TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 25
  • Hôm nay: 287
  • Tháng: 10736
  • Tổng truy cập: 5144055
Chi tiết bài viết

Trung Quốc, Biển Đông và dầu khí

Giá dầu và khí đốt càng tăng trên khắp thế giới, các nước càng lo sốt vó. Mỗi nước lo theo khả năng của mình, và khi các “kiểu của mình” đó trở nên thái quá, va chạm là khó tránh.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 4-11, trả lời câu hỏi: “Ảnh vệ tinh cho thấy đội tàu Trung Quốc hiện diện trở lại trong khu vực cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Xin phó phát ngôn cho biết phản ứng?”, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã phát biểu mạnh mẽ: 

“Việc các tàu Trung Quốc hoạt động trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 [UNCLOS], đi ngược lại tinh thần và nội dung của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi khu vực nói trên và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam...”. 

Ra oai

Đây là lần thứ ba, sau đợt thứ nhì vào cuối tháng 3 và tháng 4 năm nay, tàu cá Trung Quốc xuất hiện đông đảo ở khu vực này sau khi đã xuất hiện lần đầu vào tháng 3-2020. Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc mưu cầu gì ở đợt xua tàu cá thứ ba này tới khu vực cụm Sinh Tồn của Việt Nam, mà lần này đã sớm gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao Việt Nam? 

Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đang rất lớn. Ảnh: manifest.co.uk

Sự kiện này “bất ngờ” trùng hợp với một sự kiện khác, mới mẻ đối với Việt Nam: hôm 27-10, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Chính phủ Việt Nam và Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đã ký thỏa thuận về việc thành lập văn phòng đại diện của PCA tại Việt Nam dưới hình thức trực tuyến. 

Hai bên khẳng định việc PCA mở văn phòng đại diện tại Việt Nam là minh chứng cho vị thế của Việt Nam trong hội nhập quốc tế cũng như quan điểm thống nhất của Việt Nam về ủng hộ nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, đồng thời góp phần giúp PCA thực hiện tôn chỉ “luôn sẵn sàng phục vụ” (accessible at all times), để Việt Nam và các nước trong khu vực có thể dễ dàng sử dụng các dịch vụ pháp lý của PCA, báo Quốc Tế ngày 27-10-2021 cho biết.

Có thể văn phòng PCA vừa mở cửa, dù là trực tuyến, sẽ sớm có khách. Trước đó không đầy hai tuần, Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi công hàm cho phía Trung Quốc phản đối việc các tàu công vụ của Trung Quốc đã hơn 200 lần thách thức tàu tuần tra Philippines trên biển bằng cách hú còi inh ỏi cùng những cú điện đàm vô tuyến khiêu khích.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc đưa vào hoạt động tàu tuần tra lớn nhất từ trước đến nay mang số hiệu Hải Tuần 09, có lượng choán nước lên đến 10.700 tấn. 

Cục Hải sự Trung Quốc cho biết tàu tuần tra dân sự ngoại khổ này “có thể được sử dụng để hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền trên biển”, “đảm bảo an toàn và thông thoáng của các tuyến giao thông hàng hải ở Biển Đông”, và “nâng cao năng lực quản lý giao thông và bảo vệ lợi ích hàng hải của Trung Quốc”.

Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc thực sự định làm gì với con tàu hải tuần này. Đầu tiên là tính thời điểm: hạ tuần tháng 10, tức hơn hai tháng sau khi Trung Quốc ban hành “lệnh yêu cầu” các tàu nước ngoài khi vào Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) phải đăng ký đầy đủ chi tiết với các cơ quan hải sự của Trung Quốc. 

Lấy thí dụ tàu Hải Tuần 09 này được giao nhiệm vụ hành sự tại khu vực Biển Đông, sẽ gặp tình huống phải “xét giấy” tàu các nước, đặc biệt là tàu các bên tranh chấp như Việt Nam, Malaysia và Philippines. Nếu tàu này không có hành động “thực thi chủ quyền” thì điều đó sẽ làm suy yếu quyền lực của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, nếu tàu tuần tra này ra tay hành động thì có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quốc tế. Cũng có thể tàu này ban đầu sẽ được điều động “đánh một vòng” đến những nơi như quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa để phô trương sức mạnh và khả năng hàng hải của Trung Quốc. 

Cho dù là vì mục đích gì chăng nữa, việc huy động những con tàu tuần tra mang tính “dân chính” như thế này cũng cho thấy Trung Quốc có vẻ như nghiêng về lựa chọn sử dụng tàu “dân chính” (hải cảnh, hải sự...) với ưu thế tuyệt đối về độ lớn (10.000 tấn) và độ dài hải hành (tối đa 180.000km một chuyến) đủ “lấy thịt đè người” các tàu cảnh sát biển hay kiểm ngư đối phương tối đa chỉ ba, bốn ngàn tấn và hải trình chỉ 5.000km mà không phải “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” bằng tàu chiến hải quân!

Bất ổn kinh tế thôi thúc

Vào thời điểm COVID năm thứ hai, các nước lớn nhỏ đều đang ráng tái khởi động kinh tế. Nước nào cũng có những bức bách. 

Trung Quốc không là ngoại lệ do lẽ dù nước này đỡ bị COVID “dập tan nát” như nhiều nước khác, do nền kinh tế toàn cầu giờ đã kết nối chặt chẽ, các nước khác khốn khổ thì Trung Quốc cũng trục trặc do thiếu cả “đầu vào” lẫn “đầu ra”. Thêm vào những bế tắc đó là vấn đề nội tại nan giải của chính nền kinh tế Trung Quốc.

Tờ Foreign Affairs 5-11 đăng một bài của Daniel H. Rosen - chủ sáng lập Tập đoàn Rhodium, thành viên Hội đồng Đối ngoại Mỹ (CFR), và giảng sư nổi tiếng về thị trường Trung Quốc - đề cập đến “yếu kém” cốt lõi của Trung Quốc. 

Đó là chuyện các hãng bất động sản lớn nhỏ đang “tiêu tán đường” khi nay không có tiền để thanh toán các hóa đơn, và nhiều địa phương vốn lâu nay thu ngân sách chủ yếu từ thuế địa ốc cũng lâm cảnh “trắng tay”. 

Song đó mới là bề nổi. Bề sâu là làm thế nào mà cả hệ thống nhắm mắt làm ngơ cho đầu tư bất động sản một cách vô tội vạ để rồi giờ đây thua lỗ, sự lo âu tràn sang thị trường trái phiếu trong và ngoài nước.

Sai sót hệ thống này đe dọa không chỉ nền kinh tế mà cả con đường cải cách thị trường của Trung Quốc. Tất nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chỉnh sửa, bắt đầu từ tháng 7 với việc “đánh” các công ty công nghệ cao từng được tán tụng là động lực tăng trưởng mới. 

Đột ngột, các công ty này không còn được sủng ái do bị xem là: (1) làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, đe dọa đến sự ổn định xã hội; và (2) ảnh hưởng ngày càng tăng của các công ty tư nhân này làm suy giảm quyền lực của nhà nước. Phải “nhổ cỏ” thôi!

Sang đến tháng 9 là cuộc khủng hoảng năng lượng ào đến. Nhà nước yêu cầu các công ty điện giữ vững giá điện cung cấp dù giá than cứ tăng: các công ty này chọn đóng cửa, chấp nhận phá sản còn hơn là cứ sản xuất và lỗ! 

Chính quyền trung ương “tản quyền” cho các địa phương “tự bơi” và các quan địa phương chọn đóng cửa sản xuất để cứu vãn tình hình cắt điện, không cần đếm xỉa gì đến các quy luật thị trường. 

Cứ thế, từ các địa phương cho tới trung ương nay đang giở ra những đối sách mới không có một chút gì gọi là kinh tế thị trường.

Rung cây dọa ai?

Liệu những bức bách kinh tế trên có thể trở thành thôi thúc hành động ở Biển Đông, nơi duy nhất mà Trung Quốc có thể tự tuyên bố chủ quyền bằng đường 9 đoạn do các nước trong khu vực nhỏ hơn quá nhiều cả về địa lý, dân số, kinh tế lẫn binh bị? 

Đài Mỹ NPR hôm 1-10 đã phát đi một bài có tựa đề gây liên tưởng: “Tại sao Trung Quốc phải hạn chế cung cấp điện và điều đó tác động cụ thể đến bạn ra sao?”.

Đơn giản vì Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới. Vài tìm kiếm số liệu sẽ cho thấy Trung Quốc “ngốn” dầu như thế nào. 

Năm ngoái 2020, Trung Quốc đã tăng 7,3% lượng nhập khẩu dầu thô bất chấp cú sốc do virus corona hồi đầu năm, với mức nhập khẩu tương đương 10,85 triệu thùng/ngày, theo Reuters 14-1.

Suisheng Zhao, tác giả nghiên cứu: “Tìm kiếm toàn cầu vì an ninh năng lượng của Trung Quốc: hợp tác và cạnh tranh ở châu Á - Thái Bình Dương” đăng trên tạp chí Trung Quốc đương đại năm 2008, từng chia sẻ: 

“Chính phủ Trung Quốc ước tính rằng họ sẽ cần 600 triệu tấn dầu thô mỗi năm vào năm 2020... Các nhà phân tích kỳ vọng rằng đến năm 2020 nhu cầu dầu của nước này sẽ đạt 11 triệu thùng/ngày”. Dự báo đó rất sát thực tế hiện nay!

Mức nhập dầu của Trung Quốc năm 2021 thì có giảm. Theo Reuters 7-11, 10 tháng đầu năm nay Trung Quốc nhập khoảng 10,21 triệu thùng/ngày, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Vấn đề là nhu cầu năng lượng giảm bớt này chắc chỉ là tạm thời. Trung Quốc không tránh khỏi sẽ cần những nguồn cung cấp nhiên liệu mới, bao gồm dầu mỏ, và liệu một hành động gây ồn ào trên Biển Đông có phải là nhất tiễn hạ song điêu: một mặt nhằm giải tỏa tâm lý đang dồn nén vì khó khăn kinh tế, mặt khác nhắm đến một đầu vào năng lượng trong tương lai?

Khách quan mà nói, cũng có một số ý kiến học thuật không tin chuyện vì dầu mà chiến tranh, còn có cách khác. 

Emily Meierding, phó giáo sư chuyên khoa Các vấn đề an ninh quốc gia khoa sau đại học Đại học Hải quân Mỹ ở Monterey, California, tác giả quyển Huyền thoại về cuộc chiến dầu mỏ: Dầu mỏ và nguyên nhân của xung đột quốc tế đã than phiền về “mối đe dọa quá mức của các cuộc chiến tranh dầu mỏ”.

Bà nhắc lại các sự cố: “Trong năm qua, các tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc và các tàu hộ tống bán quân sự của họ đã nhiều lần can thiệp vào hoạt động thăm dò dầu khí tự nhiên của Việt Nam và Malaysia ở Biển Đông, quấy rối các giàn khoan và tàu hỗ trợ". 

"Những cuộc đối đầu này đã làm dấy lên lo ngại rằng chúng có thể gây ra một cuộc xung đột quân sự lớn hơn, đặc biệt là khi Trung Quốc khai thác sự bất ổn do virus corona tạo ra để trở nên hung hăng hơn trong các tranh chấp lãnh thổ quốc tế khác nhau”.

Rồi bà đưa ra kết luận: “Điều đáng mừng là hồ sơ lịch sử đã chỉ ra rằng Trung Quốc và các nước láng giềng khó có khả năng leo thang tỉ thí vì năng lượng". 

"Trái ngược với những lời hùng biện quá nóng bỏng, các quốc gia không thực sự “tranh đoạt dầu mỏ”..., thay vào đó, nghiên cứu gần đây của tôi chứng minh rằng các quốc gia tránh tranh giành tài nguyên dầu mỏ”.

Tất nhiên, Trung Quốc không phải đợi đến hôm nay mới “lo liệu” chuyện “đầu vào” này! Năm 2017, Tổng thống Philippines Duterte đi Bắc Kinh về thuật lại rằng: 

“Ông Tập Cận Bình đã cảnh báo sẽ có chiến tranh nếu Manila cố gắng thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài và khoan tìm dầu ở khu vực tranh chấp” (Reuters 19-5-2017). 

Từ năm 2017 tới giờ, Trung Quốc đã không chỉ một lần đe dọa các nước ven bờ khác tìm cách khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Ở Philippines, cũng có thể thấy đang có một lộ trình khác. 

Mới đây, thượng nghị sĩ Panfilo Lacson, ngấp nghé ứng cử tổng thống Philippines năm tới, tuyên bố ông ủng hộ thỏa thuận thăm dò dầu khí chung được đề xuất với Trung Quốc ở Biển Tây Philippines, nhưng phải đáp ứng một điều kiện là 60-40. 

“Tại sao ư? 60-40 cho thấy rằng chúng ta sở hữu khu vực, những hòn đảo đó. Chúng ta có quyền chủ quyền đối với những khu vực này”. Lập trường này không “ế”: Chủ tịch thượng viện Vicente Sotto III cũng ủng hộ quan điểm đó, theo Rappler 30-10.

Tất nhiên, ý kiến trên chỉ là của một phía. Có những ý kiến khác như của Aaron Rabena trên Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) 16-10-2020 khuyên nhủ các nhân vật trên: 

“Nên hạn chế đưa ra các tuyên bố mang tính định mệnh để... để không bị coi là phiến diện hoặc nhượng bộ các quyền chủ quyền”.

DANH ĐỨC - Theo Tuổi Trẻ

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness