Mảng xanh công cộng ở TPHCM đang rất thiếu, chỉ đạt khoảng 0,5m2/người, thấp hơn rất nhiều so với mức tiêu chuẩn. Đặc biệt, khu vực nội thành đang thực sự thiếu mảng xanh
Rất nhiều con đường ở TPHCM không có một bóng cây - Ảnh: Minh Quân
Ở các “siêu đô thị” giống như TPHCM, luôn tồn tại nghịch lý là những khu vực có mật độ dân cư càng cao thì diện tích cây xanh càng ít và ngược lại. Mảng xanh công cộng ở TPHCM đang rất thiếu, chỉ đạt khoảng 0,5m2/người, thấp hơn rất nhiều so với mức tiêu chuẩn. Đặc biệt, khu vực nội thành đang thực sự thiếu mảng xanh.
Phát triển mảng xanh trong bối cảnh hiện nay là một bài toán khó. Tuy nhiên, nhiều thành phố trên thế giới đã tìm được lời giải cho bài toán này mà thành phố Lyon (Pháp) là một ví dụ.
Từ nửa sau thế kỷ XIX, Lyon bắt đầu có xu hướng đưa không gian tự nhiên vào đô thị để tạo nên sự cân bằng trong quá trình phát triển. Họ tạo không gian xanh bằng cách trồng cây hai bên bờ sông, dọc theo các đại lộ, ở quảng trường… Việc trồng cây xanh được tổ chức rất chặt chẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Quá trình bền bỉ đó đã mang về kết quả là sau hơn 150 năm, nhiều cây được trồng từ thế kỷ XIX vẫn tồn tại.
Đầu thế kỷ XX, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị ở Lyon ảnh hưởng tiêu cực đến tỉ lệ cây xanh. Bấy giờ, công tác quản lý được chuyên môn hóa, mỗi ngành chỉ tập trung lo tốt phần việc của mình nên thiếu đi sự phối hợp. Đô thị hóa ở Lyon dẫn đến việc ưu tiên mở rộng và làm thêm đường cho phương tiện cá nhân để tránh kẹt xe.
Thời kỳ này, cây xanh được xem là yếu tố phụ, gây cản trở cho quá trình phát triển đô thị. Do đó, những cây cổ thụ bị tác động rất nhiều, nhất là bộ rễ. Việc trồng mới, chăm sóc cây xanh trong giai đoạn 1960-1970 cũng không đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, ảnh hưởng rất xấu đến tuổi thọ của cây.
Năm 1969, Cộng đồng đô thị Lyon được thành lập để đưa ra các định hướng về phát triển đô thị. Đến năm 1994, họ đã thành lập Phòng Cây xanh và Cảnh quan, đồng thời khảo sát, kiểm kê hệ thống cây xanh đường phố. Kết quả, 80% cây bị cắt tỉa không đúng đã gặp các vấn đề về sức khỏe, 25% cây có nguy cơ gãy đổ, cần phải thay thế.
Từ đây, Cộng đồng đô thị Lyon đưa ra bản cam kết về cây xanh (Charte des arbres). Bản cam kết này được hoàn thiện và nâng cấp qua từng thời kỳ. Năm 1998, họ quản lý công viên, không gian xanh theo nhóm hoặc theo cấp độ tương ứng với các nhóm không gian xanh trong đô thị. Từ năm 2000 trở đi, việc quản lý được nâng lên thành quản lý bền vững, hướng đến quản lý không gian xanh thân thiện với môi trường, gồm 4 nguyên tắc chủ đạo: quảng bá bảo vệ môi trường, thỏa mãn nhu cầu của công chúng, tối ưu hóa các phương tiện - quản lý theo đối tượng, duy trì chất lượng cảnh quan.
Một công cụ rất hiệu quả để phục vụ cho mục tiêu quản lý bền vững là chứng chỉ ISO 14001 - một hệ thống quản lý môi trường theo hướng bền vững, dựa trên 3 cam kết cơ bản là kiểm soát ô nhiễm, tuân thủ các quy định và cải thiện liên tục môi trường.
Câu chuyện về quản lý cây xanh của thành phố Lyon là bài học kinh nghiệm quý giá cho các đô thị như TPHCM. Hiện nay, việc quản lý công và cách thức vận hành về cảnh quan cây xanh của chúng ta chưa có sự phối hợp thực sự hiệu quả.
Cùng với bài học từ Lyon, theo tôi, ngành chức năng TPHCM cần đưa ra các chỉ số về chất lượng không khí, số lượng cây xanh hiện hữu và có dự báo về mức độ ô nhiễm không khí trong tương lai. Từ đó, mọi người sẽ thấy được sự cấp bách của việc xây dựng không gian xanh đô thị và xây dựng chiến lược về quy hoạch, quản lý ngắn, trung và cả dài hạn về vấn đề này.
Ngành chức năng TPHCM cũng cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn rõ ràng, dễ hiểu, có tính khả thi cao để các đơn vị dễ dàng thực thi việc bảo vệ mảng xanh và đề ra các chương trình tạo mảng xanh phù hợp. Việc quản lý, giám sát, cung cấp thông tin liên quan đến cây xanh, mảng xanh cũng cần được số hóa. Những giải pháp trên sẽ giúp TPHCM sớm trở thành một thành phố xanh.
Thạc sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Khiêm và kiến trúc sư Lê Võ Trường Giang - Theo Báo Phụ Nữ