Bất động sản kết hợp làm thẩm mĩ, bệnh viện

Ông Bùi Đức Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vicoland là doanh nghiệp BĐS đã kinh doanh nhiều phân khúc BĐS như: Nhà ở xã hội, nhà ở thương mại… Sau bao thăng trầm, ông Long cho rằng, BĐS giờ khó khăn hơn khi tín dụng bị siết nên nhiều doanh nghiệp phải chuyển hướng. Bên cạnh đó, đầu tư BĐS giờ khác hơn trước nhiều, bởi người mua luôn chú trọng đến tính pháp lý của dự án. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo hồ sơ pháp lý dự án chuẩn, bản thân Vicoland tạo ra cho mình một sản phẩm riêng biệt để cạnh tranh với các thương hiệu khác.

Theo ông Long, Vicoland sẽ tiếp tục vững mạnh, khẳng định vị thế trong thị trường BĐS nghỉ dưỡng và hướng đến doanh nghiệp tỷ USD trong tương lai. Đặc biệt là chú trọng vào phân khúc BĐS  nghỉ dưỡng cao cấp với nguồn khách quốc tế không ngừng gia tăng, đem lại dòng ngoại tệ ổn định cho quê hương.

Cũng ông Long cho biết, hiện tại theo quan sát của ông, người trẻ mất rất nhiều tiền để ra nước ngoài thẩm mĩ trong khi nhu cầu làm đẹp là chính đáng. Công ty của ông cũng ký hợp đồng nguyên tắc thành lập Beauty Clinic với Daewon Cantavil PTE. Ltd để sớm cho ra mắt bệnh viện thẩm mỹ số 1 ở Việt Nam. “Người Việt mất quá nhiều tiền để ra nước ngoài khám bệnh. Tôi đã nghiên cứu và đánh đúng tâm lý khách hàng nên sẽ khởi công bệnh viện khám chữa bệnh ung thư lớn tại Đà Nẵng. Chúng tôi sẽ làm dịch vụ vừa nghỉ dưỡng vừa đi khám bệnh cho mọi đối tượng”, ông Long nói

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Savills Hà Nội cho biết, trong bối cảnh thị trường BĐS bị siết tín dụng, nhiều phân khúc thị trường BĐS sẽ bị ảnh hưởng. Chủ đầu tư sẽ phải hạn chế quy mô phát triển, còn nếu đã có sản phẩm thì phải đưa ra những chính sách hấp dẫn thu hút người mua, tiến độ thanh toán linh hoạt hơn nữa để giãn tiến độ…

“Xoay” sang BÐS nhà máy, công xưởng ?

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), FDI quý I/2019 đạt kỷ lục với con số 10,8 tỷ USD và tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện tại, đã có rất nhiều công ty từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam xây nhà máy sản xuất. Điều này được dự báo sẽ gia tăng nhu cầu về nhà xưởng, kho bãi và logistics, thúc đẩy phân khúc BĐS công nghiệp phát triển.

Đánh giá về tiềm năng BĐS công nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, năm 2019, phân khúc này đặc biệt phát triển. Đây là làn sóng mới tại Việt Nam và thị trường còn nhiều dư địa phát triển. Cùng đó, đô thị và dịch vụ phát triển cũng là yếu tố khách quan khi thu hút nhiều nhà đầu tư vào các khu công nghiệp. Mối quan hệ hữu cơ và mang tính bền vững này đang được chứng minh hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới như: Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Trung Quốc,...

Chia sẻ tại Diễn đàn BĐS công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, BĐS khu công nghiệp đang là phân khúc hấp dẫn nhất năm 2019 nhờ có nhiều dư địa phát triển. “Thị trường BĐS khu công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt của cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế”, ông Nam nói.

Dẫn số liệu báo cáo của JLL, ông Nam cho hay, xét về các chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên chi phí và trên tiền mặt, lợi nhuận thu được từ việc phát triển BĐS công nghiệp tại Việt Nam có thể đạt 11-12%, cao nhất trong khu vực. Theo ông Nam, đây là yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ vốn đầu tư vào BĐS công nghiệp với kỳ vọng đạt lợi nhuận tốt trong thời gian tới.

 TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, BĐS khu công nghiệp còn một số hạn chế như hạ tầng kết nối đa phương tiện còn thiếu đồng bộ, tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà xưởng chưa cao, đóng góp của lĩnh vực này vào GDP còn chưa tương xứng với tiềm năng... “Sức hấp dẫn của BĐS khu công nghiệp Việt Nam hiện cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập ưu đãi, nhưng định hướng chính sách chưa rõ ràng và chưa đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường phát triển mạnh hơn”, ông Cung nói. 

“Sức hấp dẫn của BĐS khu công nghiệp Việt Nam hiện cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý”.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM

NGỌC MAI - Theo Tiền Phong