Đất nước Trung Quốc có được sự phát triển như ngày hôm nay, chúng ta không hề cường điệu khi khẳng định rằng do một tay Đặng Tiểu Bình khởi tạo.
Khi Đặng Tiểu Bình giành được quyền lực, Trung Quốc vừa trải qua cơn biến loạn đen tối với “cách mạng văn hóa” của Mao Trạch Đông làm cho suy kiệt. Đặng, với mưu lược hơn người và đôi “bàn tay sắt”, đã khởi tạo và sắp đặt con đường cho Trung Quốc tới mấy chục năm sau, đến thời Tập Cận Bình thì Trung Quốc đã trở thành siêu cường số 2 thế giới.
Nhưng trong 10 năm cầm quyền vừa qua, có vẻ như Tập đang dần phế bỏ những “bảo bối” quan trọng nhất từng được Đặng sử dụng như “mật pháp” và căn dặn lớp đàn em phải thực hiện để Trung Hoa trỗi dậy.
1.“Giấu mình, chờ thời”
Đặng “thừa kế” từ Mao một đất nước Trung Quốc rộng lớn nhưng hỗn loạn, nghèo đói, suy kiệt. Đồng thời với việc sử dụng “bàn tay sắt” trong nội trị, Đặng cũng từng tiến hành vài phép thử với thế giới bên ngoài, điển hình là việc xua lực lượng lớn quân đội xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam, lớn tiếng “dạy cho Việt Nam một bài học”, nhưng Đặng đã nhận được một bài học lớn cho mình.
Để vực dậy một nước Trung Quốc rệu rã về mọi mặt, Đặng nhấn mạnh đến vai trò của “bốn hiện đại hóa” (có từ thời Chu Ân Lai) và thúc đẩy nó bằng phương châm “cải cách, mở cửa” rất thành công. Trong quá trình này, với lý thuyết “mèo trắng, mèo đen”, Đặng tận dụng mọi cơ hội có thể để thúc đẩy phát triển kinh tế, làm cho Trung Quốc lớn mạnh từng bước.
Có thể nói, không phải đến thời Tập Cận Bình thì mới có “Trung Hoa mộng”. Từ thời phong kiến các hoàng đế Trung Quốc luôn có tư tưởng “bình thiên hạ”, đến thời Mao Trạch Đông tuy lấy nền tảng là “Chủ nghĩa Mác” nhưng Mao muốn áp đặt lên thế giới “mô hình Trung Quốc” đối với cuộc cách mạng vô sản toàn cầu… Đặng là người có chí lớn, hẳn ông ta cũng “Trung Hoa mộng” như bất cứ vị hoàng đế nào.
Nhưng là một nhà cách mạng thực tiễn, Đặng biết mình, biết người, thấy Trung Hoa chưa thể “vỗ ngực, xưng tên” với thế giới bên ngoài được, nên ông ta mới chủ trương thực hành mật pháp “giấu mình, chờ thời”. Mật pháp ấy đã giúp Trung Quốc lớn mạnh suốt hơn ba thập kỷ sau đó trước sự ngỡ ngàng của thế giới.
Đến Tập Cận Bình, trong 10 năm cầm quyền đã qua, người ta thấy một Trung Quốc không còn “giấu mình” nữa. Tập không ngại công khai nói là làm những việc để chứng tỏ với thế giới rằng Trung Quốc là một siêu cường sẵn sàng đối đầu với mọi thách thức. “Ngoại giao chiến lang”, “phô diễn sức mạnh cơ bắp”, “vươn vòi bạch tuộc”…, là những cụm từ mà một số nhà nghiên cứu quốc tế sử dụng để nói về Trung Quốc trong giai đoạn vừa qua.
Tập Cận Bình quên lời dặn của Đặng Tiểu Bình? Không. Có lẽ ông Tập cho rằng đây là thời điểm mà Trung Quốc không cần “giấu mình” nữa bởi họ đã có sức mạnh của siêu cường cả về kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học. Hơn nữa, với những gì đã diễn ra trên chính trường Trung Quốc, người ta cũng dễ dàng nhận thấy rằng Tập không muốn mình là cái bóng của bất cứ vị lãnh tụ nào trước đó. Thậm chí, nếu Đại hội XX lần này đưa vào điều lệ Đảng “tư tưởng Tập Cận Bình” thì ông sẽ sánh ngang hàng Mao Trạch Đông và đứng trên cả Đặng Tiểu Bình trong lịch sử ĐCSTQ.
Có những ý kiến đặt ra rằng việc Tập không chủ trương thực hiện mật pháp “giấu mình, chờ thời” của Đặng thì có hại cho sự phát triển của Trung Quốc không? Về khách quan mà nói, sự trỗi dậy của Trung Quốc tính đến thời điểm Tập cầm quyền, đã quá rõ ràng, “giấu” cũng không được. Mỹ và các đồng minh phương Tây đã buộc phải “xoay trục” để đối phó với người khổng lồ Trung Quốc. Thực tế đó, cùng với khát vọng “Trung Hoa mộng” rất lớn trong con người cá nhân Tập Cận Bình đã khiến ông phế bỏ mật pháp của ông Đặng.
2.Cải cách, mở cửa
Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, lãnh tụ ĐCSTQ để lại cho Đặng Tiểu Bình di sản là một đất nước hỗn loạn, nghèo đói, bất an, vô phương hướng. “Thừa kế” một di sản như vậy, Đặng vừa phải thực hiện các biện pháp thâu tóm quyền lực, sắp đặt bộ máy lãnh đạo, ổn định trật tự xã hội đang hừng hực cháy dưới lò bát quái “cách mạng văn hóa”…, phải nói là một khối lượng công việc khổng lồ.
Đặng đã lựa chọn ổn định đường lối chính trị, từng bước sửa sai “cách mạng văn hóa” và lấy “cải cách, mở cửa” làm trọng tâm của đổi mới đất nước. Có lẽ, những ngày tháng phải sống ở chuồng bò thời cách mạng văn hóa bị đày ải, Đặng thấu hơn ai hết câu nói của người xưa “dân dĩ thực vi thiên”, cho nên khi giành được quyền lực ông đã lấy kinh tế làm mục tiêu để chấn hưng đất nước.
Nếu như người Trung Quốc có quan điểm rất khác nhau về công – tội của Đặng qua “sự kiện Thiên An Môn” thì có lẽ đa số họ thừa nhận công lao của Đặng đối với sự nghiệp đổi mới, cải cách, phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Với lý thuyết “mèo trắng, mèo đen”, tự do hóa kinh doanh, thừa nhập và bảo hộ quyền tư hữu, chính sách đối ngoại hợp tác kinh tế khôn khéo với thế giới bên ngoài, Đặng Tiểu Bình đã giải phóng được nguồn lực to lớn của Trung Quốc cho sự nghiệp phát triển kinh tế, đưa một đất nước từ đói nghèo lên siêu cường thứ 2 thế giới trong vòng bốn thập kỷ. Đặc biệt, do thực thi triệt để 2 mật pháp của của Đặng là “giấu mình, chờ thời” và “cải cách, mở cửa”, Trung Quốc đã gia nhập WTO năm 2001, mang lại cho họ rất nhiều lợi ích, xác lập địa vị “công xưởng thế giới”, từng bước chinh phục các đỉnh cao khoa học, công nghệ.
Đến thời của Tập, người ta vẫn thấy Tập nói về tự do hóa kinh tế, về liên kết, rồi sáng lập “vành đai, con đường”…, nhưng ông đã áp đặt chính sách đối nội, đối ngoại khác trước rất nhiều. Tháng 10/2020, tỉ phú số 1 Trung Quốc, Jack Ma dự một diễn đàn tại Thượng Hải, ông lên tiếng phê phán hệ thống tài chính của Trung Quốc là “kìm hãm đổi mới”. Ngay sau đó, Jack Ma đã “biến mất” khỏi diễn đàn suốt thời gian dài, các doanh nghiệp do ông làm chủ và góp vốn cũng lên bờ xuống ruộng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu không thể để tư bản phát triển mất kiểm soát, các công ty và người giàu có phải “có trách nhiệm hơn”… Tập đoàn Alibaba sau đó đã tuyên bố dành số vốn khổng lồ để đầu tư cho các chương trình an sinh xã hội và vùng khó khăn. Trong thời gian ông Tập Cận Bình cầm quyền, chứng kiến số lượng lớn người giàu có Trung Quốc “chạy” ra nước ngoài.
Những thay đổi chính sách của Tập Cận Bình, cộng với tác động của COVID-19, đến nay nền kinh tế Trung Quốc đang có biểu hiện khép kín, cắt khúc với thế giới bên ngoài, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã phải thực hiện giải pháp Trung Quốc +1 hoặc rút khỏi thị trường Trung Quốc trong thời gian qua.
Trong thời điểm kinh tế Trung Quốc gặp vô vàn khó khăn như hiện tại, nhiều học giả Trung Quốc cho rằng việc kiên trì đường lối cải cách, mở cửa của Đặng Tiểu Bình là không thể thay đổi. Nhưng Tập Cận Bình có nghĩ như vậy hay không? Hiện chưa ai dám chắc chắn. Khi Donald Trump áp thuế 2 lần vào hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, giống như một cuộc “tuyên chiến” thương mại, Tập Cận Bình tự tin rằng với dân số 1,4 tỉ người, chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị đa dạng, Trung Quốc hoàn toàn có thể “sống khỏe” với thị trường nội địa rộng lớn cộng với thị trường một số đồng minh, mà không nhất thiết phải liên thông chặt chẽ với phương Tây.
Nhiều khả năng, trước những khó khăn chồng chất, Tập Cận Bình sẽ ra lệnh “nới lỏng” chính sách “zero COVID” để “cứu” nền kinh tế. Còn nếu tiếp tục thực hiện chính sách này, nền kinh tế Trung Quốc sẽ nguy cấp, cho dù có hưởng lợi từ việc mua dầu giá rẻ của Putin.
3.Bồi dưỡng người kế cận
Có lẽ do nhận thấy tác hại của kiểu cầm quyền suốt đời từ “Mao Trạch Đông” cũng như nghiên cứu các mô hình quyền lực cổ kim trên thế giới, nên khi đứng trên đỉnh cao quyền lực, ông Đặng Tiểu Bình đã quyết định đưa ra các nguyên tắc “hai nhiệm kỳ” và bồi dưỡng người kế cận.
Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đều là các nhân vật được “tuyển chọn” và bồi dưỡng từ rất sớm, chịu sự kiểm soát của nguyên tắc “hai nhiệm kỳ”.
Theo nguyên tắc ấy, thì những người đã được “định vị” từ trước như ông Hồ Xuân Hoa lẽ ra đã được vào thường vụ Bộ Chính trị từ nhiệm kỳ trước và nhận “chuyển giao” tại nhiệm kỳ này.
Nhưng Hiến pháp Trung Quốc đã được sửa đổi, bỏ nguyên tắc hai nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước (nhưng lại giữ nguyên nguyên tắc hai nhiệm kỳ với Thủ tướng Chính phủ), Điều lệ ĐCSTQ đã được sửa đổi, bổ sung một lần và dự đoán sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung tại Đại hội này để đưa “tư tưởng Tập Cận Bình” vào văn kiện Đảng.
Chưa có bất cứ nhân vật nào được Tập Cận Bình chỉ định làm người kế nhiệm mình. Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới được dự báo vẫn giữ nguyên 7 ghế, trong đó trẻ nhất là Hồ Xuân Hoa, cũng đã 59 tuổi.
Ông Tập đã phế bỏ mật pháp này của những người tiền nhiệm.