TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Công thức thảm họa ở Libya

Thảm họa tự nhiên kinh hoàng nhất trong lịch sử Libya đương đại đã có thể được ngăn chặn nếu chính quyền và các cơ quan chức năng không phớt lờ những cảnh báo suốt nhiều năm qua.

Nhiều ô tô bị hư hỏng sau sau trận lũ ở Derna, Libya, ngày 12-9-2023. Ảnh: REUTERS

Nhiều ô tô bị hư hỏng sau sau trận lũ ở Derna, Libya, ngày 12-9-2023. Ảnh: REUTERS

Tính đến 17-9, con số thương vong trong trận lũ lụt lịch sử ở Libya, theo Liên Hiệp Quốc, là ít nhất 3.958 người chết và hơn 9.000 người mất tích. Đây không chỉ là thiên tai, mà còn là "nhân tai". 

Thảm họa tự nhiên kinh hoàng nhất trong lịch sử Libya đương đại đã có thể được ngăn chặn nếu chính quyền và các cơ quan chức năng không phớt lờ những cảnh báo suốt nhiều năm qua.

"Rất nhiều người sẽ có liên đới trong vụ việc này. Con đập không được sửa chữa, nên giờ dẫn đến thiên tai. Đây là lỗi của con người, nhưng rồi sẽ chẳng ai sẽ phải nhận trách nhiệm" - Alwad Alshawy, một giáo viên tiếng Anh đang là tình nguyện viên tham gia việc đưa các thi thể ra khỏi đống đổ nát tại Derna, khẳng định trong một video trên mạng xã hội.

Đập hư không ai sửa

Thảm họa ập đến thành phố cảng Derna ở vùng đông Libya lúc 3h sáng 11-9, trong lúc cư dân còn đang say giấc. Hai con đập trên thượng nguồn lần lượt vỡ thủng, cuốn theo dòng nước lũ lịch sử về thành phố khiến hàng ngàn người thiệt mạng. 

Số người thiệt mạng trong thảm họa ban đầu được công bố lên tới trên 11.000 người, trước khi Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới cập nhật lại. Nhưng con số sẽ còn tăng khi nhiều thi thể vẫn đang mắc kẹt trong đống bùn lầy và nhiều thi thể đã trôi ra biển.

Abdulqader Mohamed Alfakhakhri, một người sống sót, kể rằng anh đã may mắn kịp leo lên tầng thượng của căn nhà bốn tầng mình đang ở - trong khi chứng kiến những người hàng xóm bị cuốn dạt theo dòng lũ, "vừa bật đèn pin trên điện thoại vừa vùng vẫy kêu cứu".

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm họa tự nhiên kinh hoàng nhất trong lịch sử Libya đương đại là medicane - một hình thái bão tương đối hiếm gặp, đặc trưng ở vùng Địa Trung Hải, có tính chất tương tự bão nhiệt đới. 

Cơn bão có tên Daniel mạnh lên đáng kể khi đi qua vùng nước ấm trên biển Địa Trung Hải, trước khi trút lượng mưa dày kỷ lục 16 inches (tương đương 414mm) suốt 24 giờ lên khu vực Derna.

Đó là thiên tai; câu chuyện "nhân tai" có thể ngay lập tức được truy về hai con đập ngăn nước có từ thập niên 1970 tại Derna. Khi bão đến, chúng vỡ toang, "tống" khoảng 30 triệu m3 nước ra ngoài, tàn phá và cuốn trôi toàn bộ khu dân cư ra biển. 

Trong đó, đập Derna cao 75m, có sức chứa 18 triệu m3 nước, còn đập Mansour nhỏ hơn, cao 45m và có sức chứa 1,5 triệu m3, theo AP. Cả hai đều được nhà thầu Nam Tư xây trong giai đoạn 1973-1977 và như thị trưởng Derna Ahmed Madroud nói với tờ Al Jazeera, "đều chưa từng được bảo trì từ năm 2002".

Cơn bão tàn khốc Daniel đã phá hủy hai con đập được xây dựng vào những năm 1970 ở Derna. Ảnh: Halil Fidan/AA

Cơn bão tàn khốc Daniel đã phá hủy hai con đập được xây dựng vào những năm 1970 ở Derna. Ảnh: Halil Fidan/AA

Khu vực Derna vốn đã có nguy cơ lũ lụt cao và hệ thống đập ở đây đã phải chịu trách nhiệm cho ít nhất 5 trận lũ chết người kể từ năm 1943 đến năm 2011, theo nhà thủy văn học người Libya Abdul Wanis Ashour. "Khi thu thập dữ liệu [về hệ thống đập ngăn nước ở Derna], tôi tìm thấy hàng loạt vấn đề: Các vết nứt trên thân đập, lượng mưa lớn và lũ lụt liên tục xảy ra. Tôi cũng tìm thấy hàng loạt báo cáo cảnh báo nguy cơ thảm họa tại lưu vực thung lũng Derna, nếu những con đập không được sửa chữa" - Ashour nói với Reuters. Anh cũng đã lặp lại những cảnh báo này trong một báo cáo khoa học vừa xuất bản năm ngoái.

Cũng theo Ashour, các cảnh báo đã có từ lâu và chính quyền biết điều này qua các chuyên gia từ Hội đồng Thủy văn, hoặc các công ty đến khảo sát tình hình con đập. Trên thực tế, chính quyền đã có cố gắng cải tạo hệ thống đập tại Derna từ năm 2007, khi ký hợp đồng với nhà thầu công trình Thổ Nhĩ Kỳ có tên Arsel. Trong báo cáo của mình, Ashour cũng trích một báo cáo không được xuất bản của Bộ Tài nguyên nước Libya, trong đó khẳng định "sự nguy cấp của tình hình".

Tuy nhiên đến năm 2011, chính quyền Libya do Muammar Gaddafi đứng đầu suốt 42 năm bị lật đổ do nội chiến, cũng như chiến dịch quân sự do NATO dẫn đầu. Từ đó trở đi, Derna nằm dưới quyền kiểm soát của các chính quyền Hồi giáo vũ trang, trong đó có Al Queda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). 

Hai quan chức địa phương tại Derna cho biết các công trình trùng tu đập ngăn nước, vốn bắt đầu từ thời Gaddafi, đã bị hoãn vô thời hạn do thời gian Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng kéo dài. Trang web Công ty Arsel ghi nhận dự án trùng tu đập Derna đã kết thúc từ năm 2012.

Ngay cả khi chính quyền hiện tại - Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Khalifa Haftar đứng đầu - kiểm soát thành phố, dự án bảo trì cũng chưa thể tiếp tục. Một báo cáo năm 2021 của Cục Kiểm toán Libya cho biết Bộ Tài nguyên nước đã không thể tiếp tục dự án cải tạo đập Derna. Báo cáo cũng cho thấy ngân sách quốc gia đã dự toán 2,45 triệu đô la cho dự án bảo trì này nhưng chỉ một phần trong đó đã được giải ngân - hiện chưa rõ đã dùng vào việc gì.

Cảnh báo hỗn loạn

Nhiều người dân cho rằng chính quyền quản lý Derna có trách nhiệm không chỉ với việc thiếu trùng tu đập ngăn lũ, mà còn ở việc đưa ra những cảnh báo khó hiểu trong lúc đáng lẽ đã có thể sơ tán và làm công tác cứu hộ, vốn có thể làm giảm đáng kể thiệt hại về người.

Trên sóng truyền hình Ả Rập al-Hadath, Thị trưởng Derna Abdulmenam al-Ghaithi cho biết ông "đã đích thân ra lệnh sơ tán thành phố từ ba đến bốn ngày trước thảm họa". Tuy nhiên, mệnh lệnh này có vẻ đã được thực thi kém hiệu quả: người dân có nhận thấy lực lượng cảnh sát kêu gọi người dân sơ tán nhưng rất ít người làm theo.

Trong khi đó, một số cơ quan chức năng khác lại khuyến cáo người dân ở trong nhà. Ban điều hành quốc phòng Derna ngày 10-9 ra thông báo rằng lệnh giới nghiêm sẽ bắt đầu từ tối hôm đó (ngay trước thảm họa) "như một biện pháp an toàn trước hiện tượng thời tiết cực đoan".

Hình ảnh vệ tinh thành phố Derna trước và sau khi lũ quét. Ảnh: PBC/AP

Hình ảnh vệ tinh thành phố Derna trước và sau khi lũ quét. Ảnh: PBC/AP

Thậm chí, ngay giữa lúc thảm họa đang diễn ra, Bộ Tài nguyên nước Libya vẫn ra thông báo trên Facebook, kêu gọi người dân không lo lắng: "Con đập vẫn trong tình trạng tốt, mọi chuyện vẫn trong tầm kiểm soát".

Theo Petteri Taalas - giám đốc Tổ chức Khí tượng thế giới tại Geneva, thiệt hại về người tại Libya đã có thể được giảm thiểu rất nhiều nếu quốc gia này có một hệ thống khí tượng thủy văn hoạt động đúng chức trách.

Đồng tình với Taalas, Nadhir Al-Ansari - chuyên gia về đập ngăn lũ tại khu vực Trung Đông - cho rằng sự trao đổi thông tin giữa đài khí tượng thủy văn và quản lý đập xả lũ là tối cần thiết và cũng là tiêu chuẩn chung của hệ thống thủy văn trong khu vực Trung Đông. Thảm họa xảy ra vì đập thủy điện Derna đã không nhận được thông tin dự báo và không mở cửa xả lũ kịp, khiến nước lũ lên quá sức chứa của hồ làm thủng đập ngăn nước.

Tại anh tại ả

Một nguyên nhân sâu xa hơn dẫn đến vụ vỡ đập chính là các bất ổn chính trị dẫn đến hệ thống quản trị thiếu hiệu quả tại Libya. Số các lực lượng vũ trang tranh giành quyền kiểm soát Libya kể từ năm 2011 đến nay luôn trên dưới hàng chục, và vẫn chưa có một phe nào giành toàn quyền kiểm soát đất nước kể từ khi chính quyền Gaddafi sụp đổ.

Trong số này, chính quyền Libya được hầu hết thế giới công nhận là nhóm đang kiểm soát miền tây, trong đó có thủ đô Tripoli. Đối trọng với chính quyền này là LNA, vốn đang kiểm soát phần lớn vùng đông Libya.

Tại Derna, chính quyền Haftar giành quyền kiểm soát khu vực từ năm 2019, tuy nhiên cũng gặp phải không ít khó khăn khi hạ tầng thành phố đã suy sụp qua nhiều năm. Cần nói thêm - Libya với nguồn tài nguyên dầu mỏ của mình - không hề thiếu nguồn lực để phân bổ cho hạ tầng. 

Sau 12 năm chiến tranh, Libya vẫn là nước tương đối giàu, với GDP bình quân đầu người lên tới 6.000 đô la. Có điều, sau thời gian "loạn sứ quân", việc nguồn tiền dầu mỏ hiện đang đi về ai, quản lý bởi ai tại Libya gần như bất khả truy.

Người dân mắc kẹt trên đường sau khi bão mạnh và mưa lớn tấn công thành phố Shahhat, Libya, ngày 11-9-2023. Ảnh: REUTERS

Người dân mắc kẹt trên đường sau khi bão mạnh và mưa lớn tấn công thành phố Shahhat, Libya, ngày 11-9-2023. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Abdulhamid al-Dbeibah, người đứng đầu chính quyền Tripoli, đổ lỗi cho sự bỏ bê hạ tầng, chia rẽ chính trị, chiến tranh và "tiền của thất lạc" đã khiến việc bảo dưỡng đập Derna không được hoàn thiện. 

Ở phía đối lập, người phát ngôn Aguila Saleh của chính quyền bờ đông tại Benghazi lại không nhắc mấy tới trách nhiệm của chính quyền sở tại khi mô tả sự kiện là "thảm họa tự nhiên chưa từng thấy" và cho rằng bàn chuyện đã có thể - hoặc không thể làm - lúc này là không cần thiết.

Những thiệt hại tại Derna sẽ không chỉ dừng lại ở những con số người thiệt mạng mà còn là những ảnh hưởng kinh tế, sức khỏe và tinh thần sẽ ở lại mảnh đất vốn đã kiệt quệ này một thời gian dài.

Nhớ lại đêm lũ cuốn định mệnh, Yousef Alfkakhri, một thầy giáo người Derna còn sống sót, nói: "Mọi người lúc ấy khóc lóc, cầu nguyện - chúng tôi đều thấy cái chết nhãn tiền. Chúng tôi đã mất hàng ngàn người trong mười năm chiến tranh nhưng ở Derna chúng tôi mất chừng ấy chỉ trong một đêm".

Trong thảm họa, các nỗ lực cứu hộ cứu nạn lại đang diễn ra hết sức ì ạch. Phải hai ngày sau khi Derna tan hoang, lực lượng cứu hộ quốc tế mới bắt đầu đặt chân đến hiện trường. Theo Thị trưởng Abdulmenam al-Ghaithi, thời điểm này đã là quá muộn để cứu mạng người và hướng cứu hộ nên chuyển sang trục vớt thi thể.

Lutfi al-Misrati, một trong số các trưởng đội cứu hộ, bày tỏ quan ngại về các khủng hoảng sắp diễn ra tại Derna: "Tôi sợ rằng thành phố sắp rơi vào đại dịch do lượng thi thể còn nằm dưới đống đổ nát ngập nước. Chúng tôi cần thêm túi bảo quản thi thể".

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness