'Big 4' và các ông lớn Vingroup, Sungroup, Novaland... họp với Thủ tướng
Ngày 3/8, Hội nghị trực tuyến về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì có sự tham dự nhóm "Big 4" và các "ông lớn" bất động sản.
Các thành phần tham dự ngoài Thủ tướng, các Phó thủ tướng có các Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ; các ủy ban: Kinh tế của Quốc hội, Pháp luật của Quốc hội.
Hội nghị có sự tham dự của các ngân hàng TMCP nhà nước: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank; các ngân hàng TMCP: Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Quân đội (MB Bank).
Đặc biệt, hội nghị còn có sự tham gia của nhiều "ông lớn" bất động sản như: HUD, Handico, UDIC, Hancorp, Vingroup, Sungroup, Novaland, Hưng Thịnh, GP.Invest, IMG, Becamex IDC Bình Dương... cùng các doanh nghiệp xây lắp trong lĩnh vực bất động sản: Coteccons, Công ty cổ phần xây dựng Hòa Bình, Vinaconex. Các chuyên gia kinh tế, tài chính: ông Trần Đình Thiên, Cấn Văn Lực...
Tại điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chủ tịch UBND các tỉnh, Giám đốc các sở. Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) dự tại điểm cầu UBND TP. HCM.
Thủ tướng: 'Thị trường bất động sản khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó'
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thông điệp tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản là chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong 7 tháng vừa qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động từ bên ngoài và nội tại bên trong, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội vẫn đạt được các kết quả cơ bản: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần, các cân đối lớn được bảo đảm, kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Trong kết quả chung về kinh tế xã hội có đóng góp rất quan trọng của lĩnh vực bất động sản.
Thủ tướng nhấn mạnh một hoặc hai hội nghị không thể giải quyết được hết tất cả những vấn đề đặt ra, trong đó có những vấn đề đã kéo dài hàng chục năm không thể xử lý trong "một sớm một chiều".
Song Thủ tướng cho hay tinh thần là rõ đến đâu xử lý đến đó, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, các chủ thể có liên quan (các cơ quan quản lý, các địa phương, các bộ, các ngành, các doanh nghiệp, khách hàng và người dân có nhu cầu mua bán bất động sản) cùng nhau chung tay giải quyết, đề cao trách nhiệm mỗi chủ thể vì sự phát triển của đất nước, vì lợi ích chung, hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Chủ tịch Bùi Thành Nhơn: 'Các dự án của Novaland đã có hướng giải quyết'
Tại Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) Bùi Thành Nhơn cho biết, trong bối cảnh các doanh nghiệp bị bào mòn do dịch bệnh, lạm phát và bất ổn toàn cầu, Nghị quyết 33 của Chính phủ ban hành như "một nguồn oxy quý báu đúng thời điểm", giúp cộng đồng doanh nghiệp không rơi vào bất ổn, kịp thời ngăn chặn nhiều hệ lụy xấu ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính, đến đà phát triển của quốc gia, đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và an sinh xã hội.
"Cho đến nay, các dự án của Novaland căn bản đã có hướng giải quyết cụ thể và đang trong tiến trình tháo gỡ. Các dự án tại Bà Rịa Vũng Tàu hầu hết đã được lãnh đạo tỉnh phê duyệt giải quyết. Các dự án tại TP. HCM, Đồng Nai, Bình thuận đã được Tổ công tác và các bộ ban ngành tận tình hướng dẫn và địa phương đang tập trung tháo gỡ", ông Bùi Thành Nhơn cho hay.
Chủ tịch Tập đoàn Novaland kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh hơn nửa tiến độ tháo gỡ triệt để các vướng mắc về pháp lý cho toàn bộ các dự án trên cả nước trong thời gian nhất định ngắn nhất trên nền tảng pháp luật nhất quán thông suốt từ dịa phương - Chính phủ - Quốc hội. (Xem thêm)
Chủ tịch IMG: “Thất thoát do chậm trễ tiến độ lớn hơn thất thoát do tham ô”
Ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty Cổ phần đầu tư IMG, nhìn nhận khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp bất động sản là pháp lý chứ không phải vấn đề ngân hàng. Pháp lý có sự chồng chéo, cùng 1 vấn đề, 1 quy định nhưng nhiều cách hiểu, cấp thực thi không thực hiện và không dám làm, chủ yếu là cấp địa phương.
“Lệ làng ở nhiều nơi rất to, không làm cũng không sao và các doanh nghiệp rất cơ cực”, ông nhấn mạnh và cho hay ở doanh nghiệp, ban lãnh đạo giao việc kèm deadline (thời hạn hoàn thành công việc), cán bộ sai deadline mà không có lý do chính đáng, không được cấp trên đồng ý điều chỉnh thì sẽ bị phạt hoặc chuyển công tác. Tuy nhiên, cán bộ nhà nước có chậm hoặc không làm cũng không sao.
“Chúng ta hiểu rõ, thất thoát do chậm trễ tiến độ lớn hơn thất thoát do tham ô”, ông nói đồng thời kiến nghị cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý để cán bộ yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, cần có nghị định rõ ràng về việc phân quyền và trách nhiệm của các cấp, trong đó quy định rõ: nội dung hoàn thành, thời gian hoàn thành, trách nhiệm nếu để quá hạn. (Xem thêm)
Tổ công tác 'giải cứu' bất động sản làm được gì trong mấy tháng qua?
Tại hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản chiều 3/8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương lớn, tiếp nhận 112 văn bản liên quan đến 174 dự án bất động sản. Trong đó, nhiều nội dung kiến nghị liên quan đến quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án… đã được xử lý.
Cụ thể, tại TP. HCM: Tổ công tác đã hướng dẫn, giải đáp khoảng 30 nội dung kiến nghị liên quan tới 180 dự án nhà ở, khu đô thị cùng 37 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp và người dân. Hiện TP. HCM đang triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới hàng loạt dự án.
Kết quả, TP. HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu), trong đó: có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác; có 39 dự án qua rà soát của địa phương.
Tại Hà Nội: Tổ công tác đã giải đáp, hướng dẫn khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến 712 dự án nhà ở, khu đô thị. Các nội dung tháo gỡ như: triển khai thực hiện dự án nhà ở, khu đô thị, chính sách nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất…
Ngoài ra, có 12 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp hiện đã đề nghị UBND Hà Nội giải quyết tháo gỡ theo thẩm quyền. Đến nay Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu).
Giải cứu 30 tỷ USD mắc kẹt: Mua bán dự án bất động sản vướng đủ đường
Hiện có hàng nghìn dự án BĐS đang trong tình trạng dang dở, một phần vì pháp lý chưa hoàn thiện, phần khác do chủ đầu tư không còn đủ nguồn tài chính để triển khai tiếp. Số liệu thống kê từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy, số lượng dự án BĐS dang dở trên cả nước hiện lên đến cả nghìn dự án với giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 30 tỷ USD.
Trong bối cảnh này, câu chuyện chuyển nhượng dự án là một lối thoát cho doanh nghiệp, tuy nhiên các quy định về chuyển nhượng dự án theo Luật Kinh doanh bất động sản đang là rào cản.
Theo ông Lê Hoàng Thái, Giám đốc một công ty kinh doanh BĐS tại TP. HCM thì một điều khá bất cập là điều kiện phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Điều này gây khó khăn cho những chủ đầu tư muốn chuyển nhượng dự án do thiếu năng lực triển khai dự án.