TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 46
  • Hôm nay: 896
  • Tháng: 7635
  • Tổng truy cập: 5140954
Chi tiết bài viết

Những đối thủ cạnh tranh ngôi vương của đồng đô la Mỹ

Nguồn: Alan Wheatley (2013). “Chapter two: The pretenders to the dollar’s crown”, Adelphi Series, 53:439, pp. 45-74.

Biên dịch: Nguyễn Thị Tố Uyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

‘Một số người sinh ra đã vĩ đại, một số người vươn tới sự vĩ đại, còn một số người bị người khác cố gán cho sự vĩ đại’

Shakespeare, Twelfth Night

fffeature_3258886k

Đồng euro: một chiến thắng của chính trị trước kinh tế

Đồng tiền chung châu Âu là một ý tưởng chính trị. Khó để lập luận rằng các nền kinh tế đa dạng của khu vực đồng tiền chung châu Âu hình thành nên một khu vực tiền tệ tối ưu phù hợp với một tỉ giá hối đoái thống nhất. Bất chấp những cảnh báo mạnh mẽ rằng điều đó là quá tầm, giới tinh hoa châu Âu vẫn kiên quyết với ý tưởng liên minh tiền tệ, quyết tâm loại bỏ hoàn toàn nỗi ám ánh chiến tranh trên mảnh đất châu Âu. Đồng euro là tầm nhìn được ấp ủ bởi thế hệ các nhà lãnh đạo đã trải qua Thế Chiến II.

Như Thủ Tướng Đức Helmut Kohl đã từng nói rất nhiều lần “Đồng euro là vấn đề về chiến tranh và hòa bình”. Theo Helmut Schmidt người tiền nhiệm của Kohl, Hệ thống tiền tệ châu Âu (EMS) – tiền thân của đồng euro – còn hơn cả một khu vực tiền tệ. Đó là nền tảng cho toàn bộ chiến lược chính sách đối ngoại của Đức.

Tại cuộc họp lịch sử với Hội đồng Ngân hàng Trung ương Đức vào năm 1978, Schmidt đã phải viện đến nỗi xấu hổ về Trại tập trung Auschwitz để giúp ông vượt qua những hoài nghi của ngân hàng này về EMS. Ngân hàng Trương ương Đức lo sợ rằng việc thực hiện nghĩa vụ bán ra không giới hạn đồng mark Đức nhằm bảo vệ các đồng tiền yếu trong EMS sẽ làm suy giảm sự ổn định giá cả và theo đó làm suy yếu đồng tiền của Đức. Nhờ vào việc Ngân hàng Trung ương Đức giữ vững cam kết duy trì mức lạm phát thấp, đồng mark Đức đã dần dần trở thành đồng tiền mạnh, biểu trưng cho thời kỳ phục hưng hậu chiến của Đức.[1] Chính vì vậy mà Schmidt đã ngầm thỏa thuận với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Otmar Emminger nhằm miễn trừ cho ngân hàng này khỏi yêu cầu phải bảo vệ các đồng tiền khác trong EMS vào những thời điểm nguy cấp.

Trong một biến cố tiền tệ 14 năm sau đó, Ngân hàng Trung ương Đức đã dùng lá thư của Emminger để bào chữa cho việc ngân hàng này từ chối có thêm bất kỳ can thiệp nào nhằm cứu đồng lira của Ý. Đồng lira bị phá giá và đã gián tiếp châm ngòi cho việc đồng bảng Anh bị bán ra ồ ạt. Cả Ý và Anh đều buộc phải rút khỏi khung tiền tệ của EMS, tạm thời đối với Ý và vĩnh viễn đối với Anh.[2]

Một sản phẩm đang hoàn thiện

Động lực địa chính trị thứ hai để hình thành đồng euro là để gia tăng vị thế của châu Âu trên thế giới và làm suy giảm đặc quyền quá lớn của Mỹ – cái gai trong mắt Pháp trong suốt nhiều năm. Trong một báo cáo năm 1990, Ủy ban Châu Âu đã chỉ ra rằng kinh tế thế giới sẽ hiệu quả hơn với một hệ thống tiền tệ quốc tế “đối xứng hơn” – nói cách khác, một thế giới bớt phụ thuộc vào đồng đô la và bớt chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Mỹ hoặc thông qua IMF.[3] Được bảo hộ bởi đồng tiền chung, châu Âu sẽ ít chịu tổn thất gây ra bởi sự bất ổn của đồng đô la hơn và không còn dễ bị tổn thương trước vũ khí tỉ giá hối đoái của Mỹ.

Với sự ra đời của đồng euro năm 1999, nỗ lực tấn công vào vị trí bá chủ của đồng đô la dường như có thể thực hiện được: qua một đêm một khối tiền tệ chung ra đời với dân số lớn hơn Mỹ, sản lượng kinh tế đạt khoảng ¾ của Mỹ. Dự trữ euro toàn cầu tăng đều đặn lên đến trên 27% vào năm 2009. Tuy nhiên, vào lúc đó cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ không hề có dấu hiệu dừng lại, và đã biến thể thành khủng hoảng nợ công và ngân hàng khi lan sang châu Âu. Ai len, Bồ Đào Nha và Hy Lạp buộc phải nhận các khoản vay cứu trợ từ bộ ba chủ nợ quốc tế gồm Ủy ban Châu Âu, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu trước khi khủng hoảng lan sang Tây Ban Nha và Ý. Lãi suất áp cho các khoản vay của hai quốc gia này càng tăng vọt lên đến những mức cao ngất ngưởng khi các nhà đầu tư tỏ ra hồ nghi về khả năng thực hiện các yêu cầu cải cách kinh tế và cắt giảm ngân sách của chính họ nhằm tuân thủ nguyên tắc dành cho thành viên khu vực đồng tiền chung euro.

Trong phút chốc khu vực đồng tiền chung châu Âu tưởng chừng sẽ đổ vỡ bởi cả hai quốc gia đều là những nền kinh tế quá lớn để có thể cứu trợ. Những quan ngại về sự sống còn của đồng euro chỉ lắng xuống vào mùa hè năm 2012 khi vị nguyên thủ của cường quốc hàng đầu khu vực đồng tiền chung châu Âu Angela Merkel tuyên bố ủng hộ việc tiếp tục đưa ra các khoản vay khẩn cấp cho Hy Lạp. Bà ủng hộ quyết tâm thực hiện “mọi biện pháp có thể”[4] để duy trì khu vực đồng tiền chung châu Âu của Chủ tịch ECB Mario Draghi, trong đó có lời hứa sẽ mua vào trái phiếu của các chính phủ thuộc khu vực eurozone đang vật lộn với khó khăn.

Thủ tướng Merkel cũng giống như vị cố vấn của mình là Kohl đã đặt ưu tiên nhất thể hóa châu Âu lên trên cả những thiệt hại tiềm ẩn đối với các triển vọng bầu cử của bà khi tìm cách cứu đồng euro. Đây chính là minh chứng cho sức mạnh địa kinh tế cố hữu trong một đồng tiền. Nếu khu vực eurozone đổ vỡ, Đức sẽ gây nguy hại cho một mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình: gắn bó vào cộng đồng châu Âu vì chính ích lợi của nước Đức.[5] Việc Hy Lạp rút ra khỏi khu vực đồng tiền chung có khả năng sẽ mở cửa cho các ảnh hưởng mạnh mẽ hơn từ bên ngoài vào công việc nội bộ của một thành viên khối NATO có vị trí chiến lược bên sườn đông nam của khối đồng minh này. Trong cuốn sách này, Yuriko Koibe cho thấy Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến các khoản đầu tư lâu dài vào Hy Lạp như thế nào. Bị suy yếu do ảnh hưởng từ Hy Lạp, các ngân hàng của Cộng hòa Síp cũng đã phải nhận các gói cứu trợ với những điều khoản khắc nghiệt.

Sức hút chính trị của đồng euro

Sau khi trải qua những thời khắc “chết đi sống lại” này, triển vọng để đồng euro tạo ra thách thức đối với đồng đô la tỏ ra khá ảm đảm. Nhưng vẫn còn quá sớm để đập tan mọi cơ hội của đồng tiền chung châu Âu. Đầu tiên, quy mô có vai trò quan trọng đối với sức mạnh tiền tệ, và bất chấp những khó khăn của mình thì khu vực đồng euro vẫn nhiều khả năng sẽ mở rộng hơn là thu hẹp. Theo Alexander Stubb, Bộ trưởng phụ trách ngoại thương và các vấn đề Liên minh châu Âu của Hà Lan, số lượng thành viên có thể đạt 25 trong vòng một vài năm.[6]

Đồng euro chiếm hai phần ba giá trị giao dịch xuất khẩu và một nửa giá trị nhập khẩu của khu vực eurozone. Đồng tiền này đặc biệt có sức hút mạnh mẽ đối với các nước trước đây nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng cửa Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 các quốc gia Ban-tích là những người tiên phong từ bỏ khu vực đồng rúp mặc cho đây là những quốc gia hứng chịu thiệt hại nhiều nhất do có nhiều mối ràng buộc thương mại. Rơi vào suy thoái trầm trọng chỉ là một cái giá nhỏ phải trả để thoát khỏi “sự chế ngự của đồng rúp”. Theo Lennart Meri, tổng thổng đầu tiên của Estonia thời kỳ hậu Xô Viết, đồng kroon còn hơn cả một đồng tiền, nó là biểu tượng của sự độc lập về chính trị và kinh tế. Những động lực quan trọng để tiếp tục sử dụng đồng rúp đã không còn thích hợp nữa.[7]

Estonia cuối cùng cũng đã gia nhập khu vực đồng tiền chung euro vào năm 2011. Nước láng giềng Latvia cũng sẽ trở thành thành viên thứ 18 của khu vực này vào ngày 1/1/2014. Chính phủ nước này quyết tâm gia nhập khu vực đồng euro đến mức đã bỏ ngoài tai lời khuyên phá giá đồng tiền của mình lúc khủng hoảng tài chính lên đến đỉnh điểm vào năm 2008, thay vào đó chấp nhận giảm 20% sản lượng để giành lại ưu thế cạnh tranh. Như Thủ Tướng Valdis Dombrovskis nói “Việc gia nhập khu vực đồng euro có ý nghĩa địa chính trị đối với Latvia. Ngay sau khi giành lại độc lập chúng tôi đã xác định rõ ràng mục tiêu gia nhập EU và NATO. Chúng tôi tự nhủ với bản thân rằng chúng tôi thuộc về phương Tây và đó là nơi chúng tôi nên hội nhập.”[8]

Bộ trưởng tài chính của một quốc gia thành viên đến từ Đông Âu khác của Liên minh châu Âu phát biểu rằng ông đã từng cảm thấy lo lắng về việc nước này bị đứng ngoài khu vực đồng euro trong một thời gian dài chỉ bởi vì sự gần gũi với Nga. Khi được hỏi tư cách thành viên của khu vực đồng euro sẽ đem lại những đảm bảo an ninh nào cho đất nước của ông ngoài những điều mà thành viên của Liên minh châu Âu và khối NATO được hưởng, ông giải thích rằng khu vực đồng euro là một “cơ chế khóa kín, một loại thuốc độc”.[9] Bởi vì sự sụp đổ của khu vực euro sẽ là thảm họa cho tất cả, để đạt được sự ổn định, khu vực đồng euro phải hội nhập kinh tế sâu sắc hơn. Điều này đòi hỏi sự hội nhập chính trị sâu sắc hơn và ‘nếu bạn không tham gia vào quá trình đó, bạn không thực sự thuộc về châu Âu’.[10]

