50 năm trước, giá dầu WTI (dầu Texas ngọt nhẹ) từ 4,31 USD/thùng vào đầu tháng 9-1973 vọt lên 10,11 USD vào tháng 1-1974, gây ra cuộc đại khủng hoảng dầu hỏa. 50 năm sau, tối 24-9 giờ New York, giá dầu WTI tăng lên tới 90,15 USD/thùng (từ mức giá 67,82 USD hồi tháng 3-2023).
Cho tới năm 2016, năm mà hai tác giả Christiane Baumeister và Lutz Kilian công bố nghiên cứu "Bốn mươi năm biến động giá dầu: Tại sao giá dầu vẫn có thể làm chúng ta ngạc nhiên?", dường như người ta vẫn còn cho rằng một trong những nguyên nhân cơ bản của "sự gián đoạn dòng sản xuất dầu toàn cầu liên quan đến các sự kiện chính trị ngoại sinh như chiến tranh và các cuộc cách mạng ở các nước thành viên OPEC".
Cuộc khủng hoảng 50 năm trước
Cách giải thích truyền thống cho biến cố dầu hỏa 1973 là cuộc chiến giữa Israel và liên minh Ả Rập từ 6-10 đến ngày 26-10-1973 đã gây ra cú sốc cung. Hình ảnh nổi bật của giai đoạn này là những giếng dầu đang bốc cháy.
Nhưng giờ nhìn lại, theo nghiên cứu đã dẫn, không hề có chiến sự ở bất kỳ nước Ả Rập sản xuất dầu nào vào năm 1973, cũng không có cơ sở hạ tầng sản xuất dầu nào bị phá hủy. Cuộc chiến chủ yếu diễn ra ở Israel, Ai Cập và Syria, đều không phải là các quốc gia sản xuất dầu lớn hay thành viên OPEC. Do đó, sự gián đoạn của phía cung diễn ra cuối năm 1973 không có nguyên nhân trực tiếp là chiến tranh.
Thay vì thế, các nước Ả Rập OPEC đã cố tình cắt giảm 5% sản lượng dầu từ ngày 16-10-1973, 10 ngày sau chiến tranh Ả Rập - Israel nổ ra, đồng thời tăng giá niêm yết, và thông báo cắt giảm thêm 25% sản lượng vào ngày 5-11, 10 ngày sau khi chiến tranh kết thúc.
Cần biết vào đầu năm 1973, giá dầu thô bị chi phối bởi các thỏa thuận Tehran - Tripoli năm 1971 giữa các công ty dầu mỏ phương Tây và chính phủ các nước nhiều dầu mỏ Trung Đông. Nguồn cơn của những thỏa thuận này ra sao?
Năm 1960, trước tình trạng giá xăng dầu sụt giảm, đại diện 5 quốc gia sản xuất dầu mỏ - Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia và Venezuela - gặp nhau tại Baghdad vào tháng 9 để thảo luận. Kết quả của hội nghị là Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ra đời. Những năm 1960, OPEC không được các tập đoàn dầu mỏ lớn của Mỹ và châu Âu coi ra gì.
Tuy nhiên, thay đổi quyết liệt đã sớm đến từ Libya - quốc gia có tới 21 công ty dầu mỏ và cung cấp 1/3 nhu cầu dầu mỏ của châu Âu. Thay đổi đến từ nhà lãnh đạo mới của nước này là Muammar Qaddafi, người chỉ huy cuộc đảo chính tháng 9-1969 lật đổ vua Idris.
Qua năm sau, ông Qaddafi chọn công ty dầu Occidental (mà toàn bộ hoạt động đều ở Libya nên dễ bị bắt chẹt hơn) để đòi một thỏa thuận tốt hơn.
Kết quả là Libya nhận được mức tăng 30 xu/thùng (lên 2,53 USD) và thêm 0,02 USD mỗi năm trong 5 năm tiếp theo. Trong vòng hai tháng, các công ty dầu mỏ khác đã đồng ý những thỏa thuận tương tự với Chính phủ Libya, đồng nghĩa Libya giờ sẽ được phần chia lợi nhuận lớn hơn (dù cũng chỉ là 54-58%).
Tháng 11-1970, quốc vương Shah của Iran cũng giành được thỏa thuận 55:45 với các công ty liên doanh nước ngoài. Kuwait nối bước trong cùng năm đó. Đến tháng 12-1970, một cuộc họp của OPEC ở Caracas đã thiết lập mức ăn chia tối thiểu 55%, và đầu năm 1971, OPEC đe dọa cấm vận toàn bộ dầu mỏ nếu các công ty phương Tây không tuân thủ đề xuất.
Kết quả là tháng 1-1971, các công ty dầu mỏ viết thư cho OPEC để "tìm kiếm một giải pháp toàn diện" - dấu hiệu rõ ràng cho thấy sức mạnh quốc tế ngày càng tăng của tổ chức này.
Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), một tổ chức nghiên cứu ở Mỹ, ghi lại: "Tháng 4-1971, OPEC từ chối cho phép các công ty dầu mỏ nước ngoài giao dịch với toàn bộ tổ chức. Thay vào đó, khối buộc họ phải đàm phán riêng, một thỏa thuận dành cho các nhà sản xuất ở vùng vịnh Ba Tư (Thỏa thuận Tehran) và một cho các nhà sản xuất ở Địa Trung Hải (Thỏa thuận Tripoli), dẫn đến giá cao hơn. Đây là bước ngoặt với ảnh hưởng của OPEC".
Nhưng ngay năm 1973, các tỉ lệ ăn chia và hạn kỳ 5 năm đều trở nên lỗi thời. Nhu cầu dầu toàn cầu tăng nhanh vào năm 1972-1973, ngành dầu mỏ nhiều nước Trung Đông hoạt động gần hết công suất và không thể tăng sản lượng, mà chỉ có thể tăng giá.
Giá niêm yết đã được thỏa thuận năm 1971 có thể là hợp lý vào thời điểm đó, nhưng nhanh chóng lạc hậu do đồng đô la Mỹ mất giá và lạm phát gia tăng ở Mỹ.
Người Ả Rập ngày càng thấy các hiệp định Tehran - Tripoli là bất công với họ, lên đến đỉnh điểm là việc bác bỏ hiệp định này vào ngày 10-10-1973, khi các nước sản xuất dầu tự ý quyết định sản xuất ít hơn với giá cao hơn. Quyết định giảm sản lượng và tăng giá được thúc đẩy bởi tác động tích lũy của sự mất giá của đồng đô la và nạn lạm phát không lường trước được ở Mỹ, cũng như nhu cầu dầu tăng cao bởi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
2023: Giống và khác
Báo cáo tháng 9-2023 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu hỏa thế giới vẫn trên đà tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày vào năm 2023, lên mức 101,8 triệu thùng/ngày, bởi sức tiêu thụ tăng trở lại ở Trung Quốc, tăng sử dụng nhiên liệu máy bay và các nguyên liệu hóa dầu. IEA còn dự báo việc Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối năm sẽ khiến thị trường thâm hụt đáng kể trong quý 4-2023.
Riêng Nga, tổng xuất khẩu dầu đã giảm 150.000 thùng/ngày trong tháng trước, xuống còn 7,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn 570.000 thùng/ngày so với một năm trước. Đáng ghi nhận là xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ giảm xuống 3,9 triệu thùng/ngày từ mức 4,7 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và 5. Song, doanh thu xuất khẩu dầu của Nga lại tăng 1,8 tỉ USD lên 17,1 tỉ USD trong tháng 8, do giá cao hơn, bù đắp cho lượng xuất khẩu thấp hơn.
Tính đến thời điểm này, sản lượng của OPEC+ đã giảm 2 triệu thùng/ngày, dù mức giảm này được bù đắp phần nào do Iran tăng mạnh sản lượng. Kết quả là nguồn cung ngoài OPEC+ đã tăng 1,9 triệu thùng/ngày lên mức kỷ lục 50,5 triệu thùng/ngày vào tháng 8.
IEA cảnh báo: quan sát toàn cầu cho thấy tồn kho dầu giảm mạnh 76,3 triệu thùng trong tháng 8, xuống mức thấp nhất trong 13 tháng qua. Tồn kho dầu ngoài khối OECD giảm 20,8 triệu thùng với mức giảm lớn nhất là ở Trung Quốc, trong khi tồn kho của OECD giảm 3,2 triệu thùng.
Ngoài việc nguồn cung chính cắt giảm sản lượng, một điểm tương tự nữa của cuộc khủng hoảng hiện giờ so với 50 năm trước là Mỹ vừa trải qua giai đoạn lạm phát cao và có những lúc vị thế đồng USD bị đe dọa.
Dù nay giá USD đã tăng trở lại, những rủi ro tỉ giá luôn gắn chặt với biến động giá dầu. Ngoài ra, giống như cuộc chiến Israel - Ả Rập trở thành chất xúc tác cho tình trạng giá dầu tăng phi mã nửa thế kỷ trước, những diễn biến của giá dầu hiện tại sẽ phụ thuộc không ít vào diễn tiến và kết cục của một cuộc chiến khác: Nga và Ukraine.■
Tờ Financial Times 25-9 bình luận: "Nga đã thành công trong việc tránh được các lệnh trừng phạt của G7 với hầu hết xuất khẩu dầu của nước này. Một sự thay đổi trong dòng chảy thương mại sẽ thúc đẩy doanh thu của Điện Kremlin khi giá dầu thô tăng lên mức 100 USD/thùng". Tờ báo tài chánh uy tín hàng đầu thế giới cho biết gần 3/4 tổng lượng dầu thô qua đường biển của Nga được vận chuyển mà không có bảo hiểm phương Tây trong tháng 8, nên có cơ sở để nghĩ rằng giá dầu trong thực tế phải cao hơn ngưỡng "trần giá dầu" 60 USD/thùng do G7 ấn định. Cũng theo Financial Times, "việc Nga là thành viên trong khối OPEC+ đã làm phức tạp hơn các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng giá dầu và tác động lạm phát lớn của giá dầu tăng cao với các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển".