TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 74
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 6937
  • Tổng truy cập: 5140256
Chi tiết bài viết

Việt Nam và đối đầu Mỹ-Trung

Tác giả: Nguyễn Quang Dy

Lời mở đầu

Đại hội Đảng XII (28/1/2016) nhận định: “tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường”. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao 30, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng nhấn mạnh: “Chúng ta cần thường xuyên theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình bên ngoài và nhất là đánh giá thật kỹ các tác động đến Việt Nam, để không bị động, bất ngờ và có đối sách đúng”.  

Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra (6/7/2018), có người cảnh báo: “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”, trong khi người khác ví von: “Nhật, Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta”. Khi cuộc chiến bước sang giai đoạn hai (từ 24/9/2018), người ta giật mình nhận ra chiến tranh thương mại chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Những góc khuất của một cuộc đối đầu Mỹ-Trung bắt đầu lộ diện: chiến tranh tiền tệ, trừng phạt tài chính, chiến tranh mạng, cấm vận công nghệ, cô lập ngoại giao, chạy đua vũ trang, đối đầu quân sự. Đó là các mảnh ghép của một chiến lược tổng thể Mỹ đang nhắm vào Trung Quốc, từ “đối tác chiến lược” (theo constructive engagement) nay trở thành “đối thủ chiến lược số một”.

Nhiều người sốt ruột muốn biết liệu đối đầu Mỹ-Trung sẽ kéo dài bao lâu, và tác động đến Việt Nam thế nào. Đây là một câu hỏi khó giải đáp (dù là giả định) vì câu chuyện còn đang diễn biến. Nếu đối đầu Mỹ-Trung là một xu hướng, thì chắc nó sẽ kéo dài khá lâu, cũng như xu hướng hợp tác Mỹ-Trung trước đây đã kéo dài hơn bốn thập niên. Jack Ma (ông chủ Alibaba) cảnh báo nó “có thể kéo dài tới 25 năm”. Việt Nam chắc sẽ bị tác động, tuy chưa biết tới mức nào. “Tác hại ngoài dự kiến” (colateral damage) là khó lường nếu Việt Nam không nhân cơ hội này điều chỉnh chiến lược theo hướng thoát Trung, điều tiết thế cân bằng thụ động (hedging) thành chủ động tái cân bằng (active rebalance), để tạo không gian sinh tồn an toàn hơn.

Để hiểu rõ hơn các đặc điểm của đối đầu Mỹ-Trung, cần nhìn lại bối cảnh lịch sử và những diễn biến gần đây như những mảnh ghép của một bức tranh địa chiến lược đầy biến số. Bài này (gồm 9 phần được đăng qua nhiều kỳ) cố gắng tổng hợp các tư liệu như một bức tranh toàn cảnh để làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu. Đây là quá trình nghiên cứu còn để ngỏ, cần tiếp tục cập nhật thông tin, đối chiếu và phân tích làm cơ sở lựa chọn chính sách, nhưng chưa vội đề xuất đối sách cụ thể, để tránh ngộ nhận và kết luận vội vàng.

Bối cảnh lịch sử: Trung Quốc trở về tương lai

Về địa lý, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng phải ăn đời ở kiếp, dù muốn hay không, và cũng không thể dọn đi nơi khác. Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ lối ra Biển Đông của Trung Quốc, không chỉ liên quan tới tranh chấp chủ quyền giữa các nước ven biển mà còn tác động tới bàn cờ chiến lược giữa các nước lớn (như Mỹ-Trung). Có thể nói ai kiểm soát được Việt Nam sẽ kiểm soát được Biển Đông; ai kiểm soát được Biển Đông sẽ kiểm soát được Châu Á; ai kiểm soát được Châu Á sẽ kiểm soát được thế giới.

Về dân tộc, trong lịch sử người Hán đã từng thống trị Trung Quốc và đồng hóa các dân tộc khác, nhưng không Hán hóa được dân tộc Việt. Đến nay chủ nghĩa bành trướng và tham vọng “Hán hóa” (cinicization) vẫn là một vấn nạn lớn. Họ không chỉ bắt nạt các nước láng giềng nhỏ yếu bằng quan hệ kinh tế thực dân như “cá lớn nuốt cá bé” với chính sách “bẫy nợ” thông qua sáng kiến “Nhất đới Nhất Lộ” (BRI), mà còn đe dọa thế giới bằng tham vọng Hán hóa qua xuất khẩu Viện Khổng Tử và “Mô hình Trung Quốc”, được hỗ trợ bởi “chủ nghĩa chuyên chế kỹ thuật số”.

Về lịch sử, trong hàng ngàn năm “Bắc thuộc”, tuy người Viêt đã bị đô hộ tối thiểu 3 lần (tùy cách tính giai đoạn khác nhau), nhưng người Việt luôn tìm cách nổi dậy để giành độc lập. Đến sau sự kiện “Thành Đô” (9/1990), cố ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã cảnh báo: “một thời kỳ Bắc thuộc mới bắt đầu”. Tuy chưa biết lời cảnh báo đó có thành hiện thực hay không, nhưng đó là một câu hỏi lớn còn để ngỏ cho các nhà nghiên cứu. Lịch sử lâu dài và phức tạp giữa hai quốc gia này thường bị tác động bởi một số yếu tố.

Thứ nhất, theo thế giới quan của người Hán, Trung Quốc là “thiên triều” (trung tâm), các nước hay vùng lãnh thổ lân bang là “phiên quốc” (phụ thuộc), được chia thành mấy vòng tròn đồng tâm. Vòng tròn trong cùng (như Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông) nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc (là “khu tự trị”). Vòng tròn thứ hai (như Hong Kong, Ma Cao) nay thuộc chủ quyền Trung Quốc (là “đặc khu hành chính”). Vòng tròn thứ ba (như Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông) nay Bắc Kinh coi là “lợi ích cốt lõi” (tuy vẫn tranh chấp) nhưng họ muốn thâu tóm bằng mọi cách (như dùng “đường lưỡi bò”). Vòng ngoài cùng là các nước láng giềng nhỏ yếu hơn (như Triều Tiên, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Việt Nam, Lào, Campuchia) nay Bắc Kinh coi là “vùng ảnh hưởng” của họ.

Thứ hai, Trung Quốc coi “vùng ảnh hưởng” của họ như “sân sau”, nên muốn kiểm soát Biển Hoa Đông và Biển Đông như cái ao của mình, trong khi tìm cách gạt ảnh hưởng của các cường quốc khác (như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật) ra khỏi khu vực. Mỹ cũng đã từng coi vịnh Mexico và biển Caribbean như “sân sau” của họ (theo “học thuyết Monroe”). Nay Trung Quốc cho rằng họ cũng có quyền chính đáng khi coi Biển Đông như “sân sau”. Người Trung Quốc thường tự hào về lịch sử văn hóa của họ là “trung tâm” hay “Trung Nguyên”, nên coi các dân tộc khác là “man di”, kể cả Phương Tây. Khi người Trung Quốc bị thực dân Phương Tây đến bắt nạt, họ cảm thấy bị hạ nhục, nên luôn “nuôi chí phục thù” và tìm cơ hội vùng lên (hay “trỗi dậy”) để lấy lại “những gì đã mất”.

Thứ ba, Trung quốc đã trỗi dậy và vượt Nhật về kinh tế (2010), trở thành siêu cường kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nay họ muốn vượt Mỹ bằng sáng kiến “Nhất đới nhất lộ” và “Made in China 2025” đầy tham vọng vì “Giấc mộng Trung Hoa”. Với tham vọng đó, Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng, áp đặt “đường lưỡi bò”, bất chấp luật quốc tế (UNCLOS và phán quyết PCA). Trong khi đó, họ thay đổi thực địa và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông mà họ đã chiếm tại Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988). Trước kia, Đặng Tiểu Bình chủ trương “lãnh đạo tập thể” (về đối nội), và “giấu mình chờ thời” (về đối ngoại), nhưng nay Tập Cận Bình đã bỏ qua lời răn của Đặng, chọn mô hình độc tài cá nhân, đi ngược dòng lịch sử (như hoàng đế Trung Hoa), thách thức Mỹ với tham vọng đứng đầu thế giới.

Theo giáo sư David Shambaugh (George Washington University), Tập Cận Bình đã đề cập đến “tầm nhìn cốt lõi” (core vision) của mình về Trung Quốc trong cuốn “Quản trị Trung Quốc” (The Governance of China). Giống tất cả lãnh đạo Trung Quốc muốn tự cường từ đời nhà Thanh từ thập niên 1870, mục tiêu của Tập là “khôi phục lại đất nước Trung Quốc, mà ông gọi là “Giấc mộng Trung Hoa”. Trung Quốc phải có thực lực đủ mạnh như một siêu cường trên thế giới xứng đáng được các nước khác kính nể. Sự hèn kém và nỗi nhục của người Trung Quốc trong lịch sử luôn ám ảnh tâm trí của cả một thế hệ như Tập Cận Bình.

Nhưng Tập Cận Bình đã quay lại với chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa “sùng bái cá nhân”, với những danh xưng kiểu Maoist như “chủ tịch”, “lãnh đạo”, “nòng cốt”, “người cầm lái vĩ đại”. Câu văn bia mới là “Tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” đã được chính thức ghi vào cương lĩnh Đảng và Hiến pháp Nhà nước. Đường lối lãnh đạo tập quyền cá nhân và tập trung quyền lực vào hệ thống Đảng-Nhà nước đã tạo ra một hệ quy chiếu (paradigm) mà Shambaugh gọi là “Chủ nghĩa Lê-nin Phụ hệ” (Patriarchal-Leninism). Như vậy, Tập Cận Bình đã trở thành một lãnh đạo kiểu Leninist của thế kỷ 20 (biệt lập) cầm đầu một đất nước khổng lồ trong thế kỷ kỷ 21 (toàn cầu hóa). Nói cách khác, Tập đang cai trị đất nước chẳng khác gì một “bố già kiểu Ý”. Từ khi lên cầm quyền (năm 2012), Tập đã từng bước đóng cửa Trung Quốc chứ không phải mở cửa rộng hơn (trong khi ông vẫn rao rảng về chính sách “mở cửa”).

Trung Quốc đã siết lại đầu tư nước ngoài và môi trường kinh doanh, đàn áp mạnh xã hội công dân và các tổ chức phi chính phủ, tăng cường học tập chủ nghĩa Marx và kiểm soát hệ tư tưởng đối với toàn bộ hệ thống giáo dục, nhất là các trường đại học, đẩy mạnh chiến dịch bài ngoại để chống lại các “thế lực thù địch nước ngoài”, kiểm soát chặt chẽ báo chí, ứng dụng công nghệ mới vào hệ thống theo dõi chặt chẽ của an ninh, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ Tân Cương và Tây Tạng, trấn áp những người theo đạo thiên chúa và các tôn giáo khác. Chủ trương trấn áp và thụt lùi giống chủ nghĩa Mao hơn là chủ nghĩa Đặng. Đó là cách ứng xử của một lãnh đạo đầy “bất an” chứ không phải của một lãnh đạo tự tin.

Sau thời Mao trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã xây dựng lại thể chế Đảng, nhưng Đặng tin rằng về cơ bản cần giảm bớt kiểm soát để tăng cường sự chính danh và bền vững của Đảng. Trong khi đó, Tập lại tin chắc rằng phải kiểm soát chặt chẽ bằng thể chế và luật lệ. Đây chính là cốt lõi của chủ nghĩa Lenin:  Đảng phải thâm nhập tất cả ngóc ngách của nhà nước và xã hội bằng các chi bộ, như hệ thống vi sinh lan tỏa khắp cơ thể. Tập từng bước xóa bỏ các thành quả cải cách cốt lõi mà Đặng và các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã thực hiện trong bốn thập niên qua. Nay Tập đang dẫn dắt Trung Quốc tiến lên bằng cách đi giật lùi. Trong nhiều lĩnh vực (đặc biệt là về tổ chức Đảng), Tập đã đi thụt lùi kiểu “trở về tương lai” (hay hướng tới một tương lai giống với quá khứ trước cải cách).

Về đối ngoại, Tập cũng “bài Đặng”, bỏ ngoài tai những lời răn chiến lược như “giấu mình chờ thời, không được đi đầu” đã từng dẫn dắt chính sách đối ngoại Trung Quốc từ năm 1989. Tập lập luận rằng đã đến lúc Trung Quốc phải hành xử như một nước lớn. Dưới thời Tập, khắp nơi trên thế giới đã chứng kiến các hoạt động đối ngoại (song phương và đa phương) như một phong trào. Sáng kiến BRI và các đại dự án phát triển hạ tầng mang đậm dấu ấn của Tập như một hiện tượng ít thấy trong lịch sử. Nhưng trong khi hơn 80 nước tham gia sang kiến này thì Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ lại đứng ngoài.

Theo cách diễn ngôn của Bắc Kinh, “Tập không thể sai”. Chính điều này có thể trở thành “gót chân Asin” của Tập. Không có lãnh đạo nào là “không thể sai”. Những lời đồn đại ngấm ngầm ngày càng nhiều về phong cách lãnh đạo kiểu hoàng đế của Tập có thể là điềm báo hiệu những khó khăn sắp tới. Một khi đã dựng lên một hình tượng để tuyên truyền về Tập Cận Bình “không thể sai”, chế độ không thể dễ dàng rỡ bỏ được một hình tượng vô lý về “người cầm lái vĩ đại” của Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc đã chịu đựng các chính sách của Tập, bao gồm hàng triệu cán bộ đảng viên và sỹ quan quân đội đã mất chức và quyền lợi do kết cục các đợt thanh trừng chống tham nhũng. Tất cả đang đợi Tập Cận Bình vấp ngã.

Theo các chuyên gia về Trung Quốc, tài liệu quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình là Báo cáo Chính trị tại Đại hội 19 (18/10/2017). Trong tài liệu đó, người ta thấy chủ trương đối ngoại của Tập tuy nhất quán với mục tiêu cơ bản của những người tiền nhiệm (về bành trướng bá quyền), nhưng ngược với quan điểm của Đặng Tiểu Bình (giấu mình chờ thời).  Sự kết hợp giữa hiện tại (Xi Jinpingism) và quá khứ (Maoism) được gói gọn trong báo cáo của Tập về đối ngoại, với tham vọng “phấn đấu xây dựng một cộng đồng thế giới cùng chung vận mệnh”.

Sau đại hội Đảng 19 (10/2017) Quốc Hội Trung Quốc đã sửa đổi Hiến pháp (3/2018), chính thức bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước, để Tập cận Bình có thể làm “hoàng đế” Trung Hoa suốt đời. Nhiều nước lo ngại nếu Trung Quốc vượt Mỹ, sẽ thống trị thế giới, biến thế kỷ 21 thành “Kỷ nguyên Trung Hoa” (China Century). Nhưng gần đây dư luận cho rằng hệ quả của chiến tranh thương mại và đối đầu Mỹ-Trung có thể đảo ngược xu hướng này. Trung Quốc tuy mạnh nhưng có những yếu điểm. Một số nước khu vực (như Nhật, Nam Hàn, Úc, Ấn Độ) đang liên kết với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày càng hung hăng, can thiệp vào chính trị nội bộ các nước khác, gây phản ứng, làm cho các sáng kiến (như BRI và RCEP) bị nhiều nước nghi ngại. Trung Quốc ngày càng bị cô lập và mất lòng tin tại châu Á.

Theo một báo cáo của CSIS, sau 5 năm triển khai sáng kiến BRI, nó vẫn chưa thực sự thành hình trên thực địa. BRI gồm 6 hành lang kinh tế để lưu chuyển hàng hóa, con người và dữ liệu qua siêu lục địa Á-Âu. Qua phân tích 173 dự án hạ tầng BRI, các chuyên gia của CSIS nhận thấy đầu tư của Trung Quốc trên thực tế không được kiểm soát và phối hợp như Bắc Kinh mong muốn. Có lẽ vì vậy mà làn sóng phản ứng ngược lại đang tăng lên tại nhiều nước, làm lãnh đạo Trung Quốc lo ngại, muốn cải thiện hình ảnh BRI tại các nước đối tác. Nhưng đến nay CSIS vẫn chưa thấy có dấu hiệu chứng tỏ Bắc Kinh đã thực sự hiểu bức tranh chính trị và tài chính đã dẫn đến các phản ứng ngược lại đó.

Điều chỉnh chiến lược: Mỹ đang tỉnh ngộ

Khi Trump ký lệnh rút khỏi TPP (23/1/2017), nhiều người lo ngại ông có thể “đi đêm” với Tập Cận Bình, bỏ rơi lợi ích của đồng minh và đối tác tại Biển Đông, để đánh đổi lấy sự hợp tác của Bắc Kinh tại bán đảo Triều Tiên, nhằm gây sức ép mạnh hơn với Bình Nhưỡng. Nay người ta có thể thở phào như được giải tỏa khỏi ám ảnh về khả năng thỏa thuận ngầm giữa các nước lớn theo khuôn khổ “G-2”. Thực tế gần đây chứng tỏ lập trường của Chính quyền Trump đối với Trung Quốc tỏ ra cứng rắn hơn người ta tưởng. Đánh thuế hàng nhập khẩu Trung Quốc chỉ là một phần nhỏ trong các mục tiêu lớn hơn của Washington, như “phần nổi của tảng băng chìm”. Mỹ không chỉ dùng chiến tranh thương mại, mà còn đang triển khai một cuộc chiến tổng lực để đối phó với Trung Quốc.

Sau khi Donald Trump thắng cử và trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ, thế giới đã bước sang một giai đoạn mới đầy biến động khó lường. Trật tự thế giới đang bị đảo lộn và quan hệ Mỹ-Trung đang bị khủng hoảng, từ hợp tác nay trở thành đối đầu, Trung Quốc nay là “đối thủ chiến lược số một”. Quan hệ Mỹ-Trung dường như trượt theo quy luật “bẫy Thucydides”.

Tổng thống Trump đã chọn dịp họp Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng (10/11/2018) để tuyên bố tầm nhìn “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mở và Tự do”, thay thế chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” của Tổng thống Obama. Đó là thời điểm và địa điểm thích hợp, vì Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng đối với tầm nhìn mới. Tổng thống Trump đã nhắc lại sự tích lịch sử về Hai Bà Trưng chống nhà Hán trước mặt chủ tịch Tập Cận Bình. Sau đó một hoặc hai tháng, Mỹ đã công bố Chiến lược An ninh (NSS) và Chiến lược Quốc phòng (NDS) trong đó vạch rõ Trung Quốc là “đối thủ chiến lược số một”. Tuy tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương còn chưa rõ, nhưng các mảnh ghép của bàn cờ chiến lược mới đang định hình. Chiến tranh thương mại là một nước cờ lớn để Mỹ cô lập Trung Quốc thay vai trò TPP mà người ta vẫn nuôi hy vọng sớm muộn Trump sẽ quay lại như ông đã đề cập tại Davos (với một số điều kiện).

Ngày 25/9/2018, tổng thống Donald Trump đã đọc diễn văn tại Đại hội Đồng LHQ, lên án Chủ nghĩa Xã hội và tố cáo Trung Quốc can thiệp vào bầu cử giữa kỳ của Mỹ. Ông dẫn chứng chính phủ Trung Quốc đã thuê tờ báo Des Moines Register (bang Iowa) đăng một bài công kích ông.  Tuy việc chính phủ các nước thuê báo Mỹ đăng bài để làm PR là chuyện bình thường, nhưng Trump muốn làm to chuyện này vì những lý do khác. Ngày 30/9/2018, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc là Terry Branstad cũng đăng một bài trên báo Des Moines Register với lời lẽ mạnh mẽ hiếm có, lên án Trung Quốc đã lợi dụng tự do ngôn luận và truyền thống tự do báo chí của Mỹđể tấn công tổng thống Mỹ. Đại sứ Branstad là một người ôn hòa, có quan hệ tốt với lãnh đạo Trung Quốc trên ba thập niên qua. Lập trường cứng rắn của Chính quyền Trump đối với Trung Quốc đang được nhiều người Mỹ đồng thuận (như một xu hướng).

Ngày 4/10/2018, phó tổng thống Mike Pence đã đọc một bài diễn văn quan trọng (dài 40 phút) về chính sách Trung Quốc tại Hudson Institute. Bài diễn văn của Mike Pence như “một lời tuyên chiến”,  đặt Bắc Kinh vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Đó là tuyên bố “có thầm quyền và toàn diện nhất” của chính quyền Trump. Nó làm rõ sự khác biệt về thế giới quan của Mỹ và Trung Quốc, báo hiệu sự khởi đầu của một chương mới trong quan hệ Mỹ-Trung, khi Washington “chuyển hướng chiến lược vĩnh viễn”. Nói cách khác, người Mỹ đã tỉnh ngộ và đang tính sổ với Trung Quốc, như một “đồng thuận mới của Washington”. Vì vậy, hãy còn quá sớm để Washington thỏa thuận với Bắc Kinh, mặc dù Bắc Kinh rất muốn, tuy vẫn có đàm phán ở cấp bộ trưởng (như tại Washington) hoặc ở cấp cao nhất (tại Argentina, bên lề Thượng đỉnh G-20).

Nếu đọc kỹ, người ta thấy bài diễn văn về chính sách Trung Quốc của Mike Pence phản ánh nhiều vấn đề mà giáo sư Michael Pillsbury (Hudson Institute) đã đề cập trong cuốn sách “The hundred year Marathon” (xuất bản năm 2015). Trump đánh giá Pillsbury là một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc. Pillsbury là một chuyên gia có quan điểm cứng rắn, đã từng phục vụ mấy đời tổng thống Mỹ, làm Trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng thời tổng thống Reagan, và làm việc sát cánh với CIA và FBI trên bốn thập niên qua. Ông đã tiếp xúc trực tiếp với các lãnh đạo chính trị và quân sự hàng đầu của Trung Quốc, nên cuốn sách nói trên của Pillsbury có nhiều thông tin mà ít người biết, hoặc trước đây chưa được tiết lộ. Phần lớn các quan điểm và bằng chứng mà Pence trình bày trong diễn văn là dựa vào tư liệu được giới tình báo Mỹ đúc kết hơn bốn thập niên, trong đó có sự đóng góp của ông Pillsbury.

Theo số liệu đã công bố, sau sự kiện Thiên An Môn Trung Quốc đã đóng cửa 12% tổng số báo chí, 76% nhà xuất bản, 13 tạp chí khoa học định kỳ, tịch thu 32 triệu cuốn sách, cấm 150 bộ phim, và trừng phạt hơn 80.000 người…Pillsbury thừa nhận vào thời kỳ đó, ông cũng cả tin và ảo tưởng rằng lãnh đạo Trung Quốc đã phản ứng quá đà, chứ trước sau họ cũng sẽ đi theo con đường dân chủ. Không chỉ có Pillsbury mà hầu hết giới tinh hoa và tình báo Mỹ lúc đó đều suy nghĩ như vậy, nên họ không chịu lắng nghe và đã bỏ ngoài tai những thông tin và bằng chứng khác với suy nghĩ (ngộ nhận) của họ. Pillsbury thừa nhận đó là một trong những thất bại lớn nhất của giới tình báo Mỹ.

Pillsbury là người đã nghiên cứu kỹ và hiểu rõ binh pháp của Trung Quốc (như “cờ vây”) mà giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Trung Quốc đã từng áp dụng từ thời Chiến Quốc cũng như hơn bốn thập niên qua để giúp Trung Quốc trỗi dậy. Pillsbury tin rằng Mỹ có thể áp dụng linh hoạt “cờ vây” trong binh pháp từ thời Chiến Quốc để đánh bại Trung Quốc trong trò chơi của chính họ. Có lẽ chính quyền Trump đang từng bước áp dụng một số đề xuất chiến lược đó. Mike Pence đã nổ phát súng cảnh báo Bắc Kinh và công bố chính sách chiến lược của Mỹ đối phó với Trung Quốc. Ông cho biết rằng, một quan chức tình báo cấp cao vừa nói với ông là “những gì người Nga đang làm khá mờ nhạt so với những gì mà người Trung Quốc đang làm tại Mỹ”.

Trong cuốn sách đó, Pillsbury đã đề xuất 12 biện pháp chiến lược:

  1. Nhận diện vấn đề (để không nhầm lẫn thực chất với bề ngoài);
  2. Lưu trữ hồ sơ (Mỹ đã giúp Trung quốc những gì 40 năm qua);
  3. Đo lường tính cạnh tranh (đánh giá thực lực hai bên mạnh yếu chỗ nào);
  4. Hoạch định chiến lược cạnh tranh (cần sáng kiến để có chiến lược, chiến thuật ưu việt);
  5. Mỹ cần nền tảng chung (để tìm đồng thuận giữa các xu hướng khác nhau);
  6. Xây dựng liên minh theo hàng dọc (để vây Trung Quốc như đã vây Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh);
  7. Bảo vệ các nhà bất đồng chính kiến (bị TQ kiểm duyệt và trấn áp);
  8. Cứng rắn trước các hành xử chống lại Mỹ (như gián điệp mạng và ăn cắp công nghệ);
  9. Nhận diện và điểm mặt những kẻ phá hủy môi trường (vì TQ xuất khẩu hàng hóa, công nghệ gây ô nhiễm);
  10. Vạch mặt tham nhũng và kiểm duyệt (để hỗ trợ truyền thông như Wikipedia, Facebook, Yahoo!);
  11. Ủng hộ các nhà cải cách dân chủ (vì TQ rất sợ dân chủ và đa nguyên đa đảng);
  12. Theo dõi và hỗ trợ các cuộc tranh luận (vì Mỹ đã không hành động gì trước biến cố Thiên An Môn).

Tiếp theo bài diễn văn quan trọng về chính sách Trung Quốc tại Viện Hudson (4/10/2018), phó tổng thống Mike Pence vừa đăng một bài quan trọng trên Washing Post (9/11/2018), để cụ thể hóa hơn chiến lược FOIP, và tăng cường phân hóa các nước khu vực, nhằm cô lập Trung Quốc, trước khi ông thay mặt tổng thống đi Châu Á để dự họp cấp cao ASEAN, EAS và APEC (tại Singapore và Port Moresby). Theo Mike Pence, chiến lược Indo-Pacific của Mỹ dựa trên “ba trụ cột chính” (three broad pillars).

Trụ cột thứ nhất là “thịnh vượng” (prosperity). Mỹ đã ký các hiệp định thương mại song phương mới với nguyên tắc “tự do, công bằng, và có đi có lại” với Hàn Quốc, Mexico & Canada (sắp tới với Nhật Bản). Mỹ sẽ đầu tư lớn hơn vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông Pence nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp chứ không phải quan chức chính phủ sẽ dẫn đầu các nỗ lực này vì các chính phủ và doanh nghiệp nhà nước không có năng lực xây dựng sự thịnh vượng lâu dài. Tổng thống Trump vừa ký luật “Build Act” để lập ra quỹ viện trợ phát triển IDFC (International Development Finance Corporation) với ngân sách $60 tỷ. Mỹ cam kết giúp xây dựng hải cảng, sân bay, đường bộ và đường sắt, hệ thống ống dẫn dầu và đường truyền dữ liệu hiện đại cho khu vực. Nhưng Mỹ chỉ giúp các dự án nào mang lại lợi ích cụ thể cho nước chủ nhà cũng như cho Mỹ.

Trụ cột thứ hai là an ninh (làm nền tảng cho thịnh vượng). Theo chiến lược FOIP, Mỹ sẽ hợp tác với “các nước cùng chí hướng” để đối phó với “các mối đe dọa cấp bách nhất hiện nay đối với khu vực”. Mỹ sẽ viện trợ mới để giúp các nước khu vực bảo vệ biên giới của họ (trên bộ, trên biển, và không gian mạng). Mỹ sẽ tiếp tục cộng tác với các đồng minh và đối tác để bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không. Các cuộc tập trận chung vừa qua với Nhật Bản và Ấn Độ đã khẳng định sự cam kết tiếp tục của Mỹ.

Trụ cột thứ ba là ủng hộ các “chính phủ minh bạch và có trách nhiệm, pháp quyền và bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền tự do tin ngưỡng”. Các nước nào trao quyền cho công dân, hỗ trợ xã hội công dân, chống tham nhũng và bảo vệ chủ quyền là “những ngôi nhà vững chắc cho nhân dân nước họ và là đối tác tốt của Mỹ”.

Ngược lại, các nước nào “đàn áp nhân dân, vi phạm chủ quyền các nước láng giềng”, với chế độ chuyên chế và xâm lược sẽ không có chỗ đứng trong khu vực… Mỹ sẽ công bố các thỏa thuận và sáng kiến mới với sự hỗ trợ tài chính quan trọng của chính phủ và cộng đồng kinh doanh Mỹ. “Chúng tôi sẽ nhắc lại cam kết của Tổng thống Mỹ với các đối tác. Mỹ sẽ cộng tác với các nước cùng chí hướng, từ Ấn Độ đến các đảo trên Thái Bình Dương, để phát huy lợi ích chung, cùng đứng lên chống lại bất cứ ai đe dọa lợi ích và giá trị của chúng ta”.

Trò chơi quyền lực mới: Luật chơi mới   

Theo giáo sư Graham Allison (tác giả của thuyết “bẫy Thucydides”), Washington cho rằng Bắc Kinh đã thách thức Mỹ nhiều năm nay, và đã đến lúc Mỹ phải đáp lại. Các Tổng thống trước đây (như Bill Clinton, George Bush, và Barack Obama) về cơ bản đã ngộ nhận về thách thức của Trung Quốc. Quan điểm của Pence phản ánh “một chiến lược nghiêm túc đang hình thành để đối đầu với Trung Quốc”. Cuộc xung đột này đang “diễn ra từng bước” mà “không có văn bản chiến lược cốt lõi nào”. Lời tố cáo độc địa nhất trong diễn văn của Pence là “Trung Quốc can thiệp vào chính trị nội bộ của Mỹ và tác động đến bầu cử giữa kỳ vào 20/11/2018”.

Graham Allison cho rằng, đối đầu giữa Trung Quốc (đang trỗi dậy) và Mỹ (đang bá chủ) có thể dẫn đến chiến tranh mà cả hai bên đều không muốn, và cả hai đều biết đối đầu có thể gây ra thảm họa còn lớn hơn cả Thế chiến I. Đó là tranh chấp quen thuộc, có thể tham khảo một số bài học trước đây. Nhưng lãnh đạo của cả hai nước chẳng thấy ai có kinh nghiệm thực tế để đối phó với một cuộc chiến tranh nóng giữa hai siêu cường. Vì vậy, họ cần nghiên cứu kinh nghiệm của các chính khách trước đây đã từng đối phó với các thử thách tương tự. Để chuẩn bị đối phó với các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn đó, phải có một bộ công cụ mới để đề phòng. Thứ nhất, phải nhận diện được các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn. Thứ hai, phải làm bài tập tình huống giả định để tìm cách ứng phó. Thứ ba, phải tạo ra các van an toàn (circuit breakers) để ngăn ngừa xung đột tự động leo thang. Thứ tư, quan trọng hơn cả là phải có các kênh liên lạc tốt. Trong quan hệ Mỹ-Trung hiện nay, không phải chỉ cần kênh đối thoại thường xuyên giữa hai nguyên thủ, mà phải thiết lập đường giây nóng giữa hai bộ trưởng quốc phòng và các cấp chỉ huy thấp hơn.

Trong khi đó, Joseph Nye (tác giả “quyền lực mềm”) cho rằng tuy Mỹ-Trung chuyển sang một giai đoan mới, nhưng nếu coi đó là chiến tranh lạnh thì “sai lạc” (misleading), mà nên coi quan hệ Mỹ-Trung hiện nay là “đối kháng trong hợp tác” (cooperative rivalry). Quan hệ Mỹ-Trung trải qua bốn giai đoạn, (mỗi giai đoạn kéo dài 2 thập niên):

  1. Giai đoạn xung đột bắt đầu từ Chiến tranh Triều Tiên (1950-53);
  2. Giai đoạn hợp tác hạn chế chống Liên Xô bắt đầu từ khi Nixon thăm Trung Quốc (1972);
  3. Giai đoạn hợp tác kinh tế bắt đầu từ sau Chiến tranh Lạnh (1990);
  4. Giai đoạn hiên nay bắt đầu từ cuối 2017 khi Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ (NSS) xác định đối đầu nước lớn (great power rivalry) với Trung Quốc và Nga là hai đối thủ chính.

Tuy giai đoạn 4 không phải là chiến tranh lạnh (vì còn phụ thuộc nhiều vào nhau), nhưng nó cũng không phải là chiến tranh thương mại đơn thuần. Theo một số chuyên gia (như Graham Allison) giai đoạn 4 đánh dấu một cuộc xung đột giữa siêu cường cũ (là Mỹ) chống lại siêu cường mới (là Trung Quốc), theo thuyết “bẫy Thucydides”. Nhưng Joe Nye cho rằng tiên đoán của Thucydides không nhất thiết trở thành sự thật. Quan hệ Mỹ-Trung đã xấu đi từ trước tranh cử tổng thống (2016), và Trump chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”.

Theo Ash Carter, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, nay là giám đốc Trung tâm Belfer tại Harvard (thay Graham Allison), tầm nhìn chiến lược Châu Á của Mỹ dựa trên “một liên kết tích hợp có nguyên tắc” (principled inclusive network). Quan điểm này của Carter tuy bị Obama coi là “diều hâu” (Obama không muốn làm mất lòng Trung Quốc), nhưng dưới thời Trump, quan điểm của Carter vẫn chưa đủ cứng rắn (hay chưa đủ “diều hâu”) để đáp ứng chủ trương của Trump muốn đối đầu để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Tuy trước mắt, khuyến cáo của Pillsburry (trong cuốn “The hundred year marathon”) có vẻ phù hợp hơn với lập trường của Trump và các cố vấn chính (phái diều hâu), nhưng quan điểm của Carter ủng hộ hiệp định TPP có thể phù hợp hơn về lâu về dài.

Theo đại sứ Hoàng Anh Tuấn (phó Tổng Thư ký ASEAN), Trump cùng lúc tiến hành “5 cuộc chiến lớn” mà chưa có một tổng thống Mỹ nào trước đó dám làm:

  1. Cuộc chiến xác lập “giá trị bảo thủ” và tìm cách đẩy lùi các “giá trị tự do”;
  2. Cuộc chiến chống lại ngay chính đảng đề cử mình để bảo vệ những “giá trị bảo thủ”;
  3. Cuộc chiến chống lại các thiết chế đã định hình và sự “trì trệ” của nước Mỹ;
  4. Cuộc chiến duy trì địa vị siêu cường số một thế giới của Mỹ;
  5. Cuộc chiến nhằm xây dựng một trật tự quốc tế mới.

Theo Trump, các thiết chế do Mỹ lập ra trước kia chỉ phù hợp với bối cảnh cũ. Nay các thiết chế này đã làm xong vai trò lịch sử, nên không còn phù hợp, thậm chí đi ngược lại lợi ích của Mỹ, nên cần đặt lợi ích của “Mỹ trên hết” (America First) và sẵn sàng vứt bỏ các cam kết không thực cần thiết.

Môt số bước đi của Trump để “xoá bàn cờ làm lại”: (1) Rút khỏi các thiết chế/cam kết quốc tế không phù hợp với lợi ích của Mỹ: như TPP và UNESCO; (2) Gây sức ép, đàm phán lại các hiệp định/thoả thuận/định chế cũ: như USMCA với Mexico và Canada, sẽ đàm phán với Nhật và EU theo cách tương tự (cài điều khoản “thuốc độc”); (3) Cắt giảm cam kết tài chính, gây sức ép để cải tổ các định chế quan trọng: như WTO và UN, vì Mỹ đóng góp 22% ngân sách/năm ($5,6 tỷ năm 2017); (4) Tấn công trực diện vào các thiết chế mới ra đời của Trung Quốc: như Chiến lược “Vành đai, Con đường” (BRI) và “Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á” (AIIB); (5) Lập ra các thiết chế/định chế mới: như Chiến lược “Indo-Pacific” (để thay thế chiến lược “xoay trục” (Pivot) hay “tái cân bằng” (rebalance).

Ngày 30/9/2018, Mỹ đã nhanh chóng ký với Mexico và Canada Hiệp định USMCA (thay thế NAFTA). Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross “khoe” rằng chính quyền Trump đã cấy điều khoản 32.10, là “liều thuốc độc” (poinson pill) vào hiệp định USMCA với Mexico và Canada,  và Mỹ cũng làm như vậy với hiệp định thương mại sẽ ký với Nhật và EU. Điều khoản này nhằm cô lập và cấm vận Trung Quốc là “nước có nền kinh tế phi thị trường”. Nếu Trung Quốc từng hy vọng sẽ phân hóa được các đồng minh với Mỹ thì nay có thể vô vọng.

Ngày 3/10/2018, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu (tỷ lệ 93/6) thông qua dự luật “Build Act”, để lập ra IDFC (International Development Finance Corporation) là quỹ viện trợ quốc tế mới có ngân sách $60 tỷ (trong vòng 7 năm). Đây là công cụ “ngoại giao kinh tế” của Mỹ, để đối trọng với BRI & AIIB của Trung Quốc, nhằm giúp các nước khu vực tránh “ngoại giao bẫy nợ”, và hỗ trợ xu hướng “thoát Trung”. Với nguồn lực này, Mỹ cam kết sẽ giúp các nước khu vực xây dựng hải cảng, sân bay, đường bộ và đường sắt, hệ thống dẫn dầu và đường truyền dữ liệu hiện đại như một “kế hoạch Marshall” mới cho khu vực. Phó tổng thống Pence đã công bố kế hoạch này tại APEC 2018 (Port Moresby) như Trump đã công bố tầm nhìn Indo-Pacific tại APEC 2017 (Đà Nẵng). Đây là một bước tiến lớn về tài chính để triển khai chiến lược Indo-Pacific, nhằm đối phó với tham vọng của Trung Quốc tại khu vực.

Ngày 10/10/2018, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu (tỷ lệ 87/10) thông qua Đạo luật Chuẩn chi Quốc phòng NDAA (National Defense Authorization Act), với kinh phí $716 tỷ (cho 2019), so với $640 tỷ (cho 2018). Chính quyền Trump tin rằng với ngân sách đó, Mỹ có đủ nguồn lực để đầu tư vào các chương trình quốc phòng mới, như phát triển năng lực chiến tranh không gian (space warfare), tên lửa tầm trung, máy bay và tàu chiến thế hệ mới, để tăng cường sức mạnh quân sự nhằm đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông và vùng Indo-Pacific.

Ngày 11/10/2018, John Bolton (Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, một nhân vật diều hâu chống Trung Quốc và thân Đài Loan) đã trả lời phỏng vấn chương trình Hugh Hewitt show. John Bolton cho biết Mỹ sẽ hợp tác khai thác tài nguyên (dầu khí) tại Biển Đông “dù có hợp tác với Trung Quốc hay không” và lên tiếng răn đe Trung Quốc “Họ cần phải biết rằng họ không thể đạt được việc đã rồi (fait accompli) tại khu vực này. Đây không phải là một tỉnh của Trung Quốc và sẽ không bao giờ là một tỉnh của Trung Quốc”.

Ngày 16-17/10/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đến thăm Việt Nam (lần thứ hai trong 10 tháng) để tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng cũng như khắc phục hậu quả chiến tranh.  Trong khi đó, hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ có kế hoạch tập trận lớn và kéo dài tại Biển Đông và Biển Hoa Đông (trong tháng 11/2018) trùng với thời gian ông Tập Cận Bình đến thăm Philippines. Gần đây, máy bay B-52 của Mỹ tiếp tục bay qua vùng trời Biển Đông (trên các đảo của Trung Quốc chiếm), trong khi tàu chiến Mỹ và đồng minh tăng cường tuần tra (FONOP) và thủy quân lục chiến Mỹ tập trận tại Biển Đông.

Ngày 20/10/2018, Chính quyền Trump quyết định rút khỏi hiệp ước kiểm soát lực lượng tên lửa tầm trung INF (Intermediate-Range Nuclear Forces, 1987). Mục đích của quyết định này là để Mỹ tự do phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung (500 đến 5.500 km) nhắm vào Trung Quốc, thúc ép Bắc Kinh phải tham gia hiệp ước này, hoặc phải chạy đua vũ trang với Mỹ. Theo các chuyên gia nghiên cứu chiến lược, đây là “một cơn ác mộng đối với Bắc Kinh”, vì một khi Mỹ phát triển và triển khai các loại tên lửa này (cả hạt nhân và thông thường) thì rủi ro đối với các tàu sân bay của Mỹ sẽ giảm thiểu, làm vô hiệu hóa chiến lược chống tiếp cận và chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc.

Theo New York Times, một cuộc chiến tranh lạnh mới đã xuất hiện, và Trung Quốc là một thế lực mới chưa từng thấy trong cuộc chiến tranh lạnh trước đây. Trung Quốc chính là nguyên nhân khiến Trump quyết định rút khỏi hiệp ước INF với Nga, vì Trung Quốc được tự do sản xuất tên lửa hạt nhân và thông thường đủ các loại. Trump và Pence đã thay nhau lên án Trung Quốc tìm cách tác động vào dư luận Mỹ, qua đầu tư, thương mại, đánh cắp công nghệ, thao túng thế giới  mạng. Tuy chưa rõ đó là sự thật hay thủ thuật đàm phán, nhưng Trump tuyên bố (10/11/2018) Mỹ sẵn sàng bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc, như với Liên Xô trước đây.

Theo tạp chí The Economist, các quan chức phụ trách Châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), Bộ Quốc phòng (Pentagon), Bộ Ngoại giao (State), đều là phái “diều hâu” (chống Trung Quốc). Matt Pottinger (tại NSC), Randall Schriver (tại Pentagon), và David Stilwell có thể được bổ nhiệm phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương (tại State). Phái “diều hâu” lo ngại Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, đe dọa Đài Loan, triển khai chính sách “bẫy nợ” thông qua BRI. Họ tin rằng Bắc Kinh muốn biến thế giới này thành nơi an toàn cho chủ nghĩa độc tài thống trị, nên họ đã khuyến nghị phải “đẩy lùi Trung Quốc trên mọi mặt trận” (pushing back on every front). Tuy chính sách thuế quan đánh vào hàng Trung Quốc do Robert Lighthizer (Đại diện Thương mại) phụ trách, nhưng được phái diều hâu đồng thuận với quan điểm cứng rắn của Trump (muốn đối đầu với Trung Quốc). Họ bất bình và lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo đuổi “chủ nghĩa tư bản nhà nước”, dùng tình báo kinh tế ăn cắp công nghệ. Nay không còn thấy ai kêu gọi “Constructive Engagement” (can dự mang tính xây dựng) với Trung Quốc như trước đây.

Thời kỳ bất định: Hệ quả khó lường

Trong đợt đầu chiến tranh thương mại (từ 6/7/2018) Mỹ đã đánh thuế lên $50 tỷ giá trị hàng của Trung Quốc, làm kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng đáng kể. Đợt hai (từ 24/9) Mỹ thông báo sẽ đánh thuế (10% tới 25%) lên $200 tỷ giá trị hàng của Trung Quốc (trong khi Trung Quốc thông báo sẽ đánh thuế lên $80 tỷ hàng của Mỹ). Sau đó Trump tuyên bố sẵn sàng đánh thuế tiếp $267 tỷ hàng nhập của Trung Quốc (đợt ba, từ 12/2018) nếu cuộc gặp Trump-Tập bên lề G.20 (cuối 11/2018) không có tiến bộ. Trump tin rằng sau đợt hai thì Trung Quốc sẽ “hết đạn” và lâm vào thế mắc kẹt chiến lược. Các chuyên gia kinh tế dự báo chứng khoán Trung Quốc sẽ giảm 9,4%, và tăng trưởng kinh tế sẽ giảm xuống còn 5,2% (năm 2019).

Theo New York Times, vào đầu tháng 10/2018, Chính phủ Trung Quốc đã có chỉ thị nội bộ cấm báo chí trong nước đưa tin về 6 vấn đề kinh tế “nhạy cảm”: (1). Kinh tế phát triển chậm lại (thực chất chỉ khoảng 5% chứ không phải 7% như công bố), (2) Nợ công quá lớn (tới $28 ngàn tỷ, bằng 237% GDP), (3) Tác động của chiến tranh thương mại với Mỹ làm đồng NDT mất giá (hơn 9%), dự trữ ngoại tệ giảm mạnh (mất $1.200 tỷ), thị trường chứng khoán giảm sâu (trên 25%), (4) Lòng tin của người tiêu dùng bị suy giảm, (5) Nguy cơ tăng giá và lạm phát, (6) Các vấn đề thời sự nóng bỏng làm dân chúng bất an và bất bình…

Theo báo chí Hong Kong, Bộ Chính trị Trung Quốc lần đầu tiên đã phải thừa nhận nền kinh tế Trung Quốc đang gánh chịu “những áp lực suy giảm ngày càng tăng” (growing downward pressure) do những “thay đổi sâu sắc từ môi trường bên ngoài” làm tốc độ tăng trưởng “chậm lại đến mức thấp nhất”. Trung Quốc cần chú ý đến tình trạng này và “chuẩn bị cho hậu quả kéo dài của chiến tranh thương mại”.

Cuộc đối đầu Mỹ-Trung dưới thời Donald Trump có những điểm tương đồng với chiến tranh lạnh Mỹ-Xô thời Ronald Reagan (cách đây gần 40 năm). Chính sách Reaganomics nhằm hai mục tiêu chính: (1) Tái cấu trúc và hiện đại hóa nước Mỹ; (2) Đổ tiền vào chạy đua vũ trang, buộc Liên Xô phải chạy đua với Mỹ và NATO, đồng thời gài bẫy để Liên Xô sa vào “cú lừa thế kỷ” là sáng kiến “chiến tranh giữa các vì sao” của Mỹ. Nay ngân sách quốc phòng của Chính quyền Trump ngày càng cao: $640 tỷ (cho 2018), và $716 tỷ (cho 2019). So với ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, ngân sách quốc phòng của Mỹ gấp 5 lần.

Trong khi cuộc chiến thương mại được coi là “phần nổi của tảng băng chìm”, nó đang trở thành  một cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế, và “cờ vây” (weiqi) mà Mỹ áp dụng để trừng phạt Trung Quốc. Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên dám đối đầu với Trung Quốc. Trước đây chiến tranh lạnh Mỹ-Xô chủ yếu về quân sự, và chiến tranh thương mại Mỹ-Nhật chỉ về kinh tế, nhưng nay đối đầu Mỹ-Trung là cuộc chiến tổng lực về mọi mặt như chiến tranh thương mại, chiến tranh tiền tệ, phong tỏa kinh tế và cấm vận công nghệ, an ninh quốc phòng. Nói cách khác, đây là đối đầu giữa hai mô hình, được điều hành bởi hai hệ quy chiếu khác nhau.

Lý do chính quyền Trump chọn chiến tranh thương mại để đánh Trung Quốc vì đây là lĩnh vực Bắc Kinh dễ tổn thương nhất. Cán cân thương mại hai nước quá chênh lệch: Năm 2017, Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc $130 tỷ, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc $506 tỷ (thâm hụt $376 tỷ). Lý do Trump chọn thời điểm này để trừng phạt Bắc Kinh là vì kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn điều chỉnh, nên phát triển chậm lại sau một giai đoạn phát triển quá nóng. Điều đó có nghĩa là Mỹ đang ở thế thượng phong để chủ động tấn công Trung Quốc mà không sợ bị ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Mỹ, trong khi kinh tế Trung Quốc đang chịu những hệ quả nặng nề. Chỉ sau mấy tháng, thị trường chứng khoán đã xuống dốc (trên 25%), đồng tiền NDT mất giá (hơn 9%), dự trữ ngoại hối giảm (mất $1.200 tỷ), thất nghiệp tăng cao, nguy cơ bất ổn xã hội càng lớn, nguồn tiền để chi tiêu cho quốc phòng và đầu tư cho đại dự án “Nhất đới Nhất lộ” sẽ không còn được như trước. Điều đáng chú ý là ngược lại với dự báo của các chuyên gia kinh tế, Trump càng siết chặt thuế quan lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc thì kinh tế Mỹ lại càng phát triển tốt hơn. Theo chuyên gia thống kê Vũ Quang Việt, Nếu Mỹ cấm vận Trung Quốc thì GDP của Trung Quốc sẽ giảm 19%, trong khi GDP của Mỹ chỉ giảm 2%.

Về chính trị nội bộ, vị trí của Trump được củng cố sau khi thẩm phán Kavanaugh được bầu bổ sung vào Tòa án Tối cao (sau cuộc điều trần đầy sóng gió tại Thượng viện). Kết quả bầu cử giữa kỳ cũng cho thấy đa số cử tri Mỹ ủng hộ Trump trong cuộc chiến chống Bắc Kinh làm xu hướng chống Trump giảm và xu hướng ủng hộ ông gia tăng. Nếu Bắc Kinh hy vọng Trump sẽ thất bại hoặc thất thế trong cuộc bầu cử giữa kỳ thì điều đó đã không xảy ra. Lập trường chống Trung Quốc có thể giúp đoàn kết nước Mỹ (trong khi vấn đề khác chia rẽ người Mỹ). Quan trọng nhất là Trump đã thuyết phục được đa số cử tri Mỹ ủng hộ chủ trương trừng phạt Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại. Trong cuộc họp báo sau bầu cử (7/11/2018) Trump nói cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh có thể góp phần khắc phục sự chia rẽ nghiêm trọng của nước Mỹ. Trump tuyên bố ủng hộ bà Nancy Pelosi làm chủ tịch Hạ Viện, và sẵn sàng kêu gọi các nghị sỹ Cộng Hòa bỏ phiếu cho bà, vì Pelopsi chủ trương đoàn kết lưỡng đảng. Eliot Engel thừa nhận Mỹ không thể thay đổi được chính trị Trung Quốc, nhưng trong hai năm tới, Trump có thể tập trung vào đối ngoại để định hình lại chính trị thế giới.

Tuy đảng Dân chủ bị chia rẽ, nhưng họ có thể thúc ép Trump phải giải trình và đầu tư nhiều hơn cho chiến lược “Indo-Pacific”, tăng cường năng lực cho Bộ Ngoại Giao (trong 2 năm qua bị xuống cấp). Trump có thể bổ nhiệm David Stilwell (có nhiều kinh nghiệm) làm trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương. Phe Dân chủ có thể điều chỉnh cơ chế tuyển dụng quan chức ngoại giao, và cố gắng thông qua dự luật Chuẩn chi cho Bộ Ngoại giao trước khi có Quốc Hội mới (1/2019). Tuy chính quyền Trump theo đuổi chính sách “diều hâu” về Trung Quốc, nhưng phe Dân Chủ trong Quốc Hội chắc sẽ đồng thuận với chính sách cứng rắn đó, và ủng hộ chủ trương đàm phán với Bắc Triều Tiên.

Tuy Trump là người hay gây tranh cãi, nhưng chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc đang được cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ủng hộ, như một sự đồng thuận mới (new Washington Consensus). Ngay từ khi Trump lần đầu quyết định đánh thuế hàng nhập khẩu của Trung Quốc, các thượng nghị sỹ Cộng Hòa đứng đầu (như Kevin Brady) và thượng nghị sỹ Dân Chủ đứng đầu (như Chuck Schumer) đều lên tiếng ủng hộ Trump. Từ lâu người Mỹ đã tỏ ra bất bình với vai trò WTO, vì cố gắng kết thúc vòng đàm phán thương mại Doha trên thực tế đã thất bại. Chính sách thuế quan của Mỹ, Canada, Trung Quốc, Mexico, và EU có thể làm vô hiệu hóa WTO tới mức “vô phương cứu chữa” (beyond repair).

Theo một khảo sát dư luận toàn cầu (Pew 2018 Global Attitudes Survey) những người ủng hộ Mỹ đã giảm từ 64% (vào cuối nhiệm kỳ Obama) xuống còn 50% (vào năm thứ hai của nhiệm kỳ Trump). Sự tin tưởng đối với tổng thống Mỹ cũng giảm từ 64% (với Obama) xuống còn 27% (với Trump), trong khi sự tin tưởng đối với Tập cũng chỉ có 34%. Mặc dù Tập có tham vọng muốn giới thiệu Trung Quốc là “một mô hình mới” cho các nước lựa chọn để thay thế mô hình dân chủ phương Tây, nhưng hành xử thô bạo và vụng về của Bắc Kinh tại Thượng đỉnh APEC đã làm tổn hại những cố gắng ngoại giao của họ. Khắp châu Á, người ta ngày càng lo ngại về ý đồ của Bắc Kinh, và ngày càng nghi ngờ BRI, như thủ tướng Malaysia Mahathir đã gọi đó là “chủ nghĩa thực dân kiểu mới” (a new version of colonialism).

Gần đây, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute), sáng kiến BRI chỉ gây ấn tượng bằng “tít lớn” (headlines), chứ không phải là “thỏa thuận kinh tế” (economic deals), mặc dù nhiều tít lớn tiêu cực. Đối với các dự án BRI, đang có những phản ứng tiêu cực tại các nước khu vực (như Sri Lanka, Malaysia, và Myanmar). Đó là gánh nặng về nợ (debt burdens), thiếu đầu tư cho cộng đồng, tiêu chí về môi trường thấp, không minh bạch và tham nhũng trắng trợn. Đối đầu Mỹ-Trung càng làm rõ các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh tại Trung Quốc không được đối xử công bằng, bị ép phải chuyển giao công nghệ, tình báo kinh tế tràn lan, trong khi các doanh nghiệp nội địa được trợ giá. Trong khi đó có 57% những người được hỏi (trong ASEAN) ủng hộ sáng kiến “Bộ Tứ” (Squad) về an ninh khu vực, nhằm lập lại trật tự dựa trên pháp luật tại Biển Đông, trong khi 10% phản đối, và 39% sẽ ủng hộ nếu Quad trở thành hiện thực.

Giải mã đối đầu Mỹ-Trung: Xung đột giữa hai hệ thống 

Đối đầu Mỹ-Trung không chỉ là chiến tranh thương mại, mà còn là xung đột giữa hai hệ thống chính trị và hai mô hình phát triển khác nhau. Cuộc chiến thương mại chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Trước đây, người Mỹ do ngộ nhận về Trung Quốc, nên đã theo đuổi chủ trương hợp tác suốt bốn thập niên. Người Trung Quốc cũng do ngộ nhận về Mỹ nên đã bị động và bất ngờ về cuộc chiến thương mại, nay đang leo thang trở thành một cuộc chiến tổng lực (chưa thấy điểm dừng). Chắc Bắc Kinh đang đau đầu tìm cách đối phó, sau khi đã cay đắng nhận ra rằng hệ thống tuyên truyền một chiều của họ (do thiếu phản biện) đã góp phần làm cho họ ngộ nhận và nhầm lẫn trong cách đánh giá về chính quyền Trump, làm vô hiệu hóa công tác nghiên cứu chiến lược. Theo Fox News, đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải tuy đã ở Washington 5 năm, nhưng phải thừa nhận là vẫn chưa hiểu Trump, “Chúng tôi không thực sự biết Mỹ muốn nhắm vào những ưu tiên nào…rất khó hiểu”.

Không phải chỉ người Trung Quốc không hiểu Trump, mà nhiều người Mỹ cũng không hiểu Trump thực sự muốn gì, định làm gì, và làm thế nào. Không phải chỉ vì Trump có tính khí thất thường và “vô chiêu” nên khó đoán, mà còn do người ta thường ngộ nhận và nhầm lẫn bởi hệ quy chiếu của chính mình. Thời nay, con người dễ sa vào “bẫy hậu sự thật”, vì “tin vịt” (fake news) và “thật giả lẫn lộn” (half- truth) dễ gây ngộ nhận và nhầm lẫn. Nhiều người hay sa vào tiểu tiết, chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”, nên không thấy bức tranh lớn. Trong khi đó, ông Henry Kissinger (đã 95 tuổi) nhưng vẫn có nhận xét sắc sảo: “Donald Trump là một hiện tượng mà các nước khác chưa hề thấy và nay có thể trở thành một tổng thống đáng kể”.

Trong cuốn sách mới xuất bản “21 bài học cho thế kỷ 21”, sử gia Yuval Harari cho rằng thế kỷ 21 là kỷ nguyên “hậu sự thật” (post-truth). Tuy thông tin nằm trên đầu ngón tay, nhưng phải thực sự cố gắng mới tìm ra được sự thật. “Sự thật không nói chuyện với quyền lực” (Truth doesn’t speak to power). Người ta tưởng rằng lãnh đạo có nhiều ảnh hưởng thì biết nhiều hơn người bình thường, hoặc họ biết nhiều sự thật hơn người khác. Nhưng thực tế không phải như vậy. Tại sao? Vì khi người ta càng có nhiều quyền lực thì những người xung quanh họ càng hạn chế chia sẻ thông tin quan trọng cho họ. Thay vào đó, những người xúm quanh lãnh đạo thường quan tâm hơn đến việc xu nịnh và tâng bốc, nên hạn chế khả năng nói ra điều gì đó không hợp khẩu vị lãnh đạo hoặc có thể bất lợi cho họ khi tiếp xúc. Vì vậy, nếu muốn tiếp cận sự thật thì hãy cố gắng tìm kiếm nó ở vòng ngoài (fringe) hơn là tại trung tâm (mainstream).

Đánh giá về Trump quả là khó. Dư luận Mỹ phân hóa cao độ, không chỉ giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa mà còn trong nội bộ đảng Cộng Hòa, thậm chí ngay trong Nhà Trắng (như trong cuốn sách mới của Bob Woodward). Không chỉ giới “tinh hoa” (establishment) mà giới báo chí cũng bị phân hóa. Gần đây, 350 tờ báo đã đồng loạt đăng xã luận lên án Trump chống lại tự do báo chí, gọi báo chí là “fake news” và “kẻ thù của nhân dân”.  Trước đây, có nhiều người nói xấu Trump như một kẻ bất tài đáng ghét, nay nhiều người khen Trump như một thiên tài đáng khâm phục. Thực tế là từ khi Trump cầm quyền, kinh tế Mỹ đang tốt lên. Đó là do công của Trump hay do may mắn thì chưa rõ, nhưng Trump dám thách thức Trung Quốc (trước đây Obama không dám làm). Không những thế, Trump còn dám cùng lúc tiến hành “năm cuộc chiến lớn” (mà trước đây không tổng thống nào dám làm).

Trong một bài trang bìa của tạp chí The Diplomat nhan đề “chính sách của Trump tại Châu Á” (Trumping Asia), Abigail Grace đã tóm lược mấy đặc điểm của chính quyền Trump sau hai năm cầm quyền. Theo tác giả, Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) và Chiến lược Quốc phòng (NDS) được bổ sung bởi báo cáo điều tra của Robert Lighthizer (Đại diện Thương mại). Những lời cáo buộc Trung Quốc đã gây sửng sốt dựa trên kết quả điều tra (theo Điều 301 Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ năm 1974) về các công ty Mỹ bị ép phải chuyển giao công nghệ, là nền tảng chính sách để Mỹ khởi động cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung vốn mang tính cấu trúc nay lại bị Tập Cận Bình làm trầm trọng thêm bởi chủ trương dựa vào kinh tế quốc doanh, mà không tiếp tục cải cách kinh tế và chính trị như một giải pháp về lâu dài…Trong khi đó, người ta không để ý đến một biến chuyển bất ngờ trong khu vực Đông Bắc Á đã giúp Mỹ có thêm không gian chiến lược, khi Chủ tịch Kim Jong Un (của Triều Tiên) và Tổng thống Moon Jae-in (của Hàn Quốc) xúc tiến đối thoại Liên Triều với một “quyết tâm không gì ngăn cản nổi”, và chính họ đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử tại bán đảo Triều Tiên.

Mỹ ngày càng chú trọng tăng cường các cơ chế tam giác và tứ giác tại khu vực, dựa trên nhận thức mới là “tầm nhìn Indo-Pacific tự do và rộng mở” không thể thành công nếu chỉ có “một mình Mỹ”. Những sáng kiến hợp tác ba bên mới nổi lên gần đây như tam giác Mỹ-Nhật-Úc và tam giác Mỹ-Nhật-Ấn, đang giúp các nhân tố dân chủ tiềm năng nhất của khu vực đề xuất các đối sách để đối phó với sáng kiến “Nhất đới Nhất lộ” của Trung Quốc. Trump cũng tuyên bố sẽ đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với Philippines và Việt Nam. Chiến lược “Indo-Pacific” của chính quyền Trump cũng bắt nguồn từ thực tế chiến lược đã thúc đẩy chính quyền Obama “xoay trục” sang Châu Á, chỉ khác ở chỗ nay muốn lôi kéo Ấn Độ hội nhập vào khuôn khổ khu vực, mà không có đòn bẩy kinh tế (như TPP). Mỹ cần hợp tác với các đối tác tiềm năng tại khu vực (như Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore) làm nền tảng cho sự phát triển những nền kinh tế thị trường năng động.

Theo giáo sư Minxin Pei (Claremont McKenna College), trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung về thương mại và địa chính trị gia tăng, Trung Quốc đang tăng cường “ngoại giao quyến rũ” (Charm Offensive) với các nước khu vực. Tuy các nước láng giềng hoan nghênh thái độ mềm mỏng hơn của Bắc Kinh, họ không dễ bị lừa bởi các lời đường mật hay hay thỏa thuận thương mại ngọt ngào.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và trước triển vọng hòa giải liên Triều và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thủ tướng Shinzo Abe đã gặp chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh (25-27/10/2018). Hai bên đều có nhu cầu muốn “hạ nhiệt” quan hệ hai nước sau khủng hoảng Điếu Ngư, để mở ra “một chương mới” trong quan hệ Trung-Nhật. Tuy Trung Quốc muốn giảm căng thẳng trong quan hệ với Nhật để phòng xa (hedging) trước tình thế mới, nhưng Bắc Kinh rất khó lôi kéo được Tokyo trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nói cách khác, dù lập trường và lợi ích của Tokyo và Washington về Triều Tiên có khác nhau thì về cơ bản Tokyo vẫn cần Washington hơn là cần Bắc Kinh. Ngoài cải thiện quan hệ với Nhật, Trung Quốc cần cải thiện quan hệ với ASEAN. Trong dịp họp Thượng đỉnh ASEAN 2018 (Singapore, 12-15/11/2018), thủ tướng Lý Khắc Cường đã ký một hiệp định FTA (song phương) với Singapore. Sau cuộc họp Thượng đỉnh APEC 2018 (Port Moresby, 15-18/11/2018) chủ tịch Tập Cận Bình đã đi thăm Philippines (20-21/11/2018), trong chiến dịch “ngoại giao quyến rũ”.

Tuy chiến dịch này không có gì mới, nhưng thời điểm hiện nay đáng chú ý khi Mỹ điều chỉnh chiến lược, từ hợp tác (engagement) suốt bốn thập niên qua, nay chuyển sang đối đầu nhằm kiềm chế Trung Quốc đang trỗi dậy. Vì vậy, thái độ mềm mỏng hơn của Trung Quốc phản ánh sự thay đổi tình thế trong bức tranh địa chiến lược khu vực, chứ không phải Bắc Kinh thật lòng hay thay đổi mục tiêu chính. Gần đây bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh được lệnh hạ bớt giọng dân tộc chủ nghĩa cứng rắn, để tránh làm mất lòng các nước láng giềng, không chỉ đối với Nhật, Hàn Quốc, (chủ yếu vì lý do thương mại), mà còn đối với Singapore, Indonesia, Philippines và Việt Nam (vì cả lý do địa chính trị, liên quan đến Biển Đông). Trung Quốc buộc phải tạm kiềm chế tham vọng bành trướng lãnh thổ, trước mắt không vội quân sự hóa và biến Scarborough Shoal (đã chiếm của Philippines năm 2012) thành một đảo nhân tạo mới.

Trong khi đa số các nước khu vực hoan nghênh và phản ứng tích cực với chiến dịch lấy lòng của Trung Quốc, điều đó không có nghĩa Trung Quốc giành được thêm đồng minh trong cuộc chiến thương mại và đối đầu Mỹ-Trung hiện nay. Tuy hầu hết các nước châu Á không muốn sống trong cái bóng của bá quyền Trung Quốc, nhưng họ không muốn phải chọn một bên. Nỗi ám ảnh đó từ lâu là xương sống của kiến trúc an ninh Đông Á của Mỹ, dựa trên quan hệ đồng minh và triển khai lực lượng của Mỹ tại khu vực để đối trọng với Trung Quốc. Nếu xảy ra xung đột Mỹ-Trung (triển vọng này ngày càng cao) thì hầu hết các nước khu vực (như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Việt Nam) chắc sẽ ủng hộ Mỹ chứ không phải Trung Quốc.

Vì vậy, nếu Trung Quốc muốn lấy lòng các nước khu vực, họ phải nhân nhượng nhiều hơn về các vấn đề an ninh, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ. Ví dụ, muốn thuyết phục được Nhật rằng Trung Quốc không phải là mối đe dọa, thì Bắc Kinh phải giải quyết thỏa đáng tranh chấp đảo Điếu Ngư. Cũng như vậy, muốn làm các nước láng giềng ASEAN hết lo ngại, Bắc Kinh phải chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông. Nhưng thực tế không có khả năng Tập Cận Bình chịu bỏ mục tiêu “làm Trung Quốc vĩ đại trở lại”, nên càng không có khả năng Bắc Kinh sẽ chấp nhận những nhân nhượng như trên. Vì vậy, chừng nào Trung Quốc chỉ mềm dẻo về chiến thuật, thì họ chỉ đạt được mục tiêu chiến thuật.

Tiến thoái lưỡng nan: Bốn cái bẫy lớn

Theo Andrew Sheng và Xiao Geng trong bài phân tích trên Project Syndicate (26/11/2018), Trung Quốc đang đứng trước bốn cái bẫy lớn. Thứ nhất là cái bẫy thu nhập trung bình (middle-income trap). Hiện nay mức thu nhập trên đầu người của người Trung Quốc là khoảng $9.000/năm, còn quá thấp so với ngưỡng thu nhập cao trên $12.000-$13.000. Muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, phải thay đổi thể chế. Thứ hai là bẫy Thucydides (Thucydides Trap, theo Graham Allison), vì đối đầu Mỹ-Trung đang xô đẩy Mỹ (siêu cường cũ) và Trung Quốc (siêu cường mới) vào một cuộc chiến khó tránh khỏi vì lo sợ bị thay thế vị trí đứng đầu. Thứ ba là bẫy Kindleberger (theo Joseph Nye), vì Trung Quốc có thể sa vào tình huống khủng hoảng của thập niên 1930 khi trật tự thế giới đổ vỡ. Thứ tư là bẫy biến đổi khí hậu, vì Trung Quốc phát triển quá nóng, nay lãnh đạo Trung Quốc phải có chính sách hợp tác quốc tế để đối phó với những thực tế mới. Để tránh được bốn cái bẫy này là rất khó (hầu như là bất khả thi), nếu Trung Quốc không thay đổi thể chế.

Vấn đề đối nội của Trung Quốc hiện nay là về cơ cấu và thể chế (structural) chứ không phải về vận hành (operational). Mọi giải pháp chiến thuật (tactical) để đối phó như hoãn binh nhằm tồn tại hoặc phát triển tiếp như trước đây không còn khả thi nữa. Thứ nhất, nó đã vượt qua giới hạn mà quy luật cho phép. Thứ hai, nó không còn được người dân (bên trong) đồng tình như trước vì nhu cầu phát triển. Thứ ba, nó không còn được Mỹ và phương Tây (bên ngoài) hỗ trợ như trước vì lợi ích và ngộ nhận, mà ngược lại còn đang đối đầu. Chính vì vậy, vấn đề đối ngoại hiện nay của Trung Quốc (đang đối đầu với Mỹ và phương Tây) cũng là về cơ cấu và thể chế (structural) giữa hai hệ thống chính trị và hai mô hình phát triển khác nhau, chứ không phải về vận hành (operational). Mọi giải pháp chiến thuật để đối phó và hoãn binh nhằm giải tỏa tạm thời căng thẳng không giải quyết được vấn đề. Nó giống như hai chiếc xe tải chở đầy trứng đang lao vào nhau vì sức hút của “bẫy Thucydides”. Nếu người ta chỉ lo cứu trứng khỏi vỡ mà không thay người lái và đổi hướng xe chạy thì cũng vô vọng.

Trong khi đó, nội bộ Trung Quốc đang có những dấu hiệu bất ổn, như tiến thoái lưỡng nan. Những gì đang diễn ra tại Trung Quốc đã khẳng định một hiện tượng mới là Trung Quốc đang trở về quá khứ, tuy phát triển công nghệ cho tương lai. Bắc Kinh không chỉ tăng cường trấn áp bằng sức mạnh cứng (như trước), mà còn đang triển khai hệ thống kiểm soát bằng sức mạnh mềm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data), vào “hệ thống cho điểm xã hội” (social credit system). Xu hướng này đang tăng lên, có thể do Bắc Kinh chưa phải trả giá về đối ngoại nên không lo ngại. Thậm chí Bắc Kinh còn tự tin cho rằng Trung Quốc đã trỗi dậy và giàu có với vị thế quốc tế như hiện nay, họ có thể vô hiệu hóa được sự phản đối, và nhân rộng “mô hình XHCN đặc sắc Trung Quốc” ra khắp thế giới, bao gồm cả “chủ nghĩa chuyên chế kỹ thuật số” (digital authoritarianism). Tư duy này càng làm xu hướng độc tài thêm cứng rắn.

Theo các nguồn tin Trung Quốc, giáo sư Trương Duy Nghinh (Zhang Weiying), Đại học Bắc Kinh, được giải Nobel kinh tế, đã đăng bài tiểu luận trên trang mạng của trường (14/10/2018), làm chấn động dư luận. Trong bài đó, ông đả kích “mô hình XHCN đặc sắc Trung Quốc” là “một tai họa cho đất nước”. Trước đó, Đặng Phác Phương (Deng Pufang), con trai ông Đặng Tiểu Bình, cũng nói ngược lại với chính sách đối ngoại và quốc phòng đầy tham vọng của Bắc Kinh. Bài này được đăng trên trang mạng của Hội Khuyết tật (16/9/2018), trong đó ông Phương nhấn mạnh phải “tìm sự thật trong thực tiễn”, “giữ cái đầu tỉnh táo” và “biết vị trí của mình”. Ông khuyên không nên quá kiêu ngạo đi ngược lại, mà phải khiêm tốn học hỏi theo tôn chỉ “dấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình. Ông Phương có mối liên hệ chặt chẽ với giới “con ông cháu cha”, và có tầm ảnh hưởng lớn trong giới tinh hoa Trung Quôc.

Quan hệ của Trung Quốc với các nước khu vực ngày càng bất ổn, dẫn đến phản ứng ngược lại (backlash) mà gần đây Malaysia là một ví dụ điển hình. Theo các chuyên gia quốc tế, Bắc Kinh đã áp dụng một chiến lược “tự chuốc lấy thất bại” (self-defeating) làm mất lòng các nước láng giềng và hủy hoại hình ảnh mà họ đã mất công xây dựng bằng “tấn công quyến rũ”. Nhiều nước khu vực ngày càng lo ngại sức mạnh của Trung Quốc, mà thủ tướng Mahathir gọi là “chủ nghĩa thực dân kiểu mới”, với chính sách “bẫy nợ”. Bắc Kinh có thể bị cô lập về chiến lược tại khu vực, nếu họ coi nhẹ hậu quả do phản ứng của các nước khu vực làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc. Bắc Kinh cần hiểu rằng việc họ áp dụng chính sách cưỡng bức và thâu tóm (coercive and predatory policy) sẽ kích hoạt các nước khu vực phản ứng ngược lại. Có thể Bắc Kinh tin rằng “ASEAN cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần ASEAN”, và tưởng rằng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ củng cố quan hệ an ninh với các nước Đông Nam Á, đang trở thành “gót chân Asin” của Trung Quốc tại khu vực.

Vị trí của Việt Nam trên bàn cờ Trung – Mỹ

Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng vì là láng giềng của Trung Quốc và cửa ngõ án ngữ con đường họ bành trướng xuống phía Nam. Vị trí đó vừa có lợi thế sống còn (critical asset) vừa có thể là huyệt đạo xung yếu (vulnerable liability) cả về kinh tế và địa chính trị. Vì vậy, muốn giữ độc lập và chủ quyền, Việt Nam (cũng như một số nước ASEAN) trước mắt tuy vẫn phải chơi cờ thế (hedging), nhưng không nên làm “tiền đồn” cho các nước khác (dù Liên Xô hay Mỹ) chống Trung Quốc, cũng không được “hậu thuẫn” giúp Trung Quốc tiến xuống Đông Nam Á. Trong bối cảnh bàn cờ nước lớn đang chuyển biến nhanh chóng, rất phức tạp và khó lường, các chủ trương nhạy cảm (dù đã đề ra trước đó) như luật “ba đặc khu”, luật “an ninh mạng”, và thông tư 19 về sử dụng nhân dân tệ, càng dễ gây tranh cãi và lợi bất cập hại. Trong bối cảnh mới, cái giá phải trả cho sự ngộ nhận và nhầm lẫn về chiến lược có thể khó lường.

Trong bàn cờ chiến lược mới, Mỹ coi Việt Nam là “một đối tác chính ở khu vực” (a key regional partner). Gần đây, quan hệ an ninh Mỹ-Việt được tăng cường với trao đổi chính thức ở cấp cao, cũng như giao lưu hải quân, khi tàu sân bay Carl Vinson đến Đà Nẵng (3/2018). Tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ và các đối tác khác là cần thiết để Việt Nam cân bằng bàn cờ chiến lược Biển Đông. Tuy Việt Nam chưa bao giờ phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc về kinh tế và an ninh (từ sau Chiến tranh Lạnh), nhưng đối đầu Mỹ-Trung đang làm đảo lộn thế cân bằng mà Việt Nam đã cố duy trì, buộc phải điều chỉnh và lựa chọn giữa gắn bó với Trung Quốc hay tăng cường hợp tác với Mỹ để đối phó với nước láng giềng khổng lồ.

Đây là lúc Việt Nam cần khôn ngoan đối phó với tình thế mới bằng cải cách thể chế (vòng hai), chuyển đổi nền kinh tế hiện nay thành kinh tế thị trường hoàn toàn để phát triển (và được thế giới thừa nhận). Về đối ngoại, đây là thời cơ để Việt Nam chủ động tăng cường hợp tác chiến lược với các đối tác lớn trong “Tứ cường” (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, và các nước khác trong và ngoài khu vực, nhằm “tái cân bằng chiến lược” (với tầm nhìn Indo-Pacific). Trong khi Việt Nam triển khai thực hiện CPTPP và thúc đẩy thỏa thuận EVFTA, phải chủ động (cùng Nhật) vận động Washington quay lại “TPP 12”. Đó là những cơ hội và thách thức lớn trước chuyến thăm Mỹ sắp tới (theo dự kiến) của TBT/CTN Nguyễn Phú Trọng. Hy vọng 2019 sẽ là năm bản lề cho những “đột phá chiến lược” về đối ngoại cũng như đối nội.

Tính đến 9/2018, Việt Nam có 16 đối tác chiến lược, trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện (comprehensive strategic partnership), và 12 đối tác toàn diện (trong đó có Mỹ). Tuy gần đây hợp tác Mỹ-Việt đã mở rộng sang cả an ninh-quốc phòng, với tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific, nhưng hợp tác chiến lược Mỹ-Việt vẫn nhạy cảm, dễ bị Trung Quốc hiểu nhầm là nhằm chống lại họ, trong khi Việt Nam chỉ nhằm tự vệ và bảo vệ chủ quyền, dựa trên luật pháp quốc tế (như Luật Biển UNCLOS và phán quyết PCA). Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các nước trong “Bộ Tứ” (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ, cũng như với các đối tác chiến lược khác, trong khuôn khổ “một nhóm nước cùng nguyện vọng” (a coalition of the willing).

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đứng trước các nguy cơ và cơ hội mới. Vấn đề là làm thế nào để nhận diện được nguy hay cơ, và khôn ngoan “biến nguy thành cơ”.  Hiện nay kinh tế Việt Nam vẫn có mấy rủi ro lớn: Một là quá lệ thuộc vào xuất nhập khẩu; Hai là nhập siêu quá lớn (nhất là với Trung Quốc); Ba là quá lệ thuộc vào đầu tư FDI như “bẫy gia công” (chiếm tới 50% tổng sản lượng và 70% hàng xuất khẩu); Bốn là bội chi ngân sách quá cao (tới 6% Tổng sản lượng); Năm là vay mượn quá nhiều (mắc vào “bẫy nợ công”).

Theo chuyên gia Vũ Quang Việt (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 3/9/2018), hiện nay Việt Nam nợ Trung Quốc khoảng $6 tỷ (trong tổng số nợ nước ngoài khoảng $100 tỷ). Đây là một phần của “bẫy nợ” mà Việt Nam đang đau đầu đối phó. Tuy Việt Nam nợ Trung Quốc chưa lớn bằng một số nước khác, nhưng đang tạo ra sức ép lớn trong bức tranh tài khóa hiện nay. Gần đây, Trung Quốc tăng cường thúc ép Việt Nam “gác tranh chấp để cùng khai thác” dầu khí tại Biển Đông. Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố tại Sài Gòn (16/9/2018) “Cách tốt nhất để kiểm soát bất đồng trên biển là hợp tác khai thác trên biển”. Đó là một cạm bẫy mà Philippines và Việt Nam cần phải cảnh giác để phòng tránh (như bài học đắt giá của Malaysia).

Biển Đông: Không của riêng ai hay cái ao của Trung Quốc?

Gần đây, tại Hội nghị TW8 (10/2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW (22/10/2018) về “chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển…”. Đây là một Nghị quyết rất quan trọng, đúng vào thời điểm có những biến chuyển nhanh và khó lường trên thế giới. Nhưng chiến lược phát triển kinh tế biển phải gắn liền với bàn cờ Biển Đông.

Nay Biển Đông không chỉ là “không gian sinh tồn” của Việt Nam, mà còn là “tâm điểm” của đối đầu Mỹ-Trung. Tuy Việt Nam không muốn cùng Trung Quốc “khai thác chung” nguồn dầu khí của mình tại Biển Đông (như họ muốn), nhưng Việt Nam cũng không luôn luôn có thể “khai thác riêng”. Thất bại của dự án hợp tác với Repsol để khai thác mỏ dầu Cá Rồng Đỏ và Cá Kiếm Nâu (lô 136-03 & 07-03) là một bài học. Vấn đề không phải là khai thác chung hay riêng, mà là hợp tác như thế nào để hai bên cùng có lợi, vừa tạo được không gian sinh tồn, vừa giữ được chủ quyền quốc gia. Muốn giữ được chủ quyền và khai thác dầu khí cũng như tài nguyên biển khác, Việt Nam cần khôn khéo hợp tác với Mỹ và các đối tác khác để tạo ra đòn bẩy chiến lược, nhằm tái cân bằng bàn cờ chiến lược tại Biển Đông.

Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ (Jim Mattis và Mike Pompeo) vừa gặp các người đồng nhiệm Trung Quốc (Ngụy Phượng Hòa và Dương Khiết Trì) tại Washington (9/11/2018). Ngoài các chủ đề nóng khác, hai bên đã trao đổi về vấn đề Biển Đông. Nhưng bất chấp rủi ro ngày càng lớn, hai bên dường như vẫn chưa sẵn sàng xuống thang, nên chưa thể có thỏa thuận gì đáng kể.

Tại diễn đàn ASEAN & APEC 2018 tại Singapore và Port Moresby (PNG) lập trường của Mỹ và Trung Quốc về Biển Đông còn rất xa nhau. Theo Reuters (16/11/2018) phó tổng thống Mike Pence đã tuyên bố thẳng thừng tại Singapore: “Biển Đông không thuộc riêng một nước nào, chắc chắn tàu thuyền và máy bay Mỹ sẽ tiếp tục đi qua bất cứ đâu mà luật quốc tế cho phép và lợi ích quốc gia của chúng tôi đòi hỏi”.

Tuần trước đó, đô đốc John Richardson (Chief of Naval Operations) kêu gọi Trung Quốc tuân thủ “quy tắc đã thỏa thuận” để giảm thiểu khả năng tính toán nhầm có thể dẫn đến sự cố khu vực và nguy cơ leo thang. Nhưng điều đó chẳng khác gì kêu gọi Trung Quốc từ bỏ vai trò “chúa tể Biển Đông”. Lo ngại đối đầu ngày càng tăng còn do các chiến hạm Mỹ đang bị đẩy vào thế thủ. Sau 70 năm hải quân Mỹ đã làm chúa tể Thái Bình Dương, nay vị trí đó đang bị Trung Quốc thách thức. Đô đốc Philip Davidson (Indo-Pacific Command) đã nói tại Quốc hội Mỹ (5/2018): Trung Quốc đã kiểm soát được Biển Đông “trong mọi tình huống trừ chiến tranh” (in all scenarios short of war).

Theo Nikkei Asian Review (3/11/2018), Mỹ và Nhật đã tiến hành cuộc tập trận “Thanh kiếm sắc” (Keen Sword) từ 29/10 đến 8/11/2018 tại vùng biển phía nam Nhật Bản, với sự tham gia của 47.000 binh sỹ Nhật và 9.500 binh sỹ Mỹ. Đây là cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay giữa Mỹ và Nhật, tiếp theo sau cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC 2018 (lần thứ 26) từ 27/6 đến 2/8/2018, gồm 45 tàu chiến và tàu ngầm các loại, 200 máy bay chiến đấu và 25.000 binh sĩ đến từ 25 quốc gia. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được mời tham gia tập trận RIMPAC, trong khi Trung Quốc không được Mỹ mời tham gia RIMPAC 2018.

Trong bối cảnh đó, sự cố đối đầu trên biển Đông giữa khu trục hạm USS Decatur (của Mỹ) và khu trục hạm Luyang (của Trung Quốc) gần bãi đá Gaven (30/9/2018) là một sự kiện làm dư luận chú ý. Theo Bill Hayton (Chatham House) đây là lần đầu tiên một chiến hạm Mỹ bị chiến hạm Trung Quốc chặn đầu rất nguy hiểm (chỉ cách 41m) và đe dọa phải đổi hướng nếu không sẽ “gánh chịu hậu quả”. Hành động cố ý này của Trung Quốc để “nâng cấp mức độ phản ứng” là một thông điệp không chỉ với Mỹ mà còn với các nước khác (như Anh và Úc) vì chiến hạm của họ đã tham gia tuần tra FONOP và tập trận tại Biển Đông. Các quan chức hải quân Mỹ lo ngại về một giai đoạn đối đầu mới đang diễn ra tại vùng biển này, trong khi hai bên chưa có thỏa thuận về quy tắc ứng xử để ngăn ngừa leo thang (như thời Chiến tranh Lạnh). Một chuyên gia nói “Việc đụng độ xảy ra chỉ là vấn đề thời gian…Đây là “trò đấu gà” (game of chicken) tại các điểm nóng của Châu Á”.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung càng leo thang (như Chiến tranh Lạnh), thì nguy cơ xung đột càng cao, triển vọng sa vào “bẫy Thucydides” càng lớn. Đó là quy luật vì khả năng va chạm trên biển và trên không luôn tiềm ẩn và đã từng xảy ra giữa Mỹ và Liên Xô (trước đây) cũng như giữa Mỹ và Trung Quốc (gần đây). Vì vậy, hai bên cần tìm cách dàn xếp để không dẫn đến xung đột bất ngờ nếu họ vẫn chưa sẵn sàng chiến tranh. Đó là điều “bình thường mới” (new normal). Nhưng điều không bình thường là Trung Quốc đã khai thác tâm lý sợ chiến tranh và tránh căng thẳng của Mỹ dưới thời Obama để lấn sân và thay đổi thực địa tại Biển Đông, bằng kế “tầm ăn dâu” (salami) như “chuyện đã rồi” (fait accompli).

Theo số liệu công bố năm 2017, hải quân Trung Quốc có 317 chiến hạm (trong đó có 2 tàu sân bay), trong khi hải quân Mỹ có 283 chiến hạm (trong đó có 11 tàu sân bay). Theo một báo cáo, đến năm 2025, Trung Quốc sẽ có 4 tàu sân bay và tăng thêm 30% số máy bay chiến đấu. Dù Mỹ có triển khai 60% lực lượng hải quân của họ tại Thái Bình Dương (như tuyên bố), thì cũng không đủ lực lượng để ngăn chặn hay răn đe Trung Quốc, nhất là tại Biển Đông, nơi “hạm đội dân quân biển” (militia fleet) của Trung Quốc có hàng ngàn chiếc, thường xuyên thao túng và làm chủ vùng biển này như cái ao của mình. Có lẽ đây là điểm yếu nhất của hải quân Mỹ và đồng minh (về lợi thế so sánh lực lượng tại Biển Đông) nếu Mỹ không có một chiến lược nào hiệu quả hơn, mặc dù hiện nay đã có 8 nước đồng minh điều chiến hạm đến Biển Đông để tham gia tập trận và tuần tra (FONOP) với Mỹ.

Tâm lý sợ chiến tranh cũng là một yếu tố răn đe (deterrence). Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã vận dụng tối đa yếu tố này để gây căng thẳng như xung đột về đảo Điếu Ngư, tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), khủng hoảng tên lửa Triều Tiên, để ép đối phương phải nhân nhượng. Tại Biển Đông (5/2014), Bắc Kinh đã dùng dàn khoan HD981 để gây áp lực tối đa, trong khi lặng lẽ thay đổi thực địa và quân sự hóa các đảo họ chiếm. Bên cạnh hạm đội hải quân “biển xanh” (blue ocean), “hạm đội dân quân biển” hùng hậu của Trung Quốc chính là lực lượng cưỡng chế không có đối thủ, để bắt nạt các nước láng giềng nhỏ yếu hơn, trong một “vùng xám” (grey area) mà Trung Quốc có ưu thế tuyệt đối. Nói cách khác, hạm đội dân quân biển của Trung Quốc có thể vô hiệu hóa sức mạnh hải quân Mỹ, bằng cách vận dụng “cờ vây” vào một cuộc chiến cục bộ “không cân xứng” (asymmetric) trong một thế trận mà họ không cần đánh nhưng vẫn thắng.

Theo các chuyên gia, một khi đã xác định vấn đề cốt lõi của Biển Đông là Trung Quốc “nổi dậy” (insurgency) để thay đổi trật tự, thì giải pháp chiến lược của Mỹ và đồng minh và đối tác trong khu vực này là “chống nổi dậy” (counterinsurgency). Muốn chống “nổi dậy trên biển”, họ phải bảo vệ được các hoạt động dân sự chính đáng tại Biển Đông khỏi bị Trung Quốc bắt nạt hay bắt chẹt. Để giúp các nước khu vực thực hiện quyền hợp pháp của mình, theo luật quốc tế về tự do trên biển, họ phải bảo vệ được sinh mạng và tài sản của các doanh nghiệp và người dân trước sự đe dọa của Trung Quốc, để họ có đủ lòng tin vào luật pháp và trật tự tại Biển Đông. Đây chính là điểm yếu nhất về quyền tự do hàng hải hiện nay, khi các hoạt động tuần tra FONOP của Mỹ và đồng minh chỉ “đi qua vô hại”, mà chưa có tác dụng răn đe lâu bền để đảm bảo một không gian sinh tồn. Vì vậy, chính quyền Trump cần vận dụng chính binh pháp Tôn Tử để chống lại Trung Quốc trên Biển Đông cũng như họ đang vận dụng vào cuộc chiến thương mại, để lấy “gậy ông đập lưng ông”.

Mục đích chính của “chống nổi dậy trên biển” là vô hiệu hóa thế mạnh của Trung Quốc tại Biển Đông mà không cần đến chiến tranh, như Trung Quốc đã từng vô hiệu hóa thế mạnh của Mỹ trong mấy năm qua. Nếu Mỹ và đồng minh có thể cân bằng lực lượng bằng sức mạnh cứng (như Quad), đồng thời “chống nổi dậy trên biển” bằng sức mạnh mềm (như TPP), thì mới vô hiệu hóa được thế mạnh của Trung Quốc, để đảm bảo không gian sinh tồn cho các nước khu vực trước sự đe dọa của Trung Quốc.

Theo báo Wall Street Journal (13/11/2018), John Bolton (Cố vấn An ninh Quốc gia) tuyên bố: “Mỹ phản đối bất kỳ thỏa thuận nào giữa Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông mà giới hạn tự do hàng hải”. Trước đó (11/10/2018), Bolton nói Mỹ sẽ hợp tác khai thác tài nguyên (dầu khí) tại Biển Đông “dù có hợp tác với Trung Quốc hay không” và răn đe Trung Quốc “Họ cần phải biết rằng họ không thể đạt được sự việc đã rồi tại khu vực này. Đây không phải là một tỉnh của Trung Quốc và sẽ không bao giờ là một tỉnh của Trung Quốc”.  Trong thời gian này, hai nhóm tàu sân bay gồm USS Ronald Reagon và USS John Stennis đã tiến hành diễn tập tại Biển Đông, để chống tàu ngầm, và khẳng định nguyên tắc tự do đi lại. Tiếp theo cuộc tập trận “Keen Sword”, cuộc diễn tập lần này được tổ chức trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang leo thang, đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bị đình trệ, và phó tổng thống Mike Pence đang dự họp ASEAN & APEC. Tại Port Moresby, Mỹ và Úc đã tuyên bố sẽ giúp Papua New Guinea nâng cấp căn cứ hải quân Lombrum (tại đảo Manus) như một tiền đồn chiến lược mới của Mỹ tại tây Thái Bình Dương.

Theo South China Morning Post (5/11/2018), Đài Loan đang xem xét cho Mỹ sử dụng căn cứ tại đảo Ba Bình (Itu Aba), thuộc Trường Sa. Tuy chưa rõ Washington có muốn sử dụng đảo Ba Bình làm căn cứ hay không, nhưng động thái này rất nhạy cảm đối với Trung Quốc. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang leo thang thành chiến tranh lạnh, khả năng tăng cường hợp tác quân sự giữa Mỹ và Đài Loan là dễ hiểu vì John Bolton là nhân vật diều hâu, thân Đài Loan và chống Trung Quốc. Gần đây, Đài Loan vừa hạ thủy hai khu trục hạm hiện đại (PFG-1112 và PFG-111) trị giá $190 triệu, do Mỹ sản xuất và chuyển giao cho Đài Loan (tháng 11/2018) để tăng cường khả năng chống tàu ngầm tại Biển Đông. Theo ông Michael Pillsbury (Hudson Institute), đã đến lúc phải xem xét lại toàn bộ quan hệ Mỹ-Trung trong đó có Đài Loan và chính sách “Một Trung Quốc”. Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của Đài Loan ngày càng quan trọng, không kém Triều Tiên.

ASEAN & APEC 2018: Hai con voi trong phòng

Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN/EAS Summit (Singapore, 11-15/11/2018) và APEC 2018 (Port Moresby, 12-18/11/2018), Mỹ cử phó tổng thống Mike Pence và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton tới dự. Theo các nhà phân tích, tổng thống Trump vắng mặt đã “bỏ qua một cơ hội tốt vì tính toán sai lầm đúng lúc Mỹ và Trung Quốc đang mắc kẹt vào cuộc chiến giành ảnh hưởng tại một khu vực được coi là sân sau của Bắc Kinh”. Tuy phó tổng thống Pence gần đây có vai trò nổi bật hơn, nhưng sự vắng mặt của tổng thống Trump làm nhiều người thất vọng và lo ngại về cam kết của Mỹ (sau khi Trump bỏ rơi TPP). Theo Ben Rhodes (cựu trợ lý cố vấn an ninh quốc gia thời tổng thống Obama), Trump vắng mặt tại APEC 2018 đã “tặng cho Trung Quốc một cơ hội lớn để mở rộng ảnh hưởng tại khu vực”.

Richard Haass (chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại) cho rằng “Ông Pence không thể thay ông Trump, nếu các nước khác như Trung Quốc có nguyên thủ đến dự”. Ông Trump vắng mặt càng củng cố cảm nhận chung là ông không thực sự coi trọng khu vực này, nên thấy không cần thiết phải có mặt, và cam kết của Mỹ tại Châu Á đang bị suy giảm, trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên.

Theo Fareed Zakaria (Washington Post, November 15, 2018) “trong khi Mỹ lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì họ lại bỏ ngỏ Đông Nam Á cho Trung Quốc thao túng”. Đáng lẽ tổng thống Trump phải dành thời gian đến dự các sự kiện khu vực để làm chủ chương trình, củng cố tinh thần và tăng cường quan hệ đồng minh và đối tác, thì ông lại “mất tích” (MIA). Đó là biểu hiện thiếu quan tâm, chỉ càng làm tăng thêm lo ngại. Đây chính là cơ hội tốt để Trung Quốc và Nga giành thế thượng phong tại diễn đàn ASEAN và APEC 2018.

Brian Harding (phó giám đốc Đông Nam Á tại CSIS) cho rằng Trump quyết định không đến dự họp APEC là “một vấn đề lớn và nhãn quan yếu kém”. Các nước Đông Nam Á muốn quan hệ gắn bó hơn với Mỹ và không muốn khu vực này bị Trung Quốc thống trị, mà “họ muốn các lựa chọn khác nhau và sự cân bằng”. Các nước khu vực muốn Mỹ tăng cường can dự và lãnh đạo khu vực để đối trọng lại tham vọng “Vành đai Con đường” của Trung Quốc, mà thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad gần đây đã gọi là “thực dân kiểu mới”.

Nhiệm vụ chính của Mike Pence tại ASEAN Summit 2018 là trấn an các nước khu vực, khẳng định Mỹ tiếp tục can dự mạnh mẽ vào châu Á, và đề xuất một sáng kiến tốt hơn cho khu vực cả về chính trị và kinh tế (so với sáng kiến BRI của Trung Quốc). Nói cách khác, ông Pence phải cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược “Indo-Pacific Mở và Tự do” mà tổng thống Trump đã tuyên bố tại APEC Đà Nẵng (11/2017). Trong bài phát biểu khai mạc Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN (Singapore, 15/11/2018), ông Pence đã khẳng định “Sự can dự của Mỹ vào vùng Indo-Pacific là vững chắc và lâu dài… Mỹ chỉ tìm kiếm sự hợp tác, chứ không hề muốn kiểm soát… Chúng tôi rất tự hào coi ASEAN là đối tác chiến lược của Mỹ, có vị trí trung tâm trong kế hoạch của chúng tôi tại khu vực Indo-Pacific… Chúng tôi không loại trừ nước nào, mà chỉ yêu cầu các nước khu vực tôn trọng chủ quyền các nước láng giềng và tôn trọng trật tự dựa trên pháp luật… Biển Đông không của riêng nước nào… Đế quốc và xâm lược không có chỗ trong khu vực Indo-Pacific”.

Tại diễn đàn APEC 2018, hai nước thành viên lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc đã đấu khẩu kịch liệt, “gần như trên mọi lĩnh vực” (từ thương mại, đầu tư cho đến an ninh khu vực). Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc là “đế quốc và xâm lăng” (empire and aggression). Khi soạn thảo tuyên bố chung, đại diện các nước nhất trí đưa vào một đoạn “chúng tôi nhất trí chống chủ nghĩa bảo hộ bao gồm tất cả các tập quán thương mại bất công” (We agree to fight protectionism including all unfair trade practices). Nhưng đoàn Trung Quốc quá nhạy cảm với chỉ trích của Mỹ nên phản đối kịch liệt câu này, với cách ứng xử thô bạo và vụng về, nên đến phút chót vẫn không thông qua được. Lần đầu tiên trong lịch sử, hội nghị APEC Summit kết thúc mà không có tuyên bố chung. Theo Bonnie Glaser (chuyên gia CSIS) “đó là một hành động rất ngu xuẩn của Trung Quốc. Tất cả chúng ta đành phải kết luận là Trung Quốc sẽ làm mọi cách để tiếp tục các tập quán thương mại bất công”.

Trong cuộc đấu khẩu, Tập Cận Bình đã cảnh báo “bóng ma chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa đơn phương đang ám ảnh tăng trưởng toàn cầu”, khẳng định BRI là “một dự án mở rộng cho mọi nước tham gia, không phải là cái bẫy như một số người chụp mũ”, nhấn mạnh “lịch sử cho thấy đối đầu, dù dưới hình thức chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại, sẽ không mang tới chiến thắng cho ai cả”. Trong khi đó, Mike Pence cảnh báo “các nước không nên chấp nhận những khoản vay có nguy cơ xâm phạm chủ quyền”, và khẳng định “Mỹ không bao giờ ép buộc các nước khác phải chấp nhận “vành đai bóp nghẹt hay con đường một chiều” (constricting belt or a one-way road)”. Pence khuyên các nước “đừng chấp nhận loại nợ nước ngoài có thể làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia. Hãy bảo vệ quyền lợi của quý vị. Hãy giữ gìn độc lập của quý vị, và cũng như Mỹ, hãy luôn luôn đặt đất nước của quý vị lên hàng đầu”.  Pence còn đe dọa “Washington sẽ không chấm dứt việc áp thuế quan lên hàng nhập từ Trung Quốc chừng nào Bắc Kinh chưa thay đổi cách thức làm ăn”.

Kết quả APEC Summit 2018 tuy làm nhiều người thất vọng, nhưng không bất ngờ, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn đang leo thang thành chiến tranh lạnh, và ông Trump sẵn sàng “xóa bàn cờ chơi lại” khi các định chế quốc tế (theo ông) không còn phù hợp với lợi ích của “nước Mỹ trước hết”. Có lẽ vì vậy nên ông Trump không đến dự, mà cử ông Pence thay mặt, đến để cãi nhau (vì vai trò phó tổng thống Mỹ là “bad cop”). Không chỉ ông Trump, mà còn nhiều người khác cũng coi vai trò của một số tổ chức quốc tế (như WTO, APEC, ASEAN) như các “câu lạc bộ tranh luận” (talk shop), nếu họ không cải tổ. Thất bại của APEC 2018 (tại Port Moresby) lặp lại thất bại của ASEAN 2012 (tại Phnom Penh).

Tại APEC Summit 2018, Mỹ và đồng minh không chỉ có đấu khẩu, mà họ còn cố thể hiện sức mạnh để phân hóa và lôi kéo đồng minh. Hầu hết các nước khu vực đều có khó khăn về tài chính và nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng, nên họ khó cưỡng lại được sáng kiến BRI của Trung Quốc. Như người ta hay nói “có thực mới vực được đạo”, muốn cạnh tranh và đối trọng lại sức mạnh của Trung Quốc, điều đầu tiên là “tiền đâu” (show me your money). Tại APEC 2018, Mỹ, Nhật và Úc đã chính thức công bố kế hoạch hợp tác đóng góp vào quỹ tài trợ phát triển hạ tầng bền vững tại khu vực Indo-Pacific, như một giải pháp thay thế cho sáng kiến BRI của Trung Quốc. Trước mắt, Mỹ và Nhật đã thỏa thuận đóng góp 70 tỷ đô la, trong khi Úc tuyên bố sẽ đóng góp 1,46 tỷ đô la để đầu tư vào các dự án hạ tầng hàng đầu về viễn thông, năng lượng, vận tải, và nguồn nước, tại các nước thuộc khu vực Indo-Pacific. Tuy số tiền này còn khiêm tốn so với số tiền khổng lồ mà Trung Quốc cam kết đầu tư vào các dự án BRI, nhưng  bản chất và triển vọng của hai sáng kiến này rất khác nhau.

Tuy các mô hình kinh tế do nhà nước chỉ đạo như mô hình của Tập Cận Bình có thể huy động được nguồn lực và tạo ra tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng không một mô hình nào như vậy có thể duy trì được tăng trưởng mãi mãi. Điều không may đối với Tập Cận Bình là ông lên cầm quyền khi chu kỳ tăng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sắp chấm dứt. Cuộc chiến thương mại mà Trump khởi xướng có thể làm rung chuyển nền kinh tế Trung Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu…Sức mạnh của Trung Quốc cũng là gót chân Asin của họ, một khi người dân Trung Quốc không chịu phục tùng. Theo Gordon Chang, kẻ thù thực sự của Trung Quốc không phải là Mỹ hay Nhật, mà chính là người Trung Quốc.

Scott Kennedy (chuyên gia tại CSIS) cho rằng thủ phạm của suy giảm kinh tế Trung Quốc là sự can thiệp rất lớn của nhà nước. Trong khi nhà nước “tiến lên” thì thị trường “thụt lùi”. Chu Tiểu Xuyên (đứng đầu ngân hàng trung ương Trung Quốc), đã cảnh báo rằng đất nước này đang tiến gần tới “điểm Minsky” khi tình trạng tích lũy nợ gia tăng và lúc đó giá trị tài sản sẽ sụp đổ. Theo ông Chu, nhà nước chỉ có thể trì hoãn cái mà các nhà kinh tế gọi là “sự điều chỉnh”. Nhưng bằng cách trì hoãn nó, người ta chỉ càng mở rộng thêm cuộc khủng hoảng không thể tránh khỏi, và “một khi cuộc khủng hoảng đó ập tới, nó sẽ chôn vùi Trung Quốc”.

Việt Nam với FOIP & Quad: Tham gia hay không tham gia 

Sau một thập niên, kỳ vọng về một phiên bản mới của “Bộ Tứ” (Quad 2.0) đã nổi lên từ cuối 2017 khi tầm nhìn chiến lược “Indo-Pacific Mở và Tự do” (FOIP) được chính quyền Trump tuyên bố. Tuy bốn nước “Bộ Tứ” đều mong muốn Quad hồi sinh, nhưng nhiệm vụ này không đơn giản. “Bộ tứ” thực chất là sự trùng hợp lợi ích an ninh của các nước trong tam giác chiến lược Mỹ-Ấn-Nhật và Mỹ-Nhật-Úc. “Bộ Tứ” xuất hiện lần đầu tiên từ cuối năm 2006, khi bốn quốc gia dân chủ (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) hưởng ứng sáng kiến của thủ tưởng Nhật Shinzo Abe, nhằm mục đích đối thoại và trao đổi về các vấn đề an ninh mà các bên có lợi ích chung. Tuy nhiên, phiên bản đầu tiên (Quad 1.0) đã không thành công vì nhiều lý do, trong đó có phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc, và chính trị nội bộ của Úc, Ấn Độ và Nhật.

Gần đây (từ tháng 10/2018) một số học giả Mỹ đã đề xuất Mỹ nên mời Việt Nam tham gia vào “Bộ tứ” (Quad), trong đó có Joshua Kurlantzick (CFR) và Derek Grossman (RAND/CFR). Cả hai chuyên gia này đều nhất trí rằng “Quad 2.0” sẽ không thể thành công nếu thiếu sự tham gia của tổ chức đa phương hàng đầu khu vực (ASEAN). Nếu xem Quad là một trong những trụ cột của FOIP, thì phải thuyết phục các nước ASEAN về sự cần thiết và tầm quan trọng của Quad. Theo cả hai học giả, để thuyết phục được ASEAN thì cần lôi kéo một số nước đầu tàu tham gia, và “Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại là quốc gia phù hợp nhất”.

Theo Kurlantzick, việc mời Việt Nam tham gia vào Quad là một phần trong những biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt, trong đó có đề xuất nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên thành đối tác chiến lược. Kurlantzick cho rằng Việt Nam là quốc gia phù hợp nhất, đi đầu trong ASEAN, có thể giúp Mỹ tăng cường lợi ích tại khu vực trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Đối với Mỹ, tầm nhìn chiến lược FOIP được xây dựng trên cơ sở lấy Quad làm một trụ cột về an ninh và quốc phòng. Mỹ muốn Quad trở thành một cơ chế an ninh hiệu quả và thực chất trong FOIP, và coi Việt Nam như một đối tác không thể thiếu của FOIP. Nói cách khác, Mỹ và Việt Nam có lợi ích chiến lược song trùng.

Theo Grossman, Quad phải là một cơ chế đối thoại an ninh hiệu quả, vì còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Liệu Quad là một liên minh, một diễn đàn an ninh, hay chỉ đơn giản là sự mở rộng của khuôn khổ đối thoại chiến lược ba bên (Mỹ, Nhật, Úc) nay bao gồm cả Ấn Độ? Vì vậy, việc khởi động lại “Quad 2.0” là một nỗ lực của Washington và Tokyo trong việc tập hợp các nước đồng minh và đối tác để kiềm chế Trung Quốc. Nhưng chính vì vậy Washington và Tokyo phải khôn khéo hơn nếu muốn Việt Nam và ASEAN tham gia vào Quad.

Sau khi Mỹ điều tàu sân bay USS Carl Vinson (lần đầu tiên) đến thăm Đà Nẵng (5/3/2018), Nhật cũng điều tàu sân bay trực thăng Izumo và tàu ngầm Kuroshio lần lượt đến thăm Cam Ranh (20/5/2018 và 17/9/2018). Ngoài Mỹ và Nhật là hai đối tác có vai trò quan trọng nhất để cân bằng chiến lược tại Biển Đông, gần đây 8 nước khác (Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Canada, New Zealand) cũng đã điều chiến hạm đến Biển Đông để tham gia tập trận, tuần tra (FONOP) và thăm Việt Nam. Tuần tra FONOP không chỉ gia tăng về số lượng và tần suất, mà còn đang thay đổi quy mô và tính chất.

Hiện nay, Việt Nam phản ứng rất thận trọng, không phải vì không quan tâm mà vì ngại Trung Quốc phản ứng. Tuy Việt Nam (bên trong) có thể nâng cấp quan hệ với tất cả các nước Quad thành đối tác chiến lược và tăng cường quan hệ hợp tác an ninh-quốc phòng với từng nước, nhưng (bên ngoài) vẫn phải tuyên bố lập trường “ba không”. Tuy Việt Nam trước mắt chưa sẵn sàng tham gia Quad, nhưng tương lai không có gì là không thể, một khi thời thế thay đổi (do hệ quả của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung) và khi mục đích và chương trình nghị sự của Quad được xác định rõ ràng và phù hợp với lợi ích các nước khu vực (ASEAN). Khi đó, các nước khu vực có thể tham gia các hoạt động chung trên biển Đông, như tuần tra, chống hải tặc, cứu hộ cứu nạn, và tập trận hải quân, v.v.

Đối với Việt Nam (trước mắt), mọi khuôn khổ hợp tác an ninh khu vực phải được thiết kế trên cơ sở đa phương (multilateral) và tích hợp (inclusive), có mục đích và chương trình nghị sự rõ ràng để tránh nghi ngờ. Vì vậy, muốn Quad trở thành một thiết chế khu vực thành công, nhất thiết phải thuyết phục được các nước khu vực (ASEAN) tham gia. Trước mắt, Việt Nam (và ASEAN) khó tham gia vì Trung Quốc nghi ngại và coi Quad như một liên minh quân sự tiềm tàng để chống lại họ. Đó chính là lý do đại sứ Phạm Sanh Châu gần đây đã vận dụng “chính sách ba không” để trả lời báo chí Ấn Độ: Việt Nam không ủng hộ bất cứ một hình thức liên minh quân sự nào có khả năng làm hại cho hòa bình, ổn định khu vực.

Theo VNExpress (21/11/2018), đại sứ Mỹ Kritenbrink nói “Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ, dù quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc như thế nào”. Trong quan hệ Mỹ-Việt, “Mỹ ưu tiên 5 lĩnh vực gồm an ninh, thương mại, giải quyết hậu quả chiến tranh, giáo dục và pháp quyền, trong đó nhấn mạnh lĩnh vực an ninh”. Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam hơn US$100 triệu để nâng cao năng lực an ninh, trong đó có lực lượng cảnh sát biển. Các nước cần bảo đảm tự do hàng hải và hàng không dù là nước lớn hay nhỏ, và các yêu sách và tranh chấp cũng cần tuân thủ luật quốc tế… Về sáng kiến BRI của Trung Quốc, Mỹ khuyến cáo các nước cân nhắc về nguồn vốn đầu tư, và lưu ý tác động đối với độc lập và chủ quyền. Chính phủ không nên đóng vai trò cấp vốn chính, mà cần khuyến khích các nước có chính sách để khu vực tư nhân rót vốn vào phát triển cơ sở hạ tầng, vì đây mới là giải pháp lâu bền.

Theo VNBiz (26/11/2018) chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng “Nền kinh tế Việt Nam hiện nay sống chết không phải là vốn mà là hiệu quả, là giá trị gia tăng của nền kinh tế…Vay vốn Trung Quốc phải sống chung với tham nhũng vặt và sự dối trá”. Trước đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã cảnh báo về vốn vay từ Trung Quốc trong thời gian sắp tới, khi Trung Quốc thực hiện chính sách đầu tư ra nước ngoài, chuyển giao công nghệ cũ, và thực hiện chiến lược “Một vành đai, Một con đường”. Thời gian qua, tại Việt Nam một số dự án có liên quan đến vay vốn, hợp tác với Trung Quốc đã để lại tiếng xấu và hệ luỵ rất lớn cho nền kinh tế. Theo bà Chi Lan, vốn đầu tư vào khu vực FDI tại Việt Nam rất lớn ($35,88 tỷ), nhưng “không rõ Việt Nam nhận được bao nhiêu giá trị gia tăng”. Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, lắp ráp hầu hết smartphone tại Việt Nam nhưng nhập khẩu hầu hết linh kiện đầu vào từ Trung Quốc. Nếu các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển nhà máy của họ sang Việt Nam thì họ được lợi, nhưng Việt Nam sẽ lợi bất cập hại.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng nếu các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sang Việt Nam thì Việt Nam sẽ gặp rủi ro lớn, vì Mỹ sẽ đánh thuế hàng Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong trường hợp đó, không chỉ các doanh nghiệp Trung Quốc mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ bị thiệt hại. Cho dù các doanh nghiệp Trung Quốc không chuyển sang Việt Nam đi nữa, thì Việt Nam đang phải đối phó với chính sách bảo hộ của chính quyền Trump vì tình trạng thâm hụt thương mại hiện nay. Việt Nam xếp thứ 8 trong số các nước mà Mỹ nhập siêu nhiều nhất, tuy nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc và Đức, nhưng phải hợp tác tốt với chính quyền Trump để được ưu tiên (waiver). Vì vậy, Việt Nam phải khai thác triệt để các cơ hội và lợi thế khi triển khai hiệp định CPTPP.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (chủ tịch ASEAN) cho biết, đầu tư của Mỹ vào khu vực Đông Nam Á khoảng $274 tỷ, lớn hơn toàn bộ đầu tư của Mỹ vào các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại. Nhưng Singapore và ASEAN lo ngại trước sự đối đầu ngày càng gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh. Theo ông, “mọi kế hoạch nhằm kiến tạo Indo-Pacific phải dựa trên ba yếu tố chính. Thứ nhất, phải hỗ trợ sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN; Thứ hai, phải thúc đẩy thương mại, đầu tư, và kết nối trong khu vực; Thứ ba, phải theo hướng một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế… Đó phải là một cấu trúc khu vực mở, bao gồm toàn bộ các nước khu vực trong đó ASEAN, không buộc họ phải chọn đứng về phía nào. Nói cách khác, ASEAN muốn hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc”.

Theo các chuyên gia, lãnh đạo các nước ASEAN lo ngại về triển vọng “đối đầu địa chính trị một mất một còn” (zero-sum geopolitical rivalry) giữa hai siêu cường, và không muốn phải lựa chọn giữa Mỹ hay Trung Quốc. Họ cho rằng Mỹ đang đối đầu với Trung Quốc về kinh tế (economic brinkmanship) trong khi “vốn chính trị và ngoại giao của Mỹ tại khu vực đang bị suy giảm”. Sắp tới, khu vực này càng bị phân hóa mạnh hơn. Tuy các nước ASEAN hoan nghênh chiến lược Indo-Pacific mở và tự do, cũng như “Bộ Tứ” (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn, nhưng họ không muốn ủng hộ một NATO mới tại phương Đông. Gần đây, phát biểu của đại sứ mới của Việt Nam tại Ấn Độ phản ánh tâm trạng này.

Lời cuối

Về cơ bản, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện nay không phải là một cuộc chiến thương mại đơn thuần như trước đây, mà đó là một cuộc chiến tổng lực để sắp xếp lại trật tự thế giới, đang diễn ra giữa hai siêu cường đại diện hai hệ thống chính trị và hai mô hình kinh tế khác hẳn nhau. Hay nói theo thuyết “bẫy Thucydides” của giáo sư Graham Allison thì đây là cuộc chiến không thể tránh khỏi giữa Mỹ (là cường quốc cũ đang suy yếu) với Trung Quốc (là cường quốc mới đang trỗi dậy), để tranh giành ngôi thứ thống trị thế giới.

Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến chiến tranh thương mại, thì sẽ không nhìn thấy một bức tranh lớn hơn rất nhiều, mà chỉ nhìn thấy “bề nổi của tảng băng chìm” hay “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”. Đây có thể là cuộc chiến quan trọng nhất của thế kỷ 21, để định hình lại lịch sử thế giới mới, hiện đang còn ẩn tàng nhiều ẩn số và biến số. Vì vậy, cần tránh ngộ nhận trước các diễn biến khó lường, có thể tác động rất lớn đến Việt Nam về mọi mặt, như một tai họa vì liên lụy tới Trung Quốc, và do vị trí trọng yếu của Việt Nam tại Biển Đông, nay là tâm điểm của tranh chấp chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại vùng Indo-Pacific.

Tuy chưa thể đánh giá được liệu Trung Quốc sẽ bị tổn thương tới đâu sau khi “hết đạn” và Việt Nam sẽ bị liên lụy thế nào, nhưng có nhiều dấu hiệu khả năng ứng phó của Trung Quốc tỏ ra rất hạn chế, trong khi đó khả năng ứng phó của Việt Nam chắc còn hạn chế hơn nhiều. Để đối phó với các đòn trừng phạt của Mỹ bằng thuế quan, thứ nhất, Trung Quốc có thể “ăn miếng trả miếng”, nhưng sau đợt hai (cuối năm nay) chắc sẽ “hết đạn”. Thứ hai, Trung Quốc có thể tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ, nhưng chắc chắn sẽ làm các nhà đầu tư rút tiền ồ ạt để tháo chạy. Thứ ba, Trung Quốc có thể bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ nắm giữ (như chủ nợ lớn nhất), nhưng chắc chắn sẽ làm tụt giá ngay lập tức và thiệt hại rất lớn. Vì vậy cả ba phương án trên đều phản tác dụng như “gậy ông lại đập lưng ông”.

Theo New York Times, trong vấn đề thương mại với Trung Quốc, quan điểm trong nội bộ Nhà Trắng vẫn chia rẽ giữa nhóm ôn hòa như Larry Kudlow (cố vấn kinh tế) và Steven Mnuchin (bộ trưởng tài chính) muốn thỏa hiệp và nhóm cứng rắn như Peter Navarro (cố vấn thương mại) và Robert Lighthizer (đại diện thương mại) muốn đánh tiếp. Nhưng theo Ely Ratner (chuyên gia tại CNAS), nếu có thỏa thuận tại cuộc gặp Trump-Tập bên lề G-20 Summit ở Argentina cũng chỉ là “hoãn bình chiến thuật ngắn hạn”, chứ không có tác động lâu dài đến xu hướng đối đầu về địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Tập Cận Bình đã bỏ qua những cơ hội có thể thỏa hiệp để tránh đối đầu với Mỹ (dưới thời Obama). Ngay sau bầu cử tổng thống Mỹ (cuối năm 2016), Tập đã đã “đánh mất nước Mỹ” (Xi had lost the United States). Dù Donald Trump hay Hillary Clinton lên cầm quyền, thì Washington cũng sẵn sàng thách thức Trung Quốc về mọi mặt.

Chủ trương “xét lại và độc tài” của Tập đã loại trừ khả năng thỏa hiệp (grand bargain) giữa hai nước lớn. Về các lĩnh vực quan trọng, giữa hai bên chẳng có gì chung, mà chỉ có nhân nhượng tượng trưng vì chính trị. Tập Cận Bình không có khả năng đáp ứng những lo ngại cơ bản của Mỹ về chính sách công nghiệp và mô hình kinh tế nhà nước của Trung Quốc. Mọi cử chỉ thiện chí chỉ là tạm thời, và mọi cố gắng hòa giải sẽ thất bại. Dù Trump và Tập có thỏa thuận gì tại Argentina cũng không thay đổi được xu hướng đối đầu. Hiện nay, thách thức Trung Quốc là một cơ hội thiết yếu và hiếm có để đoàn kết nước Mỹ về chính trị. Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đồng thuận về vấn đề này. Tăng cường năng lực cạnh tranh để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc là mục tiêu cơ bản của Mỹ.

Về đối sách của Việt Nam, tiến sĩ Vũ Quang Việt (chuyên gia thống kê của LHQ) và Jonathan London đề xuất một số biện pháp đáng tham khảo trong một bài viết trên CSIS. Trong đó các tác giả đề cập đến nội dung “ba không” và “một có” trong Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam (2009). Theo đó, lâu nay người ta chỉ chú trọng đến “ba không” mà hầu như quên mất “một có”. Nội dung “ba không” gồm: (1) “Không tham gia các tổ chức liên minh quân sự để chống lại nước khác”; (2) “Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự để chống lại nước khác”; (3) “Không cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác”; Và “một có” là: (4) “Đồng thời chú trọng phát triển quan hệ quốc phòng với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, và cùng có lợi. Việt Nam coi trọng hợp tác quốc phòng với tất cả các nước có chung mục tiêu vì hòa bình, độc lập và phát triển

Nói cách khác, điểm (4) nói trên chính là nguyên tắc “một có” đi kèm với “ba không” để Việt Nam có thể “hợp tác quốc phòng với tất cả các nước” nhằm đảm bảo “không gian sinh tồn” cho mình, trong đó có quyền tự do đi lại trên Biển Đông, theo luật quốc tế. Đó là chủ trương nhất quán nêu trong Sách trắng Quốc phòng 2009. Nhưng sau 10 năm, đã đến lúc cần có sách trắng mới để thay thế.  Trong bối cảnh hiện nay, khi các nước lớn đã điều chỉnh chiến lược, và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang với hệ quả khó lường, Việt Nam cần chủ động tăng cường yếu tố “một có” và điều chỉnh chiến lược một cách tương ứng, để phù hợp với thực tế mới “Để không bị động, bất ngờ và có đối sách đúng, chúng ta cần thường xuyên theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình”.

Với ý nghĩa đó, Việt Nam cần “tái cân bằng chiến lược” bằng cách tăng cường “một có” thành “hai có”, để đảm bảo “không gian sinh tồn” cho mình, trước mắt cũng như lâu dài, như đã đề cập trong chiến lược phát triển kinh tế biển (Nghị quyết 36-NQ/TW). Lúc này, những tài sản quốc gia quan trọng như mỏ khí “Cá Voi Xanh” (hợp tác với ExxonMobil) và quân cảng Cam Ranh (đang được quốc tế hóa) có ý nghĩa thiết yếu như hai đòn bẩy chiến lược, vừa có giá trị răn đe, vừa có giá trị kinh tế biển. Đồng thời, Việt Nam cần thúc đẩy việc thông qua và triển khai nghiêm túc hai hiệp định CPTPP (đã phê chuẩn) và EVFTA (đang chờ thông qua) như hai đòn bẩy chiến lược lớn để hội nhập quốc tế. Nhưng về lâu dài, tất cả những điều nói trên có thể là vô nghĩa nếu không thực sự cải tổ thể chế để tháo gỡ những nút thắt và khai thông nguồn nội lực tiềm ẩn của dân tộc./.

Theo Nghiên Cứu Quốc Tế

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness