TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 20
  • Hôm nay: 76
  • Tháng: 12680
  • Tổng truy cập: 5157945
Chi tiết bài viết

Bến Thành hay là chuyện của một Thành Phố giỏi làm ăn

Cuộc giao tiếp đó như vừa rớt lại từ thời hoàng kim của chợ Bến Thành. Xe gửi không thẻ, giá gấp 3 lần giá gửi xe ở các chợ thông thường nhưng lúc nào cũng mào đầu xem khách định vào chợ lâu mau. Chị gái mặc đồng phục của tiệm nail ngay chỗ chị ngồi, còn ông cụ mặc áo sơ mi trắng thẳng thớm nhưng ngả màu, nhìn như một trí thức xưa.

Họ ngồi trong một “bàn trà” tạm bợ gồm những chiếc ghế nhựa nhỏ xíu trên vỉa hè rộng của đường Phan Bội Châu, không có vẻ gì của những người giữ xe chuyên nghiệp. Chính cái vỉa hè đó, những con người ngẫu nhiên với cung cách dịch vụ đó - là cách mà người ta thường gặp trước khi vào chợ Bến Thành đông đúc, đắt đỏ và bận bịu khách thập phương. Cho đến khi tôi bước sang đường để vào cửa Đông, mọi tương tác vẫn như cũ. Chỉ có đường sá là vắng hoe.

Lúc đó tầm 11g trưa - một trong những thời điểm nhộn nhịp của ngôi chợ du lịch này. Bãi giữ xe tự phát chỉ chỏng chơ chiếc xe máy của tôi. Đến cửa, anh bảo vệ đưa cái nhiệt kế điện tử lên ra hiệu cho tôi dừng lại. Tất cả người vào chợ đều phải được đo nhiệt độ. Nhưng, nếu không được đo nhiệt độ từ đầu cổng chợ, người ta cũng sẽ thấy COVID-19 đang bao trùm lên ngôi chợ vốn đắt đỏ dập dìu này.

Hàng bánh mứt Mỹ Dung chỉ cách cửa Đông vài mét. Thấy khách quen, chị chủ hàng nhô ra khỏi hàng bánh cao lút đầu, hỏi: “Ăn gì hông em?”. Tôi chợt bật ra câu cửa miệng khi gặp những người bạn buôn bán: “Bán được không chị?”. Bà chủ sạp lắc đầu cười: “Ế nhiều”. Chị vừa nói vừa hướng vào dọc dài những hàng bánh mứt: “Không có khách Tây chị vẫn bán cho khách Việt. Nhưng khách mình giờ cũng giảm nhiều, người ta hổng có tiền ăn bánh em ơi!”.

Ở hướng chị nhìn vốn là các hàng bánh mứt trứ danh ở Cửa Đông chợ Bến Thành, luôn đặc nghẹt khách khứa. Lúc này, mỗi sạp vẫn lưa thưa 3-4 người. Tôi vừa bước khỏi sạp Mỹ Dung đã lần lượt nghe tiếng chào mời. Tất cả họ đều là người bán. Lời chào mời đến cuối hàng bánh mứt bật ra thành một sự nhiệt tình: “Mua gì hỏi đi em”. Người này nghe từ người kia, những chủ sạp sau đó cũng lần lượt đón chúng tôi bằng câu hỏi mà cũng như lời mời nhờ vả: “Mua gì hỏi đi em”. 

Sự vắng vẻ của chợ Bến Thành không có gì lạ. Những dọc dài ki-ốt sập cửa đã tràn lan trên mạng suốt từ sau đợt giãn cách xã hội. Ngay từ hàng dài mặt tiền hướng Cửa Bắc, đoạn Lê Thánh Tôn ngang chợ Bến Thành lúc này cũng bị phả vào cái ảm đạm của dãy hàng quán liên tiếp đóng cửa. Từ lối đó vào chợ là cửa hàng Vissan. Màu đỏ của cửa tiệm này làm lối vào chợ có chút sinh khí. Nhưng ngay bên ngoài, ông chủ một tiệm rau củ nằm gục xuống chiếc bàn inox làm vẻ uể oải trở nên... không thể chối cãi. Anh đang đánh một giấc trưa.

Tôi chợt nhận ra chợ Bến Thành cũng đang vào trưa - cái chợ vốn không biết ngày giờ, lúc nào cũng đông đúc ồn ã nay cũng nhịp nhàng mỗi ngày ba buổi chợ. Buổi nào cũng vắng, nhưng có khác là buổi trưa thì vắng ngắt đến mức ngủ gật, như lúc này đây.

Chị chủ hàng ở gần Cửa Tây bưng hai ly nước mía ra cho chúng tôi, rồi cười: “Mở hàng nhen!”. Lúc đó đã chính ngọ. Chị nói: “sáng giờ có bán được gì, ngồi nhìn qua nhìn lại, bày sắp dọn dẹp cái hết buổi. Hồi xưa còn bán cho nhau, chứ giờ ai cũng tự mang cơm nhà theo ăn cho tiết kiệm, chịu chết luôn! Mà ngộ nghen, bán đắt thì thấy ngày nó dài, chứ bán ế quay qua quay lại thấy hết buổi liền. Chỉ có thuế má, mặt bằng là đều, hổng dài ngắn gì”.

Bà chị đang ngán ngẩm chợt cười xuề xòa, mắt sáng bừng một vẻ hài hước khi nhắc đến “thuế má, mặt bằng”. Chị là một trong đa số những tiểu thương phải thuê sạp ở chợ Bến Thành. Từ đợt giãn cách xã hội, khách du lịch không đến, Việt kiều không về, Bến Thành vắng hẳn. Lúc đầu, sự ế ẩm không làm lung lay người bán. Bởi Bến Thành từng chịu một đợt vắng vẻ khác thường hồi công trình metro mới dựng lô cốt choáng hết mặt tiền đường Lê Lợi.

Nhưng, hết ngày này qua tuần nọ, sự ế ẩm kỷ lục vẫn đeo đuổi. Người ta thấp thỏm theo tin dịch bệnh. Hễ vài ngày không có ca bệnh mới, Bến Thành lại có thêm sạp mở cửa. Nhưng mỗi lần có thêm ca bệnh được công bố, số sạp đóng cửa lại tăng lên. Năm lần bảy lượt bị mừng hụt, tiểu thương đã hết thấp thỏm.

Suốt 15 phút không hề có một vị khách bước vào, chúng tôi được thư thả trò chuyện với anh bảo vệ đứng ở Cửa Tây. Anh cầm cái nhiệt kế chỉ về tấm biển nhỏ xíu bên góc trên cùng một sạp vải gần đó: “Bán đúng giá, hay bán 20k gì cũng vậy, hổng có khách du lịch là chịu chết à!”.

Tấm biển anh chỉ có ghi hàng chữ nhỏ: “Bán đúng giá niêm yết”. Trong kia, nhiều hàng thức ăn cũng treo tấm biển trắng tạm bợ ghi “20k”, như để giúp khách dễ ra quyết định. Nhưng quán nào cũng vắng tanh. Anh bảo vệ nói tiếp: “Tui làm ở đây từ năm 80 tới giờ, chưa bao giờ thấy chợ Bến Thành lâm vào cảnh này.”

Nhắc đến niềm tự hào “làm ở chợ Bến Thành từ năm 80”, anh bảo vệ dắt chúng tôi ra phía trước, chỉ lên Cửa Tây đặng khoe tấm phù điêu to đính dưới hai chữ “Cửa Tây“ trên cổng. Tấm phù điêu có hình nải chuối và con cá đuối, đường nét tinh tế, màu sắc nhã nhặn, nhìn như một tác phẩm gốm thủ công cổ kính.

Anh bảo vệ giải thích: “Mấy hình này có từ hồi một chín năm mấy, cửa nào bán hàng gì thì phù điêu in hình đó. Cửa Tây này hồi đó chắc bán chuối với hải sản”. 

Quả thực, các cổng còn lại đều có những tấm phù điêu tương tự. Ở Cửa Bắc là tấm phù điêu to có hình con vịt xiêm và nải chuối, Cửa Nam hình đầu bò và cá chép, Cửa Đông có hình bò và heo. Bấy giờ, hàng quán ở mỗi cửa không còn phân bổ theo “quy hoạch” của những bức phù điêu. Sự sầm uất trăm năm giờ chỉ còn đâu đó trong câu chuyện kể, trong kỳ vọng ngày du lịch phục hồi.

Nhưng, tại các vị trí trang trọng nhất của khu chợ hình tòa thành bốn cổng - những bức phù điêu xưa, những tín hiệu quy hoạch bài bản, duyên dáng đó vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.

Khoan bàn thực trạng ế ẩm của một ngôi chợ du lịch khi ngành nghề duy trì nó (du lịch) đang chết đứng vì dịch bệnh. Bến Thành ế ẩm đang bày ra một thực tế về nền kinh tế của toàn thành phố này. Người ta hay xem Bến Thành là biểu tượng của Sài Gòn. Đó có thể là một phép hoán dụ thuần văn hóa.

Nhưng, nhìn ở góc độ kinh tế vẫn không thấy hình ảnh nào có thể biểu đạt về thành phố này tốt hơn là chợ Bến Thành. Một thành phố được vận hành bởi những tương tác tự nhiên nhất của những cuộc gặp gỡ, giao thương, dung hòa, trao đổi. Sài Gòn chứa trong nó những quy luật thị trường rõ rệt, và bộc lộ triệt để quy luật đó.

Người ta có thể gắn bó với Sài Gòn vì tình yêu, nhưng họ đến trước hết là vì Sài Gòn có việc để làm, có hàng để mua, có người để bán. COVID-19 đến, Sài Gòn cũng chứng kiến những cuộc “hồi hương” của những lao động tỉnh khác. Hết việc, người ta rời đi. Sài Gòn hồn nhiên dung chứa và khoáng đạt trước những cuộc ra đi.

Nhưng, COVID-19 đã chặn đứng một dòng chảy của thị trường. Nói như anh bảo vệ ở Cửa Tây chợ Bến Thành: chợ vẫn mở, ban quản lý vẫn tích cực vận hành, nhưng tiểu thương phải tự đóng cửa do không có khách. Mỗi khu chợ là một thị trường, nhưng có lẽ không một ngôi chợ nào “Sài Gòn” như chợ Bến Thành. Bởi Bến Thành chứa trong nó một nhân tố triệt để nhất của sự giao thương: khách nước ngoài.

Bến Thành bày ra rõ rệt rằng trước một biến cố thị trường, xứ sở nào càng mạnh giao thương, sẽ càng gặp khó. Sự quản lý, chính sách là điều ta có thể chủ động cải tiến, nhưng còn quy luật khách quan của thị trường mới chính là “con át chủ bài”, là luật chơi tối cao trong mọi cuộc làm ăn.

Vậy nên, ở Bến Thành, ban quản lý chợ vẫn tích cực, chợ mở quanh năm, chủ sạp chủ động bao thuế phí; chỉ có tiểu thương là một mực đóng cửa. Tiểu thương mới thực sự là nhân vật chính của cuộc làm ăn. Mà ở đó, mọi sự chu đáo đều khuất phục trước sự khốc liệt của thị trường thời COVID-19.

Mọi chuyện cũng như thế ở Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố làm ăn. 

Bài: Minh Trâm

Ảnh: Tam Nguyên, Minh Trâm

Thiết kế: Hoàng Triết

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness