TP.HCM đề xuất giá đất bằng 41% giá thị trường; Lợi nhuận “trên trời” và tương lai của condotel... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
TP.HCM đề xuất giá đất bằng 41% giá thị trường
Theo Sở TN&MT, cuối tháng 11/2019, trong góp ý khung giá đất của Chính phủ, thường trực UBND TP đã thống nhất khi ban hành bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 và hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn TP, chọn phương án xây dựng bảng giá đất bằng 41% so với giá thị trường và bằng với khung giá dự thảo của Chính phủ.
Với mức tăng này thì bảng giá các loại đất trên địa bàn của TP cũng có sự điều chỉnh tăng tương ứng. Trong đó, với nhóm đất phi nông nghiệp, theo dự thảo khung giá của Chính phủ là từ 1,5 triệu đồng/m2 đến 330.660.000 đồng/m2. Sở TN&MT cho biết căn cứ vào tình hình giá đất thị trường đã thu thập, ban chỉ đạo thống nhất xây dựng bảng giá đất từ mức tối thiểu đến mức tối đa của khung giá. Lý do, mức giá tối đa của khung giá đất là 330.660.000 đồng/m2, chỉ bằng khoảng 41% so với giá thị trường do cơ quan tư vấn thu thập (tại đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi là khoảng 800 triệu đồng/m2).
Tờ trình cũng chỉ ra khung giá đất ở một số tỉnh, TP như Long An, Bình Dương, Đồng Nai đều trên 70% giá thị trường.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi: “Bất động sản năm 2020 không thể đi xuống”
Năm 2019 được coi là một năm khó khăn của thị trường bất động sản khi các dự án bị “ách tắc, đứng hình”, nguồn cung khan hiếm, khiến cho giá nhà đất bị đẩy lên cao. Đồng thời, doanh nghiệp cũng khốn đốn vì chi phí vốn đội lên nhiều lần, lãi vay ngân hàng tăng và đặc biệt là bị mất cơ hội kinh doanh. Không ít doanh nghiệp kêu khó, kiến nghị khắp nơi, đề nghị tháo gỡ. Nếu năm 2020 khó khăn được tháo gỡ, doanh nghiệp và thị trường sẽ không còn "nản lòng".
Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ 2, ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho biết, lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Việt Nam còn quá nhiều rủi ro. Hiện nay, để triển khai một dự án, doanh nghiệp trải qua nhiều bước, tốn rất nhiều thời gian và đòi hỏi phải hoạch định kế hoạch rất dài hạn về nguồn lực, vốn chủ sở hữu.
Với những vướng mắc như hiện nay, doanh nghiệp rất khó khăn trong việc lập phương án triển khai. Có những dự án lên đến hàng ngàn tỷ đồng và do những vướng mắc về thủ tục hành chính, khiến cho quá trình thực hiện không thể theo được kế hoạch.
Lấy ví dụ cụ thể, ông Sơn cho biết, Xuân Mai đang triển khai đề án cải tạo chung cư cũ của Hà Nội, nhưng theo Nghị định 101/2015 về cải tạo chung cư cũ, để nhận được 100% sự đồng thuận của người dân ở khu chung cư cũ là điều không tưởng.
"Từ năm 2016, chúng tôi đã chuẩn bị hết các khâu triển khai, Hà Nội và một số tỉnh rất tích cực, Chính phủ và Bộ Xây dựng cũng ủng hộ, nhưng khi thực hiện, chúng tôi bị vướng về Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở... dẫn đến không thể làm như kế hoạch đề ra", ông Sơn cho biết.
Dự báo thị trường bất động sản 2020: Vùng ven bổ trợ cho nguồn cung hao hụt
Thị trường bất động sản 2019 ghi nhận thanh khoản bất động sản tại TP.HCM sụt giảm, tuy nhiên, giá nhà đất nhiều khu vực tại TP.HCM vẫn tăng do nguồn cung sụt giảm. Trong khi đó, giao dịch bất động sản nhiều khu vực lân cận TP.HCM vẫn diễn ra khá sôi động. Như tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Cần Thơ, Long An… Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn bắt đầu đầu tư vào các dự án lớn, trong đó có những khu đô thị mới đẳng cấp được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư bất động sản vùng lân cận TP.HCM năm 2020” tổ chức sáng 5/12, TS. Sử Ngọc Khương, chuyên gia đầu tư tài chính phân tích, hiện nay tốc độ hoá tại TP.HCM rất cao, dù vậy quỹ đất tại TP.HCM không hẳn đã cạn kiệt nếu nhìn về hướng Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. Tuy nhiên, những khu vực này vẫn chưa có sự phát triển của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, giá cả đất đai cũng đã tăng khá cao, vượt quá khả năng của phần lớn người dân.
Do đó, các thị trường vùng ven có quỹ đất rộng và giá cả thấp hơn nhưng đang có sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư, người mua có nhu cầu ở. Thực tế, đã có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước sở hữu quỹ đất lên đến hàng trăm hecta tại các thị trường vùng ven với dự kiến triển khai dự án trong các năm tới.
Lợi nhuận “trên trời” và tương lai của condotel
Một trong những lý do khiến bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng có lượng khách hàng đầu tư “khủng” là bởi lãi suất.
Hầu hết các dự án nghỉ dưỡng đều được chào hàng với mức cam kết chia sẻ lợi nhuận cho thuê rất hấp dẫn, từ 8 - 12% giá trị căn hộ trong 5 - 10 năm, thậm chí có dự án cam kết tới mức 14 - 15%. Sau thời gian đó, chủ căn hộ và chủ đầu tư dự án chia tỷ lệ lợi nhuận 80 - 20 từ việc khai thác dự án.
So với lãi suất ngân hàng thì con số 12% chính là “miếng bánh ngon” khiến nhiều nhà đầu tư quyết định lựa chọn xuống tiền cho condotel chứ không phải bất kỳ sản phẩm bất động sản nào khác. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, lợi nhuận cao thường đi kèm rủi ro lớn.
Bài học nhãn tiền đầu tiên phải kể đến dự án condotel của Bavico tại Nha Trang, với cam kết trả lãi cho nhà đầu tư lên đến 15% giá trị căn hộ/năm, thậm chí mua lại sản phẩm với giá cao hơn giá bán ban đầu từ 5 - 20% cùng nhiều ưu đãi khác. Tuy nhiên, thực tế, Bavico chỉ trả đúng cam kết 15% lợi nhuận cho năm đầu tiên (2015), được tính ngay trong giá trị căn hộ, đến năm thứ hai, chủ đầu tư không trả lãi đúng theo cam kết.
Hứa nhưng không thực hiện, mặt khác đây lại là công trình xây dựng trên đất quốc phòng, Bavico đã khiến không ít nhà đầu tư “ngậm trái đắng” cho khoản đầu tư vốn tưởng chừng như rất “hời” của mình.
Và mới đây nhất, dự án condotel Cocobay Đà Nẵng (CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô) cũng lăn theo “vết xe đổ” của Bavico. Chủ đầu tư Cocobay cho biết, việc kinh doanh loại hình condotel thời gian qua gặp nhiều khó khăn do tính pháp lý chưa được hoàn thiện, thủ tục tại địa phương có nhiều vướng mắc đã làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác vận hành của dự án. Do vậy, công ty này đã thông báo chấm dứt chi trả lãi suất 12%/năm từ ngày 1/1/2020 cho khách hàng đã “lỡ mua” condotel ở dự án này, bất chấp hợp đồng đã cam kết.
Đổi mới toàn diện Luật thuế bất động sản
Hiện nay, không đánh thuế vào tài sản gắn liền với đất mà mới chỉ đánh thuế sử dụng đất, trong đó thuế sử dụng đất nông nghiệp gần như đã bãi bỏ hoàn toàn và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ thu ở mức thấp với thuế suất cơ bản 0,03% giá trị đất đai theo bảng giá của nhà nước (tại các nước công nghiệp tỷ suất thuế cơ bản thường từ 1-1,5% giá trị thị trường).
Đối với thuế về chuyển quyền bất động sản, Việt Nam đã chuyển sang thuế thu nhập từ chuyển quyền nhưng trên thực tế vẫn thu theo thuế chuyển quyền ở mức 2% giá trị chuyển quyền tính theo bảng giá của nhà nước. Các sắc thuế về bất động sản như vậy chỉ tạo nên khoảng 8% tổng thu từ đất, khoảng 0,8% tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 1,6% tổng thu ngân sách địa phương.
Mọi ý nghĩa của thuế bất động sản đều không đạt được, kể cả tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước cho đến các chức năng điều tiết thị trường bất động sản như đầu cơ, sốt giá…
Theo kinh nghiệm của các nước công nghiệp, thuế sử dụng đất chiếm tỷ trọng rất cao trong nguồn thu ngân sách địa phương và là nguồn lực chính để phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng và phải thu ở mức khá cao. Ngược lại, thuế về chuyển quyền bất động sản lại phải thu ở mức thấp phù hợp để khuyến khích các giao dịch chính thức.
Hà Linh - Theo RealTimes