Các nước nhỏ hơn thông thường sẽ tìm kiếm chỗ đứng dưới ô dù bảo hộ của một cường quốc tiền tệ. Một vài quốc gia gồm Montenegro và Kosovo đơn phương sử dụng euro làm đồng tiền chính thức – giống trường hợp đô la hóa ở Panama và Ecuador. Bulgaria và Bosnia điều hành các cơ chế tiền tệ dựa vào đồng euro trong khi đó nhiều quốc gia khác neo đồng tiền của nước mình theo đồng euro dưới hình thức này hay hình thức khác.[11] Hầu hết các quốc gia này nằm ở Đông Âu nhưng cũng bao gồm trong đó số đông các thuộc địa cũ của Pháp ở Tây và Trung Phi vốn trước đây là thành viên khu vực đồng franc. Một lần nữa kinh nghiệm của những quốc gia này cho thấy sức mạnh tiền tệ và quân sự củng cố lẫn nhau. Việc neo theo tỷ giá theo đồng franc Pháp, sau đó là đồng euro, là một phần trong gói thỏa thuận bao gồm viện trợ và hỗ trợ thương mại, tài chính và quân sự. Người châu Phi không thể tự chọn và kết hợp theo ý mình: “Cái giá để thoát khỏi mối ràng buộc này ngày càng tăng đối với nhiều chính phủ khi mà nỗi lo sợ bị mất đi viện trợ và các thỏa thuận an ninh luôn thường trực. Hơn nữa (nếu không chấp nhận đồng euro) họ sẽ phải tìm cách để xây dựng đồng tiền của riêng mình.”[12]

Nhiệm vụ chưa hoàn thành

Các đồng tiền thuộc tầng thứ hai

Các khu vực giao dịch

…..

renminbi

Nguồn: Alan Wheatley (2013). “Chapter two: The pretenders to the dollar’s crown”, Adelphi Series, 53:439, pp. 45-74.

Biên dịch: Nguyễn Thị Tố Uyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ

Nhân dân tệ là đồng tiền có cơ hội tốt nhất để phát triển thành công cụ quyền lực. Theo Singh việc đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ là một ‘xu hướng không thể tránh khỏi’ và rằng các bất đồng chủ yếu là về việc khi nào điều đó sẽ xảy ra: một số dự đoán đến năm 2020 đồng nhân dân tệ sẽ được sử dụng rộng rãi ở nước ngoài; một số khác nghĩ rằng sẽ mất một hoặc nhiều thế hệ để đạt được mục tiêu đó. Sự phân hóa quan điểm rộng lớn phản ánh sự thiếu rõ ràng trong chiến lược của Bắc Kinh. Liệu Trung Quốc có thật sự nghĩ đến chiến lược tổng thể nào đó cho đồng nhân dân tệ? Xét cho cùng, Trung Quốc đang ở những giai đoạn đầu của việc quyết định kiểu siêu cường nào mà nước này muốn đạt đến.

Rõ ràng kể từ cuộc khủng hoảng 2008 Trung Quốc đã có những động lực mạnh mẽ để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la. Hệ thống tài chính gần như sụp đổ của Mỹ đã làm tăng nỗi ám ảnh về những tổn thất nặng nề cho nhà nước Trung Quốc liên quan đến dự trữ ngoại hối lên đến 1,9 nghìn tỉ đô la vào tháng 9 năm 2008, thời điểm tập đoàn tài chính Lehman Brothers phá sản. Trên thực tế, kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là một chi phí chìm, một hậu quả không thể tránh khỏi của mô hình phát triển dựa trên việc giữ tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ ở mức thấp để hỗ trợ các nhà xuất khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà phê bình trên mạng muốn biết tại sao mặc dù là một nước nghèo, Trung Quốc lại mạo hiểm đồng tiền của người dân – đồng nhân dân tệ – để cho Mỹ vay khoảng 1.000 đô la trên mỗi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em Trung Quốc để Mỹ có thể tiếp tục “vung tay quá trán”. Thái độ bất mãn lan rộng là lời nhắc nhở đối với giới lãnh đạo Đảng Cộng sản rằng việc nắm giữ một lượng dự trữ đồ sộ có thể đem đến một sự bảo đảm nào đó nhưng cũng là một trách nhiệm chính trị trong nước đáng kể nếu đồng đô la và trái phiếu Mỹ sụt giảm nghiêm trọng. Tất nhiên, nguy cơ thậm chí còn lớn hơn nếu Trung Quốc giải quyết vấn đề này bằng cách nâng giá đồng nhân dân tệ và loại bỏ kiểm soát vốn. Do đó sự lựa chọn chính sách là tiếp tục tích lũy kho dự trữ vốn đã “phình to” đến 3,66 nghìn tỷ đô la vào tháng 9/2013.

Cuộc khủng hoảng toàn cầu đã dẫn đến sự kiệt quệ tín dụng thương mại bằng đô la Mỹ khi các ngân hàng trên toàn thế giới cắt giảm chi phí và ngừng các mảng kinh doanh phụ. Thương mại toàn cầu giảm mạnh, trở nên tồi tệ hơn bởi sự sụt giảm nhu cầu ở phương Tây khi suy thoái kinh tế kéo dài. Ở Trung Quốc hơn 20 triệu lao động nhập cư, mà phần nhiều làm việc trong các ngành công nghiệp xuất khẩu, mất việc trong một vài tuần. Nhờ có năng lực của Đảng Cộng sản trong việc duy trì ổn định xã hội và sự bằng lòng “ngậm đắng nuốt cay” của người lao động nhập cư, họ mới trở về làng quê chỉ với đôi lần phản đối về khoản tiền công chưa được thanh toán. Nhưng nguy cơ sa thải hàng loạt là một lời nhắc nhở khác đối với Đảng Cộng sản về những nền tảng mong manh trong sự thần kỳ kinh tế của Trung Quốc.

Nước cờ của Chu Tiểu Xuyên                  

Phản ứng ban đầu của Trung Quốc là việc Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) công bố một bài báo chính sách mang tính bước ngoặt vào tháng 3 năm 2009, phàn nàn về sự bất ổn của hệ thống tiền tệ toàn cầu và đề xuất một “đồng tiền dự trữ siêu chủ quyền” để thay thế đồng đô la.[1] Các ẩn ý chính trị rất rõ ràng: cuộc khủng hoảng đã phơi bày sự dễ tổn thương chiến lược của Trung Quốc. Đây là nền kinh tế thế giới lớn thứ hai – người phát minh ra tiền giấy – nhưng đáng ngạc nhiên lại trở thành con tin của các lực lượng nằm ngoài tầm kiểm soát của nó. Và tất cả điều này xảy ra bất chấp Trung Quốc tỏ ra là một nước giàu có. Ở một chừng mực nào đó, kho dự trữ ngoại tệ không còn là sức mạnh mà trở thành gánh nặng. Chúng là những “đồng tiền chết” đối với sự phát triển của Trung Quốc.[2] Nguồn dự trữ bằng đồng đô la, euro hay bảng Anh vốn gần như không tạo ra lợi nhuận này chắc chắn có thể tạo ra lợi nhuận cao hơn rất nhiều nếu được đầu tư trong nước hợp lý nhằm đáp ứng một số nhu cầu lợi ích rõ ràng của Trung Quốc.

Một khi được quay vòng ở nước ngoài, nguồn dự trữ không thể chuyển được lợi nhuận về nước và được tiêu dùng trong nước mà không gây ra nguy cơ lạm phát. Hơn nữa, khi được bán ra nguồn dự trữ này sẽ khơi nguồn cho sự bán tháo hoảng loạn (làm giảm giá trị dự trữ) trái ngược với dự tính ban đầu là mang đến sự bảo hộ giá trị. Đồng đô la sụt giảm sẽ làm giảm sức mua của Mỹ – yếu tố mà xuất khẩu Trung Quốc phụ thuộc vào. Williamson nhận định hợp lý rằng một trong những lợi ích cụ thể nhất cho Mỹ đối với sự thống trị của đồng đô là không gian để Trung Quốc triển khai chính sách hoàn toàn bị hạn chế. Trung Quốc bị mắc kẹt trong cái bẫy đô la do chính mình tạo ra.

Trung Quốc càng đau đầu hơn khi nhận ra chính mình bị ràng buộc với một quốc gia được cho là đang vi phạm các quy tắc ngầm của hệ thống tiền tệ quốc tế.[3] Trong mắt Trung Quốc – và nhiều quốc gia cùng quan điểm – Mỹ không nên để thâm hụt ngân sách lên đến mức khổng lồ và thường xuyên thổi “bong bóng tiền” – chính sách gây ra sự sụp đổ cổ phiếu của các công ty internet (dotcom) năm 2000 và sau đó là cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008. Nhu Chu trình bày tại cuộc họp tháng 4/2013 của IMF, các chính sách tiền tệ trái lệ (unconventional) vẫn không phải là giải pháp cho các vấn đề của những nước giàu và có thể dẫn đến mất ổn định trật tự tài chính toàn cầu.

Ngay cả khi Trung Quốc đã đưa ra chương trình kích thích chưa từng có trị giá 4 tỉ nhân dân tệ nhằm giảm bớt tác động suy thoái của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nước này quyết định rằng đã đến lúc phải chỉnh đốn lại hệ thống. Văn bản năm 2009 của Chu có vai trò quan trọng trong tư cách một tuyên bố về mục tiêu địa chính trị hơn là một kế hoạch khả thi nhằm thay thế đồng đô la. Ý tưởng của ông nhằm chuyển Quyền Rút Vốn Đặc Biệt (SDR) – đơn vị tiền tệ của IMF – thành một đồng tiền dự trữ siêu chủ quyền không bao giờ có được tiến triển mặc dù theo một số học giả, trong đó có John Williamson, đây vẫn là một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề phụ thuộc quá nhiều vào đồng đô la. Tuy nhiên sáng kiến của Bắc Kinh đã cho thấy rõ mong muốn của nước này nhằm định hình một trật tự tiền tệ mới.

Đồng Nhân dân tệ cất cánh

Làm thế nào Bắc Kinh có thể hy vọng gây ảnh hưởng lên cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế trong khi bản thân đồng nhân dân tệ không được sử dụng rộng rãi bên ngoài biên giới nước này? Do đó, trong vòng vài tháng kể từ bài viết của Chu, một chương trình thí điểm về việc thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đồng nhân dân tệ thay vì đô la Mỹ đã được khởi động. Các hoá đơn sẽ được xử lý tại Hồng Kông.

Đây là một sáng kiến hợp lý. Việc một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh dần dần chuyển sang giao dịch thương mại bằng đồng tiền của mình là điều tất yếu bởi vì sức mạnh thị trường cho phép nó chuyển hướng rủi ro tỷ giá hối đoái sang người nước ngoài. Việc xây dựng yêu cầu thanh toán bằng đồng nhân dân tệ cho phần còn lại của thế giới cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ ít bị ảnh hưởng bởi đồng đô la và do đó sẽ ít lo bị mất vốn hơn.[4] Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra chính xác rằng Trung Quốc mới chỉ đang khắc phục một triệu chứng của sự mất cân bằng kinh tế – rủi ro tiền tệ gắn liền với việc nắm dự trữ bằng đô la – mà không giải quyết những nguyên nhân cơ bản làm cho việc tích lũy dự trữ trở nên thừa thải, cụ thể là dư thừa tiết kiệm chính phủ về đầu tư kết hợp với một tỷ giá hối đoái và tài khoản vốn bị kiểm soát chặt chẽ. Hơn nữa, chất lượng tín dụng của đồng nhân dân tệ chắc chắn thấp hơn so với đồng đô la Mỹ, bất chấp những khuyết điểm của đồng tiền này.

Dù vậy, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ làm cho mọi việc thuận lợi hơn đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc và chuyển rủi ro tiền tệ sang cho người mua nước ngoài. Thêm vào đó sự ra đời của thị trường đồng nhân dân tệ ở nước ngoài, chủ yếu là ở Hồng Kông, cũng mang lại cho Trung Quốc cơ hội để giám sát tác động của các cải cách ngân hàng và tiền tệ trong một môi trường bán kiểm soát. Đó là kinh nghiệm quý báu cho thời điểm Trung Quốc mở cửa các thị trường tài chính nội địa mà theo nhiều người là mục tiêu chiến lược ban đầu của Chu trong việc thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.[5]

Thử nghiệm đã đạt được thành công vang dội. Bắt đầu từ con số không vào năm 2009, đến năm 2013 Trung Quốc có 12% giao dịch thương mại được thực hiên bằng đồng tiền riêng của mình. Trung Quốc đang khuyến khích sử dụng đồng nhân dân tệ trong đầu tư ở nước ngoài và cung cấp các khoản vay và viện trợ chính thức bằng đồng tiền của mình nhiều hơn bao giờ hết. Cũng như đồng đô la ở Mỹ Latinh và euro ở Đông Âu và Bắc Phi, đồng nhân dân tệ đang được lưu thông rộng rãi hơn ở các nước láng giềng.

Ở Mông Cổ, đồng nhân dân tệ chiếm đến 60% lượng tiền mặt lưu thông nội địa. Từ năm 2009 đến tháng 10 năm 2013, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã xây dựng một mạng lưới tín dụng gần 2,2 nghìn tỷ nhân dân tệ với hơn 20 ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh. Mạng lưới này được thiết kế để giữ cho các giao thương bằng đồng nhân dân tệ vẫn được duy trì trong trường hợp khả năng thanh khoản bị cạn kiệt và đặt nền tảng cho hội nhập tiền tệ sâu hơn với các quốc gia ký kết.[6] Tương tự, cũng có ít nhất mười ngân hàng trung ương, bao gồm cả Nam Phi, Australia, Nigeria và Malaysia, đã đầu tư một phần dự trữ của mình vào trái phiếu đồng nhân dân tệ. Thị trường đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã nở rộ ở London, Singapore và Đài Loan, và cũng có thể diễn ra tương tự ở các nước khác. Như Eswar Prasad và Lei Ye nhận định:

Những thay đổi có tính biểu tượng hơn là thực chất vào lúc này theo thời gian sẽ phát triển đến ngưỡng quan trọng và có khả năng khởi tạo chuyển đổi hệ thống tiền tệ toàn cầu. Những bước đi chính sách gần đây của chính phủ Trung Quốc cho thấy quyết tâm thực sự của nước này nhằm mở rộng vai trò toàn cầu của đồng nhân dân tệ.[7]

Đặc biệt, việc mở rộng nhanh chóng các yếu tố khác nhau của một thị trường đồng nhân dân tệ ở nước ngoài là dấu hiệu đáng khích lệ giúp nó có triển vọng tạo dựng được một chỗ đứng quan trọng trong giao dịch tài chính và thương mại ở khu vực châu Á.[8]

Tính đến tháng 8 năm 2013, đồng nhân dân tệ đứng thứ tám trong danh sách các đồng tiền được sử dụng cho các giao dịch quốc tế, chiếm 1,49%. Tỷ lệ này tăng lên từ con số 0,92% vào tháng 5 năm 2012 khi Trung Quốc giữ vị trí 13. Trong giai đoạn đó, giá trị giao dịch bằng đồng nhân dân tệ đã tăng hơn gấp đôi và vượt mặt đồng krona của Thụy Điển, đồng won của Hàn Quốc và đồng rúp của Nga.[9] Hoàn toàn có lý do để cho rằng tỷ lệ này sẽ tăng lên khi mà việc sử dụng đồng nhân dân tệ để thực hiên các giao dịch xuất nhập khẩu được mở rộng song song với nền kinh tế Trung Quốc. Ngân hàng HSBC tin rằng đến năm 2015, 30% trong tổng thương mại của Trung Quốc và một nửa thương mại với các thị trường mới nổi sẽ được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên tiến hành giao thương bằng đồng nhân dân tệ chỉ là bước đi đầu đơn giản. Bước đi này không đòi hỏi phải có sự thay đổi cơ bản trong chính sách trong nước hoặc những biện pháp để khắc phục sự yếu kém trong hệ thống tài chính, điều mà theo nhiều người là trở ngại chính để đạt được vai trò quốc tế lớn hơn cho đồng nhân dân tệ.[10]

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Đảng Cộng Sản

Vấn đề lòng tin

Theo Nghiên Cứu Quốc Tế

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness