Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước cơ hội vươn mình mạnh mẽ, tiến tới phát triển bền vững và thịnh vượng với quan điểm thuận thiên trong Nghị quyết 120/NQ-CP
Triển khai nghị quyết 120 trong thời kỳ mới, tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức đồng ý việc vay khoảng 2 tỷ USD nguồn vốn ODA để đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay 1,05 tỷ USD, còn lại từ các đối tác khác đến từ châu Âu.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, số vốn này sẽ được dùng để hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng, bao gồm hồ trữ nước ngọt, công trình giao thông liên tỉnh và đặc biệt là công trình đường ven biển.
Tuyến đường ven biển dài khoảng hơn 700km, được kỳ vọng sẽ mở ra một không gian mới cho phát triển, giúp các tỉnh khai thác nguồn lợi từ kinh tế ven biển, đồng thời hỗ trợ hiệu quả công tác chống hạn mặn, xói lở, giảm thiểu thiệt hại của biến đổi khí hậu.
Lợi ích kinh tế có thể không được như kỳ vọng?
Theo nghiên cứu của Trường Chính sách công và quản lý thuộc Đại học Fulbright, cả miền Tây rộng lớn, chiếm khoảng 20% về dân số, diện tích, kinh tế của Việt Nam nhưng chỉ có khoảng 100km đường cao tốc, bằng một nửa so với số km đường cao tốc của riêng tỉnh Quảng Ninh.
Điều này cho thấy sự “nghèo nàn một cách nghiêm trọng” về cơ sở hạ tầng của đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra nút thắt kìm hãm phát triển kinh tế. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý thuộc Đại học Fulbright, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông là bước đi tiên quyết để cởi trói cho “vùng đất Chín Rồng” cất cánh.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Anh, dự án sử dụng vốn ODA để xây dựng tuyến đường ven biển đồng bằng sông Cửu Long cần phải được cân nhắc một cách thận trọng và kỹ lưỡng, bởi “đây là dự án rất rủi ro và có thể kém hiệu quả”.
Cụ thể, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nền đất yếu, cửa sông rộng, khiến chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông bị đội lên rất cao, chưa kể tới việc đảm bảo những tiêu chí chống chịu với biển đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng.
Như vậy, theo tính toán của ông Anh, số vốn 2 tỷ USD “không thể xây được hơn 200km đường ven biển” và không tạo ra được thay đổi gì, khi tuyến đường ven biển miền Tây yêu cầu độ dài khoảng hơn 700km.
Mặt khác, nếu xây dựng thành công, tuyến đường ven biển cũng sẽ không đem lại lợi ích kinh tế cao như điều đã từng xảy ra đối với khu vực miền Trung.
Theo đó, vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long có nhiều phù sa, hạt mịn, dẫn đến tình trạng nước biển đục. Ngoài ra, các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản ở khu vực ven biển cũng khiến khu vực này không thích hợp cho hoạt động du lịch tắm biến, nghỉ dưỡng.
Thực tế, khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ có Phú Quốc sở hữu tiềm năng về phát triển du lịch nghỉ dưỡng bãi biển.
Ông Anh nhận định, tiềm năng kinh tế ven biển của miền Tây nằm ở năng lượng, bao gồm điện gió, điện mặt trời và năng lượng từ thủy triều. Với tiềm năng này, việc xây dựng tuyến đường ven biển là lãng phí và chưa cần thiết.
Xây “xương sống” cho đất “Chín Rồng”
Để cởi bỏ nút thắt kìm hãm sự phát triển của vùng đất Chín Rồng, một hệ thống giao thông thông suốt, đồng bộ và chất lượng là điều tối quan trọng. Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Fulbright và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, phát triển một trục đường cao tốc nối liền từ TP.HCM tới Cà Mau phải là ưu tiên chiến lược trong thời gian tới.
Kết nối giao thông với TP.HCM tạo ra điều kiện hết sức thuận lợi cho phát triển kinh tế. Thực tế, trong số các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Long An và Tiền Giang có khả năng thu hút đầu tư cao hơn nhờ có đường cao tốc nối liền với TP.HCM cũng như vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
“Trong vòng 10 năm tới, kết nối chính của đồng bằng sông Cửu Long ra cả nước và thế giới vẫn sẽ đi qua TP.HCM và Đông Nam Bộ, do đó phải xây dựng tuyến giao thông huyết mạch để kết nối với Đông Nam Bộ”, ông Anh lập luận.
Bên cạnh đó, trục đường thứ hai cũng cần được ưu tiên triển khai là trục nằm ngang, nối liền từ An Giang tới Sóc Trăng.
Hai tuyến đường dọc và ngang này đóng vai trò là xương sống, nâng đỡ sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long. Nếu có thêm nguồn lực đầu tư, các trục đường song song với 2 tuyến đường kể trên cũng sẽ tạo ra lợi ích kinh tế lan tỏa.
Phạm Sơn - Theo TheLeader