TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 82
  • Hôm nay: 526
  • Tháng: 7265
  • Tổng truy cập: 5140584
Chi tiết bài viết

Cần công nhận Fed là ngân hàng trung ương thế giới?

Nguồn: Andrés Velasco, “The World’s Reluctant Central Banker”, Project Syndicate,        29/02/2016.

Biên dịch: Lê Hạnh Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

fed

Giai đoạn hiện nay được coi là kỷ nguyên của các ngân hàng trung ương quyền lực, luôn sẵn sàng gây ảnh hưởng khắp thế giới. Vậy mà ngân hàng quyền lực nhất trong số đó – Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) – lại chính là người tỏ ra ngần ngại nhất khi thừa nhận sức ảnh hưởng toàn cầu của mình.

Như tất cả các ngân hàng trung ương khác, Fed cũng có sứ mệnh với riêng đất nước mình, đó là tập trung bình ổn giá và duy trì việc làm trong nước. Tuy nhiên, điều khác biệt nằm ở chỗ, Fed còn có những trách nhiệm với cả thế giới. Mâu thuẫn này chính là gốc rễ của nhiều vấn đề đáng báo động mà nền kinh tế thế giới hiện nay đang phải đối mặt.

Có hai lý do chính khiến Fed phải đảm đương các trọng trách này, và cả hai đều không liên quan đến việc cần phải tránh các cuộc “chiến tranh tiền tệ” mà cựu Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega lo lắng.

Thứ nhất, bất chấp sự ra đời của đồng euro và tin đồn về sức mạnh ngày càng tăng của đồng nhân dân tệ, đồng đô la vẫn luôn là sự lựa chọn cho các hoạt động vay và cho vay trên khắp thế giới. Khi một ngân hàng hay tổ chức ở Kuala Lumpur, São Paulo, hay Johannesburg đi vay ngoại tệ, thì khoản vay thường sẽ được thực hiện bằng đồng đô la chứ không phải đồng tiền nào khác.

Khi các ngân hàng địa phương bị đột biến rút tiền gửi, hay các tập đoàn gặp khó khăn trong việc đảo nợ, họ cần có khả năng vay đồng đô la từ ngân hàng trung ương nước mình, và ngân hàng này có lẽ sẽ không còn cách nào khác ngoài việc vay đô la từ Fed. Khi Fed ký các thỏa thuận hoán đổi ngoại tệ với 14 ngân hàng trung ương năm 2007-08, bao gồm bốn nền kinh tế mới nổi (Brazil, Mexico, Singapore, và Hàn Quốc), thì cũng là lúc tổ chức này thừa nhận trên thực tế mình là người cho vay cuối cùng (lender of last resort) bằng đồng đô la của thế giới.

Thế nhưng các thống đốc của Fed lại khẳng định rằng Fed không phải lúc nào cũng cho vay được. Trong một bài phát biểu năm 2015, Stanley Fischer, một trong những thống đốc có tư duy quốc tế nhất của Fed, thừa nhận rằng sự bình ổn tài chính thế giới có thể được hỗ trợ bởi một ngân hàng trung ương toàn cầu, nhưng lại kết luận: “Tôi phải nói rõ rằng, Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ không phải là ngân hàng đó.”

Lý do thứ hai khiến Fed phải mang sứ mệnh toàn cầu chính là những chính sách gây tác động đến tình hình tiền tệ trên khắp thế giới của nó. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các cú sốc về chính sách tiền tệ có tác động đến chi phí chấp nhận rủi ro, và kênh tác động này diễn ra cả ở trong nước lẫn quốc tế với nhiều tác động đáng kể. Trong sự kiện hồi năm 2013 được biết đến với tên gọi “taper tantrum”,[1] Fed ám chỉ là họ có thể sẽ giảm tốc kế hoạch mua trái phiếu của mình, qua đó khiến hầu hết các nền kinh tế mới nổi phải chứng kiến dòng vốn khổng lồ chảy ra ngoài và giá tài sản sụt giảm nghiêm trọng.

Phản ứng truyền thống của Fed, như tuyên bố hùng hồn của cựu chủ tịch Fed Ben Bernanke tại Hội nghị Nghiên cứu IMF năm 2015, là: Hãy thả nổi đồng tiền. Chính sách tiền tệ quốc tế đối mặt với một “bộ ba không hoàn hảo”, theo đó một quốc gia không thể cùng lúc đạt được ba mục tiêu: tỷ giá hối đoái cố định, chính sách tiền tệ độc lập, và dòng vốn tự do tồn tại đồng thời, nhưng họ có thể đạt được hai trong số ba mục tiêu đó. Những quốc gia thả nổi đồng tiền có thể tự do xác định lãi suất và tình hình tài chính của đất nước mình, trong điều kiện vẫn duy trì được sự lưu động đáng kể của dòng vốn trên thế giới. Nếu họ không thả nổi đồng tiền – vì những mục tiêu về xuất khẩu hoặc tỷ giá thực – thì đó là vấn đề của riêng họ. Fed không thể giúp họ được, ông Bernanke lập luận.

Tuy vậy, các lập luận của Bernanke không hoàn toàn thuyết phục. Giáo sư Hélène Rey tại trường Đại học Kinh doanh Luân Đôn khẳng định, xu hướng chính sách tiền tệ “chấp nhận rủi ro” là quá mạnh trên trường quốc tế tới nỗi mà chính sách của Fed có thể quyết định tình trạng tín dụng của nhiều quốc gia mà không cần phụ thuộc vào chế độ tỷ giá hối đoái của các nước này. Khi Fed nới lỏng chính sách, tín dụng tăng trưởng trên khắp thế giới, và ngược lại. Bởi vậy đây không phải là “bộ ba không hoàn hảo” mà chỉ là “bộ hai” lưỡng nan: các hạn chế tài khoản vốn – chứ không chỉ là tỷ giá thả nổi – có lẽ sẽ là cần thiết trong việc giúp các ngân hàng trung ương quản lý hiệu quả tình trạng tín dụng nội địa.

Việc Fed lưỡng lự trong việc trở thành người cho vay cuối cùng của thế giới, hay trong việc thừa nhận rằng sự vận động của tỷ giá không thể giúp đảo ngược ảnh hưởng của nó tại nước ngoài, dường như khiến nó trở thành một tổ chức có góc nhìn hạn hẹp và thiển cận. Nhưng Donald Trump chớ nên vội mừng.

Sứ mệnh với nước Mỹ đòi hỏi Fed phải hiểu rằng, như Fischer đã nói, “nền kinh tế Mỹ và các nền kinh tế còn lại trên thế giới có tác động quan trọng lẫn nhau.” Và những hiệu ứng này đang ngày càng lớn hơn.

Trước đây, khi biện minh cho những quyết định lãi suất của mình, Fed thường không quan tâm đến việc tình hình quốc tế ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ ra sao. Nhưng thói quen này đã chấm dứt vào tháng Chín năm 2015. Cả các biên bản chính thức về cuộc họp ấn định lãi suất cũng như tuyên bố của bà Janet Yellen trong cuộc họp báo của mình đều đề cập đến những bất định đang gia tăng ở ngoài nước, bao gồm những khiếm khuyết của nền kinh tế Trung Quốc, như những yếu tố quyết định dẫn đến việc Fed hoãn tăng lãi suất.

Các liên kết quốc tế khác cũng nhận được ngày càng nhiều sự chú ý. Khi nền kinh tế Hoa Kỳ trở nên cởi mở hơn với thương mại quốc tế và sự lưu chuyển dòng vốn, giá trị đồng đô la sẽ ngày càng có ý nghĩa quan trọng do ảnh hưởng của nó tới lạm phát và tình trạng tài chính nội địa (của các nước khác). Trong cuộc tranh luận hiện nay về việc Fed nên làm gì tiếp theo, Thống đốc Lael Brainard cho rằng việc giá trị thực của đồng đô la tăng thêm 20% trong giai đoạn 2014 và 2015 làm giảm bớt nhu cầu thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ.

Tất nhiên, quan tâm đến việc thế giới tác động vào Mỹ như thế nào không đồng nghĩa với mối quan tâm về sức khỏe nền kinh tế ở phần còn lại của thế giới. Nhưng những bước đi nhỏ như vậy vẫn quan trọng. Nhà kinh tế học Barry Eichengreen tại Đại học Berkeley đã chỉ ra rằng các cân nhắc đến tình hình trên toàn thế giới từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong cách thức vận hành chính sách của Fed, và suốt ba thập niên qua, giai đoạn mà Fed gần như hướng nội, là một sai lầm.

Vậy có thể một Cục Dự trữ Liên bang đã 102 năm tuổi đang trở lại với truyền thống ban đầu của mình. Hay cũng có thể tầm nhìn của Fed đã thực tế mang tính quốc tế – như những gì Fed đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy – và chính những hạn chế chính trị trong nước đang ngăn cản điều này được thừa nhận một cách rộng rãi.

Dù là lý do vì sao thì các chuyển động dần dần theo hướng này đều đáng được hoan nghênh vì thế giới không thể chấp nhận một Fed chỉ biết đến mình. Lịch sử tài chính gần đây cho thấy cuộc khủng hoảng khả năng thanh khoản tiếp theo không còn xa nữa, và những cuộc khủng hoảng như thế sẽ gây nên những chi phí kinh tế và xã hội khủng lồ. Và trong một nền kinh tế thế giới gần như bị đô la hóa, thì công cụ duy nhất giúp tránh được những khủng hoảng như vậy là một người cho vay cuối cùng bằng đồng đô la.

IMF đã có thể gánh vác trọng trách đó, nhưng nó đã không làm. Còn Fed thì đang làm điều đó. Nước Mỹ và phần còn lại của thế giới càng sớm công nhận điều này thì nền kinh tế thế giới sẽ càng được an toàn.

Andres Valesco, cựu ứng viên tổng thống và Bộ trưởng Tài chính Chile, là Giáo sư ngành Thực hành Phát triển Quốc tế tại Trường các Vấn đề công và quốc tế, Đại học Columbia.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The World’s Reluctant Central Banker

Hình: Trụ sở của Fed tại Washinton DC. Nguồn: Reuters.

————-

[1] Vụ tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán, kéo theo giảm giá trị đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn khỏi các nước này do thống đốc Fed Ben Bernake tuyên bố Mỹ có thể giảm nguồn cung đô la ra nền kinh tế thế giới bằng cách hạn chế chương trình mua lại trái phiếu chính phủ Mỹ (ND).

Theo Nghiên Cứu Quốc Tế

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness