TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 11
  • Hôm nay: 65
  • Tháng: 10514
  • Tổng truy cập: 5143833
Chi tiết bài viết

Lý giải những điểm lạ trong con số tăng trưởng của Việt Nam và góc nhìn khác về chuyện Việt Nam vượt Philippines, Singapore

Trao đổi với Trí thức trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cán bộ nghiên cứu cao cấp của Trường Harvard Kenedy thuộc Đại học Harvard nhận định, nếu quý 4/2020, tăng trưởng GDP là 4,7% thì quý 1, quý 2/2021 có thể cải thiện lên khoảng trên 5%. Còn để đạt mục tiêu 6,5% hay như các tổ chức dự báo khoảng 7% thì phải phụ thuộc nhiều vào nửa cuối năm nay.

"Năm 2021, chúng ta đứng trước thách thức rất lớn. Bài toán của năm 2020 là kiểm soát Covid-19, còn bài toán của năm 2021 là Việt Nam phải tiếp cận được vaccine và phân phối rộng rãi từ các đối tượng ưu tiên cao xuống ưu tiên thấp. Trên cơ sở đó, chúng ta bắt đầu mở cửa và thực sự kinh tế mới có thể hồi phục" – giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ.

Lý giải những điểm lạ trong con số tăng trưởng của Việt Nam và góc nhìn khác về chuyện Việt Nam vượt Philippines, Singapore - Ảnh 1.

Trong cuộc họp mới đây, ông có nhận định rằng, "mức tăng trưởng kinh tế năm 2020 hoàn toàn đến từ cải thiện năng suất, mà chủ yếu là do chuyển đổi số, tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp". Ông có thể giải thích rõ hơn nhận định này không?

Tăng trưởng có thể được nhìn nhận trên nhiều khía cạnh. Nhìn từ tổng cung và các nhân tố sản xuất, ta quan tâm đến lao động, vốn và năng suất. Trong những năm trước, tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào tích lũy vốn, hấp thụ đầu tư và lực lượng lao động bổ sung mới, đóng góp của năng suất là thấp.

Nhưng năm 2020 là một năm đặc thù. Lần đầu tiên, lực lượng lao động giảm, số ước tính tạm thời là giảm gần 900.000 người, tức là đóng góp của lao động vào tăng trưởng là âm. Về đầu tư, đầu tư tư nhân và nước ngoài đều giảm. Dù Chính phủ đã điều hành đẩy mạnh đầu tư công, tạo động lực bù đắp cho những suy giảm khác, nhưng tựu chung lại, vốn đầu tư cũng tăng không đáng kể. Nên tính chung lại, đóng góp của lao động và tích lũy vốn vào tăng trưởng năm qua là không có.

Như thế, toàn bộ 2,91% chính là tăng năng suất. Tất nhiên, không phải tự nhiên mà đóng góp của năng suất vào tăng trưởng được cải thiện, mà là khi không còn đóng góp của lao động và vốn nữa, thì tỷ phần đóng góp của năng suất tăng lên – một nét đặc thù của năm Covid. Nhưng tác động mang tính lâu dài là đối phó với Covid, các tổ chức kinh tế đã buộc phải tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và đẩy mạnh chuyển đổi số. Đây chính là yếu tố có tiềm năng thúc đẩy năng suất về lâu dài.

Lý giải những điểm lạ trong con số tăng trưởng của Việt Nam và góc nhìn khác về chuyện Việt Nam vượt Philippines, Singapore - Ảnh 2.

Vậy những yếu tố khác như đầu tư công, xuất khẩu… thì sao?

Nhìn về phía tổng cầu, trong năm 2020, vì Covid-19, tiêu dùng của người dân gần như không tăng, đầu tư của tư nhân thì giảm. Nhưng bù lại đầu tư công tăng đến 3% và xuất khẩu tăng 6,5%.

Tại sao đầu tư công tăng? Khi lên kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020 – năm cuối nhiệm kỳ, Chính phủ đã có kế hoạch đầu tư công lớn, kể cả không có Covid-19. Nếu kế hoạch này không lớn ngay từ đầu thì rất khó để đẩy mạnh vì phải bổ sung thêm dự án. Vì vậy, khi Covid xảy ra, để thức hiện "mục tiêu kép", kế hoạch đầu tư công quy mô lớn này được tập trung triển khai để trở thành một động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Không phải bổ sung dự án mới, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Về xuất khẩu, việc kiểm soát Covid-19 thành công là yếu tố quan trọng đảm bảo hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến – chế tạo không bị xáo trộn. Việt Nam linh hoạt ở chỗ, ngay cả ở giai đoạn giãn cách xã hội quyết liệt nhất thì các nhà máy vẫn duy trì hoạt động với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch. Một thành công của chính sách hội nhập là Việt Nam có các thị trường chiến lược cho xuất khẩu. Mặc dù bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn nhưng tính đa dạng thị trường vẫn giúp cho xuất khẩu tăng trưởng. Trong năm 2020, tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bù đắp cho suy giảm ở thị trường ASEAN và EU.

Liệu với cú huých chuyển đổi số của năm 2020 có tạo ra động lực tăng trưởng quan trọng cho những năm tiếp theo hay không?

Năm 2020 là cú huých cho chuyển đổi số, nhưng các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh trong những năm tới thì nó mới thực sự trở thành động lực tăng trưởng quan trọng. Còn hiện tại, kinh tế số chưa phải động lực quan trọng, mức đóng góp cao này chỉ mới là tính đặc thù của năm 2020 thôi.

Lý giải những điểm lạ trong con số tăng trưởng của Việt Nam và góc nhìn khác về chuyện Việt Nam vượt Philippines, Singapore - Ảnh 3.

Năm 2020 là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua khủng hoảng mà vẫn giữ ổn định vĩ mô. Theo ông nguyên nhân ở đây là gì?

Yếu tố khách quan ở đây là cuộc khủng hoảng này không xuất phát từ yếu tố kinh tế, mà là dịch bệnh, nên không tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô.

Còn về chủ quan, nhìn lại bài học thứ nhất vào năm 1997-1998. Với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, trước khi khủng hoảng xảy ra, mặc dù có ổn định về vĩ mô nhưng nội lực của nền kinh tế còn yếu nên tác động của khủng hoảng từ Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc đến Việt Nam là rất mạnh qua kênh ngoại thương và đầu tư nước ngoài. Việt Nam buộc phải phá giá tiền đồng. Tăng trưởng suy giảm và nhiều ngân hàng thương mại cũng bị suy yếu. Như vậy, khi nội lực kinh tế yếu thì tác động của khủng hoảng bên ngoài tới ổn định vĩ mô vẫn là rất nghiệm trọng cho dù độ mở của nền kinh tế chưa phải là cao.

Lý giải những điểm lạ trong con số tăng trưởng của Việt Nam và góc nhìn khác về chuyện Việt Nam vượt Philippines, Singapore - Ảnh 4.

Bài học thứ hai đến từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2009. Trước đó vào 2008, Việt Nam đã bị bất ổn kinh tế vĩ mô với lạm phát cao, tăng trưởng tín dụng quá lớn, ngân hàng sở hữu chéo, bong bóng tài sản phình to. Khi khủng hoảng toàn cầu xảy ra, tác động đến nền kinh tế Việt Nam lại càng sâu rộng.

Như năm 2009, kinh tế vĩ mô chưa được ổn định thì Việt Nam vẫn nới lỏng tiền tệ, nới lỏng tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng, dẫn đến các cân đối vĩ mô về tài khóa, tiền tệ và cán cân thanh toán càng xấu đi. Nhìn lại có thể thấy vào thời điểm gia nhập WTO với nhiều yếu tố thuận lợi nhưng những nền tảng vĩ mô không được cũng cố mà lại quá đà tăng trưởng nóng nên khi khủng hoảng toàn cầu xảy ra thì dư địa cho chính sách hỗ trợ không còn.

Lần này, yếu tố ổn định vĩ mô của 4 năm đầu nhiệm kỳ là rất quan trọng. Từ năm 2016-2019, cách thức điều hành chính sách là ưu tiên ổn định vĩ mô. Tỷ lệ lạm phát và thâm hụt ngân sách không quá cao. Tăng trưởng tín dụng 2017 – 2018 cao thì năm 2019 cũng có điều chỉnh chính sách phù hợp để đưa về mức thấp hơn. Tỷ lệ nợ công trên GDP giảm xuống liên tục.

Lý giải những điểm lạ trong con số tăng trưởng của Việt Nam và góc nhìn khác về chuyện Việt Nam vượt Philippines, Singapore - Ảnh 5.

Điều đó tạo ra dư địa để khi Covid-19 xảy ra, chúng ta có thể nới lỏng chính sách tiền tệ để hạ lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời mở rộng đầu tư công ở phía tài khóa, trong khi vẫn duy trì được ổn định vĩ mô. Nên có thể nói, đây là lần đầu tiên khủng hoảng trên toàn cầu tác động mạnh tới nền kinh tế nội địa mà Việt Nam vẫn ổn định vĩ mô.

Lý giải những điểm lạ trong con số tăng trưởng của Việt Nam và góc nhìn khác về chuyện Việt Nam vượt Philippines, Singapore - Ảnh 6.

Theo IMF, trong năm nay, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta đã vượt qua Philippines và GDP đã vượt Singapore. Điều này có thể coi là cột mốc trong sự phát triển của kinh tế Việt Nam không?

Thực ra, đây là do chúng ta điều chỉnh lại GDP về mặt kỹ thuật.. Việc điều chỉnh lại GDP sẽ giúp phản ánh đúng hơn quy mô của nền nền kinh tế về số tuyệt đối, vì những năm qua ngành thống kê đã tính sót nhiều hoạt động kinh tế. Về tăng trưởng tương đối qua các năm thì số liệu tăng trưởng GDP vẫn giữ nguyên.

Điều này ảnh hưởng đến tất cả các chỉ số có GDP là mẫu. Và tất nhiên cũng không nên lạc quan quá vào việc GDP của chúng ta đã vượt nước này, thu nhập bình quân vượt nước kia.

Với lần điều chỉnh này, quy mô GDP tăng lên 25% về con số thống kê. Về thực tế, thì mức sống của người dân và sức mạnh kinh tế của doanh nghiệp vẫn như vậy. Cũng không nên nói nhiều về chuyện so sánh với Singapore về GDP hay Philippines về GDP đầu người.

Lý giải những điểm lạ trong con số tăng trưởng của Việt Nam và góc nhìn khác về chuyện Việt Nam vượt Philippines, Singapore - Ảnh 7.

Trong năm 2020, Việt Nam đã chứng kiến sự quan tâm và đầu tư của nhiều doanh nghiệp điện tử hàng đầu thế giới, đặc biệt là để sản xuất các sản phẩm quan trọng như Macbook, iPad. Ông đánh giá thế nào về cơ hội cho Việt Nam từ việc đó?

Thật ra, Việt Nam luôn ở trong tầm ngắm của các doanh nghiệp sản xuất thiết bị công nghệ và điện tử vì những yếu tố rất thuận lợi về vị trí địa lý, lao động và chính sách. Nhưng quan trọng nhất là Việt Nam hội nhập sâu rộng, có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mang tính chiến lược cao.

Trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng trong khu vực và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam còn trở thành điểm đến hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, các tập đoàn đa quốc gia không chỉ hướng đến Việt Nam, mà còn các nền kinh tế khác nữa, như Ấn Độ. Quốc gia này có thị trường nội địa lớn hơn nhiều so với Việt Nam. Về hội nhập và độ mở thì Ấn Độ không bằng Việt Nam, nhưng nhân lực của họ tốt hơn, nhất là về kỹ thuật và công nghệ.

Cũng chính vì yếu kém trong nguồn nhân lực nên cái Việt Nam muốn nhưng chưa làm được, là thu hút các nhà sản xuất toàn cầu sản xuất tại Việt Nam ở phân khúc có giá trị gia tăng cao.

Lý giải những điểm lạ trong con số tăng trưởng của Việt Nam và góc nhìn khác về chuyện Việt Nam vượt Philippines, Singapore - Ảnh 8.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng là 6,5% cho năm nay, nhưng các tổ chức quốc tế thì có phần lạc quan hơn chúng ta, họ cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể lên tới 6,8-7%. Theo ông, mục tiêu hiện tại của chúng ta có hơi khiêm tốn không?

Năm 2021, chúng ta vẫn đứng trước thách thức rất lớn của Đại dịch Covid-19. Bài toán của năm 2020 là kiểm soát Covid-19. Bài toán của năm 2021 là thoát khỏi Covid. Việt Nam phải tiếp cận được vaccine và phân phối rộng rãi từ các đối tượng ưu tiên cao xuống ưu tiên thấp. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể bắt đầu mở cửa và kinh tế mới có thể hồi phục thực sự.

Có thể nói, ít nhất trong nửa đầu 2021, nền kinh tế vẫn ở trong trạng thái cầm cự. Với thực trạng trục trặc trong phân phối vaccine toàn cầu và sự xuất hiện của các biến thể mới của Sars-Cov-2, thì kinh tế toàn cầu vẫn phải sống cùng Covid. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn chưa thể mở cửa, chỉ có thể duy trì ổn định hơn từ việc đảm bảo các hoạt động kinh tế trong nước không bị ngưng trệ.

Chính sách tiền tệ vẫn phải ở vào trạng thái hỗ trợ tăng trưởng với mặt bằng lãi suất được duy trì như hiện nay. Không thể đảo chiều chính sách. Về mặt tài khóa, thúc đẩy đầu tư công vẫn là cần thiết. Miễn, giảm thuế vẫn cần đươc tính toán để triển khai.

Lý giải những điểm lạ trong con số tăng trưởng của Việt Nam và góc nhìn khác về chuyện Việt Nam vượt Philippines, Singapore - Ảnh 9.

Xuất khẩu năm 2020 cao nhưng có những thị trường suy giảm mạnh. Có thể kỳ vọng tín hiệu tốt từ thị trường EU, với EVFTA có hiệu lực. Các nền kinh tế ASEAN khi phục hồi cũng giúp xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tốt lên.

Nếu quý 4/2020 là 4,7% thì quý 1, quý 2/2021 có thể cải thiện lên khoảng trên 5%. Còn để đạt mục tiêu 6,5% hay như các tổ chức dự báo khoảng 7% thì phải phụ thuộc nhiều vào nửa cuối năm nay. Chúng ta dần mở cửa, chưa thể có du lịch quốc tế thì ít nhất cũng mở cho doanh nhân và lao động kỹ thuật, trên cơ sở có vaccine và phân phối được vaccine.

Việt Nam có thể nói đã thành công trên thế giới trong năm 2020, được biết đến với việc kiểm soát Covid-19 thành công, thì hoàn toàn có khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trong năm 2021, với việc phân phối vaccine một cách suôn sẻ. Những tín hiệu tích cực đó sẽ đem lại niềm tin cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Sự hồi phục của tiêu dùng dân cư và đầu tu tư nhân là hai yếu tố rất quan trọng để tạo động lực cho tăng trưởng trong nửa cuối năm. Nhưng nếu không có hai động lực này thì tăng trưởng sẽ vẫn yếu.

Chính vì thế, với sự thận trọng, Quốc hội chỉ đặt mục tiêu 6%, Chính phủ thì phấn đấu 6,5%. Các tổ chức quốc tế thì lạc quan hơn. Dù bối cảnh toàn cầu còn nhiều bất ổn, nhưng mọi thứ sẽ lại tốt lên. Họ kỳ vọng thị trường Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng, dù tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao hơn nhưng không nên quá thận trọng. Khi niềm tin được khôi phục, tiêu dùng dân cư và đầu tư tư nhân phục hồi nhanh hơn. Với cái nhìn lạc quan thì tăng trưởng có thể đạt 7%, thậm chí trên 7% trong năm nay.

 Thái Quỳnh – Hoàng Ly -  Hương Xuân - Theo Trí Thức Trẻ

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness