TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 16
  • Hôm nay: 280
  • Tháng: 5763
  • Tổng truy cập: 5151028
Chi tiết bài viết

Trò chuyện Nguyễn Trần Bạt – Xuân Ba về Chân dung Doanh nhân Việt

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, mời bạn đọc theo dõi cuộc trao đổi thú vị giữa nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt và nhà báo Xuân Ba về doanh nhân Việt. Cuộc trao đổi rất dài nên được chia thành 4 kỳ đăng lần lượt trên Tiền Phong điện tử.

Ông Nguyễn Trần Bạt.

Ông Nguyễn Trần Bạt.

Kỳ 1: Thành công không phải ngẫu nhiên

Tuổi 70 với doanh nhân, luật sư, nhà nghiên cứu kiêm học giả… Nguyễn Trần Bạt dường như chỉ là một sự bắt đầu mặc dầu ông từng gây dựng một cơ nghiệp nhiều triệu USD.

Sức hút Nguyễn Trần Bạt xui khiến các doanh nhân, nhà đầu tư, học giả và cả chính khách nữa đã tìm đến ông.  Cung cách chuyện trò cùng phương pháp tư tưởng không hề không tưởng,  Nguyễn Trần Bạt đã trở thành cái túi khôn với liên tu bất tận các cuộc trao đổi gặp gỡ và lạ, ông chưa từng từ chối một cuộc gặp nào như ông nói rằng miễn là chân thành và có ích cho xã hội, ông đã trở thành người của công chúng một cách bất đắc dĩ. Câu chuyện với ông bắt đầu từ căn nguyên thành công của chính ông.

Xuân Ba: Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, chúng tôi muốn có cuộc trò chuyện với ông để qua những chiêm nghiệm của ông, có một hình dung về chân dung doanh nhân Việt Nam?

Nguyễn Trần Bạt: Thời đại bây giờ thay đổi nhanh quá, từ đổi mới đến giờ đã bắt đầu có thế hệ doanh nhân thứ ba. Thế hệ của tôi là thế hệ chuyển đổi, thế hệ thức tỉnh, cày vỡ các khái niệm cho nên chúng tôi gần với học giả, đi theo hướng học giả. Thế hệ thứ hai là thế hệ khoa học kỹ thuật, những người bắt đầu kinh doanh trên cơ sở những sáng kiến công nghiệp hoặc công nghệ. Thế hệ thứ ba là các nhà tài chính, nhà đầu tư. Hiện nay nhiều người không hiểu về tiến trình phát triển kinh tế Việt Nam nên chê bai là chậm quá. Còn tôi thì luôn luôn lo ngại rằng chúng ta phát triển nhanh quá, chưa kịp ngưng đọng các yếu tố để tạo ra ranh giới rõ ràng giữa các thế hệ. Các lực lượng làm kinh tế ở Việt Nam phát triển rất nhanh, những trường hợp các doanh nhân Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Đoàn Nguyên Đức… là những ví dụ có chất lượng đột biến.

Nói về chuyện này rất thú vị. Với tư cách là một người nghiên cứu, tôi cực kỳ ngạc nhiên trước tốc độ phát triển của lực lượng sản xuất và kinh doanh. Có thể nói giai đoạn đổi mới vừa rồi là giai đoạn nén của sự phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam và nó đã phát triển sang cả khía cạnh chính trị. Trong cuộc trao đổi ở Đài tiếng nói Việt Nam mới đây, tôi nói đến việc Đảng ta cần phải làm rõ một chức năng trong cương lĩnh chính trị là “quản lý chính trị”, không thể lơ mơ như giai đoạn vừa rồi. Anh đang đi vào câu chuyện mà tôi cho là nòng cốt của giai đoạn này, đó là lực lượng doanh nhân xuất hiện như thế nào trong lịch sử phát triển hiện đại của Việt Nam.

Xuân Ba: Thưa ông, tôi không muốn dùng cụm từ góc nhìn hay khảo sát, hoặc nhận xét, nghiên cứu mà tạm dùng từ chiêm nghiệm, bởi từ một cậu bé bán nước chè ở ga Hàng Cỏ, bằng nghị lực riêng của mình ở lĩnh vực nào, cương vị nào ông cũng thành đạt và nổi tiếng: doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn, học giả, nhà sáng lập InvestConsult Group... Xin ông chia sẻ chút thông tin với bạn đọc Tiền phong về cá nhân mình?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi rất ngượng khi phải nhắc lại câu chuyện bán nước chè rồi dùng cái xuất phát đó như một bàn đạp để nhảy vèo một cái trở thành Nguyễn Trần Bạt ngày hôm nay. Nói như thế có thể thuận với cách thức của một số phương tiện truyền thông nào đó, nhưng không khoa học. Trước khi bán nước chè, tôi là con của một gia đình giàu có. Ông ngoại tôi là Chủ tịch hội Tín dụng Trung Kỳ, ông nội tôi là chủ những điền trang rộng 4 - 5 ngàn hecta. Có thể việc bán nước chè kích thích tôi một chút, nhưng điều làm cho tôi nhảy lên không phải bắt đầu từ việc ấy, mà từ ý chí khôi phục lại thanh danh của gia tộc chúng tôi.

Chúng ta luôn luôn có suy nghĩ ai cũng có thể tạo ra đột biến, nhưng quên mất rằng Chúa cấy các yếu tố đột biến trong máu của mỗi một con người, cái đó gọi là gien. Vì thế, để nghiên cứu công nghệ phát triển của mỗi con người có lẽ chúng ta phải nghiên cứu sâu hơn cấu trúc tinh thần của nó. Tôi đã viết một quyển sách trong đó xây dựng một lý thuyết về miền tinh thần của con người.

Bán nước chè ở ga Hàng Cỏ là một kỷ niệm dễ thương trong cuộc đời tôi. Năm 1954, khi hòa bình lập lại, gia đình chúng tôi từ Nghệ An “vượt biên” về Hà Nội. Chúng tôi thuê được một căn nhà gần ga Hàng Cỏ. Mẹ tôi ra ga chạy chợ, còn chúng tôi thì ra ga để bán nước chè. Tất cả mọi người đều làm như thế. Tôi nằm trong số hàng trăm đứa trẻ ở các phố khác nhau như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Đỗ Hạnh, Vũ Lợi đổ về ga Hàng Cỏ. Vũ Lợi là một phố nổi tiếng bởi ở đấy có Trần Dần. Yết Kiêu cũng là một phố nổi tiếng bởi ở đấy có Văn Cao. Tôi ở trong khóm phố có những người như vậy cư trú cho nên có lẽ trong máu của tôi cũng có một chút gì đó Văn Cao, một chút gì đó Trần Dần, một chút gì đó Lưu Cầu. Bán nước chè là một chi tiết lãng mạn và có thể dùng để viết tiểu thuyết được nếu như tôi có tài như Maxim Gorky.

Xuân Ba: Gia cảnh nhà ông lúc ấy có gì đột biến?

Nguyễn Trần Bạt: Có, đấy là cải cách. Mẹ tôi từ một người đàn bà sang trọng trở thành người đi bán dầu, bán gạo để kiếm sống vì không còn con đường nào khác. Có lẽ cách mạng tạo ra cho mỗi con người những cơ hội để trở thành người lao động chân chính.

Trò chuyện Nguyễn Trần Bạt – Xuân Ba về Chân dung Doanh nhân Việt - ảnh 1

Một số sách của Nguyễn Trần Bạt.

Xuân Ba: Đột ngột ngoặt và cũng kịp bắt ngay vào nhịp đời lam lũ. Về mặt kiếm sống, gia đình ông có gặp khủng hoảng?

Nguyễn Trần Bạt: Vô cùng khủng hoảng. Lúc bấy giờ, bằng mọi giá phải tìm cơ hội để sống. Tôi học phổ thông ở một trong những trường danh giá thứ nhì Hà Nội lúc bấy giờ là trường Việt Đức, nhưng tôi đã phải bỏ học năm cuối để đi kiếm sống. Cuộc sống vô cùng vất vả. Gia đình tôi có 6 anh chị em. Cha tôi là một nhà hoạt động chính trị tham gia cách mạng trước thời kỳ khởi nghĩa. Vì ông nội tôi là địa chủ nên cha tôi không thành đạt được và trở thành một người đảng viên yêu Đảng một cách đau khổ. Mẹ tôi là một cán bộ đi làm ở cơ quan nhà nước. Bà còn có một nghề làm thêm là buôn bán sách báo cũ. Chính cái nghề làm thêm ấy đã hỗ trợ tôi trở thành một học giả như hôm nay. Là một người khá có học, giỏi tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, cha tôi biết chọn lựa giữa cái đống giấy vụn mà mẹ tôi buôn bán những tác phẩm văn học vĩ đại của Guy de Maupassant, Racine, Corneille, Molliere… Thời đó, cả Hà Nội quẳng những thứ ấy đi để nhanh chóng kiếm ít tiền mà sống. Nhờ thế, tôi đã nhặt nhạnh được trong đống giấy vụn của mẹ tôi những trí tuệ quý giá của nhân loại. Tôi không đủ tiền để giữ nó nhưng tôi đủ sức để đọc nó và biến nó thành cái vốn của mình. Cha tôi đau dạ dày, cần phải đấm lưng, xoa bóp. Tôi cung cấp cho ông  dịch  vụ xoa bóp, còn ông cung cấp dịch vụ bồi đắp trí tuệ cho chúng tôi bằng cách dịch cho nghe những tác phẩm văn học của các nhà văn ấy... Tôi đã làm quen với nền văn học cổ điển Pháp trên lưng cha tôi, một người đau dạ dày

Xuân Ba: Cụ thân sinh ra ông làm nghề gì?

Nguyễn Trần Bạt: Thời kỳ tiền khởi nghĩa ông là lãnh đạo một mặt trận của một tỉnh, nhưng từ sau cải cách ruộng đất thì sự nghiệp của ông đi xuống và ông về nhà.

Hỏi: Xin lỗi, các cụ có thọ không?

Nguyễn Trần Bạt: Không thọ lắm. Cha tôi mất năm 65 tuổi, mẹ tôi mất năm gần 90 tuổi.

Xuân Ba: Ông chịu ảnh hưởng của cụ bà hay cụ ông?

Nguyễn Trần Bạt Tôi là người đủ trí tuệ và đủ kiến thức để thiết kế ra miền tinh thần của riêng mình. Tuy nhiên tôi có chịu ảnh hưởng của cả cha và mẹ. Xét về trí tưởng tượng, tôi chịu ảnh hưởng của cha tôi. Tôi biết cực kỳ rõ nền văn học Pháp, văn học Anh và văn học Nga (riêng văn học Nga không phải do cha tôi dạy mà tôi tự học), Maxim Gorky, Lev Tolstoy, Chekhov... Tôi chịu ảnh hưởng cả tính thực dụng của mẹ tôi. Trong quan niệm của bà, chồng và con phải sống. Quan niệm của cha tôi là các giá trị cơ bản của đời sống tinh thần gia đình phải sống. Vì chịu ảnh hưởng của cả cha lẫn mẹ nên tôi khác mẹ tôi ở chỗ, với mẹ tôi mọi người phải sống theo nghĩa đen còn với tôi mọi người phải sống theo cả hai nghĩa.

Xuân Ba: Trần Bích San có câu “Nhân bất phong sương vị lão tài”. Người ta phải trải qua những khốn khó thì mới thành tài năng được. Nói thêm một chút về doanh nhân Việt Nam thế hệ mới hiện nay, có lẽ nhiều người không được trải qua thử thách, tự nhiên giàu sổi lên một cách vô lý. Cho nên khi cầm đồng tiền họ không biết  nó là như thế nào?

Nguyễn Trần Bạt: Thưa anh, sự giàu lên một cách vô lý là sự đau khổ, là sự từng trải rất quan trọng và chúng ta chớ bao giờ nghĩ rằng họ không đau khổ. Nỗi đau khổ ấy có khi còn lớn hơn đau khổ vì sự nghèo khổ của tôi. Sự thiếu học là nỗi bất hạnh cho mọi con người.

Xuân Ba: Nó là mẫu số chung?

Nguyễn Trần Bạt: Đúng thế. Đừng nói đến sự thiếu học của một vài người mà hãy nói về sự thiếu học như là  nỗi bất hạnh phổ quát của con người. Như thế chúng ta mới biết yêu, biết cảm thông và biết các em, các cháu thiếu gì để dạy chúng nên người. Cho chúng lương cao thôi chưa đủ, phải làm thế nào để chúng trân trọng từng li, từng tí các giá trị mà tôi gọi là các phổ quát. Khái quát hơn nữa, Đảng ta phải biết chăm sóc các giá trị xã hội, cung cấp cho xã hội những điều kiện để người ta thoát khỏi thân phận tủi hổ thiếu học của mình. Tôi tuyệt đối không kì thị con người về mặt học vấn. Tôi cho rằng con người ai cũng tiềm ẩn một khát vọng nào đó liên quan đến nó.

Xuân Ba: Nguyễn Trãi có câu “họa phúc hữu môi phi nhất nhật”, tức là cái họa, cái phúc không phải đến một buổi mà nó có căn nguyên từ trước. Vậy thì sự thành đạt, thành công của ông có căn nguyên chứ?

Nguyễn Trần Bạt: Tôi không bao giờ xem sự thành công là ngẫu nhiên cả. Sự thành công chỉ xuất hiện một cách chắc chắn khi nó là kết quả của một sự cố gắng liên tục và kiên nhẫn của con người. Nó chỉ ngẫu nhiên đối với người quan sát và họ cũng chỉ quan sát một cách ngẫu nhiên. Nếu quan sát một cách thực lòng, quan sát có  nghiên cứu và quan sát để dạy con em mình thì không có bất kì thành đạt nào là ngẫu nhiên cả. Tôi kính trọng những nhà chính trị thành đạt, những nhà kinh doanh thành đạt và những  nhà văn hóa thành đạt, tôi chỉ coi thường những  kẻ giả vờ. Con người phải phấn đấu có đủ trí tuệ để phân biệt cái có thật và cái giả vờ. Xã hội chúng ta hơi nhiều cái giả  vờ, nó làm cho những cái thật lép vế. Báo chí của các anh phải làm thế nào để những cái thật không lép vế.

Đón đọc kỳ II: “Trò chuyện Nguyễn Trần Bạt – Xuân Ba: Năng lực thồ không phải đặc trưng của ngựa”

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness