Áo trắng học trò trước vành móng ngựa
TT - Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa với chiếc áo trắng học trò, thấy mà xốn cả lòng. Họ bị xét xử với những tội danh ít ai ngờ tới: giết người, cướp tài sản.
1. “Gần mực thì đen”
Phiên tòa ngày 7-12, TAND TP.HCM xét xử bốn bị cáo Lê Quốc B., Đặng Hoài Â.,
Phạm Quốc Ph.và Nguyễn Anh Kh. về tội “cướp tài sản”. Cả bốn bị cáo có tuổi đời còn rất trẻ, lớn nhất chỉ vừa bước qua tuổi 16.
Kh. là học sinh lớp 11 của một trường THPT ở quận Tân Bình. Lẽ thường, các em học sinh đều chơi thân với bạn bè trong trường học. Nhưng Kh. thì khác. Kh. có ba người bạn thường chơi với nhau. Trong ba bạn này thì một từng có tiền sự, hai bạn còn lại đều nghỉ học sớm, ăn chơi lêu lổng. Tối 18-5-2006, cả bốn cùng chơi Internet ở gần nhà. Hết tiền, B. rủ cả nhóm đi kiếm tiền tiêu xài bằng cách... cướp xe người đi đường.
Thủ sẵn một con dao nhọn, cả bọn chạy lòng vòng ngoài đường. Phát hiện cô L. chạy xe gắn máy ở đoạn đường vắng, chúng ép xe, gí dao uy hiếp, yêu cầu cô L. giao xe. Cướp được xe, B. đem về nhà cất giữ. Cơ quan công an vào cuộc, B., Â., Ph. và Kh. bị bắt về tội cướp tài sản.
Vì còn là học sinh, Kh. được tại ngoại. Buổi sáng ra tòa Kh. còn mặc trên mình bộ đồng phục và mang theo cặp để... đến trường vào buổi chiều. Tại tòa, vị đại diện Viện Kiểm sát (VKS) nói: “Trong vụ án này, B. là người chủ mưu, Â. và Ph. là người thực hiện.
Đáng tiếc, Kh. là học sinh nhưng lại đánh đu theo đám bạn xấu, chỉ biết chơi bời lêu lổng, tiêm nhiễm thói hư tật xấu của bạn mà không ý thức được hành vi phạm tội của mình. Thay vì phải là người ngăn cản, Kh. còn tích cực giúp sức”. Trong phần tuyên án, tòa phạt Â. và B. 4 năm tù giam, Ph. 2 năm tù giam. Riêng Kh. tòa phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo để có cơ hội tiếp tục đến trường, sửa chữa lỗi lầm của mình.
2. “Anh hùng rơm” tuổi học trò
Trong giờ ra chơi, hai nhóm học sinh lớp 10 đùa giỡn, giữa Ng. và D. xảy ra xích mích. D. hẹn Ng. ngày hôm sau sẽ “giải quyết ân oán” tại cổng trường. Hai hôm sau, lúc chờ người nhà đến đón, Ng. đi mua trái cây và ăn cắp dao Thái Lan thủ trong túi quần để “phòng thân” vì nghe bạn bè nói nhóm của D. đang tìm đánh.
Quả thật sau đó Ng. bị đánh hội đồng. Trong trận “hỗn chiến”, Ng. rút dao đâm loạn xạ vào người D. rồi vứt dao bỏ trốn. D. được đưa đi cấp cứu kịp thời với tỉ lệ thương tật xác định là 15%. Sau khi đầu thú, Ng. bị đuổi học. Để Ng. tiếp tục việc học, gia đình đã gửi hồ sơ vào một trường bổ túc văn hóa. Ng. ra tòa cũng với bộ đồng phục học sinh trên người.
Tại tòa, Ng. mếu máo nói: “Con không muốn đánh nhau, con đã tránh nhưng bạn cứ tìm. Con cũng không biết vì sao lại dùng dao đâm bạn như vậy”. Còn giải thích về hành vi của mình, D. - người bị hại - nói mình bị cả tập thể lớp 10A5 của Ng. chọc quê, bị bạn bè thách thức nên mới đánh nhau.
Dường như với tất cả những người có mặt trong phiên xử, cả bị hại và bị cáo đều là những kẻ đáng thương, đều là những nạn nhân của một phút bốc đồng, nông nổi. Vì vậy, trong phần tranh luận vụ án, đại diện VKS chia sẻ: “Tôi không thể khóc như cha mẹ của bị hại, bị cáo được nhưng thật lòng tôi rất ray rứt. Đây là lần đầu tiên tôi phải ngồi xét xử một bị cáo như thế này. Tuy nhiên, hành vi của bị cáo là nguy hiểm và cần phải trừng trị, vì thế tôi giữ nguyên quan điểm buộc tội”.
Và vị đại diện VKS đề nghị tòa tuyên phạt Ng. mức 7 năm tù giam. Sau khi phân tích từng tình tiết, tòa cho rằng nguyên nhân phạm tội không xuất phát từ Ng., hành vi phạm tội chưa mang tính côn đồ như cáo buộc của VKS, tòa chuyển từ khung 1 sang khung 2 của tội giết người. Ngoài ra, xét Ng. là trẻ vị thành niên, còn đi học nên tòa phạt bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo để có cơ hội tiếp tục đến trường.
3. Nhà trường và gia đình ở đâu?
Tại tòa, cả Kh. cũng như Ng. đều nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép và hiền lành. Điều đó tương phản hoàn toàn với các tội danh cướp của, giết người mà họ đang bị xét xử. Vậy tại sao những người trẻ đó lại có những hành động côn đồ, gây gổ, đánh nhau và thậm chí cả cướp của như thế? Phải chăng là do máu “anh hùng rơm” hay từ sự “nổi loạn” của tuổi mới lớn, hay là tại “ăn chưa no, lo chưa tới?”. Có lẽ là do tất cả, nhưng trên hết phải chăng còn có sự buông lỏng giáo dục của gia đình, nhà trường?
Trong cả hai bản án tuyên cho Kh. và Ng., tòa đều nhắc đến vai trò trách nhiệm của cả gia đình và nhà trường. Trường hợp của Ng., cha mất sớm, mẹ chỉ biết chạy chợ nuôi con nên bị cáo thiếu sự chăm sóc của gia đình. Vì thế đối với Ng., tòa đặt nặng trách nhiệm của nhà trường hơn.
Theo phân tích của tòa, việc xích mích giữa Ng. và D. đã kéo dài đến ba ngày, học sinh hai lớp đều biết, lớp học có ban cán sự, có giáo viên chủ nhiệm nhưng nhà trường không hề hay biết để kịp thời ngăn chặn. Vị luật sư bào chữa cho Ng. cũng đặt vấn đề: bảo vệ nhà trường ở đâu khi để học sinh đánh nhau ngay trước cổng trường mà không can thiệp?
Vì thế trong phần kiến nghị, tòa yêu cầu nhà trường phải rút kinh nghiệm quản lý học sinh, nếu không, chuyện đánh nhau như thế này sẽ còn tiếp diễn. Đáng buồn thay, kiến nghị đó như rơi vào khoảng không vì người ta không hề thấy bóng dáng của đại diện nhà trường đến dự. Trách nhiệm giáo dục từ phía gia đình phản ánh rõ nét hơn qua lối suy nghĩ giản đơn từ một người thân của Kh. bên ngoài phòng xử: “Ở nhà có bắt nó làm công lên chuyện xuống gì đâu. Nó chỉ có ăn ngủ và học không thôi mà vậy đó”.
Cả hai vụ án đều là những bài học đau lòng. Rồi đây trong lý lịch còn “trong veo” của hai em sẽ có một vết đen tiền án. Đáng mừng là hai em còn có cơ hội tiếp tục được đi học, cánh cửa tương lai vẫn mở ra phía trước. Nhưng, nếu như vẫn còn những lối suy nghĩ “giản đơn” như người thân của Kh. hay sự thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục như giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường của Ng. thì những chuyện đau lòng như thế này sẽ vẫn còn xảy ra, không phải với Kh., với Ng. thì với nhiều em khác.