TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 64
  • Hôm nay: 918
  • Tháng: 7657
  • Tổng truy cập: 5140976
Chi tiết bài viết

Hẻm cà phê

Những con đường có lá me bay, có hàng sao cao vút, gió thổi rì rào như tiếng sóng, những khu chợ nhộn nhịp lúc nào cũng người xe đông đúc và trên hết, những con người năng động, thích nghi nhanh chóng với từng bước đi, từng nhịp đập của thành phố… Đó chính là Sài Gòn xưa, là TP. Hồ Chí Minh nay trong mắt tôi, một cư dân tỉnh lẻ từng một thời gắn bó với nơi này.

Cà phê hẻm Trịnh (hẻm 47 Phạm Ngọc Thạch, quận 3). 

Đặc biệt với một kẻ từng sống ở đây vào những năm tuổi trẻ thơ mộng thì những quán cà phê của thành phố này vẫn mãi lấp lánh trong nỗi nhớ, những kỷ niệm trong sáng cùng bạn bè thân yêu. Từ quán cà phê “cây me” bên hông Nhà thờ Đức Bà đến cà phê Hồng đường Pasteur, rồi quán Lú, quán Hầm Gió… Nơi đi về của đám sinh viên ngày ấy.

Và… biết bao nhiêu quán nữa trong hẻm nhỏ, bên vệ đường của những ngày tuổi trẻ. Những quán cà phê không quan trọng, không lớn lao gì nhưng vẫn là một nét nhấn dễ thương, gần gũi của Sài Gòn xưa.

Mấy ngày tết vừa qua có dịp lên thành phố, buổi chiều cô cháu gái – bạn đồng điệu trong “Đạo cà phê” rủ rê rất nhiệt tình: “Mình đi cà phê đi. Con đường này nhiều quán hay lắm, tha hồ chọn”. Hóa ra, đó là mấy quán cà phê nằm trên góc đường Ngô Thời Nhiệm – Lê Quý Đôn tôi đã từng lui tới. Phải nói là “Hẻm cà phê” mới đúng. Vì ngoài quán “Cảm Xúc” nằm ở số 6A trên mặt lộ, hai quán bên trong con hẻm nhỏ là “Sỏi Đá” số 6B và “Khúc ban chiều – Sérénata” ở 6D đều là những quán cà phê nổi tiếng của nơi này.

Ngồi trong “Khúc ban chiều” cuối con hẻm, chợt có cảm giác như trở về nhà, trở về một thời thơ mộng xưa. Quán mở ra trong một ngôi biệt thự cũ, kiến trúc kiểu Pháp kết hợp với những hoa văn Tây Nguyên, với thổ cẩm, với gốm Bàu Trúc của dân tộc Chăm và những họa tiết châu Phi nhưng không rối mà hài hòa, thoáng đãng mang sắc thái một quán sân vườn trong thành phố.

Buổi chiều không có ca nhạc như buổi tối, chỉ “êm êm một khúc ban chiều” với nhạc êm dịu, nhạc cổ điển réo rắt mênh mang tạo một khoảng lặng thanh thản cho khách trong khi đợi từng giọt, từng giọt cà phê nhỏ xuống phin chậm rãi, yên bình.

Khi đã chán sự yên tĩnh, chỉ cần bước ra một chút, cách một căn nhà ta đã bước vào một con đường đầy sỏi để đến không gian mở của “Sỏi Đá”.

Quán cà phê như một ngôi nhà hóng gió với những thác đá cuội chồng lên nhau, tiếng nước chảy nhẹ qua khe đá. Cái duyên của quán toát ra từ những dây leo rủ xuống như tơ xanh, từ cây đủng đỉnh uy nghi đứng bên những cành dao thanh thoát hòa với những ca khúc tiền chiến lãng mạn, mượt mà.

Tôi đã ngồi trầm ở những quán cà phê này, mỗi nơi một cảm giác khác nhau, lúc thu mình trong kỷ niệm, trong cõi lãng quên, lúc mở rộng lòng bay lên cùng gió, cùng tiếng nhạc du dương, đẹp đẽ… Nhưng trên hết vẫn là sự thanh lọc của tâm hồn, của ánh mắt giữa chốn quay cuồng bụi bặm để trong tôi còn giữ được tình cảm thân thiết với thành phố này, thành phố của một thời tuổi trẻ vẫn còn xanh biếc trong tôi.

Đi từ trong ra ngoài đầu hẻm, ngay trên đường Ngô Thời Nhiệm là “Cảm Xúc”, quán cà phê dành cho tuổi teen, cho lớp trẻ. Bên kia, đối diện với “Cảm Xúc” lại là một quán cà phê mới khai trương, một quán cà phê máy lạnh thật sang với cái tên lạ như quán nước ngoài “The Analogzone”. Lại chạnh nhớ đến những loại hình cà phê khác: cà phê “Bệt”, cà phê “Di động”… Thì ra chỉ từ cà phê thôi, những con người ở đây cũng đã tỏ rõ sự ứng biến, năng động của mình. Nét đặc trưng của TP. Hồ Chí Minh đó ư? Không biết đáng yêu hay đáng phiền đây?

Những hẻm cà phê, những con đường cà phê, những quán cà phê êm ả, nồng nàn, vui tươi… Trong tôi, tất cả đã vẽ nên một hình ảnh thân quen, đầm ấm của thành phố một thời gắn bó tuổi xuân thì.

Nguyễn Ngọc Tuyết - Theo Người Đô Thị

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness