TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Ai sẽ soán ngôi trung tâm tài chính châu Á của Hồng Kông?

Nguồn: David Fickling, “Hong Kong’s Dimming Light Poses an Urgent Question” Bloomberg, 2/12/2019.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tạo nên Hồng Kông hiện đại, và họ cũng có thể hủy hoại nó.

Vào năm 1940, chỉ có một ứng viên cho vai trò thủ phủ tài chính của châu Á, đó là Thượng Hải. Với tổng kim ngạch thương mại và đầu tư gấp 10 lần Hồng Kông, đó là một “trung tâm quốc tế lớn” so với “ngôi làng nhỏ ” ở phía nam, theo lời một nguyên thống đốc của cựu thuộc địa Anh này.

Những năm cuối đầy hỗn loạn của cuộc nội chiến Trung Quốc đã thay đổi mọi chuyện. Đến lúc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được tuyên bố thành lập vào năm 1949, chiến tranh và siêu lạm phát đã tạo nên một làn sóng 1,5 triệu người vượt qua sông Thâm Quyến. Họ đem theo nguồn vốn và chuyên môn để tạo nên sự tăng trưởng chóng mặt của nền kinh tế Hồng Kông hậu chiến tranh. Nhiều người trong số những tài phiệt nổi tiếng của thành phố, bao gồm ông Chen Yu-tung quá cố, và các đại gia bất động sản như Lee Shau Kee, Peter Woo và dòng họ Kwok đã đến thành phố này trong thời kỳ biến động đó.

Những người dân địa phương giờ đang tự hỏi liệu điều tương tự có thể xảy đến với Hồng Kông hay không. Khi các cuộc biểu tình phản đối một dự luật cho phép dẫn độ người dân sang Đại lục mùa hè này biến thành những cuộc đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động và những người biểu tình ném bom xăng, mọi thứ đang thay đổi. Một thành phố từng tự hào với danh tiếng là nơi vừa phóng khoáng và vừa tuân thủ pháp luật nhất hành tinh, nơi có thể được coi là một ngôi nhà phù hợp cho dòng vốn thế giới, bây giờ đang ngày càng trở nên một nơi đầy xung đột tại một Trung Quốc ngày càng hà khắc.

Một cảng “không an toàn”

Tổng số khách không phải người Đại lục thăm Hồng Kông hồi tháng 9 đã ở mức thấp nhất trong 15 năm.

Theo Logan Wright, một giám đốc tại Rhodium Group phụ trách bộ phận phân tích Trung Quốc, “bây giờ thì chúng ta không thể quay về môi trường trước tháng 6 nữa”. Nếu tổng thống Donald Trump hủy quy chế đặc biệt của thành phố (như đe dọa trong một đạo luật mà ông ký tuần trước), Hồng Kông “sẽ trở thành bình thường như những cảng khác của Trung Quốc mà thôi”, theo lời Nicole Bivens Collinson, chủ tịch thương mại quốc tế và quan hệ với chính quyền của Sandler, Travis & Rosenberg P.A.

Nếu như vậy, thì trọng tâm tài chính của châu Á sẽ đi đâu, nếu nó rời Hồng Kông?

Nếu định nghĩa trung tâm tài chính châu Á như là một nơi mà các quyết định quan trọng về phân bổ dòng vốn được đưa ra, thì Hồng Kông không hẳn là một trung tâm của các thị trường tự do. Tổng kim ngạch FDI ra nước ngoài ở mức 1.940 tỉ của Trung Quốc đã vượt qua Hồng Kông để đứng thứ ba thế giới vào năm ngoái, chỉ sau Mỹ và Hà Lan.[1] Nếu xét vai trò lớn của chính phủ Trung Quốc trong nền kinh tế, Bắc Kinh đã vượt mặt London và Hồng Kông và có thể thách thức ngay cả New York, trở thành nơi mà tương lai của đầu tư toàn cầu sẽ được quyết định.

Nhưng đó không hẳn là định nghĩa mà chúng tôi muốn nhắc đến khi nói về một trung tâm tài chính. Một bộ khung tham chiếu thích hợp có thể là 11 đặc điểm tiêu biểu của Hồng Kông được liệt kê trong một bài diễn văn của Andrew Sheng, lúc đó là phó chủ tịch của Ngân hàng Trung ương Hồng Kông. Nếu xét những điểm này thì Hồng Kông có lý do phải lo lắng.

4 đặc điểm được nêu tên – gồm mức độ sử dụng tiếng Anh, người dân có kỹ năng, tự do thông tin, và cơ sở hạ tầng hiệu quả – giờ hiện diện ở nhiều nơi ở châu Á hơn so với trước kia

5 đặc điểm khác – chính quyền tốt, tự do kinh tế, ổn định xã hội, pháp quyền, và được đối xử như là một đất nước trên khía cạnh kinh tế và tài chính – cũng bị xói mòn dữ dội bởi vì khủng hoảng gần đây. Hai điều cuối cùng, mức thuế thấp và quản lý không quá hà khắc, chỉ là những cái cột yếu ớt để xây dựng một đế chế cho dòng vốn, đặc biệt khi Singapore cũng có những đặc điểm tương tự.

Hiện vẫn chưa có dấu hiệu của một làn sóng bỏ đi, nhưng nếu nó xảy ra, thì nó sẽ diễn ra nhanh một cách bất ngờ. Mặc cho sự hiện diện đông đảo trong các phòng họp ở khu Central hay các quán bar ở khu Lan Kwai Fong, tổng số các chuyên gia nước ngoài đến từ các nước giàu vốn áp đảo ngành tài chính Hồng Kông lại rất nhỏ, ít hơn 100 ngàn người trong một thành phố có 7,5 triệu dân,[2] và bộ phận dân số này có đặc trưng là tính cách xê dịch quốc tế của họ.

Nếu suy thoái kinh tế khiến tiền thưởng giảm mạnh vào năm sau, thì việc thu hút người nước ngoài đến một thành phố đắt đỏ, và bất ngờ trở nên bạo lực, sẽ giảm mạnh.

“Nếu có người nghỉ việc ở văn phòng Hồng Kông của một tập đoàn đa quốc gia, bây giờ họ sẽ tìm cách bù người ở Thượng Hải hay Singapore, chứ không đưa người đến đây”, theo lời John Mullaly, giám đốc khu vực phía nam Trung Quốc và Hồng Kông của công ty Robert Walters, một công ty tuyển dụng lao động văn phòng.

Công thức để “lấy cắp” danh hiệu trung tâm tài chính của Hồng Kông không phải là một điều bí ẩn. Các đối thủ tiềm năng cần có thị trường tài chính năng động và sáng tạo với chất lượng cuộc sống có thể lôi kéo những người làm tài chính di cư. Đó là nơi cần có nền tảng tiếng Anh tốt (cho dù Hồng Kông không thuộc nhóm dẫn đầu), hệ thống giao thông và dịch vụ công tốt, đặc biệt là trường quốc tế, và nhất là mức thuế thấp và người giúp việc nhà giá rẻ mà nhiều cư dân thừa nhận là điều cần thiết để cảm thấy rằng mình giàu có khi sống ở một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới.

Hệ thống thông luật tương tự như hệ thống làm nền tảng cho các hợp đồng pháp lý ở phần lớn các nước nói tiếng Anh cũng sẽ có vai trò lớn, nhưng điều này chỉ có thể được áp dụng ở những nơi đã sử dụng nó, như Singapore.

Quân bài quan trọng nhất của Hồng Kông là điều mà không thành phố nào khác có thể địch lại. Đó là Trung Quốc vẫn cần Hồng Kông trong vai trò là cửa ngõ ra thế giới, và là nơi để các đại gia đại lục có thể “trữ tiền.” Gần 2/3 tổng kim ngạch đầu tư vào và ra khỏi Trung Quốc đều đi qua Hồng Kông theo cách này hay cách khác. Vai trò này thậm chí có thể còn trở nên quan trọng hơn khi Trung Quốc tìm cách thu hút vốn ngoại để tái cân bằng cán cân vốn. Làm tắc dòng chảy vốn đó sẽ tạo nên những rủi ro cho nền kinh tế Trung Quốc còn nguy hiểm hơn nhiều so với những vấn đề ở Hồng Kông hiện tại.

“Có một quan điểm cơ bản cho rằng người ta chỉ có thể làm ăn với Trung Quốc nếu chấp nhận làm ngơ vấn đề nhân quyền, các quyền tự do cơ bản và tự do dân sự,” theo Anson Chan, quan chức dân sự cao cấp nhất của vùng lãnh thổ này trong 4 năm cả trước lẫn sau năm 1997. “Đó hoàn toàn không phải là sự thật.”

Sau chiến thắng áp đảo của các lực lượng ủng hộ dân chủ trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương vào tháng trước, phần lớn người dân Hồng Kông có thể hài lòng quay trở về không khí bình thường nếu thắng lợi này đi cùng với các bước đi tiến đến việc bầu cử tự do và việc giám sát cảnh sát chặt chẽ hơn. Nhưng khả năng Trung Quốc tiến hành đàn áp một cách vụng về đến mức làm các doanh nghiệp nước ngoài bỏ đi đang ở mức đáng lo. Giết chết con ngỗng đẻ trứng vàng cho Trung Quốc có thể là tự sát, nhưng đó không phải là lần đầu tiên chính trị lấn lướt kinh tế ở Bắc Kinh. Như thống đốc cuối cùng của Hồng Kông Chris Patten nói, “lịch sử đầy rẫy xác những con ngỗng mất đầu”

Chúng ta sẽ xem xét ba đối thủ tiềm năng của Hồng Kông và đặt câu hỏi liệu những điểm mạnh của Hồng Kông có thể được lặp lại ở chỗ khác không? Chúng tôi đã loại bỏ một vài thành phố ngay từ đầu. Thượng Hải chắc chắn rất muốn lấy lại ánh hào quang đã mất vào tay Hồng Kông vào năm 1949, và ở bên kia biên giới Thâm Quyến đã tăng trưởng từ lúc mới thành lập vào năm 1980 để trở thành thành phố lớn hơn cả Hồng Kông về phương diện dân số và GDP. Tuy rằng họ sẽ được hưởng lợi từ vị thế suy yếu của Hồng Kông, dòng vốn và nhân lực quốc tế sẽ không đổ đến bất kỳ một thành phố nào ở đại lục với số lượng lớn.

Sydney và đối thủ trường kỳ Melbourne cũng có thể là ứng viên, nhưng bất kỳ ai phải bay 10 tiếng mới đến Đông Á đều biết rằng Úc quá xa xôi. Ở phía Tây, Mumbai và Dubai cũng có chung vấn đề, và chỉ nên được xem là cửa ngõ đến Ấn Độ và Trung Đông. Seoul, Bangkok và Kuala Lumpur là những nơi tuyệt vời để viếng thăm, nhưng cơ sở hạ tầng của ngành tài chính ở những nơi này có quy mô quá nhỏ để có thể cạnh tranh với những trung tâm khu vực khác.

Thực tế có thể là không một thành phố nào ở châu Á có thể lặp lại được những gì đã làm Hồng Kông trở nên đặc biệt, nhưng các lao động nước ngoài đã sống ở Hồng Kông giờ cũng đang hỏi câu hỏi tương tự như những đồng nghiệp của họ ở Luân Đôn khi đối mặt với Brexit, chúng ta phải đi đâu bây giờ?

Các thành phố ở rìa Thái Bình Dương đã nhắm đến vương miện của Hồng Kông trước kia và bỏ lỡ cơ hội. Cuộc khủng hoảng hiện tại của Hồng Kông chính là cơ hội mới của họ.

Các kỳ tiếp theo: Tokyo, Đài Bắc và Singapore.

—————-

[1] Vị trí cao của Hà Lan chủ yếu vì vai trò của Hà Lan như là một trung tâm giúp các công ty né mức thuế cao.

[2] Dựa theo thống kê dân số năm 2016 của Hồng Kông. Con số này có thể chưa đầy đủ vì các quy định của Hồng Kông về định nghĩa quốc tịch khác mơ hồ và có thể bao gồm cả các yếu tố như sắc tộc. Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính có 85.000 người Mỹ sinh sống tại thành phố năm 2018, so với con số khoảng 15.000 người theo thống kê dân số của Hồng Kông năm 2016.

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness