
Các ngành truyền thống như may mặc và giầy dép đang được thay thế bằng hàng điện tử
Trang web kinh doanh Hoa Kỳ Forbes hôm 5/1 đăng bài của tác giả Ralph Jennings nói về những lý do kinh tế Việt Nam tiếp tục có đà phát triển tích cực.
TPP
Tổng thống đắc cử Trump cảnh báo TPP sẽ là một trong những việc ông loại bỏ ngay khi nhậm chức, Nhưng nếu điều này xảy ra, Việt Nam vẫn còn lựa chọn khác.
“Việt Nam đã tham gia vào 16 thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA) trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản.
“Họ có thể tham gia các thỏa thuận song phương khác với các thành viên trong TPP nếu Quốc hội Hoa Kỳ từ chối thông qua thỏa thuận này,” Ralph Jennings nhận định.
Việt Nam hiện cũng đang đàm phán tham gia thỏa thuận được xem là đối trọng với TPP do Trung Quốc chủ xướng có qui mô chi phối 30% GDP toàn cầu.
Sửa luật đầu tư
Ralph Jennings đánh giá 2016 là “năm chuyển dịch” cho những thay đổi về chính sách tại Việt Nam cho các công ty nước ngoài.
Oscar Mussons, chuyên viên tư vấn kinh doanh quốc tế của Dezan Shira & Associates tại Tp HCM được dẫn lời nói rằng 2017 là năm Việt Nam sẽ bắt đầu “thu hoạch từ việc đưa ra các luật lệ kinh doanh có tính cạnh tranh và có cơ chế tốt hơn và cũng giúp Việt Nam trở thành một trong các điểm chế tạo chính trên thế giới”.
‘Dân giàu hơn’
Tầng lớp trung lưu của Việt Nam được đánh giá là sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020, tới mức 33 triệu người, và điều này có nghĩa là tiêu dùng tăng.
Lớp trung lưu, đối tượng dành tiền mua điện thoại, xe cộ, thuốc men và du lịch thêm bởi đồng lương của họ cũng tăng cùng với đà phát triển trong khu vực xuất khẩu.
Thay mặt hàng xuất khẩu
Yếu tố thứ tư được đánh giá góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn là tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao mà Việt Nam gia công và chế tạo tằng từ 5% năm 2010 lên 25% năm 2015 và đang tiếp tục tăng.
Đầu tư từ Hon Hai Precision, Intel và Samsung – trị giá nhiều tỉ đô la góp phần chính trong hướng đi này.
“Hàng điện tử đang thay thế các ngành truyền thống như may mặc và giầy dép,” Ralph Jennings nhận định.
Khu vực tư nhân
Tác giả cho rằng khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam đang được mở rộng và đa dạng hóa.
Khu vực tư nhân dần dần thay thế khu vực nhà nước trong một số lĩnh vực. Các công ty khởi nghiệp được mở ra trong các lĩnh vực truyền thông, giải trí và thanh toán qua mạng.