TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 14
  • Hôm nay: 109
  • Tháng: 3507
  • Tổng truy cập: 5148771
Chi tiết bài viết

Nhiều người bỏ bê kinh doanh lao vào cơn sốt đất, có nơi tăng 2-3 lần/tháng

Sốt đất: Trong ảo có thực

Nhiều quan điểm cho rằng, những cơn sốt bất động sản cục bộ hiện nay chủ yếu được những “bàn tay hữu hình” khuấy lên, nhưng không thể phủ nhận nhu cầu ở thực và tích trữ tài sản thực cũng tăng lên nhanh không kém.

Sốt đất: Trong ảo có thực

Sốt đất: Trong ảo có thực

 

Kiếm tiền từ đất, đổ tiền vào đất

Câu chuyện của anh Lâm, một nông dân làm rẫy ở Đồng Nai trở thành đề tài bàn tán của nhiều người khi anh vừa “trúng” được gần 20 tỷ đồng nhờ bán đất. Theo anh Lâm, cách đây 5 năm, anh mua một miếng đất rẫy có diện tích hơn 3 ha với giá 1,8 tỷ đồng tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai với kế hoạch trồng điều và các loại cây ngắn ngày.

Mấy năm qua, việc trồng trọt không mấy hiệu quả do thời tiết thất thường, song từ sau Tết Tân Sửu, bỗng dưng có nhiều người gọi điện đặt vấn đề mua lô đất này. Ban đầu, khách đưa ra giá 3 tỷ đồng/ha, nhưng anh Lâm không bán; rồi giá dần dần được nâng lên 4 tỷ, 5 tỷ đồng/ha và mới đây anh đã quyết định bán với giá gần 20 tỷ đồng cho toàn bộ miếng đất hơn 3 ha.

“Người mua đất là một đại gia chăn nuôi ở Bình Dương và miếng đất tôi bán được với giá cao như vậy là nhờ khu vực này vừa được quy hoạch thành khu vực chăn nuôi của Xuân Lộc”, anh Lâm chia sẻ.

Sau khi bán đất, nhiều ngày qua, người nông dân vốn suốt ngày tất tả với rẫy vườn này bủa đi khắp vùng tìm kiếm đất để mua lại.

“Giờ ôm tiền không biết làm gì, gửi ngân hàng thì lãi suất quá thấp. Nhưng nói thật, giờ bán đất xong mới thấy tiếc, vì mấy ngày qua vợ chồng tôi lùng sục nhiều nơi để tìm mua lại đất để trồng trọt, nhưng chỗ nào giá cũng cao”, anh Lâm nói và cho biết, hiện tại anh chưa mua lại được đất, nhưng chắc chắn sẽ mua vì ngoài mua đất, anh chẳng biết làm gì với số tiền đang có.

Ghi nhận ở các vùng quê có dự án mới hoặc sắp triển khai một công trình hạ tầng lớn, giá đất tăng mạnh khiến nhà đầu tư đổ về chèo kéo người dân bán ra, đúng là có tình trạng một số người “bỗng dưng ôm một cục tiền” sinh ra chơi bời, rượu chè, tệ nạn…

Tuy nhiên, đó chỉ là thiểu số, hầu hết người dân bán đất cũng có suy nghĩ như anh Lâm, đổ đi tìm những lô đất khác với mức giá phù hợp hơn để tiếp tục nghề nông và giá đất theo đó được kích hoạt tăng dần ở mọi khu vực.

Một nguồn tiền khác, theo tìm hiểu của phóng viên, cũng đang đổ vào đất vùng ven TP.HCM, đặc biệt là Đồng Nai, khiến giá tăng, đó là tiền nhận đền bù của rất nhiều người dân trong vùng giải tỏa của sân bay Long Thành và các tuyến đường giao thông mở rộng.

Riêng sân bay Long Thành, theo thống kê của UBND huyện Long Thành, trong số 5.000 ha đất làm dự án sân bay có tổng cộng 2.932 ha đất của 5.541 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất phải thu hồi. Tính đến hết tháng 1/2021, Đồng Nai đã phê duyệt phương án bồi thường và công khai phương án bồi thường cho 2.608 hộ trên diện tích hơn 1.155 ha với số tiền 5.620 tỷ đồng, số tiền đã chi trả cũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Sau khi nhận được tiền từ việc đền bù giải tỏa, nhiều người lùng sục tìm mua lại đất, dẫn đến nhu cầu tăng cao. Anh Sang, một “cò” đất chuyên nghiệp tại Đồng Nai cho biết, hiện nay lượng tiền mặt trong dân rất nhiều, nhiều người nông dân có trong tay hàng chục tỷ đồng tiền mặt từ việc nhận đền bù giải tỏa sân bay Long Thành tìm mua lại đất.

“Từ đầu năm đến nay, có hàng chục trường hợp giao dịch đất vườn tại khu vực huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai và các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức của Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, ngoài các nhà đầu tư đến từ các địa phương khác, còn có rất nhiều người là dân địa phương”, Sang nói và cho biết, trong đó có nhiều người dân địa phương nhận tiền đền bù, sau đó mua lại đất với ý định ban đầu để canh tác hoặc tích lũy tài sản, nhưng sau đó lại có người vào mua lại giá cao, họ lại bán, rồi lại mua.

“Thế là nhiều người trở thành nhà đầu tư bất động sản… bất đắc dĩ”, môi giới này nói.

Nếu như phân khúc đất rẫy, đất vườn đang thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư kể trên, thì với nhiều phân khúc thị trường khác, nhu cầu đầu tư bất động sản đang thực sự tăng mạnh.

Theo ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Asia New Time, thực tế khảo sát từ khách hàng mua sản phẩm từ các dự án được mở bán gần đây cho thấy, nhu cầu đầu tư hiện nay rất thực.

“Trong số các khách hàng mua bất động sản nhà phố, có nhiều người là bác sĩ, các tiểu thương, kinh doanh nhỏ lẻ. Đây là những người có dòng tiền rất ổn định, tích lũy khá lâu, chủ yếu gửi ngân hàng, nhưng do lãi suất ngân hàng hiện nay thấp nên họ rút ra để đầu tư bất động sản”, ông Tiến nói và biết thêm, thường với các đối tượng khách hàng này, họ rất cẩn trọng trong việc xem xét đầu tư, đặc biệt là tính pháp lý sản phẩm và giá trị gia tăng, bởi đối với các khách hàng này, họ thường mua để đầu tư lâu dài và tích lũy tài sản.

Về đúng giá trị thực?

Sự tăng giá không ngừng của thị trường bất động sản gần đây đã tạo nên một cơn địa chấn về tâm lý. Rất nhiều nhà đầu tư đang tranh thủ mọi cơ hội, tìm đến mọi vùng đất để “ngó nghiêng”, nhưng cũng không thiếu những cảnh báo về cơn sốt ảo.

Bản thân cuộc tọa đàm với tên gọi khá có “định hướng” về mặt trái của tình trạng sốt đất là “Tỉnh táo trong cơn sốt đất” diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM, cũng có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau.

Lý giải về hiện tượng sốt đất, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa cho biết, nguyên nhân thực tế khiến đất sốt khắp nơi có thể nói trước hết là do nhà đầu tư đang rất hưng phấn vào thị trường và họ sẵn sàng đi mua đa dạng các loại hình bất động sản, từ đất thổ cư, đất vườn, secondhome…

Tất nhiên, theo ông Quang, có nguyên nhân trị trường bị “thổi” quá đà, nhưng đây chỉ là những cơn sốt cục bộ ở một số khu vực, còn bản chất của câu chuyện sốt giá là xuất phát từ nguồn cung bất động sản tại TP.HCM khan hiếm, giá đất tăng quá cao khiến nhà đầu tư đổ ra vùng ven gom hàng.

Còn theo ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Ngọc Á Châu, thực tế sốt đất đang không chỉ ở Việt Nam, mà dường như đang diễn ra trên toàn cầu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, giá nhà tăng gần 5% năm 2020 - nhanh nhất trong gần 2 thập kỷ qua và tại hàng loạt quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan, New Zealand, nhà đất tăng giá theo kiểu dựng đứng vì dòng tiền rẻ từ các gói kích thích đổ vào thị trường địa ốc.

Tại Việt Nam, cơn sốt bất động sản hiện nay có thể lý giải bởi một số nguyên nhân. Thứ nhất, dịch Covid-19 diễn ra trong thời gian dài, khiến việc đầu tư nhiều ngành nghề như nhà hàng, các dịch vụ vui chơi giải trí bị gián đoạn, nhu cầu đầu tư bị nén lại và đây là giai đoạn thị trường bung ra, trong đó bất động sản được xem là kênh đầu tư an toàn nhất hiện nay.

Thứ hai, hiện đang rất thiếu kênh đầu tư, lãi suất ngân hàng thấp, trong khi sự phát triển khá mạnh của hệ thống hạ tầng giao thông, dẫn đến nhiều vùng quê phát triển mạnh từ việc đô thị hóa và công nghiệp…, nên thu hút các dòng vốn đầu tư đón đầu cơ hội.

Ở một góc nhìn khác, theo ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA Vietnam, trong 10 năm qua, có lẽ đây là giai đoạn thị trường có sự phát triển ổn định, bền vững nhất. Thị trường bất động sản Việt Nam dù có nhiều biến động, nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ ở mọi khía cạnh với sự tham gia của nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh các chủ đầu tư nước ngoài quen thuộc, những thương hiệu chủ đầu tư “nội địa” lớn mạnh không ngừng, họ đã tạo ra nhiều thay đổi cũng như những xu hướng mới, dẫn dắt sự phát triển của thị trường.

Theo ông Lâm, với lợi thế am hiểu địa bàn và thủ tục đầu tư, các chủ đầu tư trong nước không bị giới hạn ở một vài thành phố lớn, mà tiên phong khai phá tiềm năng của những vùng đất mới, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, kinh tế địa phương, hình thành nên nhiều thị trường mới sôi động.

Sự tăng giá nhà đất ở nhiều vùng miền, do đó, chỉ là sự xác định lại giá trị vốn có của các sản phẩm này khi nó được đánh thức bởi các công trình hạ tầng cũng như điều kiện sống, phát triển kinh tế tăng mạnh của người dân trong khu vực.

 

 

 

 

 

Thị trường đất đai sau dịp Tết Nguyên đán đến nay vô cùng nhộn nhịp. Giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng.

Bóc tách nguyên nhân gây sốt đất

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều địa phương ghi nhận hiện tượng giá đất một cách "chóng mặt". Thị trường bất động sản xuất hiện những cơn sốt đất khó tin.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam - đã có những nhận định về nguyên nhân giá đất tăng, thực trạng tại một số địa phương cùng những kiến nghị giúp bình ổn thị trường.

Ông Đính chỉ ra một số yếu tố chính như do khung giá đất được chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng 15-20%; nhu cầu ở vẫn rất mạnh trên toàn thị trường nhưng việc phê duyệt đầu tư các dự án bất động sản, tạo nguồn cung vẫn chưa có tín hiệu khả quan.

Nhiều người bỏ bê kinh doanh lao vào cơn sốt đất, có nơi tăng 2-3 lần/tháng - 1

Nhà đầu tư vác từng bao tải tiền đi đổ vào đất. Ảnh: VNN.

"Nguồn cung trên thị trường không được cải thiện, vẫn thiếu. Đặc biệt là các dự án nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội và dự án đất nền. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh, đột biến do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả bởi dịch bệnh", ông Đính nói.

Một nguyên nhân lớn khác là do lãi suất ngân hàng giảm sâu cộng với việc đầu tư ngắn hạn thời gian vừa qua vào chứng khoán và vàng có lãi lớn nên theo ông Đính, nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lãi và găm giữ bằng đất.

"Như vậy, có thể nói, cầu đầu tư tăng trong khi lượng hàng khan hiếm khiến giá đất tăng tăng mạnh. Đồng thời, xuất hiện nhiều hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật" - ông Đính nhận định.

Theo ông Đính, thị trường đất đai trên cả nước sau dịp Tết Nguyên đán đến nay vô cùng nhộn nhịp. Giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng.

Trước hiện tượng tăng giá nêu trên, vị chuyên gia cho biết không ít người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư.

"Ở nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. Thậm chí lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm", ông Đính bày tỏ lo ngại.

Bên cạnh đó, thị trường cũng xuất hiện hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn… Nhiều cò mồi thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.

Ông Đính khẳng định đây không phải lực lượng môi giới bất động sản chuyên nghiệp đang hoạt động tại các sàn giao dịch chuyên nghiệp, uy tín.

Hệ quả của việc sốt đất, đề xuất loạt giải pháp

Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, khi nguồn lực của các nhà đầu tư lao vào vòng xoáy tăng giá đất đai, làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác của quốc gia.

Nhiều loại tài nguyên trên đất đai bị xâm phạm, chuyển đổi chức năng không phù hợp quy định pháp luật. Điều này làm lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng phát triển kinh tế, thậm chí gây bất ổn cho địa phương tại những khu vực đó.

Ngoài ra, sốt đất gây cản trở rất mạnh việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương bởi tăng giá đất kéo theo hàng loạt các chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng…

"Như vậy, việc phát triển kinh tế địa phương nơi có sốt đất là khó có thể xảy ra. Kinh tế không phát triển thì giá đất sẽ lại giảm mạnh, những người đầu tư đất chưa kịp bán ra sẽ thua lỗ nặng. Đặc biệt là những người sử dụng đòn bẩy tín dụng có cầm cố tài sản của chính mình" - ông Đính lo ngại.

Thêm vào đó, ông Đính cho biết sốt đất có thể sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở, càng khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ. Đồng thời, cũng tạo áp lực tăng giá các loại nhà ở trong bối cảnh một số thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm căn hộ là điều không nên.

Trước tình hình nêu trên, đại diện Hội môi giới Bất động sản Việt Nam kiến nghị chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai… đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

"Cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng sốt đất… Quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch trên địa bàn", ông Đính đề xuất.

Để dập các cơn sốt đất bùng lên, ông Đính cho rằng cần phải cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, bất ổn ở địa phương.

"Nhà nước cần thiết phải điều chỉnh pháp luật theo hướng số hóa quy hoạch, sản phẩm bất động sản người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin. Đồng thời, quản lý sàn giao dịch và môi giới bất động sản một cách chặt chẽ, hiệu quả hơn" - ông Đính kiến nghị.

Nguyễn Mạnh - Theo Dân Trí

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness