TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Gặp 1 trong 5 người tố cáo chuồng cọp

(Thanh tra)- Trong 113 năm tồn tại (1862 - 1975), chuồng cọp Côn Đảo chính là địa ngục trần gian - nơi giam hãm hàng vạn chiến sĩ cách mạng, hòng làm giảm nhuệ khí yêu nước của nhân dân ta vốn dâng cao như sóng vỗ bờ. Ngày 17/7/1970, trên Tạp chí Life và một số cơ quan truyền thông quốc tế đã đăng tải về nhà tù Côn Sơn (tên cũ của nhà tù Côn Đảo) làm cả thế giới bàng hoàng. Sơ đồ về chuồng cọp được 5 học sinh, sinh viên Việt Nam vừa được thả từ Côn Đảo cung cấp. Trong không khí chào mừng 80 năm thành lập Đảng, phóng viên Thanh tra Cuối tháng đã tìm gặp ông Nguyễn Minh Trí (Mười Thắng), cựu điệp báo A10 -1 trong 5 cựu tù ngày nào.

 

 

16 tuổi làm cách mạng

Năm 1968, 16 tuổi, khi đang học lớp đệ tam (nay là lớp 10) của Trường Chu Văn An, quận 10, TP HCM, ông Trí tham gia cách mạng và là tổ trưởng tổ vũ trang tuyên truyền liên quận. Sau đó, ông gia nhập lực lượng an ninh T4. 
 

Ngày 17/4/1969, ông bị địch bắt, đày ra Côn Đảo và biệt giam tại chuồng cọp. 
 

Chuồng cọp có 2 khu, mỗi khu có 60 chuồng và 30 hầm đá, giam giữ trên 400 người. Ông bị giam cầm cùng 4 người khác, trong đó có 2 tỉnh ủy viên. Là người trẻ tuổi nhất nên ông Trí có nhiệm vụ ra ngoài lấy nước, đi đổ vệ sinh vào các buổi chiều. Vì ở dãy đầu của chuồng cọp, thông với trại 4 nên chàng trai trẻ thông thạo các cửa bí mật. Những ngày đó, chàng trai đất Sài Gòn thường ra ngoài, lén cắt những luống rau dại để mang vào cho các đồng chí mình ăn.
 

Cuối năm 1969, trước phong trào đấu tranh quyết liệt của các nữ tù nhân ở khám Chí Hòa, chính quyền Sài Gòn thấy tình hình bất lợi nên quyết định đày ra Côn Đảo. Bị giam giữ tại chuồng cọp 4 tháng, ông Trí được chuyển sang chuồng bò (nhà tù có rất nhiều chuồng), nhường chỗ cho ngụy quyền giam giữ các nữ đồng chí đất liền mới bị đưa ra, ngụy quyền gọi là “cọp cái”. 
 

Thời gian sau, một đoàn dân biểu của chế độ cũ đi thăm tù tại Côn Đảo, trong đó có những người Mỹ. Ông Trí giả làm tù nhân bị bại liệt suốt 6 tháng nên được một người Mĩ hỏi:

- Are you V.C? (Có phải mày là cộng sản không?)

- I’m not V.C but I love peace. I want stop the war (Tôi không phải là cộng sản nhưng tôi yêu hòa bình. Tôi muốn chấm dứt chiến tranh).  

Sau, do trong danh sách của ngụy quyền có bản liệt kê 5 học sinh, sinh viên không phải là cộng sản có tên ông Trí lại cộng với áp lực của Tổng hội Sinh viên, nhà cầm quyền lúc bấy giờ buộc phải thả vào tháng 4/1970. 
 

Dấu ấn không thể nào quên

Trở lại Sài Gòn, ông Trí cùng các đồng chí như: Dương Văn Đầy, Trần Khiêm… tập trung tại chùa Ấn Quang, quận 10 dưới danh nghĩa Phật tử. Mọi người bàn nhau tố cáo chế độ hà khắc tại nhà giam Côn Đảo, Chí Hòa bởi suy nghĩ “anh em mình về trước nên mắc nợ với đồng chí ở lại”. Biết chuyện, nhà báo Mĩ Don Luce bí mật tìm đến gặp những cựu tù.
 

 


“Lúc đó, chính quyền cũ giữa Kỳ - Thiệu đang có mâu thuẫn (Phó Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Cao Kỳ và Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu), phải lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ để nhóm thân Kỳ giúp mình, chứ không là họ có thể dẹp mình như… con kiến”, ông Trí nhớ lại. 
 

Nhà báo Nông Huyền Sơn và NXB Công an Nhân dân đang thực hiện tiểu thuyết tình báo về chiến công của cụm tình báo A10, dự kiến ra mắt trong năm 2010.

Ngày 25/5/1970, năm cựu học sinh, sinh viên: Cao Nguyên Lợi, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Thanh Tòng, Nguyễn Minh Trí, Trần Văn Long từ chuồng cọp Côn Đảo trở về đã tố cáo chế độ nhà tù Mỹ ngụy trước Hạ nghị viện của chế độ cũ (nay là Nhà hát TP). Dịp này, nhóm thân Kỳ tranh thủ đả kích chế độ hà khắc của Tổng thống ngụy quyền Thiệu. Bên ngoài, nhóm thân Thiệu lăm lăm súng ống nhưng không thể tiến vào. Trong khán phòng, Cao Nguyên Lợi, vì giỏi tiếng Anh, Pháp nên được đăng đàn phát biểu. Từ trí nhớ của 5 cựu tù, một cựu sinh viên mĩ thuật (tên Tố, con nhà văn Vũ Hạnh) đã vẽ lại sơ đồ chuồng cọp trên giấy để công bố. 
 

Tường trình từ địa ngục

Ngày 30/6/1970, phái đoàn dân biểu Mỹ và báo chí quốc tế, trong đó có nhà báo Don Luke đến Côn Đảo. Họ không thể ngờ những gì trông thấy tương tự nhà tù nổi tiếng ở Guinea từng lên màn ảnh trong bộ phim Papillon - Người tù khổ sai. 
 

Khi đó, đoàn nghị sĩ Mỹ yêu cầu được đi thăm nhà tù Côn Đảo, nhưng khu vực chuồng cọp đã bị chúa đảo Nguyễn Văn Vệ ngụy trang giấu hết. Một nghị sĩ chợt nhớ lời của 1 trong 5 cựu sinh viên, học sinh là phải tìm một bức tường có cái cửa nhỏ bên một vườn rau xanh. Nghị sĩ đó hỏi chúa đảo: “Nghe nói trong tù các anh vẫn có thể trồng được rau xanh cải thiện cho tù nhân?”, Nguyễn Văn Vệ nghe khoái chí liền dẫn mọi người tới bức tường (có cửa nhỏ) như đã được nghe mô tả. Một người hỏi Nguyễn Văn Vệ: “Rau xanh này là rau gì?”. Vệ nghĩ thầm người Mỹ không biết tiếng Việt nên nói đại là “rau muống”. Thật xui cho tên chúa đảo là trong đoàn có một người Mỹ sống rất lâu ở Việt Nam, ông ta nói: “Không phải, đây là rau khoai lang”. Người Mỹ này nói rồi cúi xuống nhổ cây khoai lang lên và tình cờ thấy lớp đất lộ ra cánh cửa nhỏ (chứng tỏ đám rau này mới đưa ra để phủ lối vào). Đoàn nghị sĩ yêu cầu mở cánh cửa, Vệ bực mình gõ mạnh vào cánh cửa nhỏ, nói: “Cánh cửa này hư rồi, đã lâu không mở để tôi đưa các ông đi vòng qua cánh cửa khác”. Không ngờ tên cai ngục ở phía bên trong cánh cửa nghe thấy tiếng ba-toong và tiếng chúa đảo, lại tưởng yêu cầu mở cửa, thế là cánh cửa bật ra. Chúa đảo tái mét mặt mày. 
 

Sau đó, Báo Tin sáng Sài Gòn, Tạp chí Time đã đưa tin bài của nhà báo Don Luce và nhà báo John Helmil với thiên phóng sự điều tra "Tố cáo vụ chuồng cọp Côn Đảo" mà lâu nay Chính phủ Mỹ và chính quyền Sài Gòn cố tình bưng bít. Sức ép của dư luận quốc tế khiến chính quyền Sài Gòn phải chuyển 180 tù nhân nam và 300 tù nhân nữ ra khỏi các chuồng cọp. Một số được chuyển tới các nhà tù khác, một số được đưa vào các viện tâm thần. Hệ thống chuồng cọp bị đập bỏ để xoa dịu dư luận quốc tế và làn sóng đấu tranh của tù nhân và các phong trào yêu nước.

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness