TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 64
  • Hôm nay: 820
  • Tháng: 7559
  • Tổng truy cập: 5140878
Chi tiết bài viết

Xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm: những bài toán

Thủ Thiêm (với diện tích chỉ khoảng 800ha) đã được lãnh đạo TP.HCM quiết định xây dựng khu đô thị mới. Cho đến nay có hai quan điểm khác nhau về việc xây dựng và phát triển đô thị mới Thủ Thiêm.

EpdHk4x2.jpg
Toàn cảnh khu Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM
TTCT - Thủ Thiêm (với diện tích chỉ khoảng 800ha) đã được lãnh đạo TP.HCM quiết định xây dựng khu đô thị mới. Cho đến nay có hai quan điểm khác nhau về việc xây dựng và phát triển đô thị mới Thủ Thiêm.

Quan điểm thứ nhất cho rằng cần phải phát triển khu đô thị Thủ Thiêm để mở rộng trung tâm thành phố, cải thiện sự nghèo nàn, lạc hậu hiện hữu... Quan điểm thứ hai lại cho rằng thành phố cần phát triển về phía bắc và không nên phát triển về phía nam, cụ thể là Thủ Thiêm bởi nếu xây dựng đô thị này sẽ phá vỡ môi sinh tự nhiên, gây ngập lụt cho thành phố.

Trước hai quan điểm trên, liệu có một cách tiếp cận thứ ba: xây dựng và phát triển đô thị mới Thủ Thiêm như thế nào, ở qui mô nào mà vẫn đảm bảo được các điều kiện về sinh thái, môi trường và lợi ích của người dân, nghĩa là phát triển bền vững? Để bàn rõ vấn đề này hầu tránh những tác hại nhiều mặt mà chúng ta có thể sẽ phải trả giá đắt trước mắt cũng như lâu dài, Tuổi Trẻ Cuối Tuần tổ chức một buổi tọa đàm với sự tham gia của các nhà quản lý, qui hoạch, giáo sư, tiến sĩ nghiên cứu, kiến trúc sư...

“Không thể để sự giàu nghèo chỉ cách một con sông”

Đồ án của Công ty Sasaki Associates, Inc đã đoạt giải nhì trong cuộc thi ý tưởng qui hoạch tổng mặt bằng khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Sasaki xác định năm nguyên tắc chủ yếu cho ý tưởng thiết kế gồm: liên kết khu vực với dòng sông; kết nối khu vực với trung tâm hiện hữu mang tính lịch sử; cân bằng sự phát triển với khu vực công cộng và không gian chung; đề xuất về mật độ và một mô hình đô thị bền vững; đảm bảo tính linh hoạt và khả thi để thích ứng với sự phát triển và thay đổi.

Đồ án lấy trục Đông - Tây và sông Sài Gòn làm cơ sở chính để phát triển và giới hạn phát triển; phát triển khu vực đối diện trung tâm hiện hữu qua sông Sài Gòn thành lõi trung tâm chính với các chức năng tài chính, thương mại, triển lãm quốc tế...; tạo một công viên hồ, làm bố cục nối kết các khu vực phát triển trong trung tâm đô thị mới; tổ chức khai thác cảnh quan môi trường, tạo một công viên lớn ở Nam bán đảo dọc theo địa hình sông nước...

Trong tổng diện tích 701ha, khu thương mại chiếm 2,34% diện tích; khu nhà ở hỗn hợp 4,75%; trung tâm hội nghị và triển lãm 0,85%; giáo dục 0,42%, quảng trường trung tâm 0,36%; công viên mặt nước 21,54%, đất giao thông 19,80%; đất dự trữ 14,64%... Các công trình trọng điểm đề xuất xây dựng trong giai đoạn một gồm trung tâm thương mại, khu tài chính, trung tâm hội nghị và triển lãm, trung tâm thể dục, khu vực dạo chơi ven sông, quảng trường trung tâm...

Từ những năm cuối thế kỷ 20, TP.HCM đã có một đồ án chi tiết xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng phải dừng lại do tình hình khủng hoảng kinh tế. Qua đầu thế kỷ 21, TP.HCM lại xác định phải phát triển Thủ Thiêm, vì không có lý do gì để chỉ cách nhau một con sông mà hai bên lại giàu nghèo tương phản đến thế. Ngoài ra, Thủ Thiêm có cảnh quan hết sức lý tưởng mà nhiều nước trên thế giới mơ ước để phát triển đô thị trung tâm với các trung tâm thương mại, tài chính quốc tế.

Nơi đây cũng rất thuận tiện khi liền kề với trung tâm thành phố hiện hữu. Tất nhiên, đồ án được chấm giải, được chọn lựa, phê duyệt như Sasaki vẫn có những hạn chế mà chúng ta cần phải khắc phục, để có được một khu đô thị như mong muốn. Chúng tôi đã tổ chức hội thảo để nghe các chuyên gia đầu ngành góp ý, phản biện. Xuất phát từ những bức xúc về môi trường, văn hóa, địa chất, hiện các đề tài ngập lụt, cốt nền, môi sinh, lịch sử văn hóa, xử lý nền móng trên đất yếu đang được đặt hàng nghiên cứu cho khu đô thị mới Thủ Thiêm...

(Kiến trúc sư TRANG BẢO SƠN, ủy viên Ban quản lý đầu tư - xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm)

“Nhu cầu cuộc sống đòi hỏi phải xây dựng Thủ Thiêm”

Có nhiều vấn đề khoa học đặt ra, nhưng không phải lúc nào cuộc sống thực tế cũng giải quyết được. Là một thành viên trong hội đồng giám khảo, tôi bỏ phiếu cho đồ án của Công ty Sasaki vì nó giải quyết được đa mục tiêu nhu cầu phát triển của thành phố, đời sống người dân, môi trường sinh thái... Khi được xây dựng tốt, nó sẽ có thêm giá trị “bàn đạp” để phát triển thành phố ra hướng Nhơn Trạch. Đồ án này xây dựng kiểu đô thị cực nén theo chiều cao, để dành phần lớn diện tích cho vùng ngập nước, công viên.

Theo tôi biết, không có dự án phát triển đô thị quốc tế nào là không có tác động đến môi trường, Thủ Thiêm không thể phát triển nhà vườn, vì phần lớn đất đai ở đây đã bị các “đại gia” mua hết rồi, trong khi hơn 1.000 hộ dân lại đang sống trong tình trạng ổ chuột. Thủ Thiêm cũng không cần giữ làm sinh thái vì còn nhiều nơi khác để làm điều đó. Còn những nhà khoa học nói nên giữ hiện trạng Thủ Thiêm để chống ngập cho thành phố, thì tôi cho rằng tình trạng ngập này là do thành phố đã mọc lan ra khắp các hướng, đặc biệt vùng trũng là phía Nam. Những nhà đầu tư đã chọn Thủ Thiêm vì vị trí đất đai, chứ không phải là việc xây những ngôi nhà.

(Tiến sĩ TRẦN DU LỊCH, viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM)

“Cần học hỏi thêm kinh nghiệm thế giới”

U4F1E7if.jpg
Một khu dân cư mới bên bờ sông Giồng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm
Các số liệu khảo sát gần đây đều cảnh báo đỉnh triều ở TP.HCM đã cao hơn 10 năm trước, tình trạng thành phố bị lún xuống cũng cực kỳ nghiêm trọng. Thêm nữa, việc đắp đê ở một số khu vực thành phố để bảo vệ vườn tược nông nghiệp đã làm mức nước ngoài và trong đê chênh lệch làm thành phố càng ngập nghiêm trọng thêm. Theo tôi, việc nên hay không nên, xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm hoặc xây dựng theo hướng nào nên trao đổi thêm kinh nghiệm với các chuyên gia quốc tế. Không chỉ Thủ Thiêm, mà cả việc phát triển cả đô thị TP.HCM. Có những cái chúng ta mày mò, tranh cãi suốt cả chục năm chưa ra nhưng thế giới đã làm từ hồi nào rồi.

(Ông NGUYỄN XUÂN QUANG, giám đốc Công ty TNHH xây dựng Nam Long)

“Lắng nghe thêm ý kiến người dân”

Ngày xưa, người Pháp chỉ qui hoạch Sài Gòn với qui mô 500.000 dân. Bây giờ TP.HCM đã gần 10 triệu dân. Đô thị TP.HCM không thể không phát triển rộng ra cũng như nhu cầu đòi hỏi phải có một trung tâm thứ hai. Tôi đồng tình với quan điểm phải xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, và đồ án của Sasaki có nhiều ưu điểm vì nó dành nhiều quĩ đất để làm công trình công cộng, kênh ao, thậm chí cả đường giao thông cũng chú trọng phát triển trên mặt nước. Tuy nhiên, ý kiến phản biện của các nhà khoa học cho thấy có rất nhiều vấn đề về môi trường sinh thái cục bộ và toàn bộ cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu, để điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Đồng thời cũng cần nghe thêm ý kiến của người dân, mà đặc biệt là ở khu vực Thủ Thiêm.

(Ông NGUYỄN HOÀI NAM, trưởng Phòng quản lý qui hoạch khu vực 1, Sở Qui hoạch - kiến trúc TP.HCM)

“Đừng quên quĩ đất phúc lợi”

Ở Mỹ có những thành phố được qui hoach nhà cửa chỉ chiếm 30% quĩ đất. Nhà quản lý dứt khoát không cho xây dựng thêm. Đô thị mới Phú Mỹ Hưng được ca ngợi quá nhiều về những giá trị xây dựng, nhưng những thiệt hại của nó do gây ra ngập lụt cho cả thành phố thì chưa ai tính đến. Liệu đô thị mới Thủ Thiêm có lặp lại điều này?

Có nhà qui hoạch nước ngoài hỏi tôi tại sao không thấy yếu tố người dân tại chỗ trong các thông số để tính toán qui hoạch Thủ Thiêm. Thời gian qua, nhiều dự án qui hoạch tiếng là vì nhu cầu cải thiện đời sống người dân tại chỗ, nhưng thực tế chỉ dồn đẩy họ đến chỗ khó khăn. Nhà nước muốn qui hoạch thế nào cũng không được bỏ quên quyền lợi người dân. Đừng để bờ sông Sài Gòn bị tư nhân hóa thành cao ốc, thì người dân sẽ không được hưởng những phúc lợi tự nhiên do bờ sông và con sông này đem đến.

(Kiến trúc sư VÕ THÀNH LÂN, Công ty TNHH tư vấn kiến trúc - xây dựng VTL)

“TP đang đứng trước một lựa chọn mang tính lịch sử”

Ở bán đảo Thủ Thiêm hiện còn tồn tại một hệ sinh thái tự nhiên vô cùng quí giá, đó là sự giao thoa giữa hệ sinh thái nước ngọt (của sông Đồng Nai) và hệ sinh thái nước lợ (của Cần Giờ) giúp chống xói lở ven sông một cách hữu hiệu nhất. Đồng thời thảm thực vật này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trầm lắng phù sa, cặn bã và hấp thu các chất gây ô nhiễm trong nước.

Có được một môi trường tự nhiên giống như 300 năm trước tồn tại ngay sát cạnh khu vực trung tâm của đô thị lớn nhất cả nước là một điều rất hiếm hoi, một quà tặng quí báu của lịch sử. Tự bản thân nó, hệ sinh thái tự nhiên này chứa đựng những giá trị quí giá mà nhiều siêu đô thị (mega-city) khác trong khu vực nằm mơ cũng không thấy được.

Từ hàng trăm năm nay, các vùng đất ngập nước tự nhiên ở Thủ Thiêm tích trữ nước triều, tiêu tán năng lượng triều, thanh lọc nguồn nước, bảo vệ bờ, chống xói lở, điều hòa vi khí hậu, là nơi ở của nhiều loài động thực vật (giá trị đa dạng sinh học). Một khi hệ sinh thái tự nhiên được bảo tồn, các chức năng môi sinh này sẽ còn tiếp tục được thực hiện.

Bảo tồn đất ngập nước tự nhiên bên trong đô thị không phải là một việc làm xa xỉ, mà thật ra có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật, công trình theo hướng ít tốn kém nhất. Và để thay cho “túi chứa nước” này chúng ta phải tìm ra những túi chứa khác, nếu không chuyện ngập lụt sẽ còn tấn công nhiều khu vực nội thị vốn dĩ đã không có lời giải cho chuyện ngập lụt.

(TS Trần Triết, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)

“Bài toán ngập chưa có lời giải”

3SyoOx7w.jpg
San lấp mặt bằng để xây dựng công trình, nhà ở phường An Khánh, khu đô thị mới Thủ Thiêm

Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo về việc không nên phát triển TP về hướng Nam và Thủ Thiêm. Nếu lấp đi bao nhiêu diện tích phải qui ra thể tích nước bị đất chiếm chỗ và có hồ điều hòa thay thế?

Nếu nâng cốt nền Thủ Thiêm và Nam Sài Gòn, nghĩa là phải lấp, phải đắp, nghĩa là mất kênh rạch và vùng trũng; và điều đó cũng có nghĩa là đô thị sẽ ngập triền miên. Đó là chưa kể do hiệu ứng nhà kính, khi băng hai cực tan, nước biển dâng ít nhất 20cm, trung bình 50cm, trong vài chục năm nữa mức ngập chắc sẽ còn cao.

Bài toán ngập thật sự chưa có lời giải nếu cứ xây dựng nhà cao tầng, phố hiện đại, nhiều làn xe mà không thay vào đó là đô thị dạng miệt vườn - sông nước. Câu hỏi đặt ra cho những nhà quản lý hiện tại là 15-25 năm sau đô thị mới ở đây sẽ như thế nào? Chúng ta có tính được chỉ số phát triển đô thị bền vững là bao nhiêu? Chúng ta đã tính độ chịu tải cũng như tải lượng của hệ sinh thái này như thế nào? Chẳng lẽ chỉ có một phương án duy nhất của đô thị hóa TP.HCM là xây nhà cao tầng, đô thị hiện đại với bất cứ giá nào, cùng gắn chặt với nó là san lấp và ngập triền miên?

(GS. TSKH Lê Huy Bá, ĐH Quốc gia TP.HCM)

“Phải tìm câu trả lời xác đáng”

Theo tôi, vấn đề mấu chốt hiện tại ở việc xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm là chỉ nên (tiến hành) làm khi đã giải quyết được tất cả những bài toán mà các nhà chuyên môn, các nhà khoa học đã đề ra: Làm thế nào để cân bằng hệ sinh thái? Làm thế nào để giải quyết bài toán ngập lụt và dung hòa lượng nước nếu phải san lấp một khối lượng quá lớn như vậy?

Từ những ý kiến này tôi sẽ “mang” vào HĐND để phát biểu lại và đòi hỏi phải có những câu trả lời xác đáng. Phải làm đến cùng, những nhà khoa học và những nhà chuyên môn có trách nhiệm với dân phải làm đến cùng.

Thà chậm một chút còn hơn để mọi việc trở thành một sai lầm không thể nào sửa được.

(PGS.TS Võ Văn Sen, phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, đại biểu HĐND TP.HCM)

“Phải giải 7 bài toán”

Muốn phát triển Thủ Thiêm, theo tôi, TP cần phải giải cho được bảy bài toán:

1. Bài toán kinh tế: xây cái gì và làm thế nào để thu hồi vốn?

2. Bài toán bảo tồn: phải bảo tồn được hình ảnh TP Sài Gòn xưa với các hệ thống kênh rạch đặc thù.

3. Bài toán môi trường: phải bảo vệ được hệ sinh thái lâu đời ở vùng đất này.

4. Bài toán san lấp và ngập lụt.

5. Bài toán thiếu các công trình xã hội, phúc lợi...

6. Không lan tỏa TP sang Thủ Thiêm.

7. Không làm ra những phân khu chức năng lộn xộn.

(KTS Nguyễn Ngọc Dũng)

“Cố gắng tránh ngập”

Với Thủ Thiêm hiện tại, tôi cho rằng chúng ta có thể bắt chước làm để có một phố Đông (Thượng Hải) như người Trung Quốc đã làm, nhưng nếu cứ làm mà không tính toán cân nhắc thì TP rồi đây sẽ còn ngập lụt nặng nề hơn nữa. Và cứ theo đà phát triển như thế này thì không biết cho đến bao giờ TP mới giải quyết hết được nạn ngập, thậm chí còn ngập sâu hơn.

(Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu)

“Sai thì phải sửa”

Qui hoạch không phải là chuyện đã rồi, nếu cần thiết chúng ta vẫn có thể yêu cầu công ty tư vấn điều chỉnh hoặc làm lại, đó là chuyện bình thường. Vấn đề là phải xem xét qui hoạch đó đúng tới đâu và còn sai ở đâu, nếu đã sai thì cần sửa như thế nào. Chính các nhà chuyên môn chúng ta phải là người đề xuất, đòi hỏi được tham gia ý kiến, được nhận trách nhiệm nghiên cứu... Và nếu chúng ta không đủ sức làm thì mời người khác làm. Và nếu cần thiết thì TP cũng không nên tiếc tiền để làm những chuyện đó.

(PGS. TS Nguyễn Văn Hiệp, phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM)

QUỐC VIỆT - HOÀI TRANG thực hiện - Theo Tuổi Trẻ

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness