Báo New York Times có bài viết nói rằng tượng Mao Trạch Đông làm người dân Trung Quốc nhớ đến "Nạn đói lớn", hậu quả của chủ trương "Đại nhảy vọt" của ông Mao.
Hậu quả của chủ trương “Đại nhảy vọt”
Hậu quả của chủ trương “Đại nhảy vọt” khiến TQ có 3 năm đói kém từ năm 1958 đến 1962, mà sinh viên TQ ngày nay được học là “Ba năm khó khăn” chứ không được nghe nói đến “Nạn đói lớn”. Sách giáo khoa lịch sử TQ không cho biết có bao nhiêu người chết đói, cũng không giải thích nguyên nhân tại sao.
Theo giới truyền thông phương Tây, “Nạn đói lớn” là do năm 1958, ông Mao Trạch Đông đưa ra chủ trương “Đại nhảy vọt”, một nỗ lực tăng sản lượng công - nông nghiệp bằng hình thức hợp tác xã (HTX) kết hợp ý chí cách mạng.
Cán bộ địa phương mới có chức quyền vì sợ “cấp trên” và hám thành tích nên đã thổi phồng, “báo cáo láo” về số lúa gặt được, khiến số nông sản rất cần thiết ở nông thôn bị đưa lên thành thị thậm chí còn được đem đi xuất khẩu. Ở các HTX, mỗi nông dân chỉ được phát hai khẩu phần nhỏ/ngày.
Cán bộ địa phương còn đánh đập nông dân, giam giữ và giết những người "tố cáo" họ với cấp lãnh đạo cao hơn hoặc những người ăn cắp lương thực để có thể sống, không bị chết đói.
Theo thông tin từ báo Wall Street Journal đăng tải hồi tháng 8.2014, khoảng từ 15 triệu đến 76 triệu người TQ chết đói trong "Nạn đói lớn". Tuy nhiên trong các báo cáo chính thức, Bắc Kinh không đề cập đến con số này và chỉ gọi đó là “3 năm khó khăn”, trong khi cộng đồng quốc tế gọi đó là “Nạn đói lớn”.
Đó là một “định hướng” sai lầm của “trung ương”, cụ thể là từ những mệnh lệnh “quá đáng” của ông Mao Trạch Đông mà cho đến ngày nay không nhiều người TQ dám nói công khai.
|
Ông Mao Trạch Đông trong một chuyến thăm HTX thời "Đại nhảy vọt"
|
Tượng Mao Trạch Đông bị đập bỏ vì gây phản cảm
Đầu năm 2016, tại huyện Thông Hứa (tỉnh Hồ Nam), một "đại gia" tôn vinh ông Mao quá lố đã cho xây dựng một bức tượng ông Mao Trạch Đông cao hơn 35m, theo báoNew York Times (Mỹ). Bức tượng này đã bị đập bỏ vào ngày 8.1.
Sau khi hình ảnh bức tượng được lan truyền trên mạng xã hội đã vướng phải chỉ trích của nhiều người vì sự phung phí, khi dồn tiền xây tượng tại một vùng quê nghèo thay vì chi cho giáo dục hay y tế.
Theo đó, ông Tôn Thanh Tân, Chủ tịch Tập đoàn Lệ Tinh (Hồ Nam) đã bỏ ra 465.000 USD để xây bức tượng ông Mao trong nhiều tháng ở làng Chu Thị Cương.
Ông Tôn đóng góp phần lớn số tiền cho công trình, phần còn lại do nhiều doanh nghiệp đóng góp. Tập đoàn của ông Tôn chuyên sản xuất máy móc và ông còn sở hữu nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm, trường học và bệnh viện tại địa phương.
Ông Vương, một nông dân địa phương, cho biết: “Ông ta rất thần tượng ông MaoTrạch Đông. Nhà máy của ông ta treo đầy ảnh ông Mao”. Cũng theo người dân trong làng, vào sáng 7.1 đã có một đội phá hủy được cử đến, công việc phá bỏ tượng ông Mao được thực hiện vào ngày 8.1.
Một số người nhận xét việc xây tượng ông Mao Trạch Đông ở làng Chu Thị Cương là quá phản cảm, vì đây là một trong những nơi phải chịu đựng “Nạn đói lớn”. Chính vì những chỉ trích này, chính quyền địa phương đã quyết định dỡ bỏ tượng.
|
Màu cam của cà rốt làm sáng ngôi làng Chu Thị Cương trong sương sớm
|
Ngôi làng chết vì đói, người phải ăn cả dây thắt lưng
Tờ New York Times ngày 13.1 có bài phóng sự viết về một chuyến đi về làng Chu Thị Cương. Bài báo tường thuật:
"Chỉ có màu cam của hàng ngàn củ cà rốt, được phụ nữ thôn rửa bằng nước lạnh trước khi giao bán cho thương lái, mới có thể làm tỏa sáng ngôi làng phủ sương hôm 8.1, sau khi bức tượng ông Mao Trạch Đông bị đập bỏ.
Thời đói kém “Đại nhảy vọt”, cụ bà Dương thoát chết nhờ chút rau, khoai, ngô. Ngồi cạnh đàn con cháu và chắt quanh bếp nướng ngô, khuôn mặt cụ Dương (75 tuổi) nhàu nhĩ khi kể về nạn đói tràn khắp làng, nhất là trong hai năm đầu tiên: "Vô số người chết đói ở đây. Họ chết đói khi bỏ làng lên thành phố Lạc Dương".
Cụ Dương kể trẻ con 1 tuổi chỉ nhận chút cháo ngô vào mỗi bữa ăn trưa và tối, thiếu niên 13 tuổi chỉ được phát một nửa khẩu phần này. Người lớn chỉ có một khẩu phần cháo có chút rau/ngày. Họ nhường phần cho con cái nên xác người lớn thường trương lên khi đói, da tay tróc lở.
Cụ Dương kể rằng để tăng tốc phát triển kinh tế, sản xuất thép cho công nghiệp và cho quân đội, các nông cụ và nồi đồng nấu ăn đều bị nung chảy. Cha mẹ cụ chết đói, còn một người chú của cụ phải luộc sợi dây thắt lưng để ăn.
Cha cụ phải bỏ làng lên thành phố Lạc Dương để xin khoai mỡ cho cả nhà. Không như phía đông Hồ Nam, một vùng đồng bằng sát sông Dương Tử nên dễ bị lụt và dẫn đến đói kém, Lạc Dương nằm trên vùng cao nhưng ở đó cũng rất ít khoai. Cụ Dương kể 4 năm khi cha cụ chết, một người cùng làng mới có thể đưa xác ông về.
Theo New York Times, các nhà sử học phương Tây nói rằng ít nhất 30 triệu người chết đói trên toàn TQ trong những năm ấy, khi hoạt động nông nghiệp tư nhân bị cấm hoàn toàn.
Cụ Dương (không cho biết tên gọi) nói: “Lúc đó, đất nước vừa được giải phóng và nghèo nàn, chúng tôi chỉ có chút đồng, cũng phải nộp cho cán bộ”, ý chỉ cuộc cách mạng của ông Mao Trạch Đông thành công năm 1949.
|
Cụ Dương treo ảnh ông Mao trên tượng Quan Âm và tướng Nhạc Phi
|
“Vị thần chỉ đem lại sự bất hạnh”
Nhưng sau những năm kinh hoàng ấy, cụ Dương cùng nhiều dân làng vẫn treo ảnh lớn của ông Mao trên bàn thờ của gia đình, cùng tượng Quan Âm và tướng Nhạc Phi (người Hồ Nam, sống hồi thế kỷ 12). Cụ Dương nói: “Với chúng tôi, ông Mao Trạch Đông giống như thần thánh. Ông ấy giành thế giới cho nhân dân TQ”.
Các nhà sử học giải thích rằng sự trung thành với Mao là do người dân TQ trải qua hàng chục năm được giáo dục chính trị, cùng thời kỳ khó khăn trong những năm đầu của TQ. Họ còn nói những hoài niệm về nạn đói ở Trung Hoa năm 1942 cũng tồn tại với “Nạn đói lớn”.
Nhà sử học Chu Huân của đại học Essex nói: “Trong các cuộc họp chính trị để nhắc nhớ sự cay đắng và ngọt ngào, chuyện về nạn đói thứ nhất luôn được nhắc đi nhắc lại, nhưng “Nạn đói lớn” không bao giờ được nói đến”.
Ông nói thêm: “Ông Mao được xem là một quyền lực mới, người sẽ kết thúc sự đói nghèo của nhân dân. Vì thế, Mao trở thành một vị thần mới đem lại may mắn cho họ. Thực tế là chỉ có sự bất hạnh”.
Theo New York Times, thu nhập của người dân huyện Thông Hứa nay vẫn thấp. Một gia đình kiếm được số tiền tương đương 8.400 USD/năm thì được xem là khá giả. Thương lái mua cà rốt nói giá nông sản này đã “rớt” mạnh trong hai năm qua. Nhưng cụ Dương cho biết: “Cuộc sống ngày nay vẫn tốt hơn so với thời xưa”. Dù cụ Dương tiếc nuối việc tượng ông Mao bị đập bỏ nhưng con trai của cụ, ông Vương, cho biết những người dân trong làng có những cảm xúc khác nhau: “Tôi không nghĩ mọi người ở đây đều ưa ông Mao”.
Vĩnh Thụy (theo New York Times)