TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 85
  • Hôm nay: 1080
  • Tháng: 7819
  • Tổng truy cập: 5141138
Chi tiết bài viết

Mỹ đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế

Nhiều chuyên gia cảnh báo năm 2019 kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái. Giới đầu tư đang lo lắng về nhiều vấn đề có thể làm chệch hướng nền kinh tế Mỹ đáng chú ý là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; Cục Dự trữ liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất và những kịch bản khó đoán về tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Nhiều chuyên gia lo ngại kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm tới. Ảnh: Lombardi Letter

Mỹ sẽ tiến vào suy thoái vào cuối năm 2019?

Các chỉ số đo lường sức khỏe nền kinh tế Mỹ vẫn khá tốt, chẳng hạn tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, số doanh nghiệp tuyển dụng việc làm đang gia tăng ở năm thứ 8 liên tục và nền kinh tế Mỹ đang hướng đến tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2005.

Song nhiều chuyên gia vẫn lo ngại về nguy cơ Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế trong năm sau vì có nhiều dấu hiệu tiêu cực chẳng hạn sự suy yếu trong một số ngành quan trọng gồm sản xuất ô tô, nông nghiệp và xây dựng; thị trường chứng khoán trồi trụt; tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại và nỗi bất an của giới đầu tư, kinh doanh khi các cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ với các nước khác vẫn căng thẳng.

Một cuộc khảo sát gần đây của Trường Kinh doanh Fuqua thuộc Đại học Duke (Mỹ) cho thấy 48,6 % giám đốc tài chính các công ty ở Mỹ tin rằng kinh tế Mỹ sẽ bước vào suy thoái cuối năm 2019.

John Graham, Giáo sư ngành tài chính ở Đại học Duke, người giám sát cuộc khảo sát, nói: “Đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu kéo dài gần một thập kỷ sắp kết thúc. Triển vọng kinh tế của Mỹ đang yếu đi, hơn nữa, triển vọng kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới thậm chí còn tệ hơn và điều này sẽ khiến nhu cầu hàng hóa Mỹ giảm xuống”.

Một trong những lo ngại mà nhiều giám đốc tài chính ở Mỹ nêu ra nhất là thị trường lao động đang thắt chặt. Khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ chỉ ở mức 3,7% (thấp nhất trong gần 50 năm qua), các doanh nghiệp phải chật vật thuê và giữ chân các nhân viên có năng lực. Các giám đốc tài chính cảnh báo thực trạng này có thể gây trì trệ cho tăng trưởng kinh tế. Họ cũng nêu ra nhiều lo ngại khác gồm chi phí phúc lợi cho nhân viên, các chính sách của chính phủ và đặc biệt là những bất ổn kinh tế do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Không chỉ các giám đốc tài chính Mỹ mới lo lắng về một cơn suy thoái kinh tế đang đến gần. Cuộc khảo sát của Trường Kinh doanh Fuqua cũng cho thấy có đến 97% giám đốc tài chính ở châu Phi tin rằng nước của họ sẽ rơi vào suy thoái cuối năm 2019, trong khi đó, có 67% giám đốc tài chính ở châu Âu và 54% giám đốc tài chính ở châu Á tin rằng nước họ sẽ suy thoái vào thời điểm đó.

Điềm báo xấu từ đường cong lãi suất

Hôm 17-12, lần đầu tiên trong hơn 10 năm, đường cong lãi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 5 năm và thời hạn 3 năm đảo chiều về mức 0. Ảnh: Bloomberg

Nhiều chuyên gia lo ngại tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đã đi một chặng đường quá xa. Đà tăng trưởng của Mỹ hiện nay dài thứ hai trong lịch sử và sẽ dài nhất nếu Mỹ vẫn tăng trưởng đến mùa hè năm sau. Song một số chuyên gia khác lại bác bỏ lối suy nghĩ này vì họ cho rằng đà tăng trưởng kinh tế không đơn giản ngừng lại chỉ vì kéo dài quá lâu.

Trong khi đó, một số chuyên gia khác lo ngại về dấu hiệu cảnh báo của đường cong lãi suất (yield curve), một đồ thị dùng để đo chênh lệch lãi suất giữa các trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn và dài hạn. Thông thường khi nền kinh tế vững mạnh, các trái phiếu ngắn hạn có lãi suất thấp và các trái phiếu dài hạn có lãi suất cao hơn do trái chủ chấp nhận rủi ro lớn hơn vì giữ trái phiếu trong thời gian dài. Lúc đó, đường cong lãi suất sẽ hướng lên cao.

Tuy nhiên, trong năm qua, đường cong lãi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ đi ngang khi lãi suất của các trái phiếu ngắn hạn tiến gần tới mức lãi suất của các trái phiếu dài hạn. Điều này có thể phản ánh sự giảm sút lòng tin vào hoạt động của nền kinh tế trong dài hạn. Và lịch sử cho thấy cứ trước mỗi đợt suy thoái của kinh tế Mỹ trong 60 năm qua, đường cong lãi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ đảo chiều, tức lãi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn lãi suất trái phiếu dài hạn.

Hôm 17-12, lần đầu tiên trong hơn 10 năm, đường cong lãi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 5 năm và thời hạn 3 năm đảo chiều về mức 0 khi trái phiếu thời hạn 3 năm có mức lãi suất cao hơn.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg hôm 18-12,  Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng đường cong lãi suất trái phiếu Mỹ hiện nay không phải là chỉ số dự báo đầy đủ về các vấn đề kinh tế trong tương lai.

Chiến tranh thương mại làm tăng rủi ro suy thoái

Trò chuyện trong một chương trình của hãng tin Fox Business Network hôm 14-12, Giám đốc chiến lược đầu tư Liz Ann Sonders ở Công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab (Mỹ) nhận định nền kinh tế Mỹ có khả năng rơi vào suy thoái trong năm sau. “Có khả năng 100% chúng ta sẽ tiến vào một đợt suy thoái khác”, bà nói.

Bà Sonders cho biết khoảng thời gian giữa thời điểm hiện tại đến cuộc suy thoái tiếp theo của Mỹ phụ thuộc chủ yếu vào liệu Mỹ và Trung Quốc có đạt được một thỏa thuận cân bằng thương mại hay không.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra cách đây gần một năm khiến hàng trăm tỉ đô la hàng hóa của hai bên bị áp thuế. Hai bên đang đàm phán một thỏa thuận thương mại toàn diện trong thời hạn 90 ngày kể từ cuộc họp cấp cao ở Argentina hôm 1-12 nhưng triển vọng của thỏa thuận này vẫn mờ mịt.

Theo một báo cáo gần đây của Công ty tư vấn kinh doanh KPMG Australia (Úc), chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nếu tiếp tục leo thang có thể tàn phá nền kinh tế toàn cầu và đẩy kinh tế Mỹ vào cơn suy thoái sâu.

Trang tin The Australian Finance Review hôm 17-12 đưa tin báo cáo nhận định viễn cảnh tồi tệ nhất sẽ xảy ra nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang và bùng nổ toàn diện, khiến các nền kinh tế trên toàn cầu cũng tung ra các đòn thuế. Theo báo cáo, leo thang chiến tranh thương mại có thể diễn ra theo kiểu Mỹ gia tăng áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, trong khi đó, Bắc Kinh có thể hạn chế du khách và học sinh, sinh viên đến Mỹ du lịch và học tập.

“Dù những động thái này ít có khả năng gây tác động lớn lên hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu nhưng chúng có thể khiến các thị trường tài chính bất ổn hơn”, báo cáo của KPMG Australia nhấn mạnh.

Báo cáo cũng cho rằng các tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khả năng trầm trọng thêm bởi sự sụp đổ của các thị trường tài chính khi các nhà đầu tư mất niềm tin vào hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên các quy tắc.

Nhà kinh tế trưởng Brendan Rynne của KPMG Australia nói: “Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đã chứng kiến nền kinh tế Mỹ trải qua bốn quí tăng trưởng âm”. Brendan Rynne cho rằng theo kịch bản dự báo của KPMG Australia, các tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kết hợp với sự hoảng loạn của các thị trường tài chính sẽ dẫn đến một đợt suy thoái kinh tế dài hơn ở Mỹ với 5 quí tăng trưởng âm.

Suy thoái kinh tế, hiểu một cách đơn giản, là khi nền kinh tế của một nước ngừng tăng trưởng và bắt đầu suy giảm. Một số chuyên gia cho rằng điều này xảy ra khi giá trị hàng hóa và dịch vụ của một nước, hay còn gọi là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) suy giảm trong hai quý liên tiếp.

Tuy nhiên, Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ định nghĩa suy thoái kinh tế có nghĩa “suy giảm mạnh trong hoạt động kinh tế” ở nhiều lĩnh vực và tình trạng này kéo dài nhiều tháng. Điều này có nghĩa là suy thoái kinh tế không chỉ là suy giảm GDP mà còn suy giảm thu thập, việc làm, sản lượng công nghiệp, doanh thu bán lẻ...

Theo TheSaigonTimes

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness