Hãng điện thoại thông minh số 1 thế giới Apple đang có những tính toán cho thấy nền sản xuất toàn cầu sẽ dịch chuyển ra sao trong tương lai.
Kevin, quản lý cấp cao tại xưởng lắp ráp iPhone ở Chennai, luôn dậy trước khi mặt trời mọc. Anh vào làm lúc 6h sáng và gần như cả ngày họp qua video với đồng nghiệp ở Trung Quốc và kết thúc giờ làm lúc 22h tối.
Một năm kể từ ngày rời Trung Quốc sang Ấn Độ, Kevin chưa nghỉ ngày nào và không có thời gian giao lưu với đồng nghiệp. Anh hầu như không rời khỏi khu nhà máy.
Các nhà cung cấp ở Ấn Độ, trong đó có công ty của Kevin, sẽ sản xuất dòng iPhone 15 mới, và được đặt hàng hơn 15 triệu iPhone trong năm nay - gấp đôi so với kế hoạch một năm trước, theo Nikkei Asia. Đây là phần chuyển dịch lớn chuỗi sản xuất của Apple trên toàn cầu.
Với Kevin, điều đó có nghĩa là đạt một loạt mốc thời gian tham vọng trước khi công bố sản phẩm mùa thu này - lần đầu tiên Apple sản xuất iPhone ở Ấn Độ và Trung Quốc cùng lúc. Trước kia, để sản xuất dòng iPhone mới, làm ở Ấn Độ sẽ lâu hơn Trung Quốc tầm một năm, khoảng cách này được rút ngắn xuống còn một tháng vào năm 2022 và mục tiêu năm nay là rút ngắn xuống dưới 10 ngày.
"Mỗi ngày, chúng tôi có nhiều cuộc họp với các đồng nghiệp ở Trung Quốc - Kevin, người Đài Loan, nói - Chúng tôi cố đồng bộ hóa thông tin sản xuất ở Trung Quốc với Ấn Độ để có thể cải thiện tiến độ".
Quan hệ cộng sinh Apple - Trung Quốc
Mở rộng sản xuất ở Ấn Độ là bước chuyển chiến lược lớn của Apple và hàng trăm công ty phụ trợ làm các chi tiết cho iPhone. Rất nhiều công ty dạng này, giống công ty của Kevin, phải dịch chuyển theo ý của Apple.
Suốt nhiều năm, Trung Quốc là công xưởng lớn nhất của Apple. Hơn 80% trong 188 công ty phụ trợ hàng đầu của Apple có xưởng sản xuất ở Trung Quốc. Từ 2007, Trung Quốc chiếm hơn 95% tổng sản lượng iPhone toàn cầu.
"Apple và Trung Quốc… phát triển cùng nhau, nên đây là quan hệ cộng sinh" - Tim Cook, CEO của Apple, nói khi thăm Trung Quốc hồi tháng 3. Theo Financial Times, Apple đã đào tạo khoảng 24 triệu lao động kể từ khi bắt đầu sản xuất năm 2008 ở Trung Quốc. Còn China Daily nói Apple năm 2019 tạo khoảng 5 triệu việc làm ở Trung Quốc thông qua các công ty địa phương, trung tâm nghiên cứu cùng nhà cung cấp.
Thách thức tìm được thị trường cung cấp được nguồn lao động lớn có đào tạo, chuỗi cung ứng sâu rộng như Trung Quốc không hề dễ.
Nhưng kỷ nguyên dựa hoàn toàn vào Trung Quốc đang chấm dứt, vì cả lý do chính trị và thương mại. Đầu 2023, Apple yêu cầu các nhà cung cấp phải xây cơ sở đảm bảo ít nhất 20% sản lượng iPhone tại Ấn Độ trong những năm tới.
Sản lượng hiện nay đang ở ngưỡng 10%. Apple muốn mở rộng và phát triển chuỗi sản xuất ở Ấn Độ - nơi hiện chỉ làm các việc đơn giản như lắp ráp. Điều này đồng nghĩa chuyển hàng nghìn kỹ sư và mở rất nhiều phòng thí nghiệm lớn.
Công thức từ lâu của Apple "thiết kế ở California, sản xuất ở Trung Quốc" gặp hai thách thức lớn trong mấy năm qua với đại dịch Covid-19 và căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Việc phân tách trong công nghệ giữa hai nước bắt đầu kể từ các lệnh cấm năm 2018 của Mỹ. Kết quả là áp lực ngày càng lớn lên các tập đoàn như Apple, buộc họ dịch chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác.
"Quan hệ Mỹ - Trung hiện không tốt và quan hệ Trung - Ấn cũng không tốt - Prachir Singh, chuyên gia phân tích của Counterpoint, nói với Nikkei - Apple đang phòng ngừa các rủi ro này và dịch chuyển chuỗi sản xuất sang các nước khác, trong đó có Ấn Độ, Việt Nam".
Cùng lúc, Apple có lý do giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Vụ bạo loạn ở nhà máy lớn của Apple tại Trịnh Châu hồi tháng 10-2022 (do phong tỏa vì Covid-19) là một lý do chính.
Lý do khác Apple muốn đầu tư Ấn Độ là vì các điểm khác như Thái Lan và Việt Nam hiện đã rất đông nhà đầu tư đổ vào khi dịch chuyển khỏi đại lục. Theo Nikkei, ở các nước này, chi phí giá đất, điện nước đã tăng gần đây khiến doanh nghiệp phải cân nhắc trước khi đầu tư.
Ấn Độ hiện có lợi thế dân số lớn, chi phí lao động rẻ, đất đai còn nhiều, thị trường nội địa lớn và khả năng nói tiếng Anh tốt. Deloitte ước tính Ấn Độ sẽ có 1 tỉ người sử dụng điện thoại thông minh vào năm 2026, trở thành thị trường lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Cú sốc Trịnh Châu
Một số người biết quá trình quyết định của Apple nói cú hích cho quá trình dịch chuyển chính là vụ bạo loạn ở Trịnh Châu, cơ sở lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple ở Trung Quốc và toàn cầu.
Tháng 10-2022, khi Covid-19 bùng phát trong cơ sở Foxconn ở đây, phong tỏa kéo dài dẫn tới biểu tình rồi bạo loạn khi công nhân đập phá nhà xưởng, sản xuất đình trệ suốt hơn một tháng trong giai đoạn làm ăn quan trọng nhất năm: ngay trước mùa mua sắm Giáng sinh.
"Apple phát hoảng, tất cả chúng tôi đều sợ hãi. Không ai nghĩ việc này sẽ xảy ra và không có phương án dự phòng nào ở nơi khác", lãnh đạo một nhà máy lắp ráp iPhone bị ảnh hưởng nói.
Sự cố Trịnh Châu khiến lãnh đạo Apple nhận ra rằng lực lượng lao động nghe lời cùng cơ sở sản xuất hiệu quả họ đã dựa vào suốt 20 năm qua giờ không còn đảm bảo. "Tình hình còn tệ hơn nhiều so với giai đoạn đầu đại dịch, thậm chí còn tệ hơn giai đoạn phong tỏa Thượng Hải. Đây là vụ khủng hoảng lớn nhất", lãnh đạo một chuỗi cung ứng nói với Nikkei.
Sau vụ này, Foxconn nhanh chóng lập nhóm đặc nhiệm gồm 12 nhân viên và đưa họ sang Ấn Độ. Apple cũng nhanh chóng gửi nhân viên có kinh nghiệm về sản xuất qua. Cả hai nhóm sang Ấn Độ mùa thu năm ngoái nhằm tăng tốc khối lượng sản xuất ở đây. Tới tháng 1, tiến độ dịch chuyển ở Ấn Độ đã vượt kỳ vọng ban đầu.
Cơ sở sản xuất của Foxconn ở Trịnh Châu được gọi là "Thành phố Apple". Ảnh: Business Insider
Kết thúc một kỷ nguyên
Việc rời sang Ấn Độ không chỉ là quyết định của Apple. Hàng trăm nhà cung cấp sản xuất khoảng 1.500 chi tiết của iPhone và họ sẽ quyết định cuộc dịch chuyển thành công hay không. Từ pin, màn hình, vỏ bọc hay công tác lắp ráp iPhone đều do bên thứ ba đảm nhiệm.
Các công ty đều muốn mình là nhà cung cấp của Apple và cũng quen việc phải dịch chuyển bất cứ nơi đâu mà Apple muốn, nhưng sang Ấn Độ là thách thức lớn với họ. Theo Nikkei, đàm phán giữa Apple và các nhà cung cấp đã kéo dài và không hề suôn sẻ.
Apple muốn giá ở Ấn Độ phải rẻ như ở Trung Quốc, dù có thêm chi phí logistics và thuế, chưa kể chi phí mở nhà máy ở môi trường hoàn toàn mới. Một số nhà cung cấp thấy ngao ngán.
"Dù lao động ở các nơi mới như Ấn Độ, Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc, chi phí sản xuất những năm đầu ở các địa điểm mới chắc chắn cao hơn nhiều - Gary Cheng, CEO của nhà sản xuất Petragon (Đài Loan), nói - Có nhiều chi phí khác từ logistics, đào tạo nhân sự và tính tối ưu của vận hành. Hai thập niên trước, chúng tôi dịch chuyển từ Đài Loan sang Trung Quốc đại lục. Ít nhất ngôn ngữ và văn hóa là giống nhau, còn giờ là thay đổi hoàn toàn, không chỉ về văn hóa và luật lệ, kể cả thiết bị cho nhân viên dùng cũng cần điều chỉnh vì kích thước bàn tay họ khác với công nhân Trung Quốc".
Một nhà cung cấp nói riêng chuyện ngôn ngữ đã đủ đau đầu. Mỗi quản lý Ấn Độ ở một nhà máy sẽ cần ba trợ lý nói những ngôn ngữ khác nhau để giao tiếp được với nhân viên. Khó khăn nữa là vấn đề visa, đặc biệt sau căng thẳng Trung - Ấn Độ tại biên giới dẫn tới đụng độ hồi 2020. Nhiều kỹ sư và quản lý của các nhà cung cấp Apple là người Trung Quốc.
"Chúng tôi mất vài tháng trời mà không thể xin visa được cho các nhân viên Trung Quốc", lãnh đạo một công ty nói. Họ nêu vấn đề với lãnh đạo Ấn Độ và các quan chức phải cấp visa đặc biệt cho các nhà cung cấp của Apple!
Mục tiêu cuối cùng của Apple ở thị trường Ấn Độ không chỉ là tăng thị phần hay sản lượng, mà còn biến nơi đây thành điểm thay thế bền vững cho Trung Quốc. Apple sẽ dịch chuyển sản phẩm iPhone mới (NPI), phần sản xuất đòi hỏi hợp tác chặt chẽ nhất giữa Apple và nhà cung cấp, sang Ấn Độ trong những năm tới.
Hơn một thập niên qua, NPI, từ thiết kế và chế tạo bản mẫu tới nhiều khâu kiểm tra thử nghiệm then chốt, là việc chung của nhóm nghiên cứu phát triển ở Cupertino, California và các bộ phận tương ứng của nhà cung cấp ở Trung Quốc.
"NPI đòi hỏi hàng nghìn kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, nghiên cứu phòng lab, đầu tư thiết bị và rất nhiều thử nghiệm - một chuyên gia liên quan trực tiếp nói - Nó là phần lõi công nghệ của sản phẩm và Apple muốn làm nó ở Ấn Độ".■
Chính các tập đoàn sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Vivo cũng đang dịch chuyển sản xuất sang Ấn Độ nhằm giảm chi phí và tránh thuế mà Ấn Độ áp với hàng nhập khẩu. Giới chuyên gia cho rằng Ấn Độ có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm sản xuất lớn: thị trường nội địa, chính sách của chính phủ và đầu tư từ các tập đoàn lớn. Tỉ trọng của Ấn Độ trong sản xuất điện thoại thông minh toàn cầu đang tăng nhanh chóng, dự kiến chiếm 19% trong năm 2023 so với 10% năm 2017. Tỉ trọng của Trung Quốc thì dự kiến giảm xuống còn 63% năm nay so với 73% năm 2017.
QUÂN ANH - Theo Tuổi Trẻ