TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 46
  • Hôm nay: 445
  • Tháng: 7184
  • Tổng truy cập: 5140503
Chi tiết bài viết

Huyện Nhà Bè: Thu hồi đất của dân giá rẻ mạt đem đấu giá tăng gấp 100 lần!

Đất của dân bị thu hồi và đền bù với giá 25.000 đồng/m2 cho cái gọi là “tạo quỹ đất dự trữ cho thành phố”, nhưng sự thật sau đó đem bán đấu giá cao gấp 100 lần để xây chung cư, biệt thự... kinh doanh kiếm lời. Hơn 18 năm qua, hàng chục hộ dân hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức ở huyện Nhà Bè, TP.HCM “ôm” đơn khiếu nại khắp nơi...

Ai hưởng lợi từ việc đấu giá đất?

Năm 1999, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 7319/QĐ-UB-ĐB giải tỏa thu hồi đất từ đường Bình Thuận đến Khu Công nghiệp Hiệp Phước, phục vụ dự án đường Nguyễn Hữu Thọ, rộng 60m, dài 7.680m2. Hiểu được lợi ích của công trình phúc lợi xã hội, nhiều hộ dân đã tin tưởng giao đất với hàng ngàn mét vuông mặc dù giá đền bù chỉ 25.000 đồng/m2...

Sau khi hoàn thành tuyến đường, UBND huyện Nhà Bè cũng có đề nghị thu hồi thêm phần đất dọc hai bên đường Nguyễn Hữu Thọ, mỗi bên 35m (tính từ mặt đường Nguyễn Hữu Thọ trở vào) để làm quỹ đất dự trữ và được cấp thẩm quyền chấp thuận. Dự án này khiến 333 hộ dân tại xã Nhơn Đức và Phước Kiển của huyện Nhà Bè bị thu hồi đất với lý do “tạo quỹ đất đô thị”. Và cũng như lần trước, do là dự án công cộng nên đất chỉ được đền bù 25.000 đồng/m2, thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Do không được giải thích rõ mục đích của quỹ đất đô thị và giá đền bù quá bèo nên hàng chục người dân không đồng tình với phương án đền bù mà huyện Nhà Bè đưa ra.

Một thời gian sau, UBND huyện Nhà Bè đem số đất dự trữ bán đấu giá cho các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc với giá bình quân mỗi mét vuông hàng triệu đồng, cao gấp trên 100 lần giá đền bù. Và hiện số đất trên được dùng xây chung cư và biệt thự để kinh doanh.

Người dân phẫn nộ, khiếu kiện khắp nơi. Thế nhưng, họ chỉ nhận được câu trả lời là vụ việc đã được “giải quyết đúng quy định” hoặc bị bác đơn khiếu nại.

Tiếp đó, ngày 18/6/2003, Phó Chủ tịch UBND khi đó là ông Nguyễn Văn Đua ký Quyết định số 2272/QĐ-UB thu hồi 87,55ha đất dọc đường Nguyễn Hữu Thọ, thuộc hai xã Phước Kiểng và Nhơn Đức cho dự án tạo quỹ đất đô thị. Trong diện tích đất này, có phần đất chưa thống nhất được mức giá đền bù với bà Oanh, bà Sáu, ông Hải và hàng chục hộ gia đình còn lại…

Kế đến, ngày 22/10/2004, UBND TP.HCM ra tiếp văn bản về phương án đấu giá quyền sử dụng đất đối với 14 khu đất diện tích 44,498ha phía trái đường Nguyễn Hữu Thọ. Cuối năm đó, Công ty Phú Long là đơn vị mua trúng đấu quỹ đất. Từ quỹ đất trên công ty này đã và đang xây dựng các khu phức hợp nhà phố, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, công viên cây xanh… mang tên Dragon Hill Residence and Suites.

Hàng chục ha đất của dân bị thu hồi để làm quỹ đất dự trữ cho thành phố với giá “rẻ như cho”. Người dân địa phương tin rằng trên mảnh đất của họ bị thu hồi sẽ mọc lên các công trình phúc lợi xã hội, nhưng trên các khu đất đó lại xuất hiện các dự án thương mại. Người dân cũng đặt câu hỏi rằng: “Sao không để cho doanh nghiệp tự thỏa thuận giá với người dân, để tránh khiếu nại như hiện nay?”

0 
4
Mặc dù chưa nhận được tiền đền bù, nhưng phần đất trên bị Công ty Phú Long cho rào chắn.

Mất ăn mất ngủ, bỏ công việc để canh giữ đất

Nhiều hộ dân sống tại xã Phước Kiểng đang “nơm nớp” trong lo sợ, gác chuyện bán buôn sang một bên chỉ để canh giữ phần đất do chính mình khai khẩn hoặc thừa hưởng từ cha ông. Giữa trưa, bỏ chén cơm nuốt vội, bà Nguyễn Thị Oanh (ngụ ấp 3, Phước Kiểng) tất tả chạy ra thửa đất của mình khi nghe tin doanh nghiệp địa ốc có tên CTCP Địa ốc Phú Long (Công ty Phú Long) mang máy móc, thiết bị đến ép cọc, thử tải trên thửa đất dọc đường Nguyễn Hữu Thọ của bà. Thửa đất này gia đình bà đã canh tác ổn định từ sau năm 1975, có diện tích trên 5.000m2.

Tuy nhiên để “tạo quỹ đất dự trữ cho thành phố”, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 2272/QĐ-UB. Chuyện cũng sẽ chẳng có gì đáng nói nếu mảnh đất trên được đền bù thỏa đáng. Tróe ngoe là miếng đất rộng chỉ được đền bù với giá 25.000 đồng/m2. Nhưng tổng cộng cả thẩy bà Oanh chỉ nhận được vài chục triệu đồng theo mức giá thu hồi đất năm 1999.

Hàng chục năm qua, bà Oanh ròng rã khiếu nại đề nghị nâng giá đền bù thỏa đáng, nhưng không được chính quyền huyện Nhà Bè chấp thuận. Bà Oanh đề nghị hoàn toàn có cơ sở, bởi giá đất nông nghiệp tại khu vực này thời điểm năm 1999 đã vào khoảng từ 500.000 đến 1 triệu đồng/m2. Bà thắc mắc là đất nông nghiệp do doanh nghiệp đền bù được giá cao nhưng khi địa phương thu hồi thì người dân lại nhận đền bù rất thấp. Bà Oanh nói “giá một trời một vực” và bà đang hưởng mức giá ở đáy.

1
Chồng bà Oanh bên phần đất rộng hàng ngàn mét vuông hiện được coi là nằm trong quy hoạch của dự án Công ty Phú Long.

Đã rất nhiều lần từ tháng 6/2018 đến nay, bà Oanh và các hộ dân khác phản ứng và cản trở quyết liệt khi công nhân Phú Long đến làm việc trên các thửa đất của mình. Bà nói hai vấn đề bà khiếu nại là: Một, UBND TP.HCM thu hồi đất với mục đích ban đầu là “tạo quỹ đất dự trữ cho thành phố”, nhưng sau đó lại bán đấu giá cho doanh nghiệp 1/2 tổng số đất thu hồi của người dân. Hai, đất được đấu giá năm 2004 nhưng giá đền bù UBND TP.HCM vẫn áp mức giá thu hồi năm 1999.

Tương tự bà Oanh, các hộ dân địa phương như Phạm Thị Ni, Trương Ngọc Anh, Nguyễn Văn Hải… cũng bỏ ăn, bỏ việc để giữ đất bởi hàng ngàn mét vuông đất khó nhọc khai phá của gia đình họ bị thu hồi và đền bù với giá bèo bọt.

Bà Phạm Thị Ni sở hữu diện tích đất 3.125m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà nói đất mình không nằm trong ranh giới thu hồi để làm quỹ đất dự trữ, nhưng vẫn bị địa phương cương quyết “lấy” và ngó lơ tất cả những khiếu nại, yêu cầu từ phía bà.

Mảnh đất 3.000m2 của bà Nguyễn Thị Sáu bị thu hồi và đang được doanh nghiệp xây biệt thự, nhà phố bán ra thị trường hàng tỷ đồng. Thế nhưng, phần đền bù “thỏa đáng” 25.000 đồng/m2 mà địa phương trả vẫn chưa đến tay bà!

2
3
Bà Phạm Thị Ni và căn nhà nát bên trong phần đất của bà.

Bài & ảnh: Cao Tuấn - Theo Người Tiêu Dùng

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness