránh về kinh tế với Trung Quốc chăng?

Trong khi đó, điều đáng chú ý là: Kỷ niệm 1.000 ngày Tập Cận Bình giữ chức Tổng bí thư, Nhân Dân nhật báo Trung Quốc đã đăng bài Tổng kết thành tích, khẳng định bước đi vững chắc thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” của ông với 3 phương diện: quản lý Đảng nghiêm khắc toàn diện, thực hiện nghiêm túc cải cách và thực hiện pháp trị… Riêng về việc này, chúng tôi cho rằng, đó là những việc chúng ta cần tham khảo, học tập, rút kinh nghiệm. Nhiều mặt của tình hình, Việt Nam và Trung Quốc giống nhau như hai giọt nước. Chẳng hạn vấn đề mà ta gọi là chỉnh đốn Đảng, Trung Quốc gọi làquản lý Đảng nghiêm khắc toàn diện. Tổng bí thư Tập Cận Bình đã chính xác chỉ ra rằng: “quá nhiều sự thật cho chúng ta thấy vấn đề tham nhũng ngày càng trầm trọng, sau cùng chắc chắn sẽ mất Đảng, mất nước”. Ông còn nhấn mạnh “kỷ luật Đảng còn nghiêm khắc hơn pháp luật nhà nước”, “kỷ luật Đảng phải nghiêm minh, mọi kỷ luật của Đảng đều nghiêm khắc… Không thể để kỷ luật Đảng như tờ giấy vô hiệu lực”. Nhóm Cải cách, mà ông Tập làm Trưởng nhóm, đã 14 lần họp để đưa ra quyết sách quan trọng thực hiện cải cách sâu rộng, toàn diện… Đồng thời, thực hiện pháp trị: “Không có quyền lực ngoài pháp luật”, “công bằng sẽ sáng tỏ, thanh liêm sẽ có uy”… Quyền lực và luật pháp là hai vấn đề then chốt, pháp luật là quy tắc lớn nhất để quản lý đất nước. Đó là những vấn đề không mới, song thực hiện quyết liệt là mới; ta nên “học tập đội bạn”!

Chuyến đi thăm Nhật của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao nước ta trong tháng 9-2015 là một tin vui lớn. Quan hệ Việt - Nhật là quan hệ chiến lược, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng đối với nước ta. Đó là một quan hệ đã tốt đẹp từ nhiều thập kỷ qua, nay lại càng tốt đẹp. Sự cam kết nối kết hai nền kinh tế, sự tin cậy và phối hợp chính trị, các quan hệ an ninh - quốc phòng…, nhất là sự quan tâm tình hình biển Hoa Đông, biển Đông… làm cho hai nước xích lại gần nhau hơn, Nhật là một nền kinh tế lớn, một siêu cường, vượt qua một số cường quốc phương Tây. Đó là niềm kiêu hãnh của châu Á. Quan hệ đối tác chiến lược tốt nhất với Nhật Bản sẽ đem lại rất nhiều lợi ích trước mắt cũng như lâu dài. Nó sẽ có tác động thúc đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ta. Hiện Nhật cung cấp 30 tỉ trong 90 tỉ USD vốn vay ODA cho Việt Nam.

Cùng là những nền văn hóa gần nhau “đồng văn”, cùng là nước châu Á, người châu Á, Việt Nam sẽ học tập Nhật dễ dàng hơn. Dĩ nhiên, quá trình này không hề đơn giản. Vì mỗi dân tộc có những đặc điểm lịch sử khác nhau, trong đó có cả vấn đề chủng tộc. Nhưng điều quan trọng là Nhật đã biết mở cửa, học tập Tây phương từ thời Minh Trị và học Tây được rồi thì từ nhập Âu chuyển sang thoát Âunhập Á trở lại, trở thành một điển hình cao của văn minh nhân loại.

Trên nền tảng độc lập, tự chủ của ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta sẽ tiến hành một cuộc “Đông du” lần thứ 2, sau Phan Bội Châu, để nối kết và học tập Nhật Bản, đưa nước ta tiến lên đầy tự hào với sức mạnh mới của châu Á.

Với tiêu đề nổi bật: “Tăng cường xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn đỊnh; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XII đã được công bố toàn văn cho nhân dân đóng góp ý kiến. Đó là một sinh hoạt chính trị lớn. Mong rằng các nhà trí thức, các nhà văn nghệ, các nhà giáo, các bậc cách mạng lão thành, các cựu chiến binh và toàn thể chúng ta sẽ chân thành, thẳng thắn, từ sự suy ngẫm, thể nghiệm, từ trình độ chính trị đã qua thử thách lâu dài, sẽ góp ý cho Đảng, làm chủ sinh mệnh chính trị của Tổ quốc mình. Có những vấn đề ắt hẳn phải được đặt trên bình diện lý luận - lịch sử; có những vấn đề là những thực tế cuộc sống. Có những vấn đề là kinh nghiệm nước ngoài, có những vấn đề thuần túy Việt Nam. Các vấn đề kinh tế là rất quan trọng, nhưng các vấn đề về con người, về văn hóa cũng cực kỳ quan trọng. Nó nằm ở bề sâu, tác động lâu dài, quyết định đến con người. Xét cho cùng, thì mọi vấn đề đều quy về văn hóa…

 

Các bài viết khác

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness