Một năm trước, thời điểm đại dịch hoành hành trên toàn cầu, người tiêu dùng hoảng hoạn tích trữ hàng hóa vì nỗi lo phong tỏa. Hôm nay, khi các nền kinh tế đang trên đà phục hồi, tới lượt các doanh nghiệp tích trữ nguyên liệu sản xuất.
Các nhà sản xuất, từ đệm cho đến ô tô…, đang mua nguyên liệu nhiều hơn mức họ cần để đối phó với tốc độ tăng giá chóng mặt của đủ các loại hàng hóa. Hoạt động tích trữ của doanh nghiệp đẩy chuỗi cung ứng, vốn chưa "hoàn hồn" sau đại dịch, bước sang một giai đoạn khủng hoảng mới. Tình trạng thiếu hụt, tắc nghẽn giao thông và giá cả tăng vọt đang dần đạt tới mức kỷ lục thời gian gần đây. Nó làm dấy lên những lo ngại cho nền kinh tế toàn cầu.
Đồng, quặng sắt, sắt thành phẩm; Ngô, cà phê, lúa mì và đậu nành; gỗ xẻ, chất bán dẫn, nhựa và bìa cứng để đóng gói đều tăng giá điên cuồng. Tình trạng thiếu hụt đang bao trùm khắp nơi và khách hàng cố gắng mua mọi thứ họ có thể vì nhu cầu đang rất cao. Tình trạng này được một số người dự báo có thể kéo dài sang cả năm sau.
Sự khác biệt trong cuộc khủng hoảng của năm 2021 với những lần gián đoạn nguồn cung trong quá khứ nằm ở mức độ của nó, đặc biệt là chưa nhìn thấy điểm kết thúc. Dù là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ đều chịu tác động. Tình trạng sản lượng sụt giảm do thiếu nguyên liệu đang trở nên phổ biến ở rất nhiều ngành nghề.
Mọi nguyên liệu đều đang tăng giá mạnh trên quy mô toàn cầu.
Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi các thảm họa với chuỗi cung ứng ngày càng bất thường và kéo dài, làm rung chuyển ngành vận tải hàng hóa. Một tai nạn kinh hoàng trên kênh đào Suez là ví dụ. Nó làm tắc nghẽn huyết mạch hàng hải của thế giới trong nhiều ngày trước khi được giải cứu.
Hạn hán thì tàn phá các loại cây nông nghiệp. Một đợt băng giá sâu và kéo dài đã quét sạch các hoạt động năng lượng và hóa dầu ở miền trung nước Mỹ trong tháng 2. Cách đây chưa lâu, tin tặc đã đánh sập đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất ở Mỹ, khiến giá xăng lần đầu vượt trên 3 USD/gallon kể từ năm 2014. Đại dịch Covid-19 bùng phát ở Ấn Độ thì đe dọa hoạt động của những cảng biển lớn nhất ở nước này.
Bất cứ ai nghĩ rằng mọi việc sẽ kết thúc sau vài tháng nữa, hãy nhìn vào bộ chỉ số hơi lạ tai của Mỹ được gọi Chỉ số Các nhà quản lý hậu cần. Công cụ đo lường này được xây dựng dựa trên một cuộc khảo sát hàng tháng với lãnh đạo các công ty cung ứng về số hàng tồn kho, lượng hàng vận chuyển và chi phí kho hàng và so sánh chúng với cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí vận tải tăng cao.
Chỉ số hiện tại đang ở mức cao thứ 2 so với kỷ lục được xác lập năm 2016 và triển vọng giảm xuống trong 12 tháng tới là rất thấp. Trong quá khứ, chỉ số này được chứng minh là chính xác đến đáng kinh ngạc.
Đối với Zac Rogers, người giúp xây dựng bộ chỉ số này với tư cách là Trợ lý giáo sư tại Đại học Colorado, những con số phản ánh thay đổi về mô hình. Trong quá khứ, cả 3 lĩnh vực của Chỉ số Các nhà quản lý hậu cần đều được tối ưu hóa để chi phí thấp và độ tin cậy cao. Ngày nay, với nhu cầu thương mại điện tử tăng cao, nhà kho đã chuyển từ các vùng ngoại ô giá rẻ tới những khu đô thị giá cao để gần người tiêu dùng hơn.
Từng được coi là "nợ phải trả" trước đại dịch, hàng tồn kho giờ đây lại đang trở thành món hời lớn khi tình trạng thiếu hụt bao trùm. Chi phí vận tải thì dễ biến động hơn 2 yếu tố còn lại và chưa có dấu hiệu cho thấy nó sẽ không tăng lên khi nhu cầu vận tải hàng hóa gia tăng.
"Về cơ bản, những con số cho chúng ta biết là việc tìm ra nguồn cung để thỏa mãn được nhu cầu là khó. Do đó, chúng ta có thể sẽ chứng kiến một số đợt tăng giá trong 12 tháng tiếp theo", Rogers nhận định.
Rổ chỉ số hàng hóa giao ngay chạm mức cao nhất kể từ năm 2011.
Các hàn thử biểu phổ biến hơn cũng đang phản ánh chi phí cao hơn mà các hộ gia đình và doanh nghiệp phải trả. CPI của Mỹ không bao gồm nhiên liệu và thực phẩm đã tăng vọt trong tháng 4 so với mức cao nhất từng được ghi nhận vào năm 1982. Mọi chi phí được đẩy lên vai người tiêu dùng.
Ngày càng có nhiều nhà quan sát cảnh báo rằng lạm phát chắc chắn sẽ tăng nhanh. Mối đe dọa đã đủ để gây chấn động tới các chính phủ, ngân hàng trung ương, nhà máy và siêu thị trên toàn thế giới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang đối mặt với những câu hỏi về việc khi nào họ sẽ tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát. Chúng cũng tạo ra những rủi ro chính trị, đủ làm đảo lộn mọi kế hoạch chi tiêu của Tổng thống Joe Biden.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách có những lý do để tin rằng lạm phát sẽ không vượt ngoài tầm kiểm soát. Một số quan chức FED nói rằng cần kiên định vượt qua sự tăng giá nhất thời hiện nay. Một trong những lý do chính là việc giá tăng mạnh trong thời gian gần đây là vì nó được so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm giá cả sụt giảm khi các nền kinh tế thực hiện phong tỏa do Covid-19 hoành hành.
Dẫu vậy, cuộc khủng hoảng thiếu là điều không thể chối cãi. Từ lương thực, nguyên liệu sản xuất tới những con chip bán dẫn đều đang trong tình trạng khan hàng. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi tích trữ là điều mọi doanh nghiệp sẽ làm.
Linh Anh - Theo Trí thức trẻ