TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 4
  • Hôm nay: 281
  • Tháng: 4088
  • Tổng truy cập: 5149352
Chi tiết bài viết

TQ sau 40 năm cải cách: bài học nào cho VN?

Người dân Trung Quốc rất tự hào về những thành tựu kinh tế nước này đạt được sau 40 năm cải cách kinh tế, nhưng cũng phải gánh chịu hậu quả về môi trường bị hủy hoại và cơ cấu văn hóa bị phá vỡ, theo các khách mời của Bàn tròn Thứ năm hôm 20/12 của BBC Tiếng Việt.

Tranh cổ động về công cuộc cải cách kinh tế Trung Quốc

Tranh cổ động về công cuộc cải cách kinh tế Trung Quốc

Nhà báo Tô Bình của BBC Tiếng Trung nhấn mạnh vào tác động của tăng trưởng kinh tế lên môi trường và xã hội Trung Quốc như một bài học lớn.

Trong khi đó, nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng từ miền Nam Việt Nam nhận xét Việt Nam dường như đang học cái hay nhưng cũng học cả cái dở của Trung Quốc.

Nhà báo Tô Bình của BBC Tiếng Trung

Nhà báo Tô Bình của BBC Tiếng Trung

Người dân Trung Quốc nghĩ gì về thành tựu phát triển sau 40 năm

"Bắt đầu từ tháng 12/1978, Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định bắt đầu những thay đổi về chính sách mang tính chiến lược, khi ông Đặng Tiểu Bình trở lại quyền lực," nhà báo Tô Bình bình luận trong chương trình hội luận trên Facebook Live của BBC Tiếng Việt.

"Trong 40 năm qua, Trung Quốc đã có sự bùng nổ về tăng trưởng kinh tế, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo. Mức sống của người dân được cải thiện. Người dân Trung Quốc tất nhiên rất tự hào về những thành tựu này nhưng chúng ta phải đặt chúng vào bối cảnh rộng hơn.

"Trước giai đoạn cải cách, người dân Trung Quốc phải trải qua hàng thập kỷ hỗn loạn về chính trị, thiếu tăng trưởng kinh tế, và thậm chí có nạn đói. Người dân thường phải sống cuộc sống khổ sở trong nhiều năm.

"Và cuối cùng, khi họ thoát khỏi 10 năm cách mạng văn hóa vào 1978, thì họ rất mừng khi được có một giai đoạn ổn định và phát triển."

Thủ đô Bắc Kinh trong một đợt có cảnh báo ô nhiễm khói bụi đầu tháng 12/2018

Thủ đô Bắc Kinh trong một đợt có cảnh báo ô nhiễm khói bụi đầu tháng 12/2018

Cái giá phải trả cho phát triển kinh tế

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải trả giá cho mức độ tăng trưởng kinh tế rất cao, theo nhà báo Tô Bình.

Chính sách quốc hữu hóa trong giai đoạn đầu của "cải cách khai phóng" đã khiến rất nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn phải đóng cửa, làm một số lớn người lao động ở các nhà máy mất việc.

"Hệ sinh thái và môi trường bị hủy hoại trầm trọng. Đó là sự thật mà chúng ta không thể chối cãi," bà nói.

Nhà báo Tô Bình lấy ví dụ về hiện tượng sương mù smog ở các thành phố phía Bắc Trung Quốc trong những tháng mùa đông là điều phổ biến. "Ký ức của tôi về Bắc Kinh là bầu trời trong xanh vào mùa đông. Điều đó giờ đây là chuyện rất hiếm gặp," bà chia sẻ.

Câu hỏi nên lựa chọn phát triển hay môi trường cũng được nhiều người Trung Quốc tranh luận.

"Đối với những ai đã trải qua đói nghèo cùng cực hàng thập kỷ, liệu có công bằng khi họ lại phải tiếp tục chịu đựng cảnh ô nhiễm môi trường?

"Còn một số người lại theo quan điểm, ô nhiễm môi trường là cái giá phải trả, chúng ta sẽ xử lý hậu quả về môi trường sau. Họ tin rằng muốn phát triển kinh tế với tốc độ nhanh như vậy thì tất nhiên phải trả giá về môi trường.

"Ô nhiễm môi trường là một cái giá rất lớn mà người Trung Quốc phải gánh chịu," nhà báo Tô Bình nhận xét.

Nhiều công nhân nhà máy bị mất việc khi các doanh nghiệp nhà nước lớn đóng cửa. (Hình minh họa).

Nhiều công nhân nhà máy bị mất việc khi các doanh nghiệp nhà nước lớn đóng cửa. (Hình minh họa).

Bài học nào cho Việt Nam từ kinh nghiệm đổi mới của Trung Quốc?

Nhà báo Tô Bình cho biết cá nhân bà quan tâm đến tác động của phát triển kinh tế lên xã hội Trung Quốc.

Bà nhận xét rằng cơ cấu xã hội cũ đã bị phá vỡ, nhưng một cơ cấu mới chưa được thiết lập để bắt kịp với tăng trưởng kinh tế trong nhiều mặt.

"Chẳng hạn, trong bốn thập kỷ qua, quá trình đô thị hóa đã khiến rất nhiều nông dân mất đất canh tác. Họ có cơ hội lên thành phố tìm việc, để lại đằng sau con cái, cha mẹ già. Ở châu Á, con cái thường chăm sóc cha mẹ già, và ở Trung Quốc chưa có chế độ an sinh. Ở các vùng nông thôn, ai sẽ là người chăm sóc người già? Cả cộng đồng đều bị ảnh hưởng. "

Bà Tô Bình cũng quan sát thấy sự bất bình đẳng trong xã hội ngày một lớn ở Trung Quốc.

"Đúng là nhìn chung Trung Quốc đã chuyển mình từ xe đạp lên xe hơi, nhưng có những người chuyển lên xe Ferrari trong khi nhiều người vẫn chỉ đi xe đạp."

Người dân Trung Quốc chỉ đi xe đạp hồi 1978.

Người dân Trung Quốc chỉ đi xe đạp hồi 1978.

Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng thì cho rằng Việt Nam cần tránh 'cái dở' của Trung Quốc khi phát triển kinh tế không đi kịp với sự dân chủ hóa về mặt chính trị, đô thị hóa, văn minh kỹ thuật, điều mà theo ông đã phá vỡ cơ cấu văn hóa của Trung Quốc.

Ông dẫn lời một viên chức chính phủ Trung Quốc từng nói với ông:

"Với vị trí địa lý thuận lợi và một dân tộc thông minh như các bạn, nếu mở cửa thì các bạn sẽ phát triển rất nhanh, thậm chí còn nhanh hơn chúng tôi, nếu đi theo mô hình TQ thì chúng tôi có một lời khuyên: hãy học những cái hay và tránh xa những cái dở của chúng tôi."

"Trong thập niên 90, khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã, các nhà phân tích đã bình luận Trung Quốc sẽ tránh được khủng hoảng này và đi theo con đường mà họ đặt ra là Chủ nghĩa Cộng sản Thương mại. Các tập đoàn lớn được sự bảo hộ của nhà nước và theo kinh tế thị trường có định hướng XHCN.

"Trung Quốc đã theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá, và làm nảy sinh các vấn đề về môi trường, quan chức lũng đoạn hay tham nhũng. "

Tuy mỗi nước có bài học riêng và hướng phát triển riêng, ông Ngô Nhật Đăng cho rằng về tầm vĩ mô, Việt Nam đang đi theo hướng phát triển của Trung Quốc.

"Dường như Việt Nam đang học cái hay nhưng cũng học cái dở của họ và đây là điều chúng ta cần suy nghĩ," ông bình luận.

Theo BBC

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness