TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 58
  • Hôm nay: 788
  • Tháng: 7527
  • Tổng truy cập: 5140846
Chi tiết bài viết

Bùng nổ văn phòng chia sẻ

Việc WeWork, công ty khởi nghiệp (startup) của Mỹ được định giá 20 tỉ đô la Mỹ sắp hiện diện tại Việt Nam đang khiến thị trường văn phòng chia sẻ (co - working space) nước ta sôi động. Mô hình này đang giúp hoàn thiện dần hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.

Không gian làm việc tại một văn phòng chia sẻ. Ảnh: TÂM AN

Anh tài Đông Tây có đủ

WeWork hiện có 287 văn phòng tại 77 thành phố ở 23 quốc gia trên toàn thế giới. Hôm 7-11 vừa rồi, đại diện nhà đầu tư này đã chính thức chào sân bằng thông báo, ngày 3-12 tới, địa điểm đầu tiên của họ ở TPHCM sẽ đi vào vận hành. WeWork TPHCM nằm tại E- Town Central (quận 4) với quy mô bốn tầng lầu, có sức chứa 1.000 thành viên. Ông Turochas “T” Fuad, Giám đốc điều hành WeWork Đông Nam Á, không tiết lộ diện tích sàn chính xác nhưng khẳng định, đây là không gian lớn nhất ở Đông Nam Á của WeWork. Đến thời điểm hiện tại, WeWork đã nhận được đăng ký thuê chỗ của nhiều khách hàng, trong đó, phần lớn là các công ty đa quốc gia muốn mở văn phòng tại Việt Nam, các doanh nghiệp khởi nghiệp khu vực Đông Nam Á...

Cuộc đua trên thị trường đang diễn ra quyết liệt, không chỉ về giá mà còn về các giá trị gia tăng mà các văn phòng chia sẻ tạo ra cho khách hàng.

Tại Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường thứ ba mà WeWork gia nhập chỉ sau Singapore và Indonesia, trước cả Thái Lan, Philippines, Malaysia... Dù rằng, như ông Turochas “T” Fuad thừa nhận, giá thuê bất động sản tại TPHCM khá đắt, chỉ thấp hơn Singapore. Điều này cho thấy nhu cầu tại TPHCM lớn. Nhà đầu tư này cũng đang tích cực tìm kiếm địa điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng để trong vòng 12-16 tháng tới sẽ có địa điểm ngoài TPHCM.

Trước khi WeWork có mặt, thị trường văn phòng chia sẻ Việt Nam đã ghi nhận sự tham gia của nhiều tên tuổi trong và ngoài nước như Toong, DreamPlex, CoGo hay The Hive... Trong số này, có những nhà đầu tư đã có nhiều địa điểm tại TPHCM và Hà Nội với hàng ngàn mét vuông sàn cùng hàng ngàn thành viên. Thị trường còn chuẩn bị đón nhận thêm nhiều tên tuổi khác. Một nguồn tin của TBKTSG chia sẻ, một nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đã có mặt tại TPHCM nhưng chưa công bố chính thức.

Theo CBRE, quy mô thị trường văn phòng chia sẻ tại Việt Nam đang tăng chóng mặt. Nếu như năm 2017, co - working space Việt Nam chỉ có 17 đơn vị kinh doanh với 22 địa điểm, 14.500 mét vuông sàn thì đến đầu năm 2018, con số này tăng lên 40 đơn vị, vận hành 50 địa điểm, 70.000 mét vuông sàn. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong năm năm qua đạt hơn 55%/năm. Dự kiến đến hết năm 2018, diện tích sàn sẽ lên tới 90.000 mét vuông cùng nhiều địa điểm mới của các nhà đầu tư mới.

Cuộc đua trên thị trường đang diễn ra quyết liệt, không chỉ về giá mà còn về các giá trị gia tăng mà các văn phòng chia sẻ tạo ra cho khách hàng, từ không gian làm việc nhiều tiện ích đến các hoạt động kết nối, vui chơi giải trí ngoài công việc. Đó có thể là phòng uống trà, uống bia miễn phí hay các buổi tập yoga hàng tuần...

Dạo quanh thị trường, giá cho thuê của các nhà vận hành văn phòng chia sẻ hiện không quá khác nhau. Chẳng hạn ở Toong trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM hay The Hive ở quận 2, Dreamplex ở quận Bình Thạnh, giá thuê một ngày 150.000 đồng/người. Với các sự kiện hội họp, giá thuê tính theo giờ, quanh mức 200.000 đồng/giờ. Giá thuê văn phòng (riêng) nguyên tháng sẽ từ 3 triệu đồng trở lên...

Hoàn thiện dần hệ sinh thái khởi nghiệp

Co - working space là mô hình văn phòng phù hợp với thói quen làm việc mới của người trẻ: thích sự thoải mái, không gò bó và sáng tạo.

Co - working space có nhiều không gian cho các đối tượng khách hàng khác nhau, từ những người làm việc tự do (freelancer) chỉ cần một chỗ ngồi hoặc một phòng nhỏ trong vài giờ để gặp gỡ đối tác; những công ty khởi nghiệp có vài thành viên cần không gian kích thích sự sáng tạo và có thể kết nối với nhiều người đến những doanh nghiệp vài trăm nhân viên muốn có dịch vụ văn phòng trọn gói và chuyên nghiệp. Đặc biệt, như chính những người đang sử dụng dịch vụ chia sẻ, giá thuê văn phòng ở mô hình này tính ra tiết kiệm hơn 20-30% so với văn phòng truyền thống. Người thuê cũng có tính linh hoạt cao, không bị “gò” theo những hợp đồng có thời hạn ba đến năm năm. Quan trọng không kém là trong một không gian có nhiều đối tượng khác nhau cùng làm việc, cơ hội kết nối, trao đổi giữa các thành viên để hợp tác là rất lớn.

Trả lời TBKTSG về lý do chọn Việt Nam, ông Turochas “T” Fuad cho biết, thứ nhất là vì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, 35% dân số Việt Nam là thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1980-2000) và đang hướng đến kỷ nguyên thay đổi trong lực lượng lao động. Thứ hai, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin trong năm 2016-2017 cao hơn cả Thái Lan và Ấn Độ, với tổng giá trị xuất khẩu hơn 30 tỉ đô la Mỹ. Chính phủ Việt Nam cũng đang có nhiều chính sách ủng hộ doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp. “WeWork tham gia để hỗ trợ hệ sinh thái đó. Chúng tôi xây dựng một cộng đồng, một hệ sinh thái để mọi người kết nối và sẽ mang thế giới vào Việt Nam cũng như mang Việt Nam ra thế giới”, ông ông Turochas “T” Fuad nói.

Tâm An - Theo Báo Mới

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness