Chỉ mới cách đây một vài thập kỷ nhiều người còn tin rằng rừng nhiệt đới và môi trường tự nhiên nguyên sơ đầy những sinh vật hoang dã là mối đe dọa đối với con người, bởi đó là nơi trú ẩn của những virus và mầm bệnh dẫn đến những bệnh tật mới cho con người như Ebola, HIV hay sốt xuất huyết.

Nhưng một số nhà khoa học ngày nay nghĩ rằng chính việc con người phá hủy sự đa dạng sinh học đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của những virus và bệnh tật mới như COVID-19 - một bệnh do virus xuất hiện ở Trung Quốc từ tháng 12.2019, gây tác động sâu sắc cả về mặt sức khỏe và kinh tế ở các quốc gia giàu cũng như nghèo.

Trong thực tế, một ngành nghiên cứu mới được gọi là ngành sức khỏe hành tinh (planetary health) đang nổi lên, tập trung vào việc nghiên cứu mối tương quan ngày càng rõ giữa sức khỏe và hạnh phúc của con người với sức khỏe của những sinh thể khác và toàn bộ các hệ sinh thái.

Vậy, có thể nào chính những hoạt động của con người như xây dựng đường sá, khai mỏ, săn bắn, phá rừng đã gây ra dịch Ebola và những dịch bệnh kinh hoàng ngày nay?

“Chúng ta xâm lăng rừng nhiệt đới và những cảnh quan hoang dã khác, nơi cư trú của rất nhiều loài động vật, thực vật – và bên trong những sinh vật đó là rất nhiều loại virus chưa từng được biết tới”, David Quammen, tác giả của cuốn Hiệu ứng lan tỏa: Lây nhiễm động vật và đại dịch sắp tới, mới đây viết trên New York Times.

“Chúng ta đốn cây; chúng ta giết động vật hoặc nhốt chúng để mang ra chợ bán. Chúng ta phá vỡ các hệ sinh thái và khiến cho các virus sổng khỏi chỗ trú ẩn tự nhiên của chúng. Khi xảy ra điều đó, chúng cần một chỗ trú ẩn mới và chỗ trú mới đó thường lại là chính chúng ta”.

Mối đe dọa gia tăng

Các nghiên cứu cho thấy rằng sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật hoặc các nguồn khác như Ebola, Sars, cúm chim, và bây giờ là COVID-19 do một loại coronavirus chủng mới gây ra - đang gia tăng. Các mầm bệnh đang từ động vật lây qua người, và nhiều mầm bệnh có khả năng lây lan nhanh đến những nơi mới. Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hoa kỳ ước tính ba phần tư các bệnh truyền nhiễm mới hoặc đang xuất hiện nơi người đều bắt nguồn từ động vật.

Một số bệnh như bệnh dại và dịch hạch truyền từ động vật qua người cách nay nhiều thế kỷ. Một số bệnh khác như Marburg được cho là truyền từ loài dơi thì còn hiếm. Một số bệnh khác như COVID-19, xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc năm ngoái, và Mers, có liên quan đến loài lạc đà ở Trung Đông, là bệnh mới và đang lây lan trên toàn cầu.

Một số bệnh khác lây qua người bao gồm sốt Lassa được xác định lần đầu tiên vào năm 1969 ở Nigeria; bệnh Nipah từ Malaysia; bệnh Sars từ Trung Quốc đã giết chết hơn 770 người và lây lan qua 30 quốc gia vào năm 2002-2003. Một số bệnh khác như Zika và virus Tây sông Nile xuất phát từ châu Phi, đã biến đổi và tồn tại ở các lục địa khác.

Kate Jones, Trưởng khoa Sinh thái và Đa dạng sinh học tại Đại học UCL (University College London) gọi các bệnh truyền nhiễm lây lan từ động vật đang xuất hiện là “mối đe dọa đang gia tăng và rất nghiêm trọng đối với sức khỏe, an ninh và kinh tế toàn cầu”.

Hiệu ứng khuếch đại

Năm 2008 Jones và một nhóm nhà nghiên cứu xác định được 335 căn bệnh xuất hiện trong khoảng thời gian từ 1960-2004, trong đó ít nhất 60% đến từ động vật.

Những bệnh đó, Jones nói, ngày càng liên quan đến sự thay đổi môi trường và ứng xử của con người. Sự phá hủy những cánh rừng nguyên sơ do nạn phá rừng, hoạt động khai mỏ và xây dựng đường sá qua những địa điểm xa xôi, sự đô thị hóa nhanh chóng và tăng trưởng dân số khiến con người tiếp xúc gần hơn với những loài động vật mà trước đây con người chưa hề gần gũi.

Hệ quả là sự lây nhiễm bệnh từ động vật hoang dã sang con người - cái giá ẩn giấu của sự phát triển kinh tế. Chúng ta hiện diện ngày càng nhiều ở mọi môi trường. Chúng ta đi đến những nơi mà phần lớn chưa bị xáo trộn và chúng ta ngày càng phơi nhiễm với bệnh tật. Chúng ta tạo nên những chỗ ở, nơi mà virus lây lan dễ dàng hơn, và rồi chúng ta ngạc nhiên về sự xuất hiện của những virus mới.

Jones nghiên cứu về những thay đổi trong phương thức sử dụng đất đã đóng góp như thế nào vào nguy cơ lây nhiễm bệnh. “Chúng tôi đang nghiên cứu việc các giống loài ở những môi trường cư trú xuống cấp có thể mang những virus ảnh hưởng đến con người thế nào”, bà nói. “Những hệ thống đơn giản hơn lại tạo hiệu ứng lan tỏa. Cứ hủy hoại cảnh quan thì những giống loài còn ở lại với con người chính là những giống loài lây bệnh cho con người”, bà nói.

Eric Fevre, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm thú y thuộc Viện Truyền nhiễm và sức khỏe toàn cầu, Đại học Liverpool, nói: “Có vô số tác nhân gây bệnh đang tiếp tục tiến hóa và đến một thời điểm nào đó sẽ đặt ra mối đe dọa đối với con người. Nguy cơ mầm bệnh nhảy từ động vật qua người vẫn luôn tồn tại”.

Fevre nói, sự khác biệt giữa bây giờ với cách nay vài thập kỷ là bệnh có thể bùng phát ở cả môi trường đô thị và môi trường tự nhiên. “Chúng ta đã tạo nên những vùng dân cư đặc kín, nơi mà loài dơi, các loài gặm nhấm, chim, chó mèo, và những sinh vật khác sống cạnh chúng ta, tạo nên sự tương tác mạnh và cơ hội cho mầm bệnh truyền từ loài này sang loài khác”.

Phần nổi của tảng băng

“Mầm bệnh không biết đến ranh giới giữa các loài”, nhà sinh thái học bệnh tật Thomas Gillespie thuộc bộ môn khoa học môi trường Đại học Emory chuyên nghiên cứu về tác động của sự thu hẹp môi trường cư trú tự nhiên và sự thay đổi trong ứng xử đến sự gia tăng nguy cơ bệnh tật lây lan từ động vật qua con người. “Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên về sự bùng phát coronavirus”, ông nói. “Phần lớn các tác nhân gây bệnh vẫn còn chưa được phát hiện. Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng”.

Theo Gillespie, con người đang tạo điều kiện cho sự lây lan bệnh tật bằng cách làm giảm các hàng rào tự nhiên ngăn cách giữa các động vật chủ mang virus và chính họ.

Ở mọi nơi, động vật hoang dã đang phải sống trong điều kiện căng thẳng hơn, ông nói.

“Những thay đổi lớn về cảnh quan khiến cho các động vật mất chỗ ở, có nghĩa là các loài chung đụng với nhau nhiều hơn và cũng tiếp xúc nhiều hơn với con người. Những giống loài sống sót qua các thay đổi đang di chuyển và trộn lẫn với các loài khác và với con người”.

Thế nhưng, các nghiên cứu về sức khỏe con người ít khi xem xét đến các hệ sinh thái tự nhiên bao quanh con người, Richard Ostfeld, nhà khoa học cao cấp tại Viện nghiên cứu về hệ sinh thái Cary ở Millbrook, New York, nói. Ông và các đồng nghiệp khác đang phát triển ngành khoa học mới là ngành sức khỏe hành tinh. Một ngành nghiên cứu về mối liên hệ giữa sức khỏe con người và sức khỏe hệ sinh thái.

“Có sự hiểu lầm trong giới khoa học và trong công chúng rằng các hệ sinh thái tự nhiên là nguồn gốc của những mối đe dọa đối với chúng ta. Đó là một sai lầm. Thiên nhiên đặt ra các mối đe dọa, đúng, nhưng hoạt động của con người mới gây ra thiệt hại thực sự. Các nguy cơ đối với sức khỏe trong môi trường tự nhiên có thể trở nên tệ hại hơn khi chúng ta can thiệp vào tự nhiên”, ông nói.

Đường dây thị trường

Các nhà sinh thái học bệnh tật cho rằng virus và các tác nhân gây bệnh khác có thể truyền từ động vật sang người thông qua các chợ không chính thức mọc lên nhằm cung cấp thịt tươi cho cư dân đô thị đang gia tăng nhanh chóng trên thế giới. Tại đó, động vật bị giết mổ, chặt và bán tại chỗ.

“Chợ ướt” (chợ bán thịt tươi sống) ở Vũ Hán, mà chính quyền Trung Quốc cho là điểm xuất phát của đại dịch COVID-19 hiện tại, bán đủ loại động vật hoang dã, kể cả sói con, kỳ nhông, cá sấu, bọ cạp, chuột, sóc, chồn, cầy hương, rùa…

Cũng vậy, các chợ thành phố ở Tây và Trung châu Phi bán khỉ, dơi, chuột, và hàng chục loại chim, động vật có vú, côn trùng, động vật gặm nhấm được giết thịt và bán cạnh những bãi rác tù đọng.

“Các “chợ ướt” tạo nên cơn bão hoàn hảo cho sự lây truyền mầm bệnh giữa các loài”, Gillespie nói. “Bất cứ khi nào có sự tương tác với một loạt các loài ở một nơi, dù là trong môi trường tự nhiên như một cánh rừng hay ở một khu “chợ ướt”, thì đều dẫn đến hiệu ứng lan tỏa mầm bệnh”.

Tuy nhiên, cấm các “chợ ướt” như chính quyền Trung Quốc cấm chợ thịt rừng Vũ Hán là không đủ. Theo các nhà nghiên cứu, việc cấm đoán như vậy chỉ khiến cho việc buôn bán lậu thịt rừng rút vào bí mật và vệ sinh càng ít được quan tâm hơn.

Thay đổi ứng xử

Vậy chúng ta có thể làm gì? Jones cho rằng sự thay đổi phải đến từ cả người giàu và người nghèo. Nhu cầu về gỗ, khoáng sản và tài nguyên từ phía bắc địa cầu dẫn đến sự suy thoái về cảnh quan và phá hủy hệ sinh thái, dẫn đến bệnh tật, bà nói. “Chúng ta phải nghĩ về an ninh sinh thái toàn cầu, tìm ra những điểm yếu và tăng cường cung cấp y tế ở các nước đang phát triển. Bằng không, có thể chờ đợi những điều tệ hại hơn sẽ đến”.

“Nguy cơ bây giờ lớn hơn, dù nó đã luôn có mặt ở đó từ nhiều thế hệ. Điều cần thay đổi là cách chúng ta tương tác với nguy cơ đó”, Brian Bird, nhà virus học thuộc trường thú y Davis, Đại học California, nói.

“Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của tình trạng khẩn cấp thường trực. Bệnh tật sẽ truyền đi xa hơn, nhanh hơn trước đây, có nghĩa là chúng ta phải phản ứng nhanh hơn. Muốn vậy cần đầu tư, cần thay đổi ứng xử của con người, có nghĩa là phải lắng nghe người dân tại các cộng đồng”.

Chìa khóa là đưa thông điệp về các tác nhân gây bệnh và về dịch bệnh đến với những người săn trộm, người phá rừng, người buôn bán, và người tiêu thụ - Bird nói. Mọi giải pháp phải khởi đầu bằng giáo dục và gây ý thức. Cần làm cho mọi người hiểu rằng mọi sự bây giờ đã khác.

Điều then chốt là phải chuẩn bị sẵn sàng. Chúng ta không thể tiên đoán đại dịch kế tiếp khởi đầu từ đâu, do đó chúng ta cần những kế hoạch giảm thiểu tác động có tính đến những kịch bản xấu nhất – ông nói. Điều duy nhất chắc chắn là một đại dịch kế tiếp chắc chắn sẽ đến.

Quỳnh Yên (theo The Guardian)