TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 66
  • Hôm nay: 747
  • Tháng: 7486
  • Tổng truy cập: 5140805
Chi tiết bài viết

Những thách thức cho nền kinh tế Việt Nam

Năm nay cũng như những năm sắp tới là những năm đầy thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Thách thức đến từ bên ngoài và thách thức cũng là kết quả của chính nền kinh tế Việt. Bài này không phải là một bài dự đoán kinh tế mà là một bài phân tích những thách thức và cơ hội trước mắt cũng như những đề xuất về chính sách, đường lối ta nên theo.

Image result for Những thách thức cho nền kinh tế Việt Nam

1. Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

Mặc dù Mỹ tuyến bố đình chỉ việc tăng thuế mới đối với hàng Trung Quốc và dự định có cuộc hội kiến sắp tới giữa lãnh đạo hai nước, nhưng ngay như một thỏa ước sẽ đươc ký kết không có nghĩa là Hoà bình trên chính trường kinh tế thế giới sẽ trở lại . Cái ‘vỏ’ triết lý hội nhập, chúng ta mở rộng cửa kinh tế, thương mại để cùng nhau hưởng lợi về lâu về dài của ngài Adam Smith thời xa xưa, nay đã nhường bước cho chủ nghĩa dân túy, tôi bảo vệ quyền lợi của dân tôi, trước tiên. Và từ đó nền kinh tế thế giới sẽ cực kỳ thay đổi, từ một nền kinh tế hội nhập sẽ trở thành một nền kinh tế 'mạnh ai nấy làm cho cái lợi riêng tư mà thôi’. Cuộc chiến thương mại, quan thuế sẽ chuyển biến thành cuộc chiến kinh tế toàn diện, từ bảo vệ bản quyến đến bảo vệ chủ quyền doanh nghiệp, bảo vệ thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Và trong cuộc chiến mới này, điểm cốt yếu vẫn là xâm chiếm và kiểm soát thị trường tiêu thụ.

Việt Nam với 100 triệu dân, thu nhập trung bình, là một thị trường mục tiêu cho những cuộc xâm chiếm hay kéo về phe mình, từ đó độc lập, chủ quyền sẽ không còn và Viêt Nam sẽ trở thành chư hầu của của một cường quốc kinh tế. Đó là chưa kể, khi áp lực kinh tế không đủ phe quyền lực sẽ dùng chính trị và ngay cả quân sự để nắm lấy chủ quyền Việt Nam.

Cơ hội :

Trong cuộc chiến, các quốc gia bị động có thể dùng một quốc gia thứ 3 để tái xâm nhập thị trường phía bên kia, Việt Nam có thể tạo cơ hội tốt để trở thành quốc gia thứ 3 nếu đưa ra được những điều kiện tốt.

Cũng trong cuộc chiến, rất nhiều quốc gia sẽ cần định nghĩa lại những đối tác thương mại, đó là cơ hội cho Việt nam đa dạng hoá những đối tác kinh tế, thương mại tránh sự lệ thuộc vào một quốc gia hay một thị trường nào đó.

Phương án :

Trong tình hình chiến tranh thương mại đang lan tràn, vấn đề cốt lõi là gìn giữ độc lập và chủ quyền trên nền kinh tế. Do đó ta phải khẳng định đặt Độc lập và chủ quyền kinh tế làm mục tiêu tối cao, độc lập và chủ quyền chính trị đã được ghi trong cương lĩnh của ĐCSVN, khoá XI. Trong tình thế hiện tại, chính trị đi đôi với kinh tế do đó độc lập và chủ quyền chính trị chỉ có khi có độc lập và chủ quyền kinh tế, và chính sách sáng suốt nhất là không để bị lôi kéo vào phe này, phe kia để rồi trở thành ‘chư hầu’ của một cường quốc kinh tế, muốn vậy ta phải đặt chủ trương Trung lập kinh tế lên hàng đầu. Chủ trương này không chỉ áp dụng cho các liên hệ đối ngoại mà phải được thực thi ngay trong nước, không để cho một quốc gia trực tiếp hay qua trung gian những doanh nghiệp của họ, chi phối thị trường, đó cũng là căn bản của nền kinh tế thị trường. Muốn vậy, ta phải đa dạng hoá tối đa bên xuất cũng như bên nhập khẩu. Cụ thể, chính sách này áp dụng trong nước sẽ giúp ta tháo gỡ sự chi phối càng ngày càng lớn của Trung Quốc, trực tiếp hay gián tiếp qua những công ty bình phong. Ta cũng phải hiểu những công ty Trung Quốc, xâm nhập vào Việt Nam đều là những công ty có vốn nhà nước hay lãnh đạo bởi đang viên đảng cộng sản TQ . Đó là cái đòn Kinh tế đi trước, Chính trị đi sau đã thể hiện rõ ràng trong ‘Một vành đai, một con đường’ và ‘Made in China 2025’ của Đảng Cộng Sản Tàu.

Trung lập kinh tế là một là một khái niệm rất mới mẻ, vì cho tới nay các cuộc xung đột giữa các quốc gia đều được đưa ra trên lãnh vực chính trị vì vậy một lập trường trung lập trong chính sách đối ngoại cũng chỉ nằm trong phạm vi này, Một Quốc gia như Thuỵ Sỹ có thể tự hào có một thế đứng trung lập lâu đời nhất thế giới làm cho Liên bang này thoát khỏi rất nhiều cuộc chiến tàn khốc, nhưng thế đứng này chỉ trên phương diện chính trị và hiện tại nền kinh tế của nước này phụ thuộc rất nhiều vào những nước khác, nhất là khối EU và hiện nay vấn đề chủ quyền kinh tế đang được bàn cãi sâu rộng. Có lẽ trong những bài sau ta sẽ phân tích kỹ hơn thế nào là trung lập kinh tế và cụ thể những gì phải làm để đảm bảo được chủ quyền kinh tế quốc gia.

2. Cách mạng công nghệ 4.0

Cuộc cách mạng này đang và sẽ thay đổi hoàn toàn cơ cấu sản xuất và tạo giá trị của con người. Tất cả những gì đụng tới lao động cơ bắp sẽ đươc thay thế bằng những hệ thống tự động hay những chú Rô bốt thông minh. Trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế phần lớn các công việc ‘bàn giấy’. Những quốc gia phát triển nhờ nhân công rẻ như Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ các doanh nghiệp nước ngoài, khi đầu tư xây dựng công xưởng không có ý đồ nào khác ngoài hưởng mức lương lao động rẻ tiền, sẽ nghĩ đến chuyện thay thế dây chuyền sản xuất bằng công nghệ 4.0. Nguy cơ này là nguy cơ của tất cả các nước gọi là mới nổi, và hiện họ chưa nghĩ ra cách chống chọi lại hiện tượng này ngoài hô hào giới trẻ khởi nghiệp trong lãnh vực vi tính. Nhưng dù được sự hưởng ứng cũng không thể tạo ra công ăn việc làm tương xứng và cũng không đủ sức và thời gian để trở thành một cường quốc trong lãnh vực công nghiệp.

Hiện tượng này đã được phân tích và đánh giá rất kỹ bởi các Hiệp hội, tổ chức quốc tế như ILO. (Tổ chức Lao động Quốc tế).
Kinh tế của thế giới và của những quốc gia mới nổi sẽ thay đổi mạnh không những bởi cuộc Cách mạng 4.0 mà còn dưới sự tác động của của cuộc ‘Cách Mạng xanh’, cuộc đấu tranh của cả thế giới (trừ Mỹ) để giữ gìn khí hậu và môi trường. Từ đó thái độ coi Việt Nam cũng như một số nước mới nổi như ‘thùng rác’ của thế giới sẽ không còn, phong trào chuyển những công xưởng ‘bẩn’ qua những nước này sẽ không tồn tại, và ngay cả nông nghiệp nếu không trồng trọt sạch sẽ, hay ‘bio’ sẽ rất khó xuất khẩu. Xu hướng lớn thứ ba là phong trào bảo vệ quyền con người, quyền người lao động. Phong trào này đã có từ giữa thế kỷ trước nhưng bây giờ trở lại rất mạnh và đi kèm với những chuyển động kinh tế.

Ba thay đổi nói trên đến cùng một thời điểm sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế thế giới cũng như những mô hình phát triển. Những quốc gia như Việt nam phải kiếm ra một mô hình phát triển có chỗ đứng bền vững trong những thay đổi đang và sẽ diễn ra.

Cơ hội :

Cách mạng 4.0, chính là cơ hội cho ta tái cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng một nền kinh tế thực phù hợp với tình thế mới dựa trên những điểm mạnh của ta và phục vụ toàn dân, toàn nền kinh tế chứ không phải một nhóm lợi ích nào đó.

Phương án

Đại hội XII Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định lại nghị quyết ‘Công nghệ hoá, hiện đại hoá’, hai vế của nghị quyết này phải được hiểu với những diễn biến của Cách mạng 4.0. Hiểu như vậy không có nghĩa ta phải cắm đầu, mọi chỗ, mọi nơi chạy theo cuộc cách mạng, rồi tự động hoá, rô bốt hoá mọi dây chuyền sản xuất, rồi đưa kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo vào mọi lãnh vực. Đó là những gì ta không thể làm ngay vì chưa hội tụ được những điều kiện căn bản. Ta cũng phải tự hỏi, công nghiệp hoá, hiện đại hoá để làm gì nếu không là để phục vụ tích cực thị trường nội, ngoại, sản phẩm cũng như dịch vu.

Trong mọi chiến lược ta phải cố tạo ra sự khác biệt tích cực cho người tiêu dùng so với đối thủ cạnh tranh. Ta rất khó tạo ra sự khác biệt trên những sản phẩm công nghệ hoặc dịch vụ dành cho số đông, do đó ta phải chú trọng vào một thị trường ngách của những sản phẩm không thể sản xuất qua những dây chuyền tự động hay phương thức của cách mạng 4.0, thị trường này cũng phải hợp với kỹ năng của mình. Có lẽ ta nên hiện đại hoá những doanh nghiệp trong các làng nghề, hay nói rộng hơn những nghề nào liên kết sự tinh xảo của nghệ nhân và tính cách nghệ thuật. Sự trợ giúp sẽ nằm ở chỗ hiện đại hoá quy trình sản xuất nhưng vẫn giữ tính chất ‘hand made’, làm bằng tay, hiện đại hoá hướng quản trị doanh nghiệp, cách tiếp thị trong nước cũng như ngoài nước. Nhà nước sẽ phải giúp đỡ rất nhiều để bảo đảm và quảng bá chất lượng của sản phẩm. Về dịch vụ ta cũng theo con đường chất lượng và nhất là về du lịch cần đi sát với nhu cầu và đòi hỏi của khách du lịch, họ không đòi hỏi những khách sạn ‘chuồng thỏ’ như chính nơi họ sống, mà họ muốn đến những khung cảnh đặc biệt của Việt Nam và nhất là gần thiên nhiên.

3. Nền kinh tế ảo của Việt Nam

Trong hai thập niên qua, động lực mạnh nhất cho tăng trưởng kinh tế là đầu cơ, mua rẻ, bán đắt, không tạo một giá trị nào cả, chỉ kiếm lời trên sự khác biệt giá cả lúc mua và lúc bán. Đầu cơ có trên nhiều mảng, từ vàng, qua ‘đồng Đô’, chứng khoán và nhiều nhất là trên Bất động sản (BĐS) nhất là khi kết nối được với quyền lực hành chính hay tài chính vì đó là cách tạo giá và sinh lời. Cái nguy thứ nhất của kinh tế ảo là hiện tượng bong bóng, lúc phồng cũng như lúc xì. Cái nguy thứ nhì là khi kinh tế ảo bao trùm và bóp chết nền kinh tế thực. Kinh tế thị trường đặt nền tảng trên lợi nhuận, nếu đầu tư ảo mang lại một lợi nhuận gấp bội so với sản xuất thì chẳng ai chịu cong lưng ra để sản xuất và họ sẽ đầu tư hết vào kinh tế ảo. Đối với Ngân hàng cũng vậy, cho vay sản xuất đầy rủi ro trong khi cho vay BĐS rủi ro ít mà đằng nào cũng có tài sản đảm bảo là chính BĐS liên quan đến tín dụng. Cho tư nhân cũng vậy, có vốn thì trước tiên đầu tư mua nhà, vàng hay đồng Đô (tùy thời điểm) sau đó nếu còn dư để ngân hàng và nếu có máu đen đỏ thì may ra mua chứng khoán. Do vậy có thể nói kinh tế Việt Nam hoàn toàn bị chi phối bởi kinh tế ảo. Kinh tế thực, sản xuất chỉ còn ở doanh nghiệp nhà nước (trên giấy tờ) và những tiểu công, tiểu thương hay người nông dân và những doanh nghiệp FDI. Do vậy khi ta ký một hiệp ước thương mại FTA với một quốc gia hay một khối khác là ta mở rộng cửa thị trường của ta cho những quốc gia hay khối liên quan. Và cái nguy cơ lớn nhất là khi bong bóng xì, tác động sẽ rất lớn trên nền kinh tế. Nhắc lại là từ đầu thế kỷ kinh tế ảo đã chiếm một vị thế rất lớn của những nền kinh tế phương tây và chính cái nạn xì bong bóng đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế 2008 và tới nay vẫn chưa khôi phục. Tại Việt Nam, hiện tượng ‘Bong bóng xì’ năm 2010 đã gây ra sự bất ổn trên toàn nền kinh tế vĩ mô với những kỷ lục về lạm phát, lãi suất và sự tụt lùi của mức tăng trưởng GDP, trước tình hình đó nhà nước đã đổ tiền vào thị trường gọi là để kích cầu, nhưng hệ quả thực sự là đã vực dậy bong bóng đầu cơ để từ hai năm nay bong bóng lại bắt đầu xì lại.

Cơ hội :

Bong bóng xì kỳ này chính là cơ hội rất tốt để cơ cấu lại nền kinh tế, gạt ra ngoài phần kinh tế ảo, xây dựng lại cấu trúc của nền kinh tế, đặt lên trên hết chuỗi sản xuất giá trị, dồn nguốn vốn quốc gia vào các lãnh vực sản xuất hàng hoá hay dịch vụ. Tất nhiên trong thời buổi giao thời, nền kinh tế đo với những thước đo hiện tại sẽ là chậm lại, tăng trưởng GDP sẽ ko đạt mức hiện tại. Nhưng Chính phủ cũng nên ý thức là GDP cũng như các thước đo khác đều được ‘sáng chế’ từ thế kỷ trước, nó không còn phù hợp với nền kinh tế hiện đại. Thế cho nên khi đặt tăng trưởng GDP là mục tiêu tối hậu của nền kinh tế, mục tiêu này sẽ không xây dựng được hạnh phúc cho người dân vì GDP không đo được hạnh phúc của người dân.

Phương án :

Muốn phá vỡ nền kinh tế ảo, cấm đoán như một số quốc gia đã làm sau khủng hoảng 2008 là rất thất sách, cái động cơ lợi nhuận sẽ thúc đẩy họ ‘cấm cửa này, vào cửa khác’ rồi đâu cũng vào đấy. Cách duy nhất là làm sao chứng tỏ kinh tế ảo không mang lại lợi nhuận như kinh tế thực, muốn vậy phải phá tan hai nguồn sinh lời của đầu cơ. Nguồn thứ nhất, muốn sinh lời phải làm sao tạo giá và trên lãnh vực BĐS, người có quyền có thể làm cho một miếng đất có giá, thí dụ một miếng đất nông nghiệp thì giá trị nó chẳng bao nhiêu, bây giờ bên cầm quyền quyết định đổi thành đất xây cất tất nhiên giá sẽ tăng tâng gấp bội. Ví dụ này chứng minh tại sao có sự kết hợp giữa bên có quyền và bên đầu cơ để trở thành một nhóm lợi ích làm mưa làm gió trên thị trường cũng như trên xã hội. Để phá vỡ cái ‘ổ sâu’ này, ‘đút chúng vào lò’ cũng không đủ hiệu quả, phải tách bóc quyền quy hoạch sử dụng đất và như bên Thuỵ Sỹ mọi công dân trong vùng đều có quyền chống đối với những dự án sử dụng đất để xây dựng… và vụ việc sẽ được mang ra toà xét xử. Cái nguồn sinh lời thứ hai là lợi nhuận khi bán lại, phải chặt, chém bằng thuế trên tiền lời khi chuyển nhượng – hiện tại thuế trên tiền lời bán lại đã có, nhưng không thấm thía gì và có quá nhiều cách để lách luật

Nếu chỉ phá mảng đầu cơ này thì dân đầu cơ sẽ mang qua lãnh vực khác rồi tiền vẫn ở vùng u tối của kinh tế ảo. Vấn đề là phải dẫn dắt người đầu cơ nhảy sang lãnh vực đầu tư sản xuất. Tất cả phải tính trên sự chênh lệch sau rủi ro và sau thuế. Có khi nhờ phép tính này mà có vài đại gia đã nhảy thêm vào lãnh vực, dịch vụ máy bay, sản xuất xe hơi, xe máy.
Vấn đề là phải làm sao họ di chuyển vốn vào những lãnh vực sản xuất nói trên, theo đúng chính sách công nghệ hoá, hiện đại hoá

4. Ngân sách và nợ công

Nếu tính theo kiểu Việt Nam, nợ công đã đặt mức trần là 65% GDP, So với những quốc gia ‘sống nhờ nợ’ như Nhật Bản, Hy Lạp hay Singapore thì chẳng đáng lo ngại, tuy nhiên tất cả tùy vào khả năng chi trả và nhất là sự chấp nhận của bên cho vay. Và cái khả năng này lại thuộc vào những khoản chi ngân sách. Trong các loại chi ngân sách phải chú ý đến 2 mục, nhóm chi thường xuyên và nhóm chi đầu tư phát triển. Chi thường xuyên là hơn 70% toàn chi và là để trả lương cho công chức, với con số 10 triệu công chức, cứ 10 người, già cả lớn bé là có một người làm cho nhà nước với mức lương kém xa thu nhập của người làm trong lãnh vực tư nhân. Những công chức này lại là những người có quyền, từ đó phát sinh ra cả một văn hoá, một hệ thống bôi trơn lót tay. Xã hội, kinh tế suy đồi cũng từ đó.

Nhóm thứ nhì là nhóm đầu tư phát triển, trong đó có những công trình xây dựng trực tiếp của chính phủ trung ương và cũng có công trình đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước và của địa phương. Nhóm này cũng đặt ra những vấn đề lớn cho nền kinh tế quốc gia. Mặc dù tất cả các dự án đều phải qua đấu thầu, nhưng tất cả các doanh nghiệp dự thầu, trong nước hay nước ngoài, đều biết muốn trúng thầu phải ‘lại quả’ với cái ba rem tối thiểu 30% giá trị của hợp đồng (Đây cũng là nhận xét của TS Lê Đăng Doanh , nguyên Viện Trưởng Viện nghiên cứu, quản lý kinh tế trung ương (CIEM) (https://vtc.vn/dn-trung-quoc-san-sang-lai-qua-toi-thieu-30-bang-tien-tuoi-d163192.html ), với kinh nghiệm sống, tác giả bài báo này, xác nhận là ba rem tối thiểu tiền ‘lại quả’ để làm việc với một cơ quan nhà nước là 30%). Đối với những dự án BOT thì nhà thầu thay vì trả một lần, sẽ lại quả theo những khoản phí thu được của dân, vì vậy làm sao chính quyền liên quan có thể chấp nhận hạ phí BOT được ?!

Vì chuyện ‘lại quả’, các công trình đều không đạt được tiêu chuẩn chất lượng đã cam kết. Khi nhà thầu phải chi 30% lại quả thì sẽ khấu trừ trên chi phí thi công. Đường xá thì chỉ ít lâu sau là hư hỏng, ổ gà. Bê tông thì thay vì cốt sắt sẽ là cốt…nhựa xốp. Nhà máy thì khi đã hoàn tất, không thể vận hành được.

Chuyện ‘lại quả’ cũng đôn đốc các địa phương đề xuất những công trình vô bổ. Trong khi dân đang đói khát, địa phương vẫn xin hỗ trợ bạc ngàn tỷ để xây tượng đài, công viên, đài tưởng niệm, tất cả chỉ vì trên 1000 tỷ xây cất, 30% sẽ vào túi mình và bên trung ương rất khó từ chối một dự án tôn vinh anh hùng cứu nước. Nếu hiện tượng này còn kéo dài thì phần chi ngân sách sẽ tiếp tục gia tăng và bên thu sẽ không bao giờ đuổi kịp, và sẽ không có một xu teng nào tham dự thật tình vào công cuộc đầu tư xây dựng đất nước.

Cơ hội

Đây là cơ hội rất tốt để tái cấu trúc lại hệ thống điều hành, quản lý quốc gia. Trung ương đã hơn một năm nay quyết định tinh giản biên chế, nhưng tới nay vẫn chỉ đụng tới một vài cơ quan với những kết quả trên bảng lương không đáng nói. Nếu chỉ sửa sang chút đỉnh về bề mặt thì chỉ tốn công, tốn sức, và tốn ngân sách nhà nước.

Về hệ thống quản lý đầu tư cũng cần một sự điều chỉnh căn bản, duy trì hệ thống hiện tại là duy duy trì tệ đoan tham nhũng và cắt đứt mọi cơ hội phát triển vì dòng vốn bị phí phạm vô ích. 

Phương án :

Muốn trả lại vốn nợ công thì rất khó nếu không có sự trợ giúp của một tổ chức quốc tế, do vậy vấn đề ở đây là giảm chi ngân sách và trong đó có hai mảng Nhà nước phải giải quyết, đó là lực lượng công chức nhà nước và mảng đầu tư phát triển.

Mảng công chức, nếu nhất quyết và thực sự muốn tinh giản bộ máy quản lý nhà nước, thì trước tiên nên coi lại những nhiệm vụ chia sẻ giữa hai, ba, bốn nơi. Nhìn thử, tại các cơ quan hay doanh nghiệp nhà nước đều có bộ phận chính quy do chính phủ chỉ định, bên cạnh có bộ phận đảng, rồi có mặt trận tổ quốc, có công đoàn, có hội cựu chiến binh, hội phụ nữ… Tổ chức như vậy nên hành chính mới cầu kỳ và chậm chạp. Câu chuyên ở đây là không những công việc làm đi làm lại, rồi hội họp để thống nhất trên một quyết định mà lương cũng chia năm chia bảy và khi lương quá thấp thì lẽ tự nhiên phải kiếm mối thu nhập, do đó sinh ra cái trò bôi trơn, phong bì, hoa hồng, mà phải chia cho cả bọn, nên rất tốn kém cho người dân. Tóm lại nhà nước phải đưa ra một tổ chức quản lý nhà nước thật nhẹ những cũng phải thật hiệu quả. Có lẽ ta có cái gương trước mắt, đó là những gì bà Thatcher, thủ tướng Vương quốc Anh đã làm, bà ta đã tư nhân hoá một số cơ quan, công sở, số còn lại được định hiệu quả theo những tiêu chuẩn của một doanh nghiệp tư nhân.

Về quản lý các dự án phát triển, không thể duy trì tình trạng hiện tại, một mặt vô hiệu hoá tất cả những cố gắng để xây dựng, phát triển tương lai xứ sở, mặt khác duy trì một hệ thống tham nhũng, hại dân, hại nước. Nếu đặt một Siêu ủy ban để giám sát chuyện này thì ít hy vọng có hiệu quả, vì khi trình những giấy tờ chính thức, thì mọi sự đều tốt lành và nhà nước lại tốn tiền nuôi thêm một Ủy ban. Có lẽ cho vấn đề này cách xử lý của bà Thatcher cũng rất có lý, tư nhân hoá những gì có thể, nếu không được dùng những tiêu chí của lãnh vực tư nhân để đánh giá hiệu quả.

5. Nợ xấu và hệ thống ngân hàng

Trên phương diện vĩ mô, bổn phận của hệ thống ngân hàng là huy động vốn của người dân rồi dùng nguồn vốn này hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh và phát triển. Tới nay ngân hàng Việt Nam làm tốt phần huy động vốn, nhưng phần cho vay hỗ trợ doanh nghiệp thì gặp nhiều biến thể. Màn thứ nhất, trong những năm đầu mọi sự đều trôi chảy, nhưng, nhất định doanh nghiệp nhà nước đươc ưu đãi hơn anh tiểu thương ở chợ và từ đó mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước đã biến đổi với sự tin tưởng mù loà vào doanh nghiệp nhà nước. Đó là lý do ngân hàng vẫn nhắm mắt cho tập đoàn Vinashin vay với tiền tiết kiệm của người dân. Màn thứ hai là sự trỗi dậy của nền kinh tế ảo, bắt đầu là cho vay để chơi chứng khoán, mua vàng, mua đồng đô nhưng sau đó là về bất động sản. Khi đi vào lãnh vực Bất động sản hệ thống ngân hàng đã hoàn toàn biến thể. Với những do dự cho vay của một số ngân hàng các đại gia BĐS đã chơi cao tay thâu tóm luôn ngân hàng và với vị trí điều hành ngân hàng họ đã cho vay cho chính họ vay, và luôn luôn với tiền tiết kiệm của người dân. Màn hài kịch này tới hồi sau trở thành thảm kịch khi bong bóng đầu cơ xì, người vay không còn khả năng trả tiền vay. Vì người vay có khi lại chính là lãnh đạo ngân hàng, do vậy ngân hàng chỉ còn cách giấu khoản vay vào một công ty sân sau hay biệt lập những khoản vay này vào mục khó đòi, nôm na gọi là nợ xấu. Đến khi toàn thể hệ thống ngân hàng bị ngập đầu vì những khoản nợ xấu thì đến lượt Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhức đầu không biết phải xử lý ra sao. Trên nguyên tắc, ngân hàng không thể tồn tại với những khoản nợ xấu to như vậy mà nếu ngân hàng sụp đổ thì với hệ lụy Domino sẽ kéo theo sự sụp đổ của toàn hệ thống. Do đó động thái đầu tiên của nhà nước là bắt các ngân hàng yếu kém hợp nhất với nhau. Nhưng như đã từng phân tích, khi hợp nhất ba con gà què thì sẽ có con gà què to đùng, chẳng giải quyết được gì. Khi tình hình nợ xấu thảm thiết hơn Nhà nước đã quyết định thiết lập một công ty xử lý nợ xấu, Vietnam Asset Management Company (VAMC). Nói là nợ xấu ngân hàng sẽ được bán cho VAMC, trên thực tế VAMC chỉ giữ hộ món nợ xấu, nếu không đòi được thì sẽ trả lại ngân hàng. Trong thời gian đó Ngân hàng có thể xoá nợ xấu đã bán khỏi bảng cân đối của ngân hàng và tiếp tục hành nghề như không có gì xảy ra. Và hiện tại các ngân hàng vẫn tiếp tục hoạt động và khoe khoang mức nợ xấu 1,89%.

Nhưng nguy cơ của hệ thống ngân hàng ở ngay trước mắt. Thứ nhất, nợ xấu do VAMC nắm giữ đã đến giáp thời hạn 5 năm nhưng ngay với luật mới bán đấu giá cũng rất khó thành công và nếu không bán được nợ, thì nợ sẽ được trả lại ngân hàng. Lúc đó ngân hàng sẽ ở trong một tình trạng khó xử, một mặt phải nhận trở lại nợ xấu, mặt khác phải trả lại tiền (trái phiếu) đã nhận được khi bán nợ xấu cho VAMC. Nếu VAMC bán đấu giá được những vật cầm cố liên quan đến nợ xấu đã mua thì, vì vật cầm cố phần lớn là bất động sản, thị trường này sẽ bị lung lay rất mạnh và sẽ lập tức làm xì bong bóng bất động sản. Khi bong bóng xì, khối nợ xấu ngân hàng sẽ tăng gấp bôi, và với luật mới ngân hàng sẽ trong tình trạng phá sản và như nói ở trên với hiện tượng Domino cả hệ thống ngân hàng sẽ sụp đỏ, kéo theo sự sụp đổ của cả nền kinh tế.

Cơ hội :

Với những nguy cơ nói ở trên đã đến lúc nhà nước bỏ trò chơi ‘ú tim’ với nợ xấu ngân hàng. Đã đến lúc tìm một giải pháp đứng đắn và thực cho khối nợ xấu. Cơ hội là lấy những đe doạ sụp đổ hệ thống nói trên để bắt buộc tái cơ cấu toàn hệ thống ngân hàng quốc gia.

Phương án : 

Ngân Hàng mất tiền vì nợ xấu, không phải chỉ có ở Việt Nam. Sự thể này đã xảy ra ở rất nhiều quốc gia và ở mọi nơi họ đều đồng tình là muốn cứu ngân hàng phải đổ tiền tươi, thóc thật. Nhưng ở Việt Nam phản ứng của Nhà Nước lại khác, bắt đầu là dự kiến ‘pha loãng’ nợ xấu khi sát nhập những ngân hàng yếu kém. Vì pha loãng không hiệu quả nên mới nghĩ đến chắc phải hỗ trợ bằng tiền, nhưng ngay lập tức thủ tướng chính phủ (nhiệm kỳ trước) tuyên bố không bao giờ tiêu một đồng của dân để xoá nợ xấu. Bí quá Nhà nước mới để VAMC giấu nợ xấu đi nơi khác. Vì kết quả thực cũng không có nên bí quá nhà nước phải lãnh nợ xấu về phía chính phủ bằng cách mua lại ngân hàng yếu kém với 0 đồng. Nhưng thật sự vấn đề nợ xấu vẫn còn nguyên và như đã nói trên nguy cơ đổ vỡ ở ngay trước mắt. Có lẽ đây là lúc phải lấy lại phương án được chấp nhận mọi nơi đó là đổ tiền tươi vào hệ thống để cứu ngân hàng. Những nếu đổ thẳng vào những ngân hàng yếu kém thì thực tình nhà nước đã đổ tiền vào túi đại gia với trò sân sau đã nắm giữ ngân hàng này với một mục đích khác.

Do vậy bước đầu sẽ là hợp nhất một số ngân hàng để, trong bước này, loại bỏ vài đại gia đã vào ngân hàng để làm chuyện khác, như nói ở trên. Sau bước này chính phủ sẽ tạm thời đổ tiền vào, trực tiếp hay gián tiếp qua sự bảo lãnh của khoản vay. Ngân hàng sau đó có thể kêu gọi sự hợp tác với ngân hàng nước ngoài, nhưng coi chừng, vẫn phải ngăn chặn sự chi phối của nước ngoài, như nói ở đoạn đầu. Và khi đã có sự hợp tác bên ngoài chính phủ sẽ rút lui khỏi ngân hàng.

6. Nguồn nhân lực

Cho một nền kinh tế, lực lượng lao động, con người là cột trụ của phát triển kinh tế, nhất là khi tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhiên liệu đã và đang cạn dần. Để con người phục vụ phát triển quốc gia thì cần nghị lực, ý chí và nhất là tay nghề rất cao. Nói tóm lại con người cần được đào tạo kỹ càng về hiểu biết và hành nghề để có thể khi ra trường nhận việc, thi hành công tác một cách đắc lực. Nói tóm lại, nền giáo dục phải đặt mục tiêu phục vụ cho nền kinh tế lên hàng đầu.

Giáo dục Việt Nam vẫn theo vết chân cũ để lại từ thời phong kiến và thời thực dân. Người dân đi học không phải để có kiến thức nghề nghiệp mà chính thật để có cái bằng, bằng càng cao thì ra đi làm chức càng to, nếu không có bằng nào thì trở về quê làm nông hay làm lao động tay chân.

Cho tới nay, kinh tế sản xuất của ta không có là bao và phần đông là trong các doanh nghiệp FDI và những doanh nghiệp này đã chọn Việt Nam vì nhân công rẻ và họ dùng nhân công Việt Nam trong việc lắp ráp hay trong hạ tầng cơ sở. Nói một cách khác họ dùng cơ bắp của người lao động là chính.

Ở cấp đại học thì sinh viên đươc đào tạo về lý thuyết thì nhiều, về cách hoạt động thực tế trong ngành nghề thì gần như không có (ngoại trừ vài ngành nghề đặc biệt).

Do vậy, thất nghiệp trong giới trẻ là rất nhiều. Mỗi năm có 1 triệu thanh niên, thanh nữ ra trường ở các cấp, muốn cho họ kiếm ra việc nền kinh tế phải mỗi năm tạo ra một triệu công ăn việc làm, nhưng để được nhận làm, chủ nhân lại thường đòi hỏi họ có tay nghề, có kinh nghiệm. Rốt cuộc đám sinh viên mới ra trường này, mặc dù trong tay có bằng cử nhân, thạc sỹ, cũng đành kiếm tiền với xe ôm hay đi bán hàng ăn hoa hồng. Phần đông nản chí, xin tiền bố mẹ đóng góp để được xuất khẩu lao động đi làm nhân công cơ bắp hay ô sin ở nước khác.

Thách thức với cách mạng 4.0, như đã nói, là lợi thế của Việt Nam, một nước có người lao động lương thấp, không còn giá trị trên thị trường. Các công xưởng Việt Nam hay nước ngoài sẽ thay thế lao động bằng hệ thống tự động hay rô bốt, họ sẽ sa thải hàng loạt sẽ chỉ giữ lại hay tuyển dụng những người có khả năng làm việc trong môi trường mới. Trong những ngành văn phòng thì hệ thống thông minh nhân tạo cũng sẽ thay thế con người trong một số công việc làm. Ngay Ủy ban Kinh tế của Trung Ương Đảng cũng dự báo là sẽ có 7 triệu người mất việc trong những năm tới. Cách mạng 4.0 không chỉ đến với nước ta mà sẽ đến cả với những nước nhận xuất khẩu lao động. Hướng đi này cũng tắt nghẽn cho giới trẻ Việt Nam.

Cơ hội :

Đây là cơ hội hiếm có để thay đổi hẳn hệ thống giáo dục của Việt Nam. Muốn thay đổi hệ thống phải làm sao phá vỡ cái văn hoá "cha mẹ nuôi con phải làm sao cho con học hành đến nơi đến chốn có bằng thật to để chiếm vị trí tốt trong xã hội, như vậy cha mẹ mới làm tròn bổn phận của mình".

Thay đổi trên phải song song với đường hướng hệ thống giáo dục, trước tiên để phục vụ kinh tế. Như vậy không có nghĩa là loại bỏ những bộ môn khác, nhưng chương trình học sẽ trước tiên huấn luyện trong một cái nghề muốn theo.

Phương án :

Nếu chúng ta chấp nhận là giáo dục phục vụ nền kinh tế chứ không phải ngược lại thì sự hợp tác giữa bộ giáo dục và bộ công thương là rất cần thiết, sự hợp tác này giúp bên giáo dục biết rõ nhu cầu và đòi hỏi của kinh tế trên chương trình đào tạo cho hiện tại cũng như cho tương lai.

Quan trọng hơn là sự thay đổi của hệ thống giáo duc. Dưới đây là hệ thống giáo dục của Thuỵ sỹ, nổi tiếng và được rất nhiều quốc gia học theo trên phương diện học nghề. Nếu cho mức tiểu học, trung học không có thay đổi gì nhiều nhưng sau đó là một ngã ba rất quan trọng, đứa trẻ có thể chọn theo con đường Đại học hay theo con đường học nghề.

Chương trình học nghề có cái đặc biệt là hệ thống đào tạo kép. Trong một tuần đứa trẻ sẽ học lý thuyết 2 ngày ở trường, 3 ngày còn lại học và làm việc tại một doanh nghiệp và sẽ được trả lương tương xứng. Sau 3 năm đứa trẻ ra trường lại có lựa chọn khác, ra đi làm hay tiếp tục học, nếu tiếp tục thì có thể vào một trường cao đẳng kỹ thuật, trong đó đào tạo cũng đặt trọng tâm vào thực hành với những khoá đào tạo kép. Đứa trẻ cũng có thể tiếp tục học ở một đại học nhưng phải theo học một năm dự bị. Tới bây giờ có thể nói 80% trẻ em Thuỵ Sỹ chọn học nghề, vì với chương trình đào tạo kép có cảm tưởng vào đời rất sớm và khi ra trường phần đông kiếm được việc ngay tại công ty đã được huấn luyện nghề nghiệp.

Tại các đại học Thuỵ Sỹ, mặc dù chủ đích là đào tạo những chuyên gia nghiêng về nghiên cứu khoa học nhưng chương trình dạy cũng rất hướng nghiệp với những buổi thực tập với những doanh nghiệp và khi thi cử nhân hay thạc sỹ đề tài bài luận lại là một dự án do doanh nghiệp đưa ra. Phần đông các khoa đại học đều có trung tâm nghiên cứu, nhận những đề xuất nghiên cứu của doanh nghiệp và công việc nghiên cứu được giao cho các sinh viên đang làm luận án tiến sỹ.

Việt Nam, như nhưng quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp,… có thể rút tỉa một số kinh nghiệm trên của Thuỵ Sỹ, nhất là về đào tạo nghề để sửa đổi hệ thống giáo dục của mình và ngăn chặn nạn thất nghiệp trong giới trẻ, bằng cớ là trong khi nạn thất nghiệp trong giới trẻ đạt tỷ lệ 15, 20% thì tại Thuỵ Sỹ chỉ là 6% (2018).

Kết luận

Như ta thấy qua bài này năm 2019 là một năm rất nhiều nguy cơ và thử thách đến với chúng ta. Nếu những nguy cơ này đến cùng một lúc thì tai hoạ lớn sẽ đến với ta. Do đó, nhà nước phải suy nghĩ phân tích rất kỹ rồi ra đòn rất nhanh để chặn đứng tai hoạ. Công cuộc này chỉ có thể thực hiện nếu có sự đồng lòng của toàn dân. Mong rằng bài này đã mang lại một cái nhìn khác về tình hình kinh tế đất nước và những phương án đưa ra cũng hợp lý hợp tình và sẽ được áp dụng.

Pham Nam Kim

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness