TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 59
  • Hôm nay: 606
  • Tháng: 7345
  • Tổng truy cập: 5140664
Chi tiết bài viết

Vì sao các nền văn minh vĩ đại lại sụp đổ

"Những nền văn minh vĩ đại không bị giết chết, mà chúng tự kết liễu mình."

Getty Images

Đó là kết luận mà sử gia Arnold Toynbee nêu ra trong bộ nghiên cứu lịch sử đồ sộ gồm 12 quyển của ông, A Study of History, một công trình tìm hiểu về sự trỗi dậy và suy tàn của 28 nền văn minh khác nhau.

Ông nói đúng ở một số khía cạnh: các nền văn minh thường phải chịu trách nhiệm về sự tàn lụi của chính chúng. Tuy nhiên, việc các nền văn minh rơi vào tình trạng tự phá huỷ thường được hỗ trợ bởi những yếu tố khác nữa.

Chẳng hạn như Đế chế La Mã là nạn nhân của nhiều vận hạn, trong đó gồm việc mở rộng lãnh thổ quá mức, tình trạng thay đổi khí hậu, môi trường suy thoái và sự lãnh đạo yếu kém. Sự tan rã một phần nữa là do hậu quả của việc thành Rome bị người Visigoth cướp phá vào năm 310, và rồi đến lượt người Vandal, vào năm 455.

Sự sụp đổ thường xảy ra nhanh chóng và một nền văn minh dù vĩ đại đến đâu cũng không thể miễn nhiễm.

Đế chế La Mã trải rộng trên 4,4 triệu cây số vuông vào năm 390. Năm năm sau, diện tích bị thu lại chỉ còn 2 triệu cây số vuông. Tới năm 476, đế chế này trở thành zero.

Trong quá trình nghiên cứu tại Đại học Cambridge, tôi muốn tìm hiểu xem vì sao sự sụp đổ lại diễn ra, thông qua việc thử làm một cuộc giảo nghiệm lịch sử.

Sự trỗi dậy và sụp đổ của các nền văn minh trong lịch sử có thể nói cho chúng ta biết những gì? Những thế lực nào thúc đẩy hoặc trì hoãn sự sụp đổ? Và chúng ta có nhìn thấy những khuôn mẫu tương tự xảy ra vào thời nay hay không?

Cách đầu tiên để nhìn vào các nền văn minh trong quá khứ là so sánh thời gian tồn tại ngắn, dài của chúng. Đây là việc khó, bởi không có một định nghĩa chặt chẽ thế nào là một nền văn minh, cũng như không có cơ sở dữ liệu hoàn thiện nào cho ta biết về sự ra đời và kết thúc của chúng.

Trong hình minh hoạ dưới đây, tôi so sánh thời gian tồn tại của một số nền văn minh khác nhau, mà tôi định nghĩa đó là các xã hội nông nghiệp có nhiều thành thị, một xã hội mà quân sự đóng vai trò nổi bật trong khuôn khổ khu vực địa lý của nó, và có cấu trúc chính trị tồn tại liên tục, tiếp nối.

Dựa theo định nghĩa này, mọi đế chế đều là nền văn minh, nhưng không phải nền văn minh nào cũng là đế chế.

Dữ liệu được lấy ra từ hai công trình nghiên cứu về sự tăng trưởng và suy tàn của các đế chế (cho các giai đoạn 3000-600 trước Công nguyên, và 600 trước Công nguyên - 600), và một khảo sát không chính thức, tập hợp từ việc kêu gọi mọi người đóng góp thông tin, về các nền văn minh cổ đại (mà tôi có chỉnh sửa).

Như mô tả trong hình dưới đây, thời gian tồn tại trung bình của một nền văn minh cổ đại là 336 năm.

Nigel Hawtin

Thời gian tồn tại của các nền văn minh cổ đại

Sự sụp đổ có thể được định nghĩa là tình trạng mất dân, mất bản sắc, và mất đi độ phức tạp xã hội-kinh tế một cách nhanh chóng và kéo dài. Các dịch vụ công trở nên bê bết, tình trạng mất kỷ cương khiến chính phủ mất quyền kiểm soát trước tình trạng bạo lực.

Toàn bộ các nền văn minh trước đây đều đối diện với số phận này.

Một số gượng lại được hoặc chuyển đổi thành dạng khác, chẳng hạn như ở Trung Quốc và Ai Cập. Một số khác sụp đổ vĩnh viễn, như trường hợp Đảo Phục sinh.

Có những lúc các thành phố nằm ở tâm điểm của sự sụp đổ lại hồi sinh, như trường hợp thành Rome.

Trong những trường hợp khác, chẳng hạn như đống phế tích của người Maya, thì chúng bị lãng quên, trở thành tàn tích cho du khách sau này tới thăm.

Điều gì có thể nói cho chúng ta biết về tương lai của nền văn minh hiện đại toàn cầu? Những bài học về các nền văn minh nông nghiệp có áp dụng được cho giai đoạn chủ nghĩa tư bản công nghiệp từ sau Thế kỷ 18 của chúng ta không?

Tôi cho là có. Các xã hội trước kia và hiện nay chỉ là những hệ thống phức tạp gồm con người và công nghệ.

Thuyết "tai nạn bình thường" nói rằng những hệ thống công nghệ phức tạp thường mở đường dẫn tới thất bại. Cho nên sự sụp đổ có lẽ là hiện tượng bình thường cho các nền văn minh, bất kể chúng có kích cỡ, quy mô ra sao.

Chúng ta vào lúc này đang tiến bộ hơn các nền văn minh khác về mặt công nghệ. Thế nhưng điều này không khiến ta tin rằng chúng ta miễn dịch với các mối đe doạ vốn từng hủy hoại tổ tiên chúng ta. Khả năng công nghệ mà chúng ta mới khám phá ra thậm chí còn đem lại những thách thức mới, chưa từng xảy ra.

Hiện nay chúng ta đang đạt quy mô toàn cầu, nhưng việc sụp đổ có vẻ như sẽ xảy ra ở cả các đế chế rộng lớn lẫn các vương quốc còn non nớt. Không có cơ sở gì để tin rằng việc chúng ta phát triển tới quy mô to lớn sẽ giúp tạo ra bộ khiên giáp chống lại tình trạng xã hội tan rã.

Hệ thống kinh tế toàn cầu hoá vốn gắn bó như hình với bóng với xã hội đó, sẽ càng làm cho cuộc khủng hoảng lan rộng.

Getty Images

Tình hình khí hậu ngày càng trở nên tồi tệ

Nếu như số phận của các nền văn minh trước đây có thể là lộ trình cho tương lai của chúng ta, thì chuyện đó nói lên điều gì?

Ta có thể dùng một biện pháp là xem xét các xu hướng sụp đổ từng xảy ra trong lịch sử và quan sát xem chúng đang dần diễn ra như thế nào trong thời đại này.

Tuy không có bất kỳ một học thuyết đơn lẻ nào được chấp nhận về việc vì sao một nền văn minh lại đi đến sụp đổ, nhưng các sử gia, các nhà nhân chủng học và những người khác đã đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau, trong đó có:

THAY ĐỔI KHÍ HẬU: Khi tình trạng khí hậu không còn ổn định mà bị thay đổi thì nó sẽ gây ra những kết quả vô cùng tai hại, như mùa màng thất bát, nạn đói và sa mạc hoá.

Sự sụp đổ của Anasazi, nền văn minh Tiwanaku, đế quốc Akkad, người Maya, Đế chế La Mã, và nhiều nền văn minh khác, đều xảy ra cùng lúc với sự thay đổi khí hậu đột ngột, mà thường là nạn hạn hán.

MÔI TRƯỜNG SUY THOÁI: Sự sụp đổ có thể xuất hiện khi nhu cầu của xã hội vượt quá khả năng chịu đựng của môi trường tương ứng. Thuyết sụp đổ về sinh thái này, vốn là chủ đề trong các quyển sách ăn khách, chỉ ra rằng tình trạng khai thác rừng quá mức, ô nhiễm nước, đất bạc màu và việc mất đi sự đa dạng sinh học là các nguyên nhân chủ chốt.

BẤT BÌNH ĐẲNG VÀ CHẾ ĐỘ QUYỀN LỰC TẬP TRUNG: Sự bất bình đẳng về tài sản và chính trị là những động lực trung tâm gây ra tình trạng xã hội tan rã, cũng như việc trung ương hoá, tập trung quyền lực vào tay một số nhà lãnh đạo. Việc này không chỉ gây ra những căng thẳng trong xã hội, mà còn trói buộc, cản trở năng lực của xã hội trong việc ứng phó với các vấn đề sinh thái, xã hội và kinh tế.

Lĩnh vực lịch sử - động lực (cliedymamics) phác ra việc các yếu tố, chẳng hạn như sự liên quan giữa sự bình đẳng và vị trí địa lý với tình trạng bạo lực chính trị.

Việc phân tích số liệu thống kê về các xã hội trước đây cho thấy điều này xuất hiện theo chu kỳ.

Khi dân số tăng lên, nguồn lao động cũng tăng lên, dẫn tới cung vượt cầu. Khi đó, nhân công trở nên rẻ hơn và xã hội trở nên quá nặng nề ở phần thượng tầng. Sự bất bình đẳng này làm xói mòn tâm lý đoàn kết chung, từ đó dẫn tới tình trạng bất ổn chính trị.

SỰ PHỨC TẠP: Chuyên gia nghiên cứu về sự sụp đổ của các nền văn minh, sử gia Joseph Tainter đưa ra ý kiến rằng các xã hội rốt cuộc sụp đổ bởi chính sức nặng của mình, được tích tụ lại thành sự phức tạp và tình trạng quan liêu.

Để giải quyết được các vấn đề mới, các xã hội đã phải phát triển lên mức độ phức tạp, tinh tế. Thế nhưng mức độ phức tạp đến một lúc nào đó sẽ đạt mức cực thịnh rồi dần đi xuống. Từ đó trở đi sẽ tới lúc sụp đổ.

Có một biện pháp khác giúp tăng mức độ phức tạp, được gọi là Lợi tức Năng lượng Đầu tư (Energy Return on Investment - EROI). Thuật ngữ này được dùng để chỉ tỷ lệ giữa tổng năng lượng có được từ một nguồn tài nguyên nào đó và số năng lượng cần thiết phải sử dụng để thu được tổng năng lượng đó.

Cũng giống như sự phức tạp, EROI có vẻ như cũng có điểm cực thịnh rồi đi đến thoái trào.

Trong cuốn The Upside of Down của mình, khoa học gia Thomas Homer-Dixon quan sát thấy sự xuống cấp của môi trường trong suốt thời kỳ tồn tại của Đế chế La Mã đã dẫn tới sự đi xuống nhanh chóng của EROI trong nguồn cung ứng lương thực thực phẩm: các vụ mùa lúa mạch và cỏ linh lăng (alfalfa - chuyên để nuôi gia súc). Đế chế La Mã đi xuống cùng với EROI của nó.

Tainter cũng cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ, trong đó gồm cả sự sụp đổ của nền văn minh Maya.

NHỮNG CÚ SỐC TỪ BÊN NGOÀI: Nói cách khác, đó là "tứ kỵ mã", gồm chiến tranh, thiên tai, nạn đói và bệnh dịch.

Ví dụ như Đế chế Aztec bị xoá sổ do những kẻ xâm lược Tây Ban Nha. Hầu hết các nhà nước nông nghiệp tàn lụi là do những trận dịch bệnh chết người.

Việc con người và gia súc sống quần tụ trong những khu định cư có tường rào vây quanh với điều kiện vệ sinh tồi tệ khiến các trận bùng phát dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi.

Có đôi khi các thảm hoạ khác nhau xảy ra cùng lúc, như trong trường hợp người Tây Ban Nha mang bệnh đường ruột tới châu Mỹ.

NHỮNG YẾU TỐ TÌNH CỜ / XUI XẺO: Phân tích số liệu thống kê về các đế chế cho thấy sự sụp đổ xảy ra ngẫu nhiên và không liên quan gì tới thời gian đã tồn tại của đế chế.

Nhà sinh học chuyên về tiến hoá và khoa học gia chuyên về phân tích dữ liệu Indre Zliobaite cùng các đồng nghiệp của bà đã quan sát thấy có mô hình tương tự trong hồ sơ tiến hoá của các loài.

Có một sự giải thích chung cho sự ngẫu nhiên này, đó là "Hiệu ứng Nữ hoàng Đỏ": nếu các loài liên tục đấu tranh sinh tồn trong một môi trường thay đổi với các đối thủ cạnh tranh, thì sự tuyệt chủng sẽ rồi sẽ đến với một số loài.

Tuy đã có khá nhiều các cuốn sách, các bài báo viết về chủ đề này, nhưng chúng ta vẫn không có một lời giải thích rõ ràng về lý do khiến các nền văn minh sụp đổ.

Điều mà chúng ta đã biết đó là các yếu tố được nêu trên đây đều có thể góp phần dẫn tới sự sụp đổ đó.

Sự sụp đổ chỉ là hiện tượng bên trên, còn các yếu tố bên dưới, kết hợp lại với nhau, chính là thứ tàn phá, tác động tới khả năng thích ứng của xã hội.

Luke Kemp là nhà nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu về sự sinh tồn của các xã hội, Centre for the Study of Existential Risk, tại Đại học Cambridge.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Theo BBC

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness