TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 64
  • Hôm nay: 553
  • Tháng: 7292
  • Tổng truy cập: 5140611
Chi tiết bài viết

Vụ bắt Giám đốc Huawei hé lộ một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khác

Và “phần thưởng” giành cho bên thắng trong cuộc chiến thứ hai này là sự thống trị trong lĩnh vực công nghệ thông tin toàn cầu...

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nếu chỉ đọc những dòng tít báo, nhiều người cho rằng chiến tranh thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc chủ yếu là về thuế quan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người khởi xướng và lãnh đạo cuộc chiến thương mại của nước này với Trung Quốc đã tự xưng là "ông thuế quan" ("Tariff Man"). 

Và thỏa thuận "đình chiến" thương mại mà ông Trump đạt được với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây cũng chủ yếu xung quanh vấn đề thuế quan.

Một cuộc chiến khác

Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, vụ bắt giữ Giám đốc tài chính (CFO) hãng công nghệ Trung Quốc Huawei, bà Meng Wanzhou, ở Canada theo đề nghị của nhà chức trách Mỹ đã khiến nhiều người nhận ra rằng đang có một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thứ hai đang diễn ra. 

So với cuộc chiến thuế quan, cuộc chiến này âm thầm hơn, sử dụng những vũ khí kín đáo hơn, nhưng lại có những ảnh hưởng to lớn hơn nhiều so với thuế quan.

Và "phần thưởng" giành cho bên thắng trong cuộc chiến thứ hai này là sự thống trị trong lĩnh vực công nghệ thông tin toàn cầu.

Lý do mà Mỹ đưa ra cho việc bắt giữ bà Meng là nghi án Huawei bán công nghệ cho Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran. Huawei là công ty lớn thứ hai của Trung Quốc bị Mỹ đưa ra cáo buộc như vậy. 

Trước Huawei, Mỹ vào năm 2017 đã cáo buộc ZTE vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Mỹ đã trừng phạt ZTE bằng cách cấm các công ty Mỹ bán hàng hóa, linh kiện và công nghệ cho ZTE, trong đó quan trọng nhất là các sản phẩm con chip viễn thông do hãng chip Qualcomm của Mỹ sản xuất.

ZTE đã thiếu chút nữa thì sụp đổ vì lệnh cấm này, và cuối cùng đã chấp nhận nộp phạt hàng tỷ USD cho Mỹ để được gỡ trừng phạt. Giới quan sát cũng gần như chắc chắn rằng Huawei rốt cục sẽ thoát khỏi sự trừng phạt nghiêm trọng của Mỹ. 

Tuy nhiên, những gì xảy ra làm lộ rõ sự phụ thuộc của các công ty Trung Quốc vào công nghệ chủ chốt của Mỹ.

Cho đến nay, Mỹ vẫn sản xuất, hoặc chí ít là thiết kế, những con chip máy tính tốt nhất thế giới. Trung Quốc lắp ráp nhiều mặt hàng điện tử, nhưng nếu không có đầu vào quan trọng là công nghệ Mỹ, thì sản phẩm của những công ty như Huawei có lẽ sẽ có chất lượng thấp hơn nhiều.

Các biện pháp mà Mỹ nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc có lẽ không chỉ liên quan đến vấn đề vi phạm trừng phạt, mà còn nhằm mục đích "làm khó" cho các đối thủ cạnh tranh chính của các hãng công nghệ Mỹ - Bloomberg nhận định.

Huawei mới đây đã vượt qua đối thủ Mỹ Apple để trở thành công ty sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn thứ nhì thế giới về thị phần, chỉ còn đứng sau đối thủ Hàn Quốc Samsung. 

Bước tiến này đánh dấu một thay đổi lớn đối với Trung Quốc, bởi trước đây, các công ty của nước này chỉ quen với công việc lắp ráp với giá trị thấp, còn các công ty đến từ các nước giàu làm những công việc thiết kế với giá trị cao, tiếp thị sản phẩm và sản xuất linh kiện.

Động thái của Mỹ nhằm vào Huawei và ZTE rất có thể nhằm mục đích khiến Trung Quốc tiếp tục chỉ là một nhà cung cấp giá rẻ thay vì một đối thủ cạnh tranh đáng gờm.

Những nỗ lực khác của Mỹ

Bản chất kín đáo và có tầm nhìn xa của phương pháp này cho thấy động lực của cuộc chiến thương mại về công nghệ vượt xa cả những gì mà ông Trump - với trọng tâm là thuế quan và những ngành sản xuất truyền thống - có thể nghĩ đến. 

Có vẻ như các công ty công nghệ Mỹ, cũng như cộng đồng tình báo quân sự nước này, cũng đang gây ảnh hưởng lên chính sách của Washington, Bloomberg nhận định.

Trên thực tế, Mỹ còn đang có những nỗ lực mang tính hệ thống khác để chặn việc Trung Quốc tiếp cận với linh kiện Mỹ. Đạo luật Cải tổ kiểm soát xuất khẩu mà Mỹ thông qua vào mùa hè năm nay đã tăng cường quy chế giám sát đối với việc xuất khẩu các công nghệ "mới nổi lên" và "mang tính nền tảng", có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ sang Trung Quốc.

Mặc dù Mỹ vẫn viện cớ an ninh quốc gia, việc tách bạch giữa sự thống lĩnh về công nghệ cao và doanh nghiệp với sự thống lĩnh về quân sự là rất khó, nên những nỗ lực này của Mỹ cũng nên được xem như một phần của chiến tranh thương mại.

Một "vũ khí" khác của Mỹ trong cuộc chiến thương mại về công nghệ cao với Trung Quốc là các biện pháp hạn chế đầu tư. Chính quyền ông Trump đã mở rộng mạnh thẩm quyền chặn các phi vụ đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ Mỹ, thông qua Ủy ban Đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS). Ủy ban này đến nay đã hủy hàng loạt thương vụ đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ.

Mục đích của việc chặn các thương vụ đầu tư này là ngăn không cho các công ty Trung Quốc sao chép hoặc đánh cắp các ý tưởng và công nghệ của Mỹ. 

Các công ty Trung Quốc được cho là có thể mua các công ty Mỹ và đưa tài sản trí tuệ từ các công ty này về Trung Quốc, hoặc đưa nhân viên từ Trung Quốc sang các công ty này đào tạo, thay thế.

Dù chỉ nắm cổ phần nhỏ, nhà đầu tư Trung Quốc vẫn có thể tiếp cận với các bí quyết thương mại của các công ty Mỹ. Bằng cách chặn những nhà đầu tư như vậy, chính quyền ông Trump hy vọng sẽ bảo toàn được thế thống trị công nghệ Mỹ, ít nhất là thêm một thời gian nữa.

"Phát súng" đầu tiên

Không chỉ có Mỹ mà Liên minh Châu Âu (EU) cũng đang chặn các vụ đầu tư của Trung Quốc. 

Dù phản đối thuế quan của ông Trump, châu Âu đang sao chép các biện pháp hạn chế đầu tư của Mỹ. Điều này có thể được xem như một tín hiệu cho thấy rằng cuộc chiến thương mại về công nghệ cao, dù kín đáo hơn, thực chất lại là cuộc chiến quan trọng hơn.

Cuộc chiến thương mại về công nghệ cao cho thấy, bất chấp những ồn ào về việc làm trong ngành sản xuất, thép, ôtô và thuế quan, cuộc cạnh tranh thực sự nằm ở lĩnh vực công nghệ cao. 

Việc mất vị thế dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ toàn cầu đồng nghĩa với lợi nhuận thấp hơn và ưu thế quân sự suy giảm. 

Ngoài ra, việc mất vị thế đó cũng đồng nghĩa mất đi những hiệu ứng kết chùm của ngành công nghiệp tri thức, vốn là một đầu tàu tăng trưởng kinh tế Mỹ hậu kỷ nguyên công nghiệp sản xuất.

Nói cách khác, Mỹ có thể chấp nhận việc mất vị thế đi đầu về sản xuất đồ nội thất, nhưng không thể chấp nhận việc mất thế thống lĩnh về công nghệ.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu cuộc chiến thương mại về công nghệ có thành công trong việc ghìm giữ Trung Quốc ở vị trí thứ hai. Trung Quốc từ lâu đã muốn đuổi kịp Mỹ trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, nhưng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đã khiến mục tiêu này của Trung Quốc trở thành một việc cần thiết, thay vì là một khao khát. 

Và các biện pháp hạn chế đầu tư của Mỹ có thể càng thôi thúc Trung Quốc nâng cấp năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) trong nước.

Có thể thấy rằng, trước đây, Trung Quốc hài lòng với một tỷ suất lợi nhuận thấp hơn và việc sao chép công nghệ Mỹ thay vì tự làm công nghệ của riêng mình. Nhưng với sự xuất hiện của cuộc chiến thương mại về công nghệ cao, sự phụ thuộc đó đã đi đến hồi kết.

Đây có lẽ là một kết quả tất yếu, bởi Trung Quốc đã thể hiện rõ quyết tâm đi lên trong mặt trận công nghệ - Bloomberg nhận định. 

Những động thái gần đây của chính quyền Trump đối với các hãng công nghệ Trung Quốc, và các biện pháp tương tự của châu Âu, có lẽ nên được xem là những "phát súng" đầu tiên trong một cuộc chiến lâu dài.

Theo VnEconomy

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness