TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 8
  • Hôm nay: 152
  • Tháng: 4514
  • Tổng truy cập: 5149778
Chi tiết bài viết

Báo động tình trạng thâu tóm đất đai - Bài 3: Thuê đất lớn nhưng lại để trống nhiều năm

Trong thời gian qua, một trong những nguyên nhân chính được phân tích, mổ xẻ tại các dự án chậm triển khai là vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, thực tế cũng ghi nhận hàng loạt dự án "treo" là do năng lực yếu kém của chủ đầu tư. Một số nhà đầu tư dù năng lực tài chính yếu nhưng vẫn tìm mọi cách để được giao đất hoặc cho thuê đất, rồi giữ đất chờ tăng giá nhằm chuyển nhượng dự án kiếm lời.

Mới đây, hàng loạt sai phạm về đất đai, nhất là đất công trên địa bàn TPHCM đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra và yêu cầu UBND TPHCM khắc phục, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Khu dân cư 7/5, quận 9 (TPHCM) đang bị bỏ hoang sau khi chuyển đổi từ đất quốc phòng sang đất kinh doanh thương mại. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, trong văn bản kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TPHCM, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị UBND TPHCM chủ trì, xem xét xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật.

Thất thoát hàng trăm tỉ đồng ở các khu công nghiệp

Liên quan đến các khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ qua thanh tra đã phát hiện các khuyết điểm, vi phạm chủ yếu như nhiều doanh nghiệp thuê đất trong các khu công nghiệp không đưa vào sử dụng khai thác (để đất trống) dẫn đến lãng phí tài nguyên đất là hơn 53.000 m2. Trong đó khu công nghiệp Hiệp Phước của Công ty cổ phần Hùng Vương là gần 42.000 m2, khu công nghiệp Lê Minh Xuân của Công ty cổ phần đầu tư Việt Nam là hơn 7.200 m2, tại khu công nghiệp Tân Bình của Công ty TNHH Nga Băng Cốc là 4.000 m2

Ngoài ra, tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Công ty Thương mại Củ Chi và Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát (Sabeco) đã ký hợp đồng số 04/HĐCT ngày 1-6-2004 thuê 50 héc-ta để xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất bia thời hạn 43 năm. Sabeco đã thanh toán toàn bộ số tiền thuê là 188,39 tỉ đồng. Tuy nhiên, Sabeco mới đầu tư và sử dụng khoảng 26 héc-ta, còn 24 héc-ta chưa đưa vào sử dụng trong suốt 9 năm. Hơn nữa, Sabeco không xin gia hạn thời gian sử dụng đất, vi phạm Nghị định số 36/CP năm 1997 của Chính phủ, gây lãng phí đất và tiền thuê đất đã thanh toán khoảng 18 tỉ đồng.

Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi có tình trạng lãng phí đất công gây thất thoát ngân sách. Ảnh minh họa: Lê Quân

Theo Thanh tra Chính phủ, căn cứ đề nghị của UBND TPHCM, từ năm 1997, Thủ tướng đã có Quyết định số 469/TTg ngày 2-7-1997 thu hồi và giao hơn 207 héc-ta đất tại xã Bình Hưng Hòa, Vĩnh Lộc A (thuộc huyện Bình Chánh) và xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) cho Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn xây dựng khu công nghiệp Vĩnh Lộc.

Nhưng tới thời điểm thanh tra, tức sau hơn 20 năm, chủ đầu tư vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong. Mặt khác, khu công nghiệp Vĩnh Lộc chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng khu công nghiệp theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt; chỉ đầu tư từng hạng mục công trình để cho thuê.

Tại khu công nghiệp Tân Tạo hiện hữu, chủ đầu tư là Công ty Itaco ký hợp đồng cho các doanh nghiệp, ngân hàng… thuê đất không đúng quy định được duyệt. Ban quản lý khu công nghiệp đồng ý điều chỉnh quy hoạch cho hơn 95.000 m2 đất không đúng thẩm quyền tại các khu đất được quy hoạch làm cây xanh, bến bãi…

Tại khu công nghiệp Tân Tạo mở rộng, chủ đầu tư cho 93 nhà đầu tư thuê đất lại đã thu về khoảng hơn 1.000 tỉ đồng và hơn 5,8 triệu đô la trong giai đoạn trước ngày 1-7-2014 nhưng đến nay chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước...

Ngoài ra khu công nghiệp này cũng đã cho 5 nhà đầu tư thuê lại đất trong giai đoạn từ tháng 7-2014 đến tháng 9-2017 với hình thức thu tiền một lần là hơn 142 tỉ đồng, vi phạm quy định pháp luật.

Kiến nghị xử lý tổ chức, cá nhân

Từ kết luận, Thanh tra Chính phủ kiến nghị một số biện pháp xử lý. Theo đó, UBND TPHCM có biện pháp giải quyết đối với đơn vị, cá nhân doanh nghiệp có vi phạm, truy thu tiền sử dụng đất, thu hồi các khoản thu không hợp pháp từ việc vi phạm pháp luật, yêu cầu chủ đầu tư triệt để khắc phục các sai phạm, nhất là sai phạm liên quan đến việc sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình không đúng quy hoạch, không có giấy phép xây dựng.

Đối với các khu đô thị xử lý khắc phục hậu quả, thu hồi triệt để về kinh tế, thu hồi khoản thu không hợp pháp, xử lý nghiêm về trách nhiệm theo quy định liên quan đến quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng…

Ngoài ra Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TPHCM chỉ đạo và tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có liên quan các khuyết điểm, vi phạm. Trường hợp vượt thẩm quyền hoặc có dấu hiệu hình sự cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan đến các vi phạm trong việc chỉ định các nhà đầu tư không qua đấu giá được phát hiện qua thanh tra. Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định…

V.Dũng - Theo TheSaigonTimes

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